Vừa qua, ông Richard Branson, sếp lớn của tập đoàn “Virgin Groups” bao gồm Virgin Atlantic, Virgin Galactic… đã bay vào không gian qua “phi thuyền” (spacecraft) SpaceShipTwo Unity. Phi thuyền này lên đến độ cao trên 50 dặm và chuyến bay được gọi là “suborbital flight”. Ở khoảng không trung ấy, không còn trọng lực nữa nên thân thể con người sẽ lơ lửng. Bay lơ lửng như thế khoảng bốn phút, SpaceShipTwo Unity quay về và hạ cánh an toàn tại Space Port, New Mexico, nơi Virgin Galactic đặt trụ sở.

Ðây là chuyến bay vào không gian lần thứ tư của Virgin Galactic từ năm 2018 và là chuyến bay đầu tiên mang theo “hành khách” là ông sếp lớn và ba chức sắc khác (Sirisha Bandla, Colin Bennett, và Beth Moses) cùng hai phi công Dave Mackay & Michael Masucci của công ty Virgin Galactic. Hành khách không phải là “phi hành gia” (astronaut) chuyên nghiệp mà chỉ là “hành khách mẫu” để quảng cáo, mở đầu cho những chuyến bay thương mại khác.

Tất nhiên, ông Branson không phải là người đầu tiên du hành trong vũ trụ. 60 năm trước đó đã có phi hành gia Yuri Gagarin của Liên Xô dùng phi thuyền Vostok 1 để thám hiểm không gian, vào được quỹ đạo Trái Ðất trong một chuyến bay dài 108 phút. Các phi hành gia thám hiểm không gian kế tiếp đều mô tả kinh nghiệm du hành không gian từa tựa như nhau, cùng cảm thụ ý niệm “cộng đồng”, nhận ra sự mỏng manh của Trái Ðất khi nhìn từ không gian tối đen xa thẳm.

Trong cuốn “The Orbital Perspective”, tác giả cũng là phi hành gia của NASA, Ron Garan kể lại cảm nghĩ của mình: “Khi hồi tưởng đến chuyến du hành không gian “thiên đường”, tôi lại nghĩ đến thân phận cả tỷ con người khác trên Trái Ðất, những người không có nước sạch để uống, thiếu cơm ăn áo mặc, các cuộc chiến tranh giữa con người, những bất công xã hội… đang quấn chặt con người sinh sống trên mặt đất”. Ðại khái mặt đất đầy rẫy khổ nạn sao không dồn nỗ lực vào việc giúp đỡ con người mà lại tiêu xài sức lực tiền bạc cho chuyện xa vời như du hành không gian…?!

Mơ ước cao xa, đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, đến nay, ước mơ ấy đã đạt được một phần. Công ty của ông Branson đã đưa được phi hành đoàn vào không gian, bay là đà bốn phút trong quãng chân không rồi bay về! Dù không xa hay “cao” như các chuyến phi hành của NASA hay Nga Sô, lên mặt trăng hoặc đáp xuống International Space Center nơi các phi hành gia “tạm cư” để nghiên cứu nhưng chuyến du hành trong không gian của ông Branson đã đánh dấu một bước ngoặt rất lớn: Du hành không gian là điều khả thi, chỉ cần có rất nhiều tiền (giá vé hình như khoảng 1 triệu Mỹ kim cho những hành khách đầu tiên, sau đó giá vé sẽ giảm từ từ, xuống khoảng 250 ngàn Mỹ kim để những người ít tiền hơn có thể kham nổi!).

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Thế là từ nay không chỉ các phi hành gia (được NASA huấn luyện) và các chuyên viên nghiên cứu mới được lên phi thuyền, cư dân xoàng xoàng nhưng nhiều tiền cũng được du hành không gian, xem chị Hằng mặt rỗ cho thỏa chí tang bồng!


Một chút về công ty Virgin Galactic: thành lập năm 2004 do tỷ phú người Anh, Richard Branson, làm chủ; ông này kiếm bạc tỷ qua ngành hàng không, Virgin Atlantic. Hãng máy bay ấy nổi tiếng qua cách tiếp đón, đãi đằng hành khách, phổ thông nhất là đường bay New York – Luân Đôn từ thập niên 90. Quầy rượu “mở cửa” suốt chuyến bay và hành khách tha hồ say sưa. Hội quán riêng tại phi trường cũng sang trọng thoải mái không kém. Ở Luân Đôn, hội quán ấy có cả nơi cắt tóc, xoa bóp in hệt như các “spa” ngày nay. Từ nhiều năm, ông sếp lớn đã từng công bố rằng ông ấy mơ ước sẽ bán vé phi thuyền để hành khách có thể lên cung trăng xem mặt chị Hằng. Được như thế khi về chầu tổ tiên mới thỏa chí!


Virgin Galactic không phải là công ty du hành không gian tư nhân duy nhất mà các tài phiệt khác cũng “mơ” sát nút. Ông Jeff Bezos, chủ nhân Amazon, có công ty Blue Origin và ông Elon Musk, sếp lớn của Tesla, có công ty SpaceX. Mấy công ty này đều có chương trình chế tạo phi thuyền để bán vé du hành không gian. Ít ngày nữa, sẽ đến phiên ông Bezos du hành vũ trụ trong phi thuyền New Shepard của Blue Origin. Ðại khái là ông Branson đi trước ông Bezos khoảng mươi ngày.

Tại “sân” bay và gần bệ phóng, công ty này đã tổ chức một party rầm rộ, ca hát vui nhộn để “gửi” phi thuyền vào vũ trụ. Phóng viên / người tường thuật của công ty là ông Stephen Colbert, một người chuyên nghề đùa giỡn, chọc cười. Tạm hiểu là du hành không gian với Virgin Galactic là một thú vui, món giải trí lành mạnh dù tốn tiền nhưng kinh nghiệm ấy ngàn năm một thủa.

Về mặt kỹ thuật, các phi thuyền của NASA được phóng thẳng đứng lên trời; phi thuyền SpaceShipTwo Unity được “khiêng” bởi phi thuyền “mẹ” WhiteKnightTwo, rồi sau đó tách rời, lên thẳng và bay vào không gian. Khi phi thuyền “con” lên đến cao độ 282,000 bộ Anh, khoảng 53.41 dặm từ mặt đất, hành khách được tháo dây an toàn và trải qua kinh nghiệm lơ lửng trong khoảng chân không.

Sự khác biệt giữa “orbital flight” (du hành trong quỹ đạo Trái Ðất) và “suborbital flight” đến từ vận tốc (orbital velocity) là: Phi thuyền du hành không gian phải bay ở vận tốc tối thiểu 7.8 km mỗi giây hay 28,000 km/giờ để có thể bay / lượn trong quỹ đạo thay vì “rơi” trở lại mặt đất; trong khi “suborbital flight” bay chậm hơn vì không đủ sức đẩy nên chỉ đến không gian mà không vào được quỹ đạo Trái Ðất. Có thể đây là lý do các nhà khoa học gọi SpaceShipTwo Unity của Virgin Galactic là “rocket” (hỏa tiễn) thay cho “space craft” hay “phi thuyền”?!

Trở lại với câu chuyện bay bổng của ông tỷ phú, tuy đã phủ nhận việc “tranh đua” với ông sếp Amazon để du hành không gian trước nhưng vẫn có lời “qua lại” không mấy đẹp như khi được hỏi ý kiến về ông Bezos thì ông Branson đã trả lời “Jeff who?”. Lời đã “qua” nên ta thấy tiếng “lại” từ công ty Blue Origin của ông Bezos. Blue Origin lên tiếng “chê” chuyến bay của Virgin Galactic là “chưa sá gì” vì chưa lên đến “Kármán line” và đã công bố cả một biểu đồ so sánh các chuyến du hành không gian của hai công ty. New Shepard của Blue Origin đã bay cao hơn Kármán line (nhưng không chở hành khách).

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Theo định nghĩa của các cơ quan [thám hiểm] không gian quốc tế, “Kármán line” hay cao độ 100 km (62 dặm) là nơi “không gian” bắt đầu. Chính phủ Huê Kỳ, qua cơ quan Federal Aviation Administration (FAA), đã trao huy hiệu “phi hành gia” cho những người lên đến cao độ 50 dặm! Tạm hiểu là ông Branson và phi hành đoàn đã được gắn huy hiệu này sau chuyến bay.

Giấc mơ của các tỷ phú bắt đầu khi giải thưởng 2004 Ansari X Prize ra đời. Ðây là cuộc tỷ thí của các tay kỹ thuật, công ty nào chế tạo được máy bay có thể du hành trong không gian sẽ thắng 10 triệu Mỹ kim. Ông Paul Allen, người đồng sáng lập Microsoft với Bill Gates, đã tài trợ chương trình nghiên cứu do ông Burt Rutan, một nhà thiết kế máy bay nổi tiếng đã chế tạo được SpaceShipOne, dẫn đầu. Cảm phục và thích ý quá, ông Branson mua luôn bản quyền kỹ thuật và dán nhãn “Virgin” lên con tàu không gian này. Thế là công ty Virgin Galactic ra đời!


Tính đến hôm nay, thế giới đã có khoảng 320 chuyến du hành không gian trong quỹ đạo Trái Đất do các chính phủ Hoa Kỳ, Nga Sô và Hoa Lục thực hiện, trừ chuyến bay mới nhất, Crews Dragon, là của công ty tư nhân SpaceX.


Tất nhiên du hành không gian không chỉ thu hút ông Branson mà nhiều tỷ phú khác cũng say mê như vậy. Một phần là lấy tên tuổi và phần khác là sự quyến rũ về tiền bạc. Sau chuyến bay của Virgin Galactic, báo chí bắt đầu nói đến du hành không gian nhiều hơn và chi tiết hơn. Từ năm 2011, khi các phi thuyền Huê Kỳ bị xếp xó thì ta chẳng còn nghe chuyện du hành không gian nữa; nhưng chỉ hơn một năm nay thì chuyện không gian lại sôi nổi khi SpaceX của ông Elon Musk đưa hai phi hành gia NASA, Bob Behnken & Doug Hurley, đến Trung tâm Không gian Quốc tế (the International Space Station). Kế tiếp là hai chuyến bay tương tự cũng do SpaceX thực hiện. Boeing hợp đồng với NASA chế tạo phi thuyền và đưa các phi hành gia NASA đến và đi từ Trung tâm Không gian Quốc tế, sẽ thực hiện những chuyến bay tương tự trong vài tháng sắp tới. Với các hoạt động ấy, ta có thể hiểu rằng thay vì tự chế tạo và phóng phi thuyền như đã từng thực hiện nhiều lần trước đây, NASA đã chuyển chương trình nghiên cứu & phát triển này qua tư nhân dù vẫn là nguồn tài trợ chính (“outsource”).

Không chỉ làm việc với chính phủ, SpaceX còn “bắt tay” với tư nhân. Họ công bố sẽ thực hiện chuyến du hành Inspiration4 vào tháng Chín sắp tới, do tài phiệt Jared Isaacman tài trợ. Chuyến du hành ba ngày này sẽ đưa bốn thường dân vào quỹ đạo Trái Ðất trong phi thuyền Dragon. Việc “bán vé” sẽ do công ty Axiom Space đảm nhận, phí tổn khoảng 55 triệu Mỹ kim! Thấy bá tánh xếp hàng mua vé, các tay phân tích lẹ tay đếm tiền: Trị giá của kỹ nghệ du hành không gian được ước tính là 5 tỷ Mỹ kim vào năm 2025.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Thế là “thường dân” cũng được du hành không gian, chẳng cần phải trải qua sự tuyển lựa, thời gian huấn luyện nhọc nhằn để trở thành “phi hành gia”, miễn là có tiền và rất nhiều tiền. Ông Branson dẫn đầu rồi sẽ đến ông Bezos và theo sau là các tài phiệt lắm tiền khác. Chuyện “đi vào vũ trụ” sẽ trở thành chuyện… hằng ngày như ta đi máy bay từ thành phố A đến làng B. Hình ảnh con tàu phóng thẳng lên trời như sao xẹt khiến người phàm như Dế Mèn đây lé mắt nhưng khi nhìn quanh và thấy những cánh đồng nứt nẻ khô rang, những khu rừng bốc cháy vì thiếu nước và vì hậu quả hâm nóng toàn cầu thì băn khoăn khó chịu lắm. Một chuyến du hành không gian như thế sẽ đốt bao nhiêu nhiên liệu? Và sẽ tạo ra bao nhiêu thứ phế thải? Những thứ phế thải ấy sẽ ảnh hưởng đến môi sinh ra sao? Tất nhiên người giàu không hẳn có bổn phận phải trợ giúp kẻ nghèo nhưng ít ra cũng có chút bổn phận bảo tồn môi sinh chung!

TLL