Nghe mãi chuyện thiên tai, nhân họa từ bão lụt đến cháy rừng, toàn những chuyện để thở dài, vừa chán ngán vừa lo âu nên phe ta ngó qua… nhà hàng xóm xem họ [làm ăn] ra sao. Canada sát một bên nên ít nhiều gần gũi, tương đồng, cũng… mệt mỏi như phe ta chăng?

Cháy rừng ở Canada. Nguồn: Axios.com 

Nhìn lên phía bắc, cứ ngỡ trời vẫn xanh nào ngờ hàng xóm cũng xính vính như mình. Mới tháng trước, trận cháy rừng thiêu hủy biết bao nhiêu cây xanh cây vàng và khói độc cứ bay về phương nam nên vùng đông bắc Huê Kỳ lãnh đủ, trời mù mịt suốt mấy ngày khiến bá tánh, nhất là những người bị bệnh hô hấp, đành đóng cửa nằm nhà kẻo bị xông khói mà ho sù sụ!

Thì ra Canada cũng bị ông Tặc Thiên quay mòng mòng, cũng chịu những trận gió chướng, bão tuyết, lụt lội… in hệt như Huê Kỳ. Vậy mà không thấy báo chí bên ta nhắc nhở chi mấy, hẳn con cháu chú Sam không quan tâm cho lắm đến hàng xóm láng giềng, mũ ni che tai theo chủ nghĩa đèn nhà ai nấy rạng? Chao ôi, đành là đèn ai nấy sáng nhưng mưa [đá] vẫn bay, gió [độc] vẫn thổi từ bắc xuống nam làm sao mà dựng vách che trời để tránh ảnh hưởng thiên tai?

Ðã chịu chung [hệ quả] thì nên chia sẻ trách nhiệm gìn giữ môi trường chung quanh, một dặm cũng như ngàn dặm? Chẳng thế mà ông tông tông Huê Kỳ đăng đàn hứa hẹn và gửi những toán cấp cứu qua biên giới giúp láng giềng.

Trợ giúp lúc nguy nan đã đành nhưng chung tay góp sức mà bảo vệ môi sinh lâu dài thì phải làm sao? Hẳn ta cần theo dõi các biến chuyển trong thiên nhiên mà dự đoán?

Theo ông Armel Castellan, chuyên viên khí tượng của cơ quan Environment and Climate Change, Canada thì các kỷ lục về khí hậu vùng tây bắc Mỹ Châu đã bị phá và đang thay đổi, đáng kể nhất là từ năm 2021. Ðất trời đang ấm dần, nhiệt độ đã gia tăng khoảng 1/10 độ C theo từng mùa thời tiết. Một phần mười độ Celtius thì thấm tháp chi? Ấy thế mà giọt nước đã tràn ly, bạn ạ! Vào mùa nắng nóng thì áp suất không khí ở mức cao nhất đã phá kỷ lục đến 5 độ C, và nhiệt độ lên cao đến 25 độ C trên mức thông thường.

Xem thêm:   Hoàng hôn bên Clarks Hill Lake

Ở nhiệt độ ấy, vào tháng Bảy năm 2021 tại vùng British Columbia (B.C.), đường sá đã khô cong rồi nứt nẻ, cửa sổ xe hơi đã rạn nứt và dây cáp chảy nhão. Cả một rừng thông xanh ngút ngàn đều chuyển nâu vàng như thể vừa bị rang khô. Những cánh đồng cherry cháy sém, cây trái chín vàng như bị hầm trong lò nướng bánh. Cây cỏ đã khốn khổ như thế mà côn trùng tôm cá còn vật vã hơn. Cả trăm nghìn con ong mật chết nóng, thân thể bùng nổ; vô vàn các loài hải sinh bị ‘luộc’ chín vì nước biển quá nóng, xác trôi nổi đầy những vùng biển chung quanh. Chim chóc ngưng tiếng hót giữa trời không gió, trời trong xanh, không một đám mây che nắng [vì áp suất không khí quá cao khiến mây tan loãng]. Nắng khô khắp vùng nhất là ở thôn làng Lytton, nhiệt độ lên đến 49.6 độ C, nóng như nhiệt độ ở Thung Lũng Tử Thần (Dead Valley), như sa mạc Sahara. Sau 3 ngày nóng cháy thì thôn làng kia bốc cháy, theo tài liệu của the B.C. Wildfire Service’s Fire Weather Index, chỉ số này lên đến 132 (thông thường là 30), hỏa hoạn khiến bầu khí quyển nóng hơn nữa và đất trời xẹt lửa, cơ quan khí tượng đếm được 121,000 cơn sét đánh… rồi bụi khói mịt mù.

Ðất trời giận dữ như thế nên con người cũng khốn đốn theo, cư dân gánh chịu những tai biến như “heat exhaustion”, “heat stroke” và các chứng bệnh hô hấp… Năm ấy, trận nóng bất thường gây tử vong cho trên 600 cư dân vùng British Columbia, một con số kỷ lục tại Canada. Nóng đổ lửa như thế nên vùng cao nguyên và bình nguyên xanh ngắt của thế giới không còn là đất lành nữa?

Trận hỏa hoạn kể trên khiến các chuyên viên khí tượng địa phương và cả thế giới xúm nhau bàn thảo sau khi ghi chép các dữ kiện liên quan đến khí hậu. Họ ghi chép để tìm hiểu xem trái đất sẽ xoay chuyển ra sao về thời tiết hầu chạy chữa kịp thời!? Mọi kết luận dường như chỉ về một tâm điểm: khí thải từ con người đã dẫn đến các hệ quả về khí hậu, chính trị, lịch sử, y tế và tài chánh; phản ứng dây chuyền từ thời tiết bất thường. Làm thế nào để con người tiếp tục sinh tồn sau khi đã tàn phá thiên nhiên?

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 27 tháng 3 năm 2025

Hệ quả về kinh tế/tài chánh rồi xã hội đã khá rõ ràng còn y tế thì sao? Trời càng nóng thì cơ thể con người càng vất vả, bạn ạ! Tim phải đập nhanh hơn, mạnh hơn để bơm máu đi khắp châu thân; tim càng làm việc thì càng dễ bị trụy tim, trụy mạch! Nóng quá mức thì cơ thể mất dần khả năng thoát nhiệt, không còn tháo mồ hôi hiệu quả nữa, và não bộ, tim, thận… đình công theo, hiệu năng làm việc giảm dần, trí phán đoán cũng tiêu hao và trời càng nóng thì con người càng dễ nổi nóng, hung hăng!

Các kiểu mẫu dự đoán khí hậu đã đưa ra một bức tranh ảm đạm khi con người tiếp tục sinh sống như hiện nay: Tại British Columbia, đến năm 2060 thì mùa viêm nhiệt sẽ kéo dài, nhiệt độ sẽ bao phủ đất đai và mùa đông sẽ từ từ mất dấu, sẽ có những cơn hạn hán, rồi mất mùa và những trận cháy rừng tương tự; một hiện tượng được gọi là “climate departure”, khí hậu [ngày trước] sẽ ra đi và thời tiết sẽ thay đổi, mỗi năm một ấm hơn.

Cũng theo kiểu mẫu dự đoán khí hậu kể trên thì vào giữa thế kỷ XXI, Montreal sẽ đến “climate departure” vào năm 2072, Toronto năm 2074 và Vancouver năm 2083.

Băng đá tan dần vì bị hâm nóng tại Inuit Nunangat Nguồn: arctictoday.com

Những thành phố lớn đông cư dân của Canada sẽ mệt mỏi với khí hậu thay đổi và các nơi hẻo lánh của đất nước hàng xóm như Newfoundland cũng sẽ xính vính tương tự. Năm 2022, trận bão Fiona gây thiệt hại đến 800 triệu Mỹ kim; và đến năm 2060 thì ở nơi ấy, bão tố sẽ thường xuyên hơn và dữ dội hơn!?

Tại Inuit Nunangat, lãnh thổ của thổ dân Inuit, trước đây quanh năm tuyết băng lạnh giá thì ngày nay, băng đá cũng tan dần dần vì bị hâm nóng. Các phương tiện giao thông qua băng đá trở nên nguy hiểm vì băng dễ sụp, cư dân phải tự làm quen với những cách di chuyển mới, bớt săn bắn sau mùa đông và lo âu trước viễn ảnh đói khát! Theo ông Natan Obed, chủ tịch cộng đồng Inuit Tapiriit Kanatami, đất trời ấm áp hơn vì môi sinh thay đổi không chỉ gây nguy hiểm khi di chuyển mà còn khiến thú rừng, nhất là caribou, chúng chết dần mòn vì thiếu ăn nên nguồn thực phẩm chính của dân làng cứ cạn kiệt dần và họ sẽ phải làm quen với nếp sống của người thành phố!

Xem thêm:   Ăn trộm tàu ngầm

Hiện tượng hâm nóng toàn cầu đã và đang thay đổi môi sinh khắp nơi, Canada cũng không ngoại lệ. Trong vài thập niên sắp tới, mực nước biển sẽ dâng cao khoảng ½ -1 thước tại bờ biển phía đông trong khi mực nước biển sẽ dâng chậm hơn tại bờ tây. Và những thành phố lân cận sẽ phải xây cất đập ngăn nước cao hơn để tránh lụt lội. Theo bản tường trình năm 2020 của the European Commission Joint Research Centre, Canada sẽ mất khoảng 15% bãi biển, tương đương với 6,400 km bờ biển nơi các địa điểm nghỉ mát đang đắt khách hàng của hai bờ đông tây nhất là vùng biển quanh hòn đảo Prince Edward.

Nước không sạch thì mênh mông nhưng nước sạch thì cạn dần, cư dân cũng sẽ có ngày… khan nước và cũng phải dè sẻn như láng giềng Huê Kỳ, và nguồn thực phẩm cũng teo tóp không còn dư thừa như trước nữa.

Ðọc mấy bài tường trình dự đoán về khí hậu, kinh tế kể trên mà phe ta nôn nao khó chịu. Hồi nẳm, hàng xóm Canada nổi tiếng là gìn giữ môi sinh, cần kiệm không ăn xài hoang phí như các sắc dân khác; “ai” làm gì mà bây giờ họ cũng chịu chung một số phận, phải đối diện với những bất trắc từ thiên tai, nhân họa thì chính xác hơn, quýt làm cam chịu? Hẳn vì không cam lòng như thế nên người xứ ấy cũng rầm rộ khai phá đất đai, hút dầu thô làm tài sản để có của mà… cứu trợ khi cần thiết?

Chia chung một bầu trời thì ta cũng đành?!

TLL