Sarajevo là thủ đô và cũng là trung tâm văn hóa của quốc gia tân lập, Bosnia & Herzegovina, nằm giữa thung lũng sông Miljacka River dưới chân núi Trebevic. Thành phố được mệnh danh là nơi “Đông -Tây gặp gỡ”, nôm na là hai nền văn hóa gặp nhau ở đây nhưng chung sống [không mấy] hòa bình.

Sarajevo bị vây hãm qua hình bích chương về cuộc triển lãm

Sách vở cho thấy Sarajevo một thời đã là trung tâm hành chánh của triều đại Ottoman từ thế kỷ XVII. Thủa ấy, phát triển mạnh mẽ nên Sarajevo được xem là thành phố quan trọng nhất trong vùng Balkan, chỉ đứng sau lưng Istanbul về mặt văn hóa của triều đại Ottoman. Năm 1878, hoàng triều Austro-Hungarian đuổi quân Thổ khỏi vùng đất này nhưng vẫn duy trì trung tâm hành chánh ở đây. Cũng nơi này, quân kháng chiến Bosnian Serbs, Mlada Bosna, đã nổi dậy chống lại vương triều Áo đòi độc lập, và người lính cảm tử, Gavrilo Princip, đã ám sát Hầu Tước Franz Ferdinand cùng bà vợ ngay trong thành phố. Áo dùng lý do này để đem quân đội tấn công Serbia. Các nhóm dân quân địa phương và quốc gia đồng minh chống lại Áo và chống lẫn nhau, mở đầu cho Thế Chiến I. Tháng Chín, 1918, the Diet of Sarajevo liên kết với người Serb trong giai đoạn hình thành của liên bang Yogoslavia sau này.

Khi khối Yugoslavia tan rã, cũng như Croatia, Slovenia, Serbia, Bosnia & Herzegovina tuyên bố độc lập năm 1992. Ðộc lập nhưng không có hòa bình vì các phe phái tiếp tục tranh giành ảnh hưởng & quyền lợi nên Sarajevo lại trở thành tâm điểm của các cuộc nội chiến đẫm máu giữa các bộ tộc Serbia và Bosnia – Croatia, trận chiến Balkan. Serbia với sự trợ giúp của Nga Sô đem quân đội bao vây thành phố. Bosnia với sự trợ giúp của Croatia, giữ được vùng đất phía tây Sarajevo và lãnh thổ còn lại. Thành phố chịu những trận pháo kích ngày đêm ròng rã trong suốt ba năm rưỡi với cả chục ngàn người bị giết. Lịch sử ghi chép biến cố này qua tên gọi “The Siege of Sarajevo”.

Nơi Hầu tước Franz Ferdinand bị ám sát, châm ngòi cho Thế Chiến I

Về mặt kinh tế, cho đến ngày nay, Sarajevo vẫn là địa điểm chính trong hệ thống giao thông và đường hỏa xa của vùng Adriatic, vẫn tiếp tục buôn bán các sản phẩm mỹ nghệ nhất là những vật dụng bằng đồng, bằng nhôm chạm trổ tỉ mỉ và thảm len (do người Thổ truyền bá nghề dệt). Bá tánh vẫn nhắc đến Sarajevo như một địa điểm của Thế Vận Hội thể thao mùa đông (Winter Olympic) năm 1984 của một thời vàng son trong liên bang Yugoslavia. Cư dân sinh sống tại thành phố khoảng 1 triệu người, phần đông theo đạo Hồi.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Ðây là một thành phố nặng âm hưởng Islam, giữ được khá nhiều đền thờ Hồi giáo, những ngôi nhà gỗ xưa cũ và cả khu chợ kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, the Basčarsija. Ðền thờ Hồi giáo chính của thành phố là Gazi Husreff-Bey’s Mosque (hay Begova Džamija) xây cất từ năm 1530, và đền thờ Ali Pasha (1560–61). Amam Husreff-Bey cũng xây cất một tu viện dạy giáo lý Hồi giáo (medrese / madrasah), the Imaret, nhà ăn miễn phí cho người nghèo và cả một nhà tắm công cộng, the hamam.

Phố Cổ, tấm biển chỉ đường kê khai đủ mọi thứ “cấm” như cấm hôn hít, phụ nữ mặc váy ngắn, ăn uống trong lúc đi rong, dẫn chó…

Quán trọ nằm ngay trong Phố Cổ, chỉ dăm bước là đến nơi bá tánh tụ họp để tán chuyện trong khi thưởng thức cà phê, uống bia, uống rượu. Ngồi ngó ông đi qua bà đi lại trong trung tâm Phố Cổ là thói quen của dân thành phố, từ sáng đến chiều, lúc nào cũng nhộn nhịp nhất là giữa trưa. Dế Mèn cũng vui chân đi quanh, nhìn ngắm mà không mua món chi vì ngại khuân vác. Viện bảo tàng gần như chẳng còn gì đáng kể; National Museum, nằm trong khu phố ČCifuthani của di dân Do Thái, giữ được cuốn cổ thư giáo lý Do Thái được thế giới gọi là Sarajevo Haggadah. Một vài phòng triển lãm trưng bày hình ảnh, di vật của chiến tranh Balkan, nhìn ngắm mà não lòng.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Dế Mèn có ghé thăm Begova Džamija, ngôi đền thờ Hồi giáo cổ nhất trong vùng, và cũng vào thăm nhà thờ chính tòa, Sarajevo Cathedral, nơi Giáo Hoàng John Paul II đến thăm ngay sau khi ngưng bắn. Tượng Giáo Hoàng được đặt ngay trước cửa vào, hình như cư dân ở đó rất yêu quý vị Giáo hoàng này dù họ là tín đồ Hồi giáo. Giữa thành phố, gần khách sạn Europe, một thời lẫy lừng nơi những ông bà hoàng Âu Châu qua lại là khu Latinluk, vẫn còn những di tích của thời thương buôn Dubrovnik dừng chân trao đổi hàng hóa.

Khắp nơi trên đường phố Sarajevo, ta thấy những đốm sơn đỏ, hoa máu hay “Blood Rose”, đánh dấu nơi ít nhất ba cư dân gục chết vì bị bắn tỉa. Người thành phố kể lại rằng trong thời gian bị bao vây, ngày cũng như đêm, Sarajevo bị pháo kích tơi bời, không ai dám qua lại trên đường vì bị các tay thiện xạ bắn tỉa từ trên đồi cao. Ngày ngày xe thực phẩm của Liên Hiệp Quốc, như đã dàn xếp với các nhóm quân đội tham chiến, xe cộ gắn cờ Liên Hiệp Quốc được miễn trừ, nghĩa là được “chừa” ra, không bị nhắm bắn, mang thực phẩm đi khắp thành phố và cư dân chạy ra nhận thức ăn rồi nhanh chóng lẩn trốn.

Khi leo lên trolley bằng dây cáp treo đi ngang thành phố, Dế Mèn mới thấy địa thế hiểm nghèo của Sarajevo, thành phố nằm gọn trong thung lũng, chung quanh là đồi núi. Gần 2/3 vòng đai núi đồi là nơi đóng quân của Serb, phía còn lại là quân Bosnia. Quân Liên Hiệp Quốc đóng tại phi trường và vùng phi quân sự này nằm phía đóng quân của Bosnia. Cư dân những người không thể chạy trốn đã kẹt cứng giữa hai lằn đạn, chỉ trông chờ vào sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc qua các hoạt động nhân đạo như cung cấp thực phẩm, tải thương…

Thành phố nhìn từ xe dây cáp treo

Người thành phố cho xem một đoạn phim về giai đoạn khủng khiếp ấy. Phía Serb đã bán “vé” cho chuyến ‘du lịch’ có một không hai (“war travel”): Các tay thiện xạ ngoại quốc thích tập bắn cứ việc mua vé để được chỗ ngồi trên đồi với khẩu súng có ống nhắm, bắn cho chính xác. Khúc phim quay cảnh hai mẹ con lúp xúp trên đường, vừa chạy vừa núp. Ở trên đồi, tay thiện xạ mua vé kia sẵn tay súng, nhắm tấm bia sống đã bắn chết đứa bé gái. Con bé giãy giụa vài phút rồi xuôi tay, máu đổ chan hòa trên đường. Bà mẹ thất thần kêu gào… Khi được phỏng vấn, hỏi tại sao chọn bắn đứa nhỏ, nó trả lời rằng giết đứa bé thì người mẹ chết hai lần, chết một lần vì mất đứa con và chết lần thứ nhì mỗi khi thương nhớ đứa trẻ! Khúc phim được quân đội Serb thu hình từ trên đồi cao, chỗ bắn bia sống và trình chiếu trong nhiều ngày để khủng bố, và cư dân Sarajevo có người còn giữ được khúc phim ấy. Ngồi xem đoạn phim mà Dế Mèn nôn nao muốn ói mửa. Cái ác của con người thật khó tưởng tượng.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Trong giai đoạn bị bao vây, không dám di chuyển trên đường phố, cư dân Sarajevo đào hầm để lấy nhu yếu phẩm từ phía Bosnia. Ðường hầm đào từ trong nhà một cư dân, gần phi trường nơi chỉ có máy bay của Liên Hiệp Quốc được sử dụng như khu phi quân sự. Cứ như thế mà họ sống sót cho đến ngày ngưng bắn! Ngày nay, căn nhà và đường hầm được bảo trì và trở thành một khu triển lãm nhỏ nhỏ.

Ðến Sarajevo để thấy mặt chiến tranh của những người cùng gốc rễ, ngôn ngữ và phong tục nhưng cách biệt vì tôn giáo, phe Serb muốn tận diệt những tín đồ Hồi giáo trong lòng Âu Châu và những người cầm đầu đoàn quân kia đã bị tòa án thế giới kết án tù vì các tội ác chiến tranh. Họ vẫn là anh hùng của dân Serb nhưng lại là đồ tể của người Sarajevo.

TLL

Orlando, FL.