Khiva (hay Xiva, Xiveh, Kheeva, Khorasam, Khoresm, Khwarezm, Khwarizm, Khwarazm, Chorezm) là một thành phố cổ trong tỉnh Xorazm của Uzbekistan, dân số khoảng 90 ngàn người. Thành phố nhỏ xíu này từng là thủ đô của Khwarezmia và lãnh địa (Khanate) Khiva.

Tường thành từ bên ngoài, phía trước là các ngôi mộ cổ. Tại sao thế nhỉ? Theo tục lệ Hồi giáo, phá mộ chí là phạm tội nên các ngôi mộ ấy dùng để “bảo vệ” tường thành. Dọc bờ tường là ống dẫn khí thiên nhiên, một phần của hệ thống ống dẫn dài mấy chục ngàn dặm từ vùng Trung Á qua Nga Sô và Hoa Lục! Trông xấu ình nhưng không có thì không xong, cư dân Uzbekistan cần tiền để sinh sống và phát triển kinh tế. Hoa Lục cần khí đốt để dùng và Nga Sô cũng muốn gom khí đốt hầu bán qua Âu châu kiếm tiền [trung gian] bỏ túi và làm reo khi cần!. Photo: TLL/trẻ

Nhiều tên gọi như thế nên tạm hiểu rằng thành phố ấy có gốc gác khá ly kỳ dù ngày nay, ta cũng chưa biết rõ giả thuyết nào chính xác. Truyền thuyết xưa nhất xuất phát từ… thánh kinh kể chuyện những người con trai của Prophet Noah, sau cơn đại hồng thủy, ông Shem (AS) lang thang trong sa mạc. Ði theo giấc mơ có 300 cây đuốc cháy, ông Shem tìm thấy địa điểm ấy và đào giếng, giếng nước Kheyvak có vị ngọt đặc biệt nên thành phố được gọi tên theo giếng nước nọ. Câu chuyện khác cũng liên quan đến giếng nước, nhiều khách du hành đi ngang nơi này và được uống nước ngọt nên khen ngợi rối rít “Khey vakh!” (có nghĩa “ngon ngọt quá” hiểu theo tiếng Việt ta) nên từ đó thành phố có tên “Kheyvakh” hay Khiva. Một tên gọi khác xuất phát từ Thổ ngữ “Khwarezm” hay “Khivarezem” và trở thành “Khiva” (“Khwarezm” dường như trùng hợp với tên một địa phương khác trong lãnh thổ Karakalpakstan ngày nay?).

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Trong thế kỷ XVII, Khiva cũng trải qua giai đoạn “lãnh địa” (khanate), the Khanate of Khiva, dưới sự cai trị của người Mông Cổ, triều đại Genghisid cho đến khi bị người Nga chiếm đất và trở thành đất “bảo hộ”, rồi “Khorezm People’s Soviet Republic” và sau cùng bị gom vào lãnh thổ Uzbekistan năm 1924.

Bản đồ thành phố bằng gạch men trên tường. Photo: TLL/trẻ

Khiva gồm hai phần, bên ngoài là Dichan Kala, bao bọc bởi một lớp tường thành dày cả thước gồm 11 cổng vào. Nội thành là Itchan Kala, cũng được bao bọc bởi một lớp tường gạch mỏng với nền móng được đặt từ thế kỷ X. Tường thành Dichan Kala ngày nay là những bức tường cao trên 10 thước, tuổi tác từ thế kỷ XVII.

Lăng tẩm Pahlavan Mahmud cũng là đền thờ nơi bá tánh đến cầu nguyện. Bước vào đền thờ nên phe ta phải tháo giày và đội khăn cẩn thận. Photo: TLL/trẻ

Phố Cổ có trên 50 đền đài và 250 ngôi nhà cổ xây cất từ thế kỷ XVIII – XIX. Người dẫn đường biểu rằng nhà cửa trong thành không còn được tự do mua bán, chủ nhà chỉ có thể để lại cho truyền nhân, con cái mà thôi.

Juma (Djuma) Mosque là tòa nhà cổ, thế kỷ X, mái nhà được chống đỡ bằng 213 cột gỗ cây du (elm hoặc karagacha theo tiếng địa phương), có cây cột tuổi tác trên ngàn năm; mỗi cột chạm trổ theo thời đại riêng. Hơn phân nửa các cột chống này tương đối “mới”, tuổi tác từ thế kỷ XVII, được gom về từ các tòa nhà đổ nát sau mấy trận động đất, sử dụng lại trong việc tu bổ đền thờ. Bệ cột là những khối gỗ camel, người xưa dùng để chống đỡ thiên tai vì loại gỗ này khá dẻo dai. Lối vào là cây cột gỗ chạm trổ rất đẹp. Tuy là đền thờ nhưng lối vào trên sân vẫn bị sử dụng làm nơi bày bán hàng hóa. Photo: TLL/trẻ

Qua cổng thành là những con đường đất đỏ, bụi mù. Chỉ vài ba cổng lớn mới có đường nhựa, và ta mua vé vào thành ở cổng chính. Nhìn quanh, nơi nào cũng là di tích, cứ vài bước lại thấy viện bảo tàng nhỏ nhỏ trưng bày từ nhạc cụ, thảm, khoa học, nhiếp ảnh thời sơ khai…, chưa kể lăng mộ và đền thờ. Các tòa nhà cổ kính cho Dế Mèn cảm tưởng đang bước vào một thành phố thời Trung Cổ, nhưng khác với Âu Châu là nhà cửa xây cất theo kiểu kiến trúc Islam.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Trên vỉa hè khắp nơi, người địa phương bày bán đủ mọi thứ, từ các sản phẩm bằng gỗ đến chén dĩa bằng đất nung tráng men màu sắc rực rỡ, nón mũ bằng lông thú, tranh vẽ, tranh thêu, bao gối thêu… Muốn mua món chi cũng phải trả giá, mà dù có trả giá kịch liệt thế nào du khách vẫn mua hớ như thường nên phe ta chỉ mua vài món nhỏ nhỏ như cái giá để sách (kiểu giá sách đựng cuốn kinh Quran mở sẵn khi hành lễ) bằng gỗ xếp gọn trong túi đeo lưng. Chỉ hai mảnh gỗ ghép với nhau nhưng sắp xếp rất lạ mắt, có thể thay đổi 6, 7 vị thế khác nhau, phe ta đem về để đựng cuốn sách nấu ăn trên bàn bếp khi cần sử dụng. Ngó cũng lạ lạ.

Tháp xanh dương Kalta Minor nằm giữa thành phố cổ, lẽ ra là một minaret (dựng bên cạnh đền thờ) nhưng vị Đại Hãn khởi công qua đời khi việc xây cất còn dở dang, con cháu kế vị lại chẳng muốn xây cất tiếp nên ta có cái cột cẩn gạch men nằm lẻ loi. Photo: TLL/trẻ

Khiva, theo ý riêng, có lẽ là thành phố đẹp nhất, đáng xem nhất, ăn đứt Bukhara, Samarkand, Nukus… Chỉ tiếc rằng thành phố này quá xa xôi, đường sá lại ổ voi ổ gà, phải ngồi cong lưng cả ngày 8-9 tiếng trên xe bus (từ Bukhara) vượt sa mạc gió cát mới đến nơi. Nhưng đến nơi rồi thì Dế Mèn không tiếc công lặn lội vì thành phố đẹp quá xá dù có người cho rằng Khiva được trùng tu kỹ quá, từng phân vuông đất đều được con người tẩn mẩn sửa chữa nên không còn cổ xưa nữa!?

Ngày nay tại công trường chính vẫn còn các lò tandoor của cộng đồng nội thành 3,000 dân, ai cũng có thể sử dụng để nướng bánh. Photo: TLL/trẻ

Nhạc công trình diễn trước viện bảo tàng nhạc cụ cổ. Photo: TLL/trẻ

Giếng nước cổ (tương truyền do ông Shem tạo dựng) nằm giữa công trường thành phố. Photo: TLL/trẻ

TLL

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Orlando, FL.