Ngày xa xưa từ những nơi quyền quý, người Âu Châu đã xếp / cuộn khăn ăn bằng vải rất kiểu cọ sao cho thật đẹp mắt để trưng bày tại bàn ăn / yến tiệc nên khi nói rằng việc xếp vải là nguồn gốc của việc xếp giấy hay “origami” sau này thì nghe cũng hợp lý? Xếp giấy chỉ xuất hiện sau khi con người chế biến ra giấy để dùng; như thế có thể là nghệ thuật xếp giấy khởi đầu từ bên Tàu?

Ông quan Ts’ai Lun, được nhìn nhận là sư tổ của nghề làm giấy từ năm 105. Ông ấy dùng vỏ cây dâu, vải cũ, lưới cá… những chất sợi để chế tạo giấy để ghi chép thay cho tơ lụa. Từ đó, cách làm giấy được truyền bá sang Âu Châu qua đường tơ lụa, vùng Trung Á, Samarkan rồi đến Baghdad vào năm 793 và tiếp tục lan tỏa về phương Tây.

Ở phương Ðông, qua các tu sĩ Phật giáo, nghề làm giấy được truyền sang Triều Tiên vào năm 610, rồi Nhật Bản. Dù người Nhật đã chế biến cách làm giấy khá nhiều, tạo ra các loại giấy mỏng hơn, mịn hơn và đẹp mắt hơn nhưng mãi đến thế kỷ XV nghệ thuật origami mới được sách vở nhắc đến qua bài thơ của nhà thơ, nhà văn Ihara Saikaku về một con bướm xếp bằng giấy. Tạm hiểu là đến năm ấy, năm 1680, thì nghệ thuật xếp giấy đã thấm đậm và thịnh hành tại Nhật Bản. Năm 1797, những cuốn sách dạy xếp giấy ra đời, nổi tiếng nhất là cuốn Senbazuru orikata của Akisato Rito, chỉ dẫn cách xếp con hạc bằng một miếng giấy vuông.

Nhà giáo dục Ðức Friedrich Froebel (sinh năm 1782, mất năm 1852), người đã khởi đầu việc thành lập vườn trẻ, là một tay xếp giấy nổi tiếng. Nhận ra các lợi ích của việc xếp giấy, ông ấy đã đưa nghệ thuật này vào trường học và quảng bá khắp nơi. Ba loại xếp giấy do ông Friedrich Froebel khởi xướng có tên “Folds of Life” (sơ đẳng), “Folds of Truth” (nguyên tắc căn bản của hình học) và “Folds of Beauty” (kiểu xếp phức tạp dựa trên hình vuông, hình lục giác và bát giác). Nổi tiếng nhất là ngôi sao Froebel trưng bày trong dịp Giáng Sinh. Vào khoảng năm 1880, những sáng kiến của ông Froebel, Froebelian folds, lan truyền sang Nhật Bản, được đưa vào trường học địa phương và từ đó, tên gọi ‘origami’ ra đời. Akira Yoshizawa (1911–2005) là nhà xếp giấy bậc thầy nổi tiếng nhất của Nhật Bản và cũng là người sáng tác nhiều kiểu xếp giấy truyền đạt cảm hứng cho người đời sau. Năm 1995, các tác phẩm của ông được triển lãm tại Amsterdam.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Sau Thế Chiến II, origami trở nên thịnh hành tại vùng Bắc Mỹ, Lillian Oppenheimer đã giới thiệu nghệ thuật xếp giấy tại Huê Kỳ. Bà ấy đã thành lập the Origami Center of America tại New York và để quảng bá ngành nghệ thuật ấy. Các tổ chức origami khác cũng đã ra đời tại nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là Nhật Bản, Japan Origami Academic Society là nơi ra đời của nhiều cách xếp giấy mới mẻ nhất của những năm gần đây.

Origami được xếp loại theo số giấy sử dụng: 1) một tờ giấy; 2) nhiều tờ giấy được xếp cùng kiểu mẫu ghép lại với nhau, modular origami; và 3) nhiều tờ giấy xếp theo nhiều kiểu mẫu khác nhau ghép chung, composite origami.

Ðến thập niên 80 của thế kỷ trước thì origami hóa thân, từ nghệ thuật sáng tạo, sắp xếp mảnh giấy, origami trở thành tâm điểm của các cuộc nghiên cứu khoa học; các phép toán học, lượng giác, vật lý và cả điện toán. Một số chuyên viên như Robert Lang, John Montroll đã lập ra các thảo chương (program) như TreeMaker chỉ dẫn cách xếp giấy và ReferenceFinder giúp người dùng xếp giấy nhanh hơn, dễ dàng hơn.

Chưa hết, origami thu hút cả những nhà vật lý không gian, astrophysicist; nổi tiếng nhất là ông Koryo Miura, người đã chế tạo kiểu mẫu mang tên ông ấy “Miura-ori”, cách xếp những khối đồng dạng khít bên nhau để tạo một cấu trúc; chỉ cần một cử động là cấu trúc ấy xẹp lép như mặt phẳng, mất hết hình thể [sắp xếp] ban đầu. Kiểu mẫu này được áp dụng vào việc sắp xếp các tấm thu nhiệt mặt trời (solar panel) cho phi thuyền không gian và được Japan’s Space Flyer Unit sử dụng năm 1995.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Ngoài khoa học không gian, các chuyên gia khác tiếp tục áp dụng kiểu mẫu Miura-ori vào các chương trình phát minh khác. Những nếp gấp biến mảnh giấy mỏng manh  thành một vật thể có hình dạng và cứng cáp, căn bản của loại vật liệu [có thể] thay đổi hình dạng; loại vật liệu không tùy thuộc vào thể chất mà tùy thuộc vào cấu trúc.
Hai nhà vật lý học Arthur Evans và Michael Assis đang nghiên cứu về kiểu mẫu Miura-ori, họ so sánh hệ thống kết nối giữa cục đá [lạnh] và vật thể chế tạo theo kiểu Miura-ori. Các tinh thể của cục đá kết nối bằng hóa chất (hydrogen bonds) trong khi các cấu trúc của vật thể Miura-ori kết nối bằng các nếp gấp. Cục đá chảy thành nước khi nhiệt độ lên cao trong khi vật thể Miura-ori tan rã khi một hoặc nhiều nếp gấp bị hư hại. Khái niệm này rất quan trọng trong ngành chế tạo vật liệu.

Theo các nhà toán học, một vật thể [chế tạo] theo kiểu mẫu Miura-ori có tính “negative Poisson’s ratio”; khi bị ép chặt từ hai bên hông, hai đầu của vật thể này sẽ co thắt lại; khác hẳn với các vật thể khác tỷ như trái chuối, khi bị bóp chặt, “thịt” của trái chuối ấy sẽ lòi ra ở phần đầu và đuôi!

Lập thuyết kể trên đang được áp dụng vào việc chế tạo những vật thể hình ống, hình cong và một số các cấu trúc khác; các cấu trúc “rỗng” nên nhẹ mà vẫn cứng cáp, chịu được sức nặng đáng kể. Những phát huy từ kiểu mẫu Miura-ori được dùng trong kỹ nghệ chế tạo người máy, kỹ nghệ không gian và kiến trúc. Có lẽ rất thích hợp với các kiến trúc Nhật Bản xây cất tại những vùng thường chịu động đất; các tòa nhà nhẹ, có thể “co thắt” nhưng cứng cáp, khó đổ vỡ?! Riêng kỹ nghệ thiết kế thời trang, họ đã dùng kiểu Miura-ori trên quần áo và khăn quàng.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Ðọc mấy bài nghiên cứu của các nhà khoa học kể trên mà Dế Mèn lè lưỡi, tâm phục khẩu phục. Quà tặng của đất trời ban cho bộ óc con người quả là vô tận. Từ một mảnh giấy mỏng ẻo lả, chỉ cần sắp xếp với vài mươi nếp gấp mà ta có con thiên nga, cái hộp… rồi đến những vật thể cứng cáp hữu ích như bảng thu nhiệt, nhà cửa… Hóa ra nghệ thuật và khoa học không phải [là] hai [ngả khác biệt] mà có thể là một tùy theo đôi mắt và bộ óc của người nhìn ngắm!?

TLL