Trừ những thức uống có mùi vị được lựa chọn pha chế theo sở thích như rượu, trà, cà phê, nước trái cây… nước lã / nước lạnh là thức uống trong suốt, không [nên] có màu sắc, mùi cũng như vị. Nghĩa là ta không thể ngửi và cũng không thể nếm ra thứ gì trong ly nước kia.

Công thức hóa học của nước rất đơn giản, 2 nguyên tử hydrogen và một nguyên tử oxygen, H2O, thành phân tử nước, chẳng có thứ gì khác để vi khuẩn, siêu vi khuẩn có thể hủy hoại? Thức ăn có thể hư hoại nhưng nước lã thì dường như khó có thể hư hoại vì lý do kể trên? Trên thực tế, nước vẫn bị hư! Khi ta nhìn thấy màu sắc, nếm được mùi vị là món nước lã kia không còn tinh tuyền nữa vì đã nhiễm mùi [hoặc] vị của [hóa] chất nào đó kể cả không khí. Không lạ là những chai nước uống đều ghi thời hạn sử dụng trên nhãn hiệu.

Nước máy

Tại Huê Kỳ, nước máy được khử trùng bằng thuốc tẩy, thường là chlorine, để ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi từ hồ chứa (của thành phố) đến ống [dẫn] nước rồi đến các vòi nước tư nhân. Nguồn nước này liên tục tương tác với carbon dioxide (CO2) trong không khí tạo thành carbonic acid (H2CO3) khiến pH của nước xuống thấp hơn và nước có vị lạ chưa kể việc nước bị tạp nhiễm vì bụi bặm và tạp chất trong không khí. Thuốc tẩy chlorine cũng bay hơi theo thời gian, sức khử trùng bớt hữu hiệu nên nước có thể bị nhiễm trùng và cho mùi vị khó ngửi, khó nuốt.
Tạm hiểu là một ly nước lã để trên bàn qua đêm sẽ có mùi vị (khác với lúc vừa rót ra ly từ chai lọ) dù vẫn uống được (an toàn về mặt sức khỏe).

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Nói chung, nước máy trong chai lọ sạch (đã khử trùng) có thể cất giữ khoảng 6 tháng. Sau đó chlorine bay hơi hết nên vi khuẩn có thể sinh sôi và nước có thể nhiễm trùng. Nước lọc (filtered) cũng có thời hạn sử dụng tương tự. Ðồ lọc có thể lọc ra hóa chất, vi sinh… nhưng khi nước tương tác với không khí, các phản ứng hóa học thiên nhiên kể trên sẽ tiếp tục và nước có mùi vị.

Nước đóng chai

Có thể dự trữ được lâu hơn so với nước trong ly tách, tiếp xúc với không khí. Tuy nhiên, vỏ chai [nhựa] vẫn bị “hở”, qua thời gian nước trong chai dần dần tiếp xúc với không khí, bốc hơi, và có thể bị tạp nhiễm chưa kể việc hóa chất [chế biến vỏ chai] từ từ “rỉ” vào nước, phản ứng hóa học này xảy ra nhanh chóng hơn khi đặt chai nước ngoài trời nắng và nóng. Không lạ là những chai nước để lâu sẽ có mùi vị khác thường. Nói giản dị là nước trong chai lọ đóng kín cũng “hóa thân” dù chậm chạp, khoảng hai năm sau ngày đóng chai nếu chai nước được cất giữ trong kho tối và mát.

Người Việt vốn tiết kiệm nên thường giữ lại chai lọ cũ để tiếp tục sử dụng. Thói quen tái dụng ấy đi kèm với vài điều không hay. Khi chai nước được mở ra để uống, thường là “tu”, uống thẳng từ chai lọ, nước miếng ta mang vi khuẩn đến miệng chai, tay cầm cũng mang theo vi khuẩn đến chai nước. Càng dùng lâu, vi khuẩn càng sinh sôi và tích tụ trừ khi chai lọ được khử trùng (đun sôi hoặc súc rửa với thuốc sát trùng) sau mỗi lần sử dụng. Phân tích theo khía cạnh “phí tổn”, việc tái dụng chai lọ nhựa khá tốn kém nếu theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh, rửa và khử trùng tiêu xài thời giờ và tiền bạc, “đắt” hơn việc mua một chai nước mới.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Nước mưa

Nước mưa hay “rainwater” là một hợp chất nhiều điện giải (electrolyte); sodium, potassium, magnesium, calcium, chloride, bicarbonate, và sulfate là các chất điện giải chính. Các chất khác bao gồm ammonia, nitrate, nitrite, nitrogen, và những hợp chất chứa nitrogen.
Nước mưa không tinh tuyền vì lý do kể trên, chưa kể các chất khí trong không gian bị hòa tan trong nước.

Nước cất (distilled water)

Ðây là loại nước tinh tuyền nhất, chỉ bao gồm hydrogen và oxygen, 99.9% các khoáng chất, hóa chất hay bụi bặm… đều bị loại bỏ qua tiến trình “cất”. Trong tiến trình này, nước được đun sôi, bốc hơi rồi đọng lại trong vật chứa khác. Ðây là một phương cách lọc bỏ tạp chất trong nước đã được ông Alexander of Aphrodisias mô tả trong sách vở từ những năm 200.

Cơ quan CDC của chính phủ Huê Kỳ đề nghị rằng ta nên thay nước [trong chai lọ còn đóng kín] mỗi sáu tháng dù những người tiết kiệm vẫn cất giữ nước trong chai khoảng 1-2 năm. https://www.cdc.gov/healthywater/emergency/creating-storing-emergency-water-supply.html

Tóm lại, để có nước uống tinh tuyền không mùi vị, ta nên theo vài nguyên tắc sau:

Dụ trữ nước đóng chai tại nơi tối và mát:

Nếu tái dụng chai nhựa để đựng nước, cần rửa và khử trùng cẩn thận

Chai lọ thủy tinh giữ được độ tinh tuyền của nước lâu hơn so với vật đựng bằng nhựa.

Thủy tinh không “rỉ” hóa chất vào nước như nhựa.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Nước cất (distilled) đóng chai [thủy tinh] giữ được độ tinh tuyền lâu nhất vì nước cất không còn chất hòa tan, “thức ăn” của các vi khuẩn.

Thay đổi là quy luật tự nhiên của vũ trụ, vật thể giản dị nhất như nước cũng không nằm ngoại lệ, dù chậm rãi thong thả, ly nước ta để trên bàn cũng sẽ hư hoại qua thời gian.

TLL