Danh từ “Recession” được sách vở / báo chí Việt gọi là “suy trầm” trong khi chữ “Great Depression” được gọi là “Khủng hoảng kinh tế”.

Chờ lấy thực phẩm ngày 9/4 tại Ngân Hàng Thực Phẩm San Antonio do dịch Covid-19 bùng phát. nguồn: motherjones.com 

Trận Khủng hoảng kinh tế trong đầu thế kỷ trước được sách vở mô tả khá kỹ lưỡng và đầy đủ chi tiết – từ nạn thất nghiệp đến tình trạng túng thiếu, đói khát, bệnh tật của phần lớn cư dân Huê Kỳ. Thủa ấy hình như các nhà kinh tế / xã hội cũng băn khoăn, áy náy [như thời nay] nên đã tránh né mấy chữ như “crisis” hoặc “panic” để mô tả thảm họa của trận sụp đổ tài chánh và dùng chữ “Depression”.
Biến cố kinh tế năm 1873 đã được gọi là “the Great Depression” cho đến khi trận suy trầm năm 1929 xảy ra, và chính trận suy trầm này (1929) được sách vở đề cập đến như “the Great Depression” tiếp tục cho đến ngày nay. Dù không còn được gọi là “the Great Depression”, trận suy trầm kinh tế năm 1873 được xem là biến cố kinh tế có ảnh hưởng nặng nề nhất từ trước đến nay. Trận suy trầm này khởi đầu từ sự sụp đổ của Jay Cooke & Company, một ngân hàng lớn. Biến cố ấy kéo theo sự sụp đổ của các ngân hàng khác khắp lãnh thổ Huê Kỳ và cái bong bóng cổ phần của ngành hỏa xa bể tan nát (từa tựa như cái bong bóng địa ốc năm 2008?). Năm ấy, the New York Stock Exchange đã đóng cửa suốt 10 ngày sau đó. Trận suy trầm 1873 kéo dài mãi đến năm 1877.

Gần đây, khi trải qua một vài biến cố về kinh tế, thay vì gọi tên “Depression” vì danh tự ấy đã mang lại các hình ảnh [đói và khổ] ghê sợ quá nên một lần nữa người ta lại tránh né và “chế” ra một danh từ mới, dễ nghe hơn (?) và chữ “recession” ra đời, như trận “suy trầm” trong những năm 2008-2009 và mới nhất là việc kinh tế “ngất ngư” vì bão Covid-19. Cả hai biến cố kinh tế kể trên đều được báo chí Huê Kỳ và thế giới gọi là “recession” hay “suy trầm”.

Trận suy trầm 2007-2009 (“Great Recession”) có khá nhiều điểm tương đồng với trận khủng hoảng [kinh tế] trong đầu thế kỷ trước: cũng xảy ra cơn sụp đổ về tài chánh, nạn thất nghiệp tăng cao [trên mức trung bình nhiều lần] và sự xuống dốc về trị giá của sản phẩm cũng như dịch vụ.

Theo định nghĩa của tổ chức the Business Cycle Dating Committee of the National Bureau of Economic Research (NBER), sự suy trầm kinh tế xảy ra khi GDP sút giảm liên tục trong hai tam cá nguyệt (quý). Tổ chức này sử dụng nhiều yếu tố [tài chánh] khác để thẩm định và đánh dấu mức khởi đầu và chấm dứt của cơn suy trầm kinh tế.
Dấu hiệu của suy trầm thường bao gồm sự giảm sút về sản xuất, mức buôn bán giữa các công ty mua bán sỉ / lẻ, và kỹ nghệ sản xuất.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Dựa trên “lịch sử” từ năm 1857, các cuộc suy trầm kinh tế thường kéo dài trung bình là 17.5 tháng: biến cố 1873 đã kéo dài suốt 65 tháng và trận Khủng Hoảng kinh tế 1929 đã kéo dài khoảng 43 tháng. Tuy nhiên, từ thời Tổng thống Buchanan (1857-1861), suy trầm kinh tế đã bớt trầm trọng và ngắn hạn hơn nhất là sau Thế Chiến II, suy trầm kinh tế chỉ kéo dài trung bình khoảng 11 tháng. Trận suy trầm gần đây nhất bắt đầu từ tháng Mười Hai năm 2007 và kéo dài đến tháng Sáu, 2009, một giai đoạn 18 tháng.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thu ngắn trận suy trầm là vai trò của chính phủ, qua the Federal Deposit Insurance Corporation, đã đứng ra bảo đảm trị giá của các trương mục khi kỹ nghệ ngân hàng sập tiệm, khách hàng không mất trắng số tiền ký thác. Ngoài ra, Ngân Khố Liên Bang (the Federal Reserve) đã điều hành lượng tiền tệ lưu hành mỗi ngày một hiệu quả hơn.

Đại khủng hoảng tháng 2 năm 1931. nguồn: pbs

Những dấu hiệu nào cho thấy một cuộc suy trầm sắp xảy ra?
Mức “tin cậy” của người tiêu thụ (“consumer confidence” index) vào xã hội xem ra là một “chỉ số” quan trọng nhất về kinh tế (“economic indicator”), nền tảng của kinh tế dựa trên lòng tin của cư dân. Nói giản dị, nếu tin tưởng vào sự ổn định xã hội, cư dân sẽ tiêu xài, để dành và hoạch định tương lai; người đi làm tiếp tục công việc, kẻ buôn bán tiếp tục làm ăn, trẻ em đi học tiếp tục việc học hành. Ðồng tiền do đó luân lưu và tạo nên sự phú cường của xã hội, chỉ số “tiêu thụ” do đó, là một dữ kiện quan trọng của GDP.

Trị giá cổ phần, mức thất nghiệp của nhân công, mức sản xuất từ hãng xưởng… là những chỉ số khác báo hiệu các biến chuyển về kinh tế.
“Inverted yield curve”* được xem là một dấu hiệu báo tin trận suy trầm sẽ xảy ra. Khi lãi suất của công khố phiếu ngắn hạn như “three-month Treasury bill” (“T-bill”, “T-bond” hoặc “T-note” đều là công khố phiếu) cao hơn lãi suất của loại công khố phiếu dài hạn (10-year Treasury bond) ta có một “Inverted yield curve”. “Yield curve” của tài chánh Huê Kỳ đã lật ngược [nhiều lần] và báo trước mỗi cuộc suy trầm xảy ra trên đất nước này.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Gần đây, “yield curve” đã lật ngược mấy lần trong hai năm 2019 và 2020: Tháng Ba năm nay, “three-month T-bill” cho 0.13% lãi suất, và “10-year T-note” cho 0.10%. Chính phủ Huê Kỳ, qua cơ quan Ngân Khố Liên Bang, ấn định ra mức lãi suất của công khố phiếu, mua và bán công khố phiếu là một trong những phương cách nhà cầm quyền sử dụng để phát triển hoặc ổn định kinh tế.

Nhiệm vụ chính của bộ Tài Chánh / Ngân Khố (gọi chung là “the Fed”) là duy trì sự cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế và tiết giảm mức lạm phát. Ðể tiết giảm lạm phát, the Fed gia tăng lãi suất [của công khố phiếu] và khi lãi suất gia tăng thì kinh tế đi chậm lại. Ngược lại, để kích thích kinh tế, the Fed giảm lãi suất và như ta thấy hiện nay, lãi suất của công khố phiếu ngắn hạn chỉ lơ lửng ở mức 0.11% (lãi suất của CD tại ngân hàng cũng sút giảm tương tự).

Theo bản ước tính của cơ quan Ngân Sách Quốc Hội (The Congressional Budget Office), tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 16% vào cuối năm nay; đây là con số xem ra khiêm nhường so với đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong ba tháng vừa qua (khoảng 36 triệu người).
Hai chỉ số kinh tế kể trên đã nói lên phần nào hình ảnh u ám của xã hội vào những tháng ngày sắp tới. Trong khi đó, trị giá cổ phần sút giảm nhưng lại từ từ hồi phục mấy tháng vừa qua.

Trận suy trầm gần nhất xảy ra từ 129 tháng trước đây. Tạm hiểu là nền kinh tế thế giới đã được củng cố khá lâu dài cho đến nay mới xảy ra trận suy trầm kinh tế mới nhất. Trận suy trầm này xảy ra sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện nên không lạ là các tay phân tích kinh tế đặt câu hỏi, nếu Covid-19 không xuất hiện thì suy trầm kinh tế có xảy ra không? Nếu có, thì xuất hiện dưới hình thức nào, những yếu tố nào [có thể] dẫn đến trận suy-trầm-kinh-tế-không-liên-quan-đến Covid-19 dưới kiểu mẫu tài chánh hiện nay?
Trận suy trầm 2020 đang tiếp diễn, những dữ kiện tài chánh, chỉ số kinh tế… đang được thu góp hầu có thể trả lời câu hỏi nặng ký kể trên.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Thực tế hơn, câu hỏi khiến bá tánh băn khoăn nhất là nên làm gì trong cơn suy trầm kinh tế?
Câu trả lời thông thường nhất vẫn là lời khuyên nên “thắt lưng buộc bụng”, bớt tiêu xài. Lời khuyên này xem ra “dễ nghe”, hợp lý với những người trong thế hệ “boomer”. Gen X và Millennial [những người đang đi làm / buôn bán / đầu tư] có tin tưởng vào xã hội đủ để tiếp tục tiêu xài để tiền bạc tiếp tục luân lưu hầu cứu vãn phần nào cơn suy trầm khó khăn hiện nay hoặc họ sẽ giữ chặt túi tiền?

Xa xôi hơn là câu hỏi có nên đầu tư vào cổ phần hay không? Những tay cố vấn tài chánh thì cho rằng thời điểm có lợi nhất để mua cổ phần là lúc the NBER [chính thức] công bố cuộc suy trầm kinh tế xảy ra. Tuy nhiên, tổ chức này phải thu góp và phân tích đầy đủ các dữ kiện tài chánh / kinh tế trước khi đưa ra lời nhận định chính thức, và thời gian cần thiết để thu góp cũng như phân tích những dữ kiện quan trọng ấy là sáu (6) tháng đôi khi lâu hơn nữa! Nghĩa là khi tổ chức kể trên nhìn nhận rằng suy trầm kinh tế xảy ra thì trận suy trầm đã sắp sửa… chấm dứt.

Theo chân trận suy trầm là thị trường chứng khoán kiểu “trâu húc” (“bull market”) và trị giá cổ phần tăng vùn vụt. Với những người có ít vốn trong tay, ta làm gì với tiền bạc trong thời suy trầm kinh tế?

Theo chuyên viên tài chánh Suze Osman, hãy trả hết các món nợ tín dụng vì lãi suất quá cao (18%), chẳng có cách đầu tư nào mang lại một mức lãi suất cao như thế!
Nếu chẳng nợ nần và “ngần ngại”, sợ thua lỗ với cổ phiếu, những người “đầu tư” yếu tim & không thích đánh bạc, thì có thể nhìn ngắm công khố phiếu, khi lãi suất thấp như hiện nay, hầu như 0% thì mua công khố phiếu xem ra có lợi hơn chút đỉnh so với việc ký thác vào ngân hàng qua CD?

Dù chưa biết cơn suy trầm kinh tế hôm nay sẽ kéo dài bao lâu nhưng lịch sử cho thấy rằng cơn suy trầm nào rồi cũng đến lúc chấm dứt và kinh tế lại hồi phục, đây là lý do để ta hy vọng “ngày mai trời lại sáng”!

TLL

** “Yied Curve”: trong lãnh vực tài chánh, “the yield curve” là một đường cong trên biểu đồ cho thấy sự tương quan giữa lãi suất [vay mượn] và thời gian [cho vay]. Việc mua bán công khố phiếu là một hình thức người mua cho chính quyền vay tiền trong một thời gian định sẵn ở mức lãi suất cố định.