Câu chuyện về giày dép lại nóng hôi hổi khi bạn bè Dế Mèn bàn cãi rầm rộ về giày cũ, giày mới, vật liệu “thiệt” và “dỏm” … Mỗi người góp mấy câu về kinh nghiệm chọn giày dép của mình. Nghe không kỹ, chuyện giày dép lại khiến phe ta ngẫm nghĩ về việc chọn… bạn đường dài!?

nguồn: us.jimmychoo.com/en/women/shoes 

Có đôi giày mới keng bị chê, da [trâu?] cứng [chưa quen?] nên không êm chân. Hình như lúc mua thì chủ nhân quên xỏ chân mà thử? Hoặc giả lúc mua thì hai bàn chân chưa “nở” ra như bây giờ, khi cần dùng mới nhận ra giày không êm? Làm thế nào để đôi giày mới dễ chịu hơn? Dùng dầu ăn thoa cho mềm? Dùng vật dụng căng kéo để “nong” đôi giày cho rộng? Mua đôi giày bộn bạc mà không dùng được thì tiếc quá! Ðầu tư bao nhiêu sức lực thời gian mà chọn lầm người?

Có đôi giày kia mua từ liên mạng nên khi hàng về thì ta khám phá ra rằng đôi giày chiếc to chiếc nhỏ, hai chiếc giày không bằng nhau nên khi xỏ chân thì không vừa vặn. Tức là người ta bán một đôi giày dành riêng cho người chân to, chân nhỏ hoặc giả đôi giày đã bị người có đôi bàn chân không tương xứng đổi một chiếc nên đôi giày mới ‘khập khiễng’ như thế? Và đôi giày không tương xứng đã được cẩn thận dán nhãn, đề tên “bị hư” để rồi khuân đi gửi trả lại. Không biết người bán có đánh bài lờ rồi tiếp tục gửi bán cho kẻ khác, lòng vòng như thế cho đến khi gặp kẻ mua lười biếng, nhận món hàng không dùng được thì vứt đi luôn, khỏi mất công trả lại lôi thôi!?

Xem thêm:   Chuyện rau cỏ

“Bị hư” là không hoàn hảo, cần sửa chữa thay đổi cho hết… hư hoặc “bình thường” như trước? Vật bị hư hỏng đã được sửa chữa thì nên gọi là gì cho rõ ràng? “Ðã sửa chữa” để người mua biết là vật dụng không hoàn hảo nhưng vẫn có thể dùng được? Hay cứ đánh bài lờ mà dán nhãn mới như những vật dụng còn nguyên vẹn? Nhất là khi treo bảng giá bóng loáng của hãng sản xuất tên tuổi nào đó để bán được giá hơn? Thí dụ, nhãn hiệu Jimmy Choo chẳng hạn, da dê da bò chi giá cũng sương sương vài ông [tổng thống] Cleveland?

Người yêu bảng giá rinh về để ngó mà lâng lâng sung sướng với cảm giác giàu có, ta xài sang, xài “hàng hiệu”? Ði đôi giày “xịn” thì làng xóm phải biết mà khen là ta sang giàu, ai ngó mà hổng biết thì ta phải nói cho rõ là Jimmy Choo đó nhen để họ còn le lưỡi à há thán phục.

Giày Jimmy Choo. nguồn: lifestyleasia.com

Giả dụ như thế thì đôi giày kia mang cái vỏ rực rỡ, còn ruột bên trong vẫn là đôi giày “bị hư”, nhưng người buôn bán tử tế, có sao nói vậy. Và bán đôi giày da (thiệt) bị hư với giá rẻ rề?

Khi gặp được người đặc biệt có đôi chân to nhỏ tương xứng với đôi giày “bị hư” kia thì khách hàng sẽ hoan hỷ lắm lắm? Nồi nào vung ấy. Giày da lúc nào cũng vẫn là da, không trở thành nhựa cứng ngắc theo thời gian hoặc thời tiết, nên người chân to chân nhỏ vừa với đôi giày sẽ rất hài lòng. Ðôi chân ta [tự nó] không tương xứng được đôi giày da thiệt lại rẻ tiền thì còn gì bằng? Ðâu mấy khi ra chợ mà mua được đôi giày chiếc lớn chiếc nhỏ? Thường là phải thuê thợ đóng giày theo kích thước ấy chứ?

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Có đôi giày mà ông A chê lại được cô B khen và đòi mua. Vậy mà ông A còn gọi người bán để đòi trả giày mà lấy lại tiền, sao không gán quách cho cô B đôi giày kia nhỉ? Biết đâu cô ấy sẽ “hạp” với đôi giày mà ông A không ưng? Bá nhân bá tánh, năm người mười ý, chắc chi món hàng bị chê [bởi một vài người] đã là món hàng “dỏm”?

Hình dạng, kiểu dáng đôi giày đã nhiêu khê như thế còn chất liệu thì sao? Giày da so với giày “nhựa” (“man-made” leather) hẳn một trời một vực? Không đâu bạn ạ, lúc còn mới thì món nào cũng mềm mại, êm chân nhưng qua thời gian thì sự thay đổi mới rõ ràng. Giày da vẫn mềm dù đã cũ nhưng giày nhựa thì cứng ngắc, những nếp gấp co quắp. ‘Thiệt’ và ‘giả’ rành rành. Nhưng phải chờ thời gian mới nhận ra chứ nếu ta là người đổi giày như thay áo, đôi giày nào cũng chỉ dùng vài ba tháng rồi vứt bỏ thì giày da hay giày nhựa cũng như nhau?

Ta là người “thủy chung” với món đồ dùng vừa ý? Cứ dùng hoài một đôi giày êm chân đã cũ? Vì sao thế nhỉ? Ði giày mới mà hai bàn chân co quắp khó chịu so với đôi giày cũ đã mòn đã rách nhưng thoải mái quá trời? Người bên cạnh đã vứt vào thùng rác mà ta lại moi rác đem về dùng lại. Mòn gót thì thay gót khác, sửa chữa để tiếp tục sử dụng?  Giày há mõm thì đục lỗ xỏ chỉ khâu lại che ngón chân… lộ thiên. Ngưu Lang thời nay nhất định vá giày như ngày nào Chức Nữ nối tơ vá áo? Nghĩa là sự đổ vỡ rách nát nào cũng chưng ra một cơ hội để kết nối hàn gắn lại. Miễn là hạnh phúc (tả tơi) là điều quen thuộc gần gũi với ta?

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Nếu phải sắm một đôi giày mới thì ta biết làm sao? Có thể nào ta “luyện” được đôi giày mới thành mềm mại quen chân chăng? Cứ tiếp tục dùng, mỗi ngày mỗt ít, quen sương nắng sẽ trở thành giày cũ? Ðôi giày da (thiệt) lúc mua là mới nhưng sẽ trở thành cũ và da sẽ mềm, sẽ dễ chịu nhưng lỡ mua phải đôi giày da giả thì đành chịu thua?

TLL