Trong ngày lễ ngày Tết từ Tây sang Đông, dường như vùng đất nào cũng chộn rộn không tiễn năm cũ thì cũng mừng năm mới hoặc cả hai. Mừng lễ như thế nên nơi nào cũng ăn uống và mua sắm lu bù bất kể giàu nghèo. Bữa ăn xem ra đầy đủ hơn, no ba ngày Tết? hoặc nhiều món ăn quý hiếm ngon miệng hơn ngày thường? Quần áo giày dép tóc tai mặt mũi cũng xem ra tươm tất vén khéo hơn. Hẳn khái niệm “nghinh tân” khiến con người muốn trình bày với đất trời và người chung quanh hình ảnh tốt đẹp nhất của mình? Do đó người ta hè nhau mua sắm và các cửa tiệm tưng bừng, cật lực thúc giục khách hàng với những bài bản quảng cáo “hạ giá” đủ mọi thứ, quần áo, đồ chơi, vật dụng dùng trong nhà, ngoài ngõ… Món nào cũng mời gọi rủ rê khách hàng lè lẹ mở hầu bao để mua sắm.

nguồn: vib.com 

Ngày xa xưa ấy, Dế Mèn cũng là thân chủ của các công ty bán đồ chơi, quần áo, vật dụng… đủ món từ nhà bếp đến nhà để xe, vườn tược. Năm nào cũng mua sắm rầm rộ dù thực sự chẳng cần thứ gì, cần thì không nhưng thích thì nhiều lắm! Và vì bận rộn mua sắm cho mình, quà cáp cho bạn bè thân nhân nên mùa lễ năm nào cũng chạy thở ra khói vì túi bụi nhìn ngắm, so sánh, tìm kiếm các món quà sao cho vừa ý người nhận… cứ đến cuối năm là lại có dịp lẩm bẩm… A thích màu xanh, B ưng đôi giày kiểu nọ, căn bếp trong nhà ông bà cụ cần cái máy pha cà phê mới… và hì hụi mua sắm. Thường khi đến khoảng 20 tháng Mười Hai mới xong danh sách quà cáp, gói ghém các món quà để rồi ù té tay xách nách mang ra bưu điện xếp hàng rồng rắn mà gửi bưu phẩm cho người ở xa!
Những ngày bận rộn ấy kéo dài khá lâu nên Dế Mèn kinh nghiệm đầy mình. Bây giờ thảnh thơi hơn, ngồi ngó lại thì phì cười vì nỗi đa đoan của mình. Tự mình buộc mình. Không biết có người nhận quà nào “cảm” được cái hì hụi tất bật của người gửi không nhỉ?
Hôm nay ngồi xem qua chồng sách báo quảng cáo từ hộp thư ở nhà đến điện thư mà Dế Mèn chóng mặt. Người ta dùng quá nhiều giấy mực, thời giờ để quảng cáo, để thúc giục bá tánh mua sắm chưa kể việc “chế” ra những ngày “lễ”, những “cơ hội” vàng ròng để mua sắm như “Black Friday”, “Cyber Monday”. Tất nhiên khi mày mò tìm kiếm được một món quà vừa ý cho người thân là có một hạnh phúc nho nhỏ nhưng phe ta lại cảm thấy khó chịu trước ý nghĩ tiêu xài chỉ để tiêu xài và mua sắm cho có mua sắm với bá tánh. Thẩm định mối thân thiết xem có đủ sâu đậm để tặng quà hay không đã nhiêu khê như thế còn các ý định về trị giá của món quà thì sao? Như việc tính toán ta nên tiêu xài bao nhiêu tiền cho bà C, chị A? Lại thêm một nỗi băn khoăn khác, người gửi “quá tay” thì người nhận ngại ngùng, áy náy?!

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Những bài viết về môi sinh giục giã cư dân thế giới bớt mua sắm vì những món vật dụng không sử dụng đã khiến trái đất chật chội lắm rồi trong khi xã hội tiếp tục thúc đẩy cư dân tiêu xài để nuôi dưỡng nền kinh tế. Quả là ta đang đứng giữa đàng, phân vân không biết chọn lối nào cho đúng để tâm thần thư thái hơn? Theo ông James MacKinnon, tác giả cuốn “The Day the World Stops Shopping: How Ending Consumerism Saves the Environment and Ourselves”, trận đại dịch cho thấy sự mỏng manh của nền kinh tế; hễ lo âu, hoang mang là bá tánh ngưng tiêu xài và nền kinh tế kia rung rinh liền. Thì ra chính con người đã tạo một hệ thống xã hội tùy thuộc vào sự tiêu xài của người tiêu thụ; và hệ thống kinh tế xã hội ấy lại tạo ra các giới hạn ràng buộc lối sống của cư dân, cái vòng lẩn quẩn.
Khi tiền trong túi không nhiều, việc mua sắm có giới hạn nên lúc mua được một món đồ [không cần thiết] trong ngày “đại hạ giá” với giá hời thì người mua vui vẻ, hài lòng lắm. Tự mãn chăng? Tuy nhiên, khi có thể tiêu xài rộng rãi, bất kể giá cả của sản phẩm thì việc mua sắm không còn mấy ý nghĩa nữa và có thể, ta sẽ vui thích hơn khi chẳng mua món hàng nào cả ngay trong những Black Friday!? Tại sao thế nhỉ? Tâm lý, bạn ạ! Các nhà chuyên viên y tế như Bác Sĩ Tâm Lý Anna Lembke giải thích như thế này: Khi mua sắm, [hóa chất] Dopamine tiết ra trong não bộ khiến ta hài lòng, vui sướng. Cảm giác thích thú ấy khiến ta mua sắm nhiều hơn, từa tựa như người nghiện rượu, ma túy được dùng rượu / thuốc, và xã hội có các cư dân nghiện …mua sắm! Ta mua sắm kịch liệt vì cảm thấy mình là ‘thành viên’ của một nhóm người có tiền bạc [để mua sắm], chia sẻ kinh nghiệm và sự thích thú khi mua được một món hàng vừa ý, món hàng càng quý hiếm càng đắt tiền thì cảm giác vui thích càng gia tăng. “The Dopamine rush”. Ðôi khi, vui thích quá, lượng Dopamine lên quá cao khiến phần não bộ có nhiệm vụ phân tích, kiểm soát ý thức (prefrontal cortex) không hoạt động hữu hiệu nữa. Như người “say” ma túy khó kiểm soát hành động, ý nghĩ, người “say” mua sắm khó ngừng tay dù biết rằng mình không cáng đáng nổi món tiền ấy để rồi mang công mắc nợ.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Làm thế nào để “ngừng tay” mua sắm đúng lúc? Ta cần tự kiểm soát việc tiêu xài. Ngoài việc lập danh sách và ngân quỹ dành riêng để mua sắm, các chuyên viên tâm lý còn đề nghị rằng ta chú ý đến mục đích của mình. Như mua sắm món chi? Dùng món hàng ấy vào việc gì? Quà tặng ai? Họ cần hay ưa thích thứ gì [mà không thể tự mua sắm] hoặc giả món quà chỉ để biểu hiện sự quý mến của người tặng? Kế tiếp, hãy nghĩ đến “ích lợi” [thứ nhì] của việc mua sắm. Ta có đóng góp chi cho xã hội khi tiêu xài không? Mua hàng sản xuất tại địa phương? Mua những sản phẩm của nghệ sĩ nội địa? Tặng bệnh viện, hội từ thiện một món tiền dưới tên người nhận thay cho quà cáp?

Tiêu xài quá độ có thể là một phản ứng để khuây khỏa, mua vui chốc lát cho bản thân; tạm thời quên những khó khăn trong đời sống chung quanh. Mua sắm khiến ta chú trọng tới bản thân nhiều hơn dù những khó khăn kia vẫn không thay đổi. Ngược lại, khi “đầu tư” sức lực vào gia đình, người thân hoặc xã hội, đời sống có thể giàu có và nhiều ý nghĩa hơn. Những khó khăn kia ta có thể giải quyết qua việc chia sẻ giao tiếp với người chung quanh. Hành động tốt đẹp mang lại niềm vui cho bản thân. Khái niệm này đã được một vài cộng đồng nhỏ áp dụng; họ bỏ lờ việc mua sắm trong ngày Black Friday thay vì ngồi “canh” liên mạng [xem lúc nào giá bán hạ thấp nhất] họ dùng thời giờ vào việc tản bộ với người thân, chơi một trò thể thao với bạn bè hoặc nghỉ ngơi với gia đình. Các hoạt động được gọi là “non-consumerism” hay “không tiêu thụ”.
Những người khác, để tạo không khí lễ Tết, đã đi chọn cây thông hoặc xem một vở kịch, xem bản trình diễn “The Nutcracker”, cắm trại, nhìn ngắm những con đường trang hoàng đèn Giáng Sinh rực rỡ, “The Christmas light show” của các chủ nhà tài tử…
Có người nhớ lại những hoạt động hồi năm ngoái. Vì đại dịch, rất nhiều người kể cả Dế mèn ngưng du lịch, bớt ăn uống mua sắm ngoài phố và chỉ quanh quẩn trong nhà, tìm nguồn vui trong sự chia sẻ [không ồn ào, rầm rộ] với thân nhân. Bá tánh gửi thư thăm hỏi bạn bè cũ nhiều hơn, trao đổi tin tức về “chuyện cũ, chuyện mới” nhiều hơn. Kẻ học và vẽ tranh, học chụp ảnh, trồng hoa, chăm bón cây cảnh để lấp các khoảng trống thời giờ không ra đường ăn uống mua sắm… Vì bị bó buộc, giới hạn nên ta học và áp dụng được những thói quen mới mẻ để vui sống. Mùa lễ năm nay, qua kinh nghiệm quý giá ấy, họ cũng mừng lễ tương tự. Ngược lại, vẫn có nhiều người cho rằng gặp gỡ chia sẻ thời giờ với thân nhân thì chưa đủ và cần mang theo quà cáp lỉnh kỉnh!

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Xã hội đang chuyển mình, phần lớn vì đại dịch và các hậu quả nên con người phải thay đổi theo. Ðiều này cho thấy con người có thể thay đổi theo hoàn cảnh, và kinh nghiệm hay / dở từ sự thay đổi ấy sẽ khiến ta sống theo “kiểu” sống mới hoặc trở lại thói quen cũ. Tập tục lễ Tết cũng xoay theo chiều hướng sinh sống của con người. Năm nay, đại dịch Vũ Hán vẫn còn hoành hành, cư dân Huê Kỳ sẽ hành xử ra sao? Tiếp tục là những người tiêu thụ rầm rộ? Hay khuynh hướng “bớt tiêu thụ” sẽ lan rộng hơn dù chậm chạp nên bá tánh bớt mua sắm? Ta chờ các con số về mức mua sắm trong mùa lễ [vừa qua] để ước đoán tiếp?!

Một gia đình người Việt tại Florida chọn ngày lễ Giáng Sinh thành ngày họp mặt gia đình

TLL