Hết chuyện người ‘trẻ” thì phe ta quay sang “nhìn” người “già” và nhớ lại nhiều lần ngày trước Dế Mèn cũng từng ngẫm nghĩ chê bai người lớn tuổi hơn mình là “già” lẩm cẩm qua cung cách làm việc và nhân sinh quan của họ. Bây giờ không còn trẻ nữa thì lại tò mò tẩn mẩn tìm hiểu, học hỏi về người “già”.

Người già nhìn ngắm và ngẫm nghĩ những gì? Sách báo ghi chép rằng dưới cái nhìn của người già, người trẻ là những người được cưng chiều quá mức nên kém sức chịu đựng, chỉ thích hưởng thụ ngay tuýt suỵt (?), ít chịu hy sinh cho mục đích lâu dài… Họ bĩu môi so sánh người trẻ với nhi đồng hai tuổi (“terrible two”, khi đứa trẻ biết nói và bắt đầu biết đòi hỏi, quấy quả cha mẹ) là “terrible twenty-two”, đòi “độc lập” (làm theo ý muốn) nhưng không đủ khả năng vượt qua khó khăn thường nhật. Dè bỉu như thế nhưng phụ huynh lại quên khuấy mất rằng chính những kiểm soát, theo dõi, chỉ dẫn quá mức của người già khiến người trẻ vụng về, không dễ dàng xoải cánh mà bay vào đời. Cách dạy dỗ mà các nhà giáo dục như Tiến sĩ Julie Lythcott-Haims gọi là “overparenting”, cha mẹ “dòm dỏ” (“hovering”), từa tựa như máy bay trực thăng quần trên đầu con cái.

So sánh cách dạy dỗ huấn luyện của thế hệ “Great Generation”, phụ huynh của người già ngày nay, kết luận rằng cha mẹ ngày ấy (những năm 1940-1950) khá thoải mái với con cái, người “già” thủa xưa khi còn trẻ có thể xông pha mà cha mẹ rất ít kiểm soát, theo dõi. Cũng chẳng có mấy phụ huynh tham gia kỹ lưỡng cẩn thận việc hò hẹn riêng tư của con cái trừ những gia tộc lớn như chuyện Love Story. Cũng có những Boomer du lịch kiểu ba lô lang thang nhưng không có chương trình nhất định và cũng không cần gửi tin nhắn hình ảnh về gia đình đều đặn như ngày nay. Ta có thể giải thích rằng thủa ấy điện thoại viễn liên đắt quá xá, mấy ai dám xài trừ khi cần thiết cấp kỳ? Môi trường truyền thông bây giờ rẻ rề và dễ dàng nên người trẻ có thể vào InstaGram đăng hình ảnh hoặt lên Chuồng Chim, Twitter, mà hót (tweet) bất kể ngày đêm về chuyến đi xa để cha mẹ yên lòng và bạn bè tha hồ xì xào ao ước?!

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

nguoi-tre-nguoi-gia1

Boomer được tự xông xáo như thế thì tại sao khi trở thành cha mẹ, thế hệ này lại theo dõi, xem xét hoạt động của con cái chặt chẽ kiểu “overparenting”?

Theo giả thuyết của Richard Settersten và Barbara E. Ray thì người già chuộng sự quan tâm từ con cái, thích  sinh hoạt với con em, đi ăn, đi chơi… nhất nhất đều muốn chúng tham dự và quý các chi tiết dù nhỏ nhặt về đời sống con cái. Không lạ là trong các mẩu chuyện với bạn bè, phụ huynh nào cũng nhắc đến con cái họ, không nhiều thì ít; kể lể về công việc của con, chuyện hẹn hò, người tình của con cái… ngay cả khi không vừa ý trong các lãnh vực rất riêng tư ấy.

Dù có thể khó chịu về sự dìu dắt xem ra “quá đáng” hay không cần thiết của cha mẹ, người trẻ ngày nay dường như chấp nhận sự liên hệ chặt chẽ ấy. Ngoại trừ một thiểu số tách rời khỏi gia đình, chọn việc sinh sống nơi xa, thỉnh thoảng về thăm cha mẹ, phần lớn thế hệ Millennial xem cha mẹ như người dẫn đường tín cẩn và đồng hành, thấy nơi cha mẹ chỗ nương tựa tinh thần cũng như vật chất. Không lạ là người trẻ vẫn tiếp tục sống với cha mẹ dù đã trưởng thành, có công ăn việc làm.

Sách báo gọi những người trẻ ngoài 20 sau khi học hành xong, thay vì ra ở riêng, trở về nhà sống chung với cha mẹ là “Boomerang Kids”, lý do chính là để tiết kiệm tiền bạc. Ngoài ra, thống kê cho thấy các chi tiết:

– 96% người trẻ phụ giúp làm việc nhà

– 75% phụ giúp trang trải chi phí sinh hoạt

– 34% thân cận hơn với cha mẹ

– 21% có thể ở riêng nhưng chọn việc sống chung với cha mẹ

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Các chi tiết đó cho thấy người trẻ trở về sống với cha mẹ không chỉ vì lý do tài chánh.

Kỹ thuật truyền thông ngày nay đã giúp người già “tham dự” vào đời sống con cái dù xa hoặc gần. Chẳng những gửi các mẩu tin nhắn hàng ngày, nhiều phụ huynh còn xông pha vào Facebook, Instagram, Twitter để xem con cái kể lể, ghi chép những gì về sinh hoạt thường nhật… Hôm nay ăn bún bò ở ABC, ngon lắm…, cay quá … Và sự việc “ăn bún bò” của người trẻ nghiễm nhiên thành mẩu chuyện cha mẹ kể lể với bạn bè. Hoặc, qua các “app”, cha mẹ có thể biết con cái đang ở đâu, đi đến nơi nào… để dễ bề trợ giúp khi cần. Có vị còn hân hoan nói với bạn bè rằng khi đọc InstaGram của đứa con, thấy tấm ảnh chiếc xe bị xe cào tuyết đụng móp, bà vội vàng gửi tin nhắn chỉ dẫn đứa con những điều phải làm và góp luôn ý kiến rằng con đường bị xe đụng kia không phải là nơi an toàn… Tất nhiên vị ấy cho rằng mình là một bà mẹ tốt, quan tâm đến sự an nguy của con cái và sẵn sàng giúp đỡ, nhưng người trẻ nọ thì ngẫm nghĩ ra sao? Và sẽ “hót” những gì trên trương mục Twitter riêng tư (mà phụ huynh không thể xem)? Những người trẻ khác sẽ gật gù mà biểu rằng đó là một “helicopter parent”, không chịu buông tay để đứa trẻ xoải cánh mà khôn lớn?

Kết “bạn” với con cái trên mạng xã hội chưa hẳn là dấu hiệu của sự thân thiết gần gũi giữa cha mẹ và con cái, mà có thể là hình ảnh của nếp sống ngày nay, mạng xã hội và dụng cụ điện tử kè kè bên mình như vật “bất ly thân”, nhất là khi quanh ta, ai cũng chúi đầu vào chiếc điện thoại di động. Ðọc báo, nghe nhạc, xem phim trên mạng riết rồi cũng chán mấy chuyện xa xôi, làm gì cho hết ngày giờ? Chi bằng [tò mò] theo chân những người ta quen (nhưng chưa hẳn ‘biết’) xem họ ăn uống sinh hoạt ra sao …, “gần gũi” quen thuộc hơn biết bao?

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

nguoi-tre-nguoi-gia

Người “già” hẳn nhìn người trẻ như những con chim non chưa ra ràng, vẫn còn cần cha mẹ quan tâm, trợ giúp? Và tự đó tiếp tục giữ vai trò phụ mẫu bất kể con cái đã khôn lớn? Quan niệm ấy giúp cha mẹ tiếp tục tham dự vào đời sống con cái mà không áy náy băn khoăn? Ngược lại, người trẻ dù thích độc lập nhưng vẫn muốn có người đồng hành tín cẩn để hỏi ý kiến hoặc nhờ vả khi cần?

Khi người già và người trẻ đều cảm nhận được sự cần thiết của mối liên quan mật thiết kia thì những khác biệt trong tuổi tác xem ra không đáng kể nữa? Nói cách khác, người trẻ hay người già thực ra không khác nhau mấy, ai cũng muốn có người thân kề cận để chung sống, duy trì tình thân, các khác biệt trong nhân sinh quan, lối làm việc… đều phải được trung hòa, chín bỏ làm mười hoặc hai mươi!?

Ðọc sách báo ghi chép, phân tích về các thế hệ già/trẻ xong, sau các giây phút “à há” thì phe ta cười cười nhìn lại chính mình. Ngày xưa khi mới vào đời, Dế Mèn đã nhiều lần thở dài… sao người già lẩn thẩn chậm chạp thế… Ôi chao, con đường đó thì chính mình cũng đang dần dần bước đến. Và khi ngắm nhìn người trẻ tính toán bàn soạn công việc đã có lần phe ta ngỡ ngàng tự hỏi… chẳng biết chúng nghĩ ngợi những gì… Con người qua thời gian có phần khác nhau nhưng tựu trung vẫn giống nhau ở những điều căn bản. Thì ra bánh xe thời gian tiếp tục quay đều, người đến, người đi như xuân hạ thu đông, tứ thời bát tiết. Vòng tròn nhân sinh sinh lão bệnh tử; trẻ rồi già, những cái “mới” hôm qua thì hôm nay đã “cũ” theo luật đào thải của thời gian; hay / dở chi rồi cũng… hết, và chẳng có gì là mãi mãi?!

TLL