Thỉnh thoảng khi nhìn thấy những chiếc giày lủng lẳng trên dây điện trong thành phố, không biết cảm nghĩ của bạn ra sao nhưng riêng Dế Mèn thì băn khoăn chẳng hiểu người liệng đôi giày như thế nghĩ ngợi những gì, tại sao lại làm như thế. Băn khoăn thì cứ băn khoăn nhưng mãi đến gần đây mới tình cờ đọc được một vài lời giải thích. Tuy không đồng nhất nhưng lời giải thích nào xem ra cũng có lý!?

Theo ông Rob Demarco, cảnh sát tòng sự tại Eastchester, New York, thì những chiếc giày lắc lư trên dây điện kia là do mấy người trẻ rắn mắt, thấy có người quăng [được] giày lên tuốt dây điện trên cao thì cũng bắt chước và kết quả là ta thấy mấy đôi giày nằm vắt vẻo ở đó. Có thể lắm, con nít [ranh], thấy lạ thì bắt chước nhưng còn đôi giày xuất hiện trên dây điện lần đầu tiên thì sao? Lấy chi mà bắt chước?

Theo mấy tay tò mò chuyên tìm kiếm các chi tiết không quan trọng chi đến đời sống hay “trivia” rồi ghi chép trên tạp chí Reader Digest thì việc quăng giày là một hình thức biểu hiện cá tính như trong tục lệ xa xưa của người Anh, trong đám cưới, khách mời ném giày vào đôi vợ chồng mới cưới để chúc tụng hạnh phúc và may mắn (!?). Như việc chiến binh quăng một chiếc giày bốt để “kỷ niệm” vào ngày hoàn tất nhiệm vụ, rời nơi trú quân. Ðọc đến đây thì Dế Mèn lẩn thẩn tự hỏi… Chỉ còn một chiếc giày thì lấy gì mà dùng? Người lính nọ có bị phạt về tội vứt bỏ quân trang không? …

Một số người trẻ khi tốt nghiệp trung học cũng hứng chí mà quăng đôi giày lên dây điện để đánh dấu quãng đời học trò hoặc “đánh dấu” cả việc không còn thơ ngây trinh trắng.
Nhưng mới nhất là câu chuyện về hai phi hành gia, Neil Armstrong và Buzz Aldrin, cũng quăng đôi bốt phi hành của họ lên mặt trăng trước khi lên phi thuyền quay về địa cầu! Kiểu “không gian vương dấu giày” hào sảng như thơ của ông nhà thơ nhảy dù Hà Huyền Chi!

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Các giả thuyết kể trên cho rằng việc quăng giày đánh dấu chuyện vui mừng, còn các giả thuyết khác thì sao?

Cũng theo một vài sở cảnh sát khác, giày treo lơ lửng trên dây điện là cách đánh dấu “biên giới”, “lãnh thổ”, chỗ làm ăn của các băng đảng tội phạm trong các thành phố lớn. Chưa thấy băng đảng nào nhìn nhận giả thuyết này. Tương tự, theo sở cảnh sát Prichard, Alabama, và vài nghị viên của hội đồng thành phố Jackson, Mississippi, địa điểm để mua bán ma túy được đánh dấu bằng các đôi giày xanh đỏ trên dây điện (?). Tuy nhiên, giả thuyết này bị bác bỏ bởi New York Police Department (NYPD), họ cho rằng buôn bán ma túy là tội hình sự, ai dại gì mà quảng cáo như thế. Sở cảnh sát Toronto cũng cười xòa đồng ý và cho rằng đó là câu chuyện kể cho vui!

Theo một giả thuyết khác, đôi giày lơ lửng trên dây điện là một hình thức tưởng niệm kẻ qua đời, người chết đang đi tới thiên đàng [qua đôi giày]. Xa hơn là giả thuyết tưởng niệm một người chết vì bị bắn chết trên đường phố (?)

Cũng theo ông cảnh sát Demarco, đôi khi kẻ quăng đôi giày lên dây điện thành phố để dọa nạt kẻ khác; nghĩa là một đứa trẻ bị ức hiếp, bị lột mất đôi giày và kẻ bắt nạt quăng đôi giày lên dây điện rồi ngắm nghía như phần thưởng. Hoặc giả, kẻ bắt nạt lột lấy đôi giày từ nạn nhân để dùng rồi quăng đôi giày [cũ] của nó lên dây điện, vừa dọa nạt vừa chiếm phần thưởng.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Cũng có người ngắm nghía mấy đôi giày lủng lẳng trên dây điện rồi cho rằng đó là tác phẩm của nghệ sĩ đường phố hay “shoefiti”, tựa như những bức tranh vẽ trên vách tường, graffiti. Khi cả chục đôi giày treo lủng lẳng trên dây điện thành phố thì đó lại là biểu tượng của một cuộc thi thố tài năng ném giày! Như ông nghệ sĩ Ad Skewville và người em đã cùng nhau vẽ hình ảnh chiếc giày trên gỗ rồi quăng từng đôi giày [gỗ] tác phẩm lên dây điện khắp đường phố của Brooklyn, New York, London và Nam Phi. Chẳng biết anh em ông nghệ sĩ ấy có bị phạt về tội phá hoại thành phố không nhỉ?

Chưa hết, ông  Demarco còn đưa ra giả thuyết “xóm giàu, xóm nghèo”. Xóm nhà giàu thì nhà vườn rộng rãi, ít người cư ngụ so với chỗ khó khăn. Vắng người nên chẳng mấy khi thấy con nít khuấy phá, và khi thấy đôi giày lủng lẳng trên dây điện thì cư dân nhà giàu có khuynh hướng than phiền nên vật lạ nhanh chóng được dỡ bỏ. Xóm nghèo thì ngược lại, ít cảnh sát đi tuần, chẳng mấy cư dân để ý đến khung cảnh chung quanh vì chỗ nào cũng … xơ xác như nhau; một vài đôi giày trái chỗ cũng không màng!?

Quăng giày lên dây điện thành phố xem có vẻ như một hiện tượng của Huê Kỳ nhưng thực ra, dân Úc, Anh và Tây Ban Nha cũng… phá phách tương tự. Riêng cư dân Hòa Lan thì chỉ quăng giày lên cây trong công viên chứ không quăng lên dây điện.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Sơ sơ, chuyện mấy đôi giày lơ lửng trên dây điện cũng được khá nhiều người góp chuyện và đưa ra các giả thuyết khác nhau. Trên thực tế, chuyện quăng giày dép có phổ thông không? Khá phổ thông bạn ạ, vì đã có những luật lệ địa phương cho phép nhân viên thành phố tháo bỏ những đôi giày máng trên dây điện khi cư dân than phiền; điển hình là Jackson, Mississippi; Long Beach, California, và Wilmington, North Carolina.

Quăng giày lên dây điện có phải là việc làm hợp pháp không? Theo sở cảnh sát New York thì việc làm ấy bất hợp pháp, tội tiểu hình, theo luật pháp địa phương. Nhiều thành phố khác cũng có luật lệ tương tự, và nếu không nêu chi tiết thì việc quăng thứ gì ra nơi công cộng cũng bất hợp pháp, “tội” xả rác hoặc “phá hoại tài sản công cộng” hay vandalism. Riêng tiểu bang Arizona thì chặt chẽ hơn, xả rác là tội tiểu hình; quăng giày lên dây điện thành phố là “class 2 misdemeanor” trong khi quăng giày lên dây điện trên xa lộ thì nặng hơn, “class 1 misdemeanor”, tương đương với tội lái xe trong lúc say sưa (DUI).

Nói chung, vì bất cứ lý do gì, quăng giày dép lên dây điện là phá hoại, có thể gây nguy hiểm khi làm đứt dây điện, bị điện giựt và gây mất điện cho khu vực lân cận.

TLL