Lạm phát gia tăng, vật giá mỗi ngày một đắt nên việc tiết kiệm tiền bạc trở nên cần thiết. Để tiết kiệm, ta cần để ý đến việc tiêu xài hằng ngày hoặc hằng tuần và sẽ dễ dàng nhận ra việc tiêu xài nào không cần thiết nên loại bỏ.

nguồn: US News Money 

Theo các chuyên viên phân tích tài chánh, những món chi tiêu không cần tiết trong thời buổi lạm phát là các cái “bẫy tiền” và ta có thể tránh dễ dàng. Sau đây là một số bẫy tiền thông thường nhất:

Lệ phí ngân hàng (bank fees): lệ phí rút tiền từ máy tự động hoặc lệ phí hằng tháng từ trương mục; món tiền này ta có thể tiết kiệm bằng cách gửi tiền tại các ngân hàng không tính lệ phí. Theo trang nhà Bankrate, khoảng một nửa số ngân hàng hiện nay không tính lệ phí khi mở trương mục tiết kiệm hoặc chi phiếu.

Những món hạ giá không cần thiết: Không cần nhưng vẫn mua vì giá rẻ dễ dàng khiến ta tiêu xài quá tay. Hay hơn nữa là ta ngưng mua sắm lúc nhất thời, cứ chờ khoảng 24 tiếng xem ta còn ưa chuộng món hàng ấy nữa không rồi tính tiếp.

Hàng đặt sẵn (subscription): Theo ngân hàng Chase, trên 70% số người tiêu thụ phí phạm ít nhất 50 Mỹ kim mỗi tháng cho những món hàng đặt sẵn nhưng không sử dụng. Những món như lệ phí cho phòng thể thao, sách báo, dịch vụ trên mạng ảo… mà không dùng đến nhất là những dịch vụ xài “thử”, không định mua nhưng qua khoảng thời gian sử dụng “miễn phí” lại quên không hủy bỏ hợp đồng. Từ đó, cứ tiếp tục trả lệ phí hằng tháng theo hệ thống thu tiền “autopay”.
Cách hay nhất là ta theo dõi bản tổng kết hằng tháng của ngân hàng hay công ty tài chánh xem ta đã mua bán những gì và nhanh chóng hủy bỏ hợp đồng của những dịch vụ không sử dụng.

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Thực phẩm dư thừa: Theo the Natural Resources Defense Council, khoảng 40% lượng thực phẩm tại Huê Kỳ bị vứt bỏ vì mua nhiều hơn mức ăn uống. Ðể tiết giảm sự phí phạm, hãy xem xét tủ lạnh trước khi đi chợ mua sắm. Sắp xếp việc nấu nướng, chọn thực đơn theo những vật liệu sẵn có, dùng những món ấy trước khi chúng hư hại. Lập danh sách các món cần thiết và chỉ mua những thứ trên danh sách ấy. Dùng mọi thứ trong nhà trước khi mua món mới. Ðừng tích trữ những món dễ hư hỏng. Nhớ đọc kỹ thời gian sử dụng trên nhãn hiệu của món hàng.

Bảo Hiểm / bảo hành (Extended warranties): Sau khi dỗ dành được người tiêu thụ mua món hàng, bất kể thứ gì từ xe hơi đến lò nướng, hãng xưởng hoặc công ty buôn bán nào cũng ráng bán kèm thêm món “bảo hành”, nôm na là “extended warranties”, những món mà người bán thường biểu rằng việc sửa chữa sẽ tốn kém lắm lắm, mua kèm “bảo hành” cho khỏe re, bớt lo âu chuyện hư hỏng trong tương lai. Thiệt là cái vòng luẩn quẩn vì nếu món hàng có phẩm chất cao thì đâu dễ hư? Chẳng lẽ vừa hết thời gian “bảo hành” (thường cỡ một năm) thì vật dụng kia sẽ bất khiển dụng liền? Thế thì ta mua phải đồ dỏm, thứ vứt đi còn chi?
Ngoài ra, món chi phí “bảo hành dài hạn” kia có thể tốn kém hơn món tiền sửa chữa hoặc chỉ chi trả cho một số loại hư hỏng của món hàng nên có mua “bảo hành dài hạn” cũng chẳng được gì?! Nghĩa là đừng tốn tiền, bạn ạ!

Xem thêm:   Chuyện rau cỏ

Ðể tiết kiệm, thay vì mua “bảo hành dài hạn”, hãy để dành một ít tiền nhằm lúc cần thiết.

Mua bảo hiểm quá tay: Như mọi dịch vụ, chi phí bảo hiểm nhà cửa cũng như xe cộ có khuynh hướng gia tăng theo thời gian. Khi ta quen thuộc với một công ty / một nhóm đại diện thì cứ tiếp tục việc mua bán với công ty ấy, không mấy khi thay đổi và có thể không biết rằng chi phí bảo hiểm không còn “phải chăng” như lúc ban đầu nữa? Tốt nhất là ta nên khảo giá hay “shop around” để an tâm hơn về giá cả.

Công ty bảo hiểm thường có mục “bán quảng cáo”, giá rẻ, để thu hút khách hàng mới. Do đó, với cùng loại bảo hiểm, ta có thể mua với giá rẻ hơn ở một công ty bảo hiểm mới.
Với liên mạng ngày nay, việc khảo giá trở nên vô cùng dễ dàng, Các trang nhà như TheZebra.com hoặc Policy Genius thường đăng tải bản so sánh giá cả giữa các công ty bảo hiểm và ta có thể dùng để thương lượng.
Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí bảo hiểm, ta có mua theo “gói” hay “bundle”, mua bảo hiểm xe và nhà cùng công ty hoặc gia tăng phần “miễn trừ”, deductible. Theo bà Andrea Woroch, một chuyên viên về giá cả, áp dụng cả hai cách kể trên, bà ấy đã tiết kiệm được cả 1,100 Mỹ kim chi phí bảo hiểm trong năm nay.

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Lãi suất [thẻ] tín dụng: Theo Consumer Financial Protection Bureau, lãi nợ và lãi tín dụng đã tốn trung bình khoảng 1,000 Mỹ kim hằng năm cho mỗi nóc gia. Dùng thẻ tín dụng là một việc tiện lợi nhưng cũng là một con dao sắc, bén, đục lủng lỗ tiền tiết kiệm nếu ta là người thích mua chịu, mua hàng, xài trước rồi trả [góp] sau. Tiền lãi mỗi tháng sẽ khiến món hàng đắt gấp ba bốn lần trị giá của nó sau khi trả xong! Mua chịu càng lâu, trị giá món hàng càng tăng cao.
Ðể “trị bệnh” xài thẻ tín dụng này, cách duy nhất là ta chấm dứt việc dùng thẻ, mua bán bằng tiền mặt hoặc bằng thẻ ngân hàng, debit card, loại thẻ nối kết với trương mục tiết kiệm hay chi phiếu, dùng đến đâu, ngân hàng trừ tiền đến đó và ta chẳng mang công nợ nữa.

Mấy lời đề nghị ấy xem ra thực tế và hữu dụng, bạn thử xem?

TLL