Năm 2019 vừa qua là một năm quan trọng cho environmentalism và hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt với nhà hoạt động khí hậu (climate activist) 16 tuổi Greta Thunberg và phong trào Extinction Rebellion. Greta Thunberg cũng được đề cử Nobel Hòa Bình, và được chọn là Nhân vật của năm của tờ Time.

Biến đổi khí hậu đã là vấn đề hàng chục năm nay, nhưng thời gian gần đây, càng trở nên nghiêm trọng vì hậu quả trở thành quá rõ và không còn có thể chối cãi. Ngôn ngữ dùng cho vấn đề khí hậu cũng thay đổi – từ global warming đổi thành climate change, và bây giờ là climate crisis (khủng hoảng khí hậu).

Các tổ chức quốc tế và các quốc gia ở khắp nơi đều phải có những chính sách đối phó với khủng hoảng khí hậu, để giảm lượng khí thải carbon, giảm rác thải và plastic, v.v…

Riêng giới trẻ ở Anh tham gia bảo vệ môi trường thế nào?

Chống plastic 

Ở Anh, bao plastic bị tăng giá để khuyến khích sử dụng loại bao khác, và các siêu thị, cửa hàng, quán cà phê… cùng hạn chế sử dụng plastic, thay bao plastic bằng bao giấy hoặc bao vải, thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy, v.v…

Ở góc độ cá nhân, mọi người ở đây góp phần bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế dùng đồ nhựa, đặc biệt đồ nhựa không thể tái chế như bao hoặc ống hút, mang theo chai nước, cốc, hoặc đồ đựng thức ăn thay vì dùng đồ dùng một lần, mang theo túi vải/ túi cotton khi đi chợ, không dùng ống hút hoặc thay bằng ống hút giấy hay ống hút thép không gỉ, thay đồ nhựa bằng sản phẩm tự nhiên, chuyển sang dùng xà phòng dạng cục và xà phòng gội đầu thay cho xà phòng và dầu gội đầu trong chai nhựa, v.v…

Chống plastic. nguồn: ctsprimary.org.uk/

Tái chế, và chống phung phí

Ngoài chuyện cắt giảm sử dụng plastic, cách khác là tái chế.

Ở góc độ chính sách, đây là một trong những khía cạnh tôi cho rằng Anh không bằng Na Uy. Ở Na Uy, ở đâu cũng có các loại thùng rác khác nhau, và ở nhà, người dân được cho miễn phí hai loại bao khác nhau, bao xanh lá cây và bao xanh dương, để phân loại rác – xanh lá cây cho thức ăn, xanh dương cho plastic. Na Uy cũng có chính sách đổi chai soda (rỗng) lấy tiền, và khắp nơi có chỗ charge cho xe hơi điện (electric car).

Ở Anh, không phải ở đâu cũng có phân loại rác, không có nhiều chính sách để khuyến khích tái chế, trừ chuyện tăng giá bao plastic, và khắp nơi vẫn là xe chạy bằng xăng là chính.

Với giới trẻ quan tâm đến vấn đề môi trường, ngoài cách tái chế và hạn chế sử dụng đồ nhựa, còn hạn chế phung phí, như ít mua sắm, mua ở cửa hàng từ thiện hoặc tái chế quần áo, vì công đoạn sản xuất hàng loại quần áo mới mỗi năm cũng gây hại cho môi trường.

Riêng ở trường film của tôi, mọi người cũng kêu gọi theo green filmmaking – hạn chế gây hại cho môi trường trong khi làm film, bằng cách không sử dụng đồ nhựa và đồ dùng một lần, không phung phí, không xả rác, v.v…

Ăn chay hoặc thuần chay

Một số lượng lớn đám trước đây cùng lớp của tôi cũng ăn chay (vegetarian) hoặc thuần chay (vegan).

Họ bỏ ăn thịt, và chống ăn thịt, vừa vì quyền động vật, vừa vì cho rằng bỏ ăn thịt sẽ tốt hơn cho trái đất.

Flight shame

Flight shame là một khái niệm gần đây, có từ Thụy Ðiển, khá khó dịch, nhưng đại khái là một phong trào ở Châu Âu để khiến mọi người nghĩ lại thói quen dùng máy bay, vì lượng khí thải carbon, và thay bằng phương tiện khác, chẳng hạn như xe lửa.

Riêng Greta Thunberg trong năm 2019 đi từ Thụy Ðiển sang Mỹ bằng thuyền (yacht) thay vì đi máy bay.

Tham gia hoạt động môi trường

Hoạt động môi trường ở Châu Âu thường có hai cách chính: biểu tình, và hoạt động online.

Hoạt động online (online activism) cho môi trường không khác các dạng activism khác: chia sẻ bài viết, nói và “giáo huấn” về khủng hoảng khí hậu, thuyết phục những người không tin biến đổi khí hậu, kêu gọi cắt giảm plastic và phung phí, kêu gọi chuyển sang ăn chay hoặc thuần chay, v.v…

Dù thích hay không, Greta Thunberg vẫn là gương mặt đại diện cho giới trẻ tham gia bảo vệ môi trường, và cũng khiến nhiều người, đặc biệt giới trẻ, quan tâm hơn đến khủng hoảng khí hậu.

Nhưng giới trẻ có quan tâm đến vấn đề môi trường không chỉ viết suông trên mạng, mà còn hoạt động bằng những cách khác, như tham gia lượm rác, đi biểu tình, v.v…

Biểu tình ở Trafalgar – Anh.

Extinction Rebellion

Extinction Rebellion (Nổi loạn tuyệt chủng) là một phong trào môi trường toàn cầu, xuất phát ở Anh năm 2018.

Extinction Rebellion sử dụng hình thức bất tuân dân sự bất bạo động, gây gián đoạn, ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của mọi người và ảnh hưởng đến business, với mục đích ép chính phủ công nhận khủng hoảng khí hậu và ra chính sách cụ thể để bảo vệ môi trường, ngăn chặn sụp đổ hệ sinh thái và hàng loạt giống loài bị tuyệt chủng.

Một mục tiêu khác của Extinction Rebellion cũng là gây chú ý, khiến mọi người phải nghe tới biến đổi khí hậu.

Lời chỉ trích với phong trào khí hậu

Phong trào bảo vệ môi trường, đặc biệt của giới trẻ, nhận nhiều lời chỉ trích, như ngây thơ, lý tưởng, đạo đức giả – chẳng hạn, nói tới ô nhiễm môi trường và khí thải carbon và chỉ trích Anh, Mỹ nhưng không dám nhắc tới những quốc gia thải carbon hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Ðộ, hay Nga. Nhiều người trẻ cũng bị xem là ngây thơ khi ngưng dùng ống hút, trong khi có nhiều thứ khác gây hại hơn gấp nhiều lần với môi trường, hoặc flight shame, trong khi cái nên chỉ trích chỉ là máy bay riêng (private jet) và người ta vẫn cần máy bay vì rất nhiều lý do.

Greta Thunberg, gương mặt đại diện của giới trẻ và phong trào môi trường, bị kêu là con rối, bị người lớn lợi dụng, và bị chỉ trích là đạo đức giả. Khi Greta Thunberg đi thuyền từ Thụy Ðiển sang Mỹ, báo chỉ đưa tin, thật ra đoàn của Thunberg sau đó phải bay sang Mỹ để đem cái thuyền về, cuối cùng cũng hại cho môi trường1. Gần đây, khi Thunberg đưa hình ngồi trên sàn trên xe lửa đi ngang Ðức, báo chí khui ra rằng thật ra Thunberg có vé cho ghế hạng nhất, chỉ ngồi trên sàn để làm màu2.

Bản thân Extinction Rebellion cũng không phải được mọi người ủng hộ, vì không hiệu quả, chiếm đường, gây gián đoạn và kẹt xe, làm khó khăn cho những người bình thường chỉ muốn đi làm kiếm sống… Trong năm 2019 chẳng hạn, người biểu tình gây loạn trên métro ở Anh3, và sau đó Extinction Rebellion phải xin lỗi4, đặc biệt vì phương tiện giao thông công cộng không phải là vấn đề, mà là một trong những giải pháp cho vấn đề môi trường.

Nói chung, các hoạt động môi trường, như mọi thứ khác, có hai mặt. Những người tham gia và tự nhận mình là nhà hoạt động khí hậu, có thể tham gia vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có thể có một số chỉ muốn ra vẻ mình tốt đẹp hơn, có đạo đức hơn người khác, hoặc chạy theo phong trào. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bạn trẻ thật sự có lý tưởng, và thật sự muốn bảo vệ trái đất và hệ sinh thái, và dù mỗi người chỉ có thể góp phần nhỏ, họ cũng làm hết sức mình để hạn chế gây hại môi trường, và khiến nhiều người khác biết và quan tâm đến khủng hoảng khí hậu.

DN