Sợi tơ duyên

Đời sống kết hợp bởi những mối duyên, duyên sâu duyên cạn, lương duyên, nghiệt duyên pha trộn móc nối như mớ bòng bong. Cắt tơ rối là việc làm rất nhanh, rất gọn nhưng gỡ tơ thì mất thời giờ lắm. Dễ dàng nhất là mối giao tình nào mang đến hệ lụy thì ta cắt đứt dây chuông; giải quyết nhanh và gọn. Xong. Tập trung đầu óc, thời giờ làm chuyện khác, những chuyện mà mai này về cõi khác có thể dùng làm tín chỉ trao đổi, mặc cả với Thượng Đế? Thiền sư áo xanh có lần biểu Dế Mèn rằng ta bỏ quỹ tiết kiệm, ngày về gặp papa có thể dùng để đền bù những lần vay nợ chưa trả hết. Hóa ra cõi khác cũng vay trả, bù qua sớt lại như nơi bụi đỏ mịt mù? Ai biết đâu, nhưng cứ tin như thế mà cố gắng sống cho tử tế?

nguồn. polaris-re.com

San Francisco cũng cho Dế Mèn một cuộn tơ vò nhỏ nhỏ, đủ xao xuyến băn khoăn để lúc rảnh rỗi ngồi tìm cách gỡ. Mối tâm cảm nhẹ nhàng đủ để khuấy động tâm tư, và biết mình thiếu sót. Dế Mèn gặp J. trong một bữa ăn tối ở San Francisco, một phụ nữ cao, mảnh mai, nụ cười hiền lành và hai con mắt chịu đựng. Người đàn bà nói chuyện nhỏ nhẹ, câu chuyện vòng quanh đời sống hàng ngày, từ chuyện hai đứa con trai còn nhỏ đến chuyện săn sóc làn da mỗi ngày; J. gọi mình là skin police. Lần gặp gỡ để lại cho Dế Mèn một mối tâm cảm nhẹ nhàng, dễ chịu. Tơ giăng giữa trời, mỏng manh, mối duyên ngừng ở đó. Hình ảnh J. chìm sâu vào trí nhớ.
Hôm nọ, bắt gặp đứa cháu nhỏ ở nhà thỉnh thoảng lại hôn lên cánh tay nó rồi toe toét I love my skin, nàng bắt chước cử chỉ ấy từ cuộn phim hoạt họa dạy con nít ra nắng phải dùng kem chống nắng kẻo phỏng da. Thấy con nhỏ hôn hít cánh tay nó, Dế Mèn phì cười, cười xong thì chợt nghĩ đến J. Chẳng hiểu sao chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia, tơ nọ dẫn đến tơ kia, hai sợi tơ cách nhau một không gian ba ngàn dặm và thời gian sáu trăm ngày. Hai sợi tơ nối với nhau qua việc chăm sóc làn da? Tơ không gian đã đứt, tơ thời gian cũng đã đứt nhưng tơ lòng còn cù cưa? Hay ta lòng hươu ý vượn, tâm ý lang thang bất nhất?

Cũng ở đó, Dế Mèn có lần đi ăn tối ra về trên đường phố tối om gặp người bán rong trên đường bày bán những chiếc áo len xanh đỏ rực rỡ. Người bán hàng là một phụ nữ từ Ecuador đến đây sinh sống, giọng nói còn ngập ngừng, ngọng nghịu khó khăn. Bà ta đan tay những chiếc áo len tươi màu của miền Nam Mỹ, vừa trông hàng vừa đan dưới ánh đèn đường. Trời San Francisco về đêm thường lạnh lẽo kể cả những ngày mùa hè. Dế Mèn kéo H. dừng chân để tìm một chiếc khăn quàng cổ. H. bắt gặp một chiếc áo len con nít màu xanh tươi, chen lẫn những hình nhân đỏ vàng vui mắt. Nó giơ chiếc áo hỏi Dế Mèn xem có vừa dáng người cháu Kim Chi không? Mèn ơi, con nít lớn nhanh như thổi, chiếc áo này áng chừng mặc được vài lần khoảng hai tháng mà phe ta còn lang thang ít nhất cả 3 tuần nữa mới về nhà…

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Chuyến đi ấy Dế Mèn mang về cho Kim Chi chiếc áo len làm quà của bác H. Con bé ướm chiếc áo lên người gật gù như người lớn, I like it, và la lên trong điện thoại Thanks, uncle H.
Chiếc áo từ phố đêm San Francisco công chúa mặc đúng 3 lần thì chật nhưng hình ảnh bác H. trong lòng con bé vẫn rực rỡ. Mỗi lần nhắc, Kim Chi đều thòng thêm câu bác H. gửi cho con chiếc áo len xanh… Và Dế Mèn thì nghĩ đến khuôn mặt già nua nhăn nheo trước tuổi vì cháy nắng nhọc nhằn của người phụ nữ bán hàng.

San Francisco dường như là một vùng đất vô cùng rộng rãi. Người thành phố bao dung mở rộng vòng tay đón nhận nhiều hình thái nhưng không xung đột. Hình ảnh khu vườn cắt tỉa tỉ mỉ kỹ lưỡng của Japan Tea Garden một trời một vực với công viên thành phố, Buena Vista thoải mái tự nhiên.
Dế Mèn ghé vườn Nhật Bản mấy lần khi đến viện bảo tàng De Young gần đó xem triển lãm. Khu vườn không lớn, nằm trong công viên Golden Gate, nhưng những bóng cây thu nhỏ cho ta cảm giác của một không gian bao la. Những mái nhà cong, hồ nước nhưng có lẽ Dế Mèn thích nhất cây cầu vồng, Moon Bridge gọi một cách văn vẻ là Nguyệt Kiều. Chiếc cầu nhỏ, thân cầu vồng lên, nhìn từ xa là một nửa khoanh tròn của mặt trăng đêm rằm. Phe ta có lần leo lên thân cầu, chiếc cầu thấp nhưng không hiểu sao vẫn đem lại cảm giác chông chênh lơ lửng của mảnh trăng vướng ngang lưng trời không có chi bám víu?!

Japan Tea Garden là một công trình tỉ mỉ của con người, mấy tay kiến trúc hẳn đã tính toán từ mỗi phân vuông, nơi nào đặt hòn đá, nơi nào trồng bóng tùng, bóng liễu, hình ảnh âm dương hài hòa đậm nét.

Công viên Buena Vista thì khác hẳn, cây cối um tùm, thành phố ngay bên cạnh nhưng những thân cây tán rộng che kín mặt trời, ánh nắng chỉ thoi thóp qua những kẽ lá, mang đến sự bình yên. Chim vẫn hót, côn trùng vẫn rỉ rả như thể ta đang ở trong rừng sâu nếu không có những tiếng xe rất gần thỉnh thoảng nhắc chừng.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Cũ và mới

Vườn tược đa dạng như thế, kiến trúc của những tòa nhà của San Francisco cũng muôn màu muôn vẻ, kiểu cũ kiểu mới đều có chỗ đứng trong thành phố này.
Ði qua những con đường thỉnh thoảng ta bắt gặp những ngôi nhà cũ, vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc năm xưa sau khi thoát tay thần hỏa trong thế kỷ trước. Nhiều khu phố còn giữ được các ngôi nhà kiểu xưa, Haight – Asbury, Nob Hill, Pacific Height… Người thành phố đặt nhiều tên cho mấy ngôi nhà này: “The Painted ladies”, “the Postcard Row”, “the Victorian houses”… “Painted Ladies” là danh xưng của những ngôi nhà xây cất theo kiến trúc thời Victoria và Edward, những tòa nhà được sơn phết bằng ít nhất 3 màu sơn để biểu hiện các chi tiết về kiến trúc.
Thành phố có khoảng 48,000 ngôi nhà được xây cất theo kiểu kiến trúc kể trên trong thời gian 1849 – 1915, và được sơn với những màu tươi sáng.

Nổi tiếng nhất có lẽ là sáu ngôi nhà nằm bên nhau trên đường Steiner, số 710 -720, trước mặt công viên Alamo Square. Vật đổi sao dời, màu sắc được thay đổi qua suốt một thế kỷ. Ngày nay những ngôi nhà còn lại giữ nguyên dáng vẻ xa cũ. Phe ta ghé công viên Alamo để nhìn ngắm những ngôi nhà kia. Hình ảnh của sự bền bỉ, đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt! Áo khoác ngoài của thành phố có thể rất mới nhưng cái hồn bên trong vẫn cổ xưa… Có một nơi trong hồn em rất cũ. Ta đi xa mấy kiếp vẫn trở về… Sự cổ xưa êm ái, dễ chịu khi nhận ra chốn quen thuộc, bình yên.

Nhìn ngắm cảnh cũ để bằng lòng và an tâm rồi phe ta đi ngó những thứ mới, xem mình có yêu thích được những cái mới kia không. Embarcadero là những kiến trúc mới, từ các cấu trúc đặt trên sân cỏ đến bến tàu. Mấy hôm ở đây Dế Mèn đều đi bộ ra bờ sông sau mỗi buổi hội thảo. Ðầu óc cần những âm thanh khác, hình ảnh khác để nghỉ ngơi, để lấy sức mà tiếp tục.

Bên ngoài khách sạn là một công viên nhỏ với hình tượng nhiều cánh tay lạ mắt. Dế Mèn ngó mãi mà chưa nghĩ ra tác giả muốn gửi gắm cái chi?

​Những tòa nhà ngất ngưởng bên sông nước, mỗi thành phố lớn đều có những tòa nhà như thế, nắng lấp lánh từ những mảng tường kính, Chicago, San Diego, Miami, Tampa, New York… Dường như các tòa nhà này giống giống nhau làm sao ấy, bây giờ mà bạn đưa những tấm hình chụp rồi biểu Dế Mèn nhìn ngắm gọi tên thì phe ta thua đậm vì chẳng thể nào gọi cho đúng cái tên của những tòa nhà kính bên bờ nước dù mái nhà, hình thể xây cất theo một kiến trúc riêng biệt mà do một kiến trúc sư nổi tiếng nào đó vẽ kiểu. Thật là tệ hại! Khách nhàn du như phe ta mà dám phê bình phê lọ về kiến trúc thì quả là bạo gan bạo phổi lắm lắm!

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Lỡ quên tên các tòa nhà mới của San Francisco nên Dế Mèn đền bù cái quên tai hại của mình bằng nỗi nhớ, nhớ tòa nhà của ông Frank Lloyd Wright trong thành phố. Ông kiến trúc sư lẫy lừng vẽ kiểu một số tòa nhà tại San Francisco và vùng phụ cận nhưng trong thành phố chỉ còn một nơi mở cửa cho bá tánh vào ngó: Xanadu Gallery.

Từ Union Square, bạn đi bộ một quãng ngắn là đến Maiden Lane nơi phòng triển lãm này tọa lạc. Thủa xưa, nơi này là V. C. Morris Gift Shop, xây năm 1948. Mặt tiền lát gạch theo vòng bán nguyệt lạ mắt, cũng là cách rủ rê mời gọi người vãn cảnh vào bên trong nhìn ngó và … mua hàng. Ngôi nhà có những chi tiết từa tựa như các chi tiết kiến trúc của viện bảo tàng Guggenheim trong thành phố New York. Hình như ông Wright vẽ kiểu cho cả hai tòa nhà trong cùng một khoảng thời gian, cũng những đường cong tạo hình thể khác thường cho các khung trưng bày vật thể?

Quá nhiều thứ để Dế Mèn ghi chép lại những mảnh rời của trí nhớ, những khoảng không gian và thời gian rất đẹp, mỗi hình ảnh của San Francisco nối liền với một khoảng thời gian êm ả, một con người mang cho Dế Mèn cảm giác bình yên nên nghĩ đến thành phố ấy là sợi tơ trong lòng phe ta chùng xuống, lại ao ước một chuyến trở lại.

Năm xưa một bệnh nhân mang về cho Dế Mèn một chiếc áo thun có hàng chữ I left my heart in San Francisco; bà ấy dùng câu nói lừng lẫy kia với cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nói về lòng yêu mến đối với thành phố nhưng cũng nơi ấy, bà ta trải qua cuộc giải phẫu thay tim ở tuổi 26. Dế Mèn thì nhẹ nhàng hơn, lần này cũng thế, về thăm San Francisco rồi lại đi nhưng một nơi rất êm ả trong lòng vẫn dành riêng cho thành phố ấy…

TLL