Mùa này là mùa bão, các trận bão lớn nhỏ đang đi qua nhiều nơi trên địa cầu. Tuy nhiên mưa bão hay các trận mưa lớn, sấm chớp đùng đùng lại mang các tên gọi khác nhau, tùy theo địa phương.

nguồn: dcma.mil/News/Article-View/Article/1880923/get-prepared-hurricane-season-is-here/

Ở vùng Nam Bán Cầu khi trận bão tai hại nhất thế kỷ thổi qua Mozambique, Malwi và Zimbabwe vào tháng Ba vừa qua, bá tánh gọi tên ‘nó’ là “Cyclone Idai”. Tại Guam, trận bão lớn tràn ngập hòn đảo ấy vào tháng Hai lại được đặt tên là “Typhoon Wutip”. Gần gũi hơn, trận bão Barry nhúng nước vùng vịnh Mễ Tây Cơ (Gulf of Mexico), báo chí kêu là “Tropical Storm Barry” hoặc “Hurricane Barry”.

Tiếng Việt ta gọi chung chung là “bão” cho mấy chữ ‘hurricane’, ‘typhoon’ và ‘cyclone’ dù mỗi vùng đất dùng ngôn tự khác nhau để gọi hiện tượng này.
Có chi khác biệt giữa các danh tự này không hay chúng chỉ là cách con người đặt tên chỉ mặt một hiện tượng thiên nhiên xảy ra trong đất trời? Và những danh tự ấy xuất phát từ đâu?

Như mọi tên gọi, con người đặt tên sự vật dựa trên lịch sử và văn hóa đặc thù của địa phương sinh sống. Chữ “Hurricane” xuất hiện trong sách vở Anh ngữ từ thế kỷ XVI dựa trên gốc Spanish “huracán.” Chữ “Typhoon” dường như có nguồn gốc Ả Rập “tafa” hoặc Trung Hoa “taifeng”, hoặc dựa trên nguồn gốc của cả hai chữ kể trên? Riêng “Cyclone” thì mới mẻ hơn, xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII do một viên chức người Anh tùng sự tại Ấn Ðộ “sáng chế” từ hiện tượng “xoáy tròn” để mô tả bão tố.

Bất kể gốc gác, cả ba chữ kể trên đều được dùng để chỉ các trận gió lớn (trên 74 dặm / giờ) xoáy tròn trên các vùng nước ấm với áp suất không khí thấp tại tâm điểm. Cư dân vùng Bắc Ðại Tây Dương, Ðông Bắc Thái Bình Dương, biển Caribe và vịnh Mễ Tây Cơ gọi tên gió bão là “hurricane” (diễn nôm na là “Cầm gậy mà chạy cho lẹ”?) Vùng Tây Bắc Thái Bình Dương và Á Châu vốn ẩm ướt thì đặt tên “typhoon” cho những trận mưa bão dầm dề. Khi dùng vạch chia múi giờ quốc tế tại Thái Bình Dương làm “điểm gốc” thì trận bão thổi từ đông sang tây trở thành “typhoon” trong khi trận bão đi từ tây sang đông là “hurricane”.

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Cũng những trận bão ấy nhưng nếu xuất hiện tại vùng Nam Bán Cầu, biển Ấn Ðộ hay Nam Thái Bình Dương thì trở thành “tropical cyclones” hoặc ngắn gọn “cyclones”.

Bão tố hung hãn như thế nhưng chính các trận bão ấy đã giúp điều hòa thời tiết trên địa cầu qua việc chuyển năng lượng từ sức nóng từ đường xích đạo đến hai cực bắc, nam của địa cầu.

Ngoài việc có tên gọi khác nhau, ‘hurricanes’, ‘typhoons’ và ‘cyclones’ cũng xuất hiện theo các mùa thời tiết khác nhau. Mùa bão tại Ðại Tây Dương (hurricane) bắt đầu từ ngày 1 tháng Sáu và kéo dài đến cuối tháng Mười Một trong khi mùa bão Thái Bình Dương (typhoon) bắt đầu sớm hơn và có thể kéo dài suốt năm nhưng thông thường là từ tháng Năm đến tháng Mười. Mùa bão Nam Thái Bình Dương (cyclone) thường xuất hiện từ ngày 1 tháng Mười Một và chấm dứt ngày 30 tháng Tư! Cyclones trong vùng biển Ấn Ðộ không theo mùa [chính thức] nhưng thường xuất hiện từ tháng Năm đến tháng Mười.

Bất kể tên gọi, bão tố thường giảm tốc độ khi thổi vào đất liền, vì đã tiêu xài phần nào năng lượng thu góp từ biển cả, nhưng vẫn có thể bay khá xa mang theo gió mạnh, mưa lớn và gây lụt lội.
Những trận bão với sức gió chưa đủ mạnh, khoảng 39- 73 dặm / giờ, để gọi là ‘tropical cyclones’ thường được gọi là ‘tropical storms’ hoặc ‘tropical depressions’ vì lượng áp suất tại tâm điểm trận bão tương đối đối thấp.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Tropical cyclones trên thế giới được đặt tên theo danh sách do Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (the World Meteorological Organization) lập ra. Riêng các trận bão gây thiệt hại nặng nề như Typhoon Haiyan hoặc Hurricane Katrina thì tên tuổi nọ đã được xóa bỏ từ danh sách kể trên. Có lẽ chẳng ai muốn nhắc đến mấy trận thiên tai ghê gớm ấy nữa vì tên tuổi nọ gieo rắc kinh hoàng?!

Bão tố được đánh giá ra sao? Dựa trên tốc độ của gió, hurricanes được xếp hạng theo thang điểm 1-5 của hệ thống Saffir-Simpson Scale. Theo National Hurricane Center Hoa Kỳ, các trận bão trong mức 3 hay lớn hơn thường có tốc độ gió khoảng 111 dặm / giờ và được xem là bão lớn vì chúng có thể gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như tài sản.

Typhoons được theo dõi bởi Japan Meteorological Agency, và cơ quan này cũng dùng tốc độ gió để đánh giá trận bão nhưng chỉ ở ba mức độ, “typhoon,” “very strong typhoon” hoặc “violent typhoon.”

The Joint Typhoon Warning Center, một trung tâm khí tượng của quân đội Hoa Kỳ đặt tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), Hawaii, cũng sử dụng các danh xưng như “tropical depression,” “tropical storm,” “typhoon” và “super typhoon” khi dự đoán và loan báo thời tiết.

Cyclones trong vùng biển Ấn Ðộ được xếp hạng theo hai mức độ, tùy theo trận bão xuất hiện ở đâu, “very intense tropical cyclone” và “super cyclonic storm”. Tropical cyclones xuất phát từ 5-30 độ trên bắc vĩ tuyến thường đi theo hướng tây trong khi các trận bão gần bắc vĩ tuyến 30 thường đi theo hướng đông bắc.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Dù nằm trong vùng biển Thái Bình nhưng Úc Ðại Lợi lại xếp hạng bão tố theo hệ thống 1-5 như vùng Bắc Mỹ.

Chi tiết hơn, trung tâm NOAA (hay “the National Oceanic and Atmospheric Administration” chuyên nghiên cứu về các hiện tượng xảy ra trong trời đất và biển cả). đánh giá các trận bão như sau:

– Tropical Depression: trận bão xoáy với tốc độ gió 38 mph (33 knots) hay thấp hơn.

– Tropical Storm: trận bão xoáy với tốc độ gió trong khoảng 39 to 73 mph (34 to 63 knots).

– Hurricane: Trận bão xoáy với tốc độ gió 74 mph (64 knots) hoặc cao hơn.

– Major Hurricane: trận bão xoáy với tốc độ gió 111 mph (96 knots) hoặc cao hơn, tương đương với mức 3, 4 hoặc 5 theo hệ thống Saffir-Simpson Hurricane Wind Scale.

Bất kể tên gọi hoặc nơi xuất phát, bão tố là cơn thịnh nộ của đất trời, và con người chỉ có thể chuẩn bị để… bỏ chạy khi có cơ hội hoặc chịu đựng. Ðể chịu đựng các trận bão lớn với các vấn nạn như mất điện hoặc lụt lội, ta cần chuẩn bị, sắp xếp những thứ cần thiết như giấy tờ tùy thân, thuốc men sử dụng hàng ngày, điện thoại di động, đèn chạy bằng pin (battery), nước uống, thức ăn khô … và sẵn sàng rời bỏ nhà cửa khi nguy cơ ngập lụt cận kề. Nên theo dõi tin tức và tuân theo lệnh di tản của chính phủ địa phương. Ðừng dùng dằng, tiếc nuối đất đai, của cải vì còn người thì còn của?!

TLL

Orlando, FL.