Đất nước Cờ Hoa tên chính thức là Hiệp Chủng Quốc bao gồm nhiều nhóm di dân in hệt cái nồi xà bần “melting pot”, mọi khác biệt từ các nhóm cư dân xem ra được/bị “nung chảy” rồi hòa lẫn với nhau hình thành một văn hóa mới.

Tàu di dân Irish cặp bến Ellis Island – Hoa Kỳ. nguồn: irishamericanjourney  

Mỗi nhóm di dân sau khi “hoàn hồn”, ổn định cuộc sống trên đất mới đều cố gắng liên kết với nhau, tạo thành các cộng đồng nhỏ nhỏ chia chung gốc văn hóa, khởi đầu từ ngôn ngữ. Từ đó, Hoa Kỳ có những ngày kỷ niệm lớn/nhỏ như St. Patrick (cộng đồng Ái Nhĩ Lan), tháng kỷ niệm Châu Mỹ La Tinh gom chung các nhóm di dân từ nhiều quốc gia thuộc địa cũ của Tây Ban Nha, nói tiếng Tây Ban Nha pha lẫn thổ ngữ, cộng đồng “Hispanic”, ngày vinh danh người da màu Juneteenth, cộng đồng Việt tại hải ngoại kể cả Huê Kỳ thường dùng ngày 30 tháng Tư Quốc Hận để ngậm ngùi thương nhớ quê xưa, dùng Tết Nguyên Đán làm dịp chia sẻ cổ tục qua thức ăn, hội hè … Tạm hiểu là các cộng đồng thiểu số đông người đều tổ chức một vài ngày kỷ niệm cho riêng họ nhưng các ngày kỷ niệm ấy chỉ mang tính cách riêng tư, không phổ thông như St. Patrick’s Day.

Bằng cách nào mà cộng đồng Ái Nhĩ Lan có nguyên một ngày được ghi nhận trong niên lịch xứ Cờ Hoa, 17 tháng Ba, St. Patrick’s Day? Ngày này hiện diện từ bao giờ? Dế Mèn tò mò lắm nên tìm hiểu lịch sử di dân của Huê Kỳ nhưng bài viết ngắn này chỉ mô tả ít chi tiết riêng về di dân Ái Nhĩ Lan.

Sơ lược về “thủa ban đầu”: Cư dân Châu Mỹ là những ai? Sách vở ghi chép rằng “Tổ tiên” người Hiệp Chủng Quốc là những bộ tộc “da đỏ”. Theo chân ông Christopher Columbus lạc lối trên đường đi tìm vàng năm 1492 là các đoàn quân viễn chinh Tây Ban Nha, Pháp; sau đó là các nhóm người gốc Anh và các hòn đảo lân cận như Wales, Tô Cách Lan (Scotland), và Ái Nhĩ Lan bị truy đuổi đi tìm đất sống xuất phát từ các con tàu Hòa Lan vượt Đại Tây Dương vào thế kỷ XVII, “the pilgrims”. Dễ hiểu là tiếng Anh do đó được sử dụng trên đất mới. Con cháu họ thành lập 13 tiểu bang đầu tiên của Huê Kỳ. Giữa thế kỷ XVIII, đất nước này có thêm người da màu, những di dân “cưỡng bách” từ Châu Phi, họ bị bắt cóc và đem bán làm nô lệ từ những năm 1700. Thủa ấy, năm 1790, dân cư tại Huê Kỳ khoảng bốn triệu người, trong số này, 60 ngàn người da màu đã được tự do trong khi 400 ngàn người da màu khác vẫn là nô lệ, đo đếm như tài sản của những điền chủ miền Nam.

Đến thế kỷ XIX, cư dân từ Anh, Đức, và Ái Nhĩ Lan là những người “đến sau” trong cuộc di dân có tên “Great Atlantic Migration” bắt đầu năm 1840. Tính đến năm 1910, khoảng 17 triệu người Âu Châu đã đến Huê Kỳ. Đa số những di dân này theo đạo Tin Lành; riêng Ái Nhĩ Lan có truyền thống Thiên Chúa giáo La Mã với thánh bổn mạng là St. Patrick. Từ đó, cái nồi “xà bần” Hiệp Chủng Quốc tiếp tục lớn mạnh nhờ các nhóm di dân khác theo chân đến đất lành mà sinh sống.

Di dân Âu Châu mang theo những ngày lễ của Thiên Chúa giáo như Phục Sinh, Giáng Sinh. Mỗi nhóm mang theo văn hóa, cổ tục và cả ngôn ngữ riêng. Người Đức có “October Fest”; một dịp tụ họp để hàng quán bán bia và những món ăn “đường phố” nặng phần thương mại nên được quảng cáo kịch liệt. Ngày hội này chỉ mới phổ thông và rầm rộ vài mươi năm gần đây. Nhóm di dân Ái Nhĩ Lan tương đối nhỏ hơn, cộng đồng Thiên Chúa giáo La Mã nhỏ hơn so với cộng đồng Tin Lành bao gồm nhiều giáo phái nhưng ngày 17 tháng Ba, lễ Thánh Patrick, lại được cử hành trọng đại và được ghi chép trên niên lịch Huê Kỳ cả trăm năm nay. Cư dân gốc Ái Nhĩ Lan mặc quần áo xanh lục, Chicago nhuộm xanh cả dòng sông trong thành phố … để kỷ niệm.

Nạn đói vì mất mùa khoai – The Great Potato Famine. nguồn: britannica

Di dân Ái Nhĩ Lan gốc gác ra sao? Người Ái Nhĩ Lan đến Huê Kỳ trong thế kỷ XIX sau nạn đói vì mất mùa khoai, The Great Potato Famine, chết cả triệu người. Kẻ sống sót dứt áo rời bỏ đất tổ để kiếm ăn và đến Huê Kỳ bằng tàu thủy cặp bến Ellis Island, trung tâm tiếp nhận di dân lớn nhất tại đất mới trên bờ biển New York. Ở đó có bảng đá khắc tên các di dân nhập cảnh và cả một viện bảo tàng lưu trữ vật dụng của họ. Hòn đảo nhỏ xíu bên cạnh chưng tượng Nữ Thần Tự Do, dép sứt quai, tay cầm đuốc. Dế Mèn ghé thăm hai hòn đảo này vài lần, lần nào cũng chạnh lòng như nhau.

Di dân Ái Nhĩ Lan được mô tả là “năng động”, “cầu tiến”, chịu hy sinh làm lụng tạo cơ hội cho con cháu thành công trong nhiều lãnh vực nhất là giáo dục và chính trị (hình như quan niệm này cũng hiện diện trong các nhóm di dân Á Châu nhất là người Việt ta?); họ tham chính rất sớm nên chiếm giữ nhiều vị thế quan trọng trong các cơ quan điều hành quốc gia, có thể vì vậy nên di sản văn hóa Ái Nhĩ Lan được quảng bá rộng rãi nhờ “quan to, tiếng cả”? Lễ lạt, cổ tục Ái Nhĩ Lan được cả nước kỷ niệm dù nhóm di dân này “đến sau” và không đông đảo như các nhóm di dân khác?!

Xem thêm:   Đi về điểm tận cùng trái đất

Tiền nhân người Huê Kỳ gốc Ái Nhĩ Lan sinh sống ra sao để đạt mục đích để đời kể trên? Không như những nhóm di dân khác từ Đức, từ Thụy Điển đến đất mới với ít tiền bạc, mua được đất đai, người Ái Nhĩ Lan tay trắng, không còn gì sau khi vượt Đại Tây Dương bằng mọi cố gắng. Lênh đênh trên biển cả suốt 35 ngày trong hầm tàu chật hẹp dành cho người “quá giang” nghèo khó.

Nghèo khó, không nghề chuyên môn, lại chẳng có đất đai mà canh tác trồng trọt, di dân Ái Nhĩ Lan sinh sống ra sao? Bằng sức lực cố gắng của bản thân, không từ bỏ các công việc nhọc nhằn khó khăn chẳng mấy ai muốn, bị kỳ thị vì họ quá nghèo, quá trung thành với niềm tin Thiên Chúa giáo La Mã. Ngày trước, tín đồ Tin Lành bị truy đuổi bắt bớ vì theo đạo “mới” nên vượt biển đến đất lành. Mấy trăm năm sau con cháu họ lại truy đuổi di dân Ái Nhĩ Lan vì tội theo Thiên Chúa giáo La Mã. Cái vòng lẩn quẩn của sự kỳ thị, không chấp nhận những khác biệt. In hệt hình ảnh của các nhóm di dân “mới” theo sau đến Huê Kỳ, không bị kỳ thị văn hóa thì ngôn ngữ, tôn giáo …

Thiếu điều kiện để khảo sát kỹ lưỡng về cách sinh sống của di dân Ái Nhĩ Lan, cả trăm năm nay, sách vở đều kết luận rằng di dân Ái Nhĩ Lan quá nghèo khó nên không thể vươn lên trong xã hội Huê Kỳ. Cho đến nay khi sử gia Tyler Anbinder khám phá ra “kho tàng” giấy tờ tại New York Public Library thì kết luận kể trên … lung lay, sắp bị xóa bỏ và lịch sử di dân Ái Nhĩ Lan đang được viết lại.

Xem thêm:   Swinging trò chơi thác loạn

Ông Anbinder làm công việc nghiên cứu các chi tiết lịch sử để viết sách thì tình cờ tìm thấy “tủ” hồ sơ của Emigrant Savings Bank lưu trữ từ 150 năm trước trong nhà kho của thư viện thành phố. Các khám phá mới mẻ này là nền tảng của một cuốn sách [khác] viết về di dân Ái Nhĩ Lan: “Plentiful Country: The Great Potato Famine and the Making of Irish New York”.

Sử gia tìm thấy những gì trong kho giấy tờ của ngân hàng? Đầu tiên là những con số kinh ngạc trong sổ tiết kiệm của nhóm di dân Ái Nhĩ Lan, những tên họ Murphy, Sullivan, Kelly… Ngay cả những nhân công nhận lương hằng ngày, tạm hiểu là người sinh sống từng ngày, chạy ăn từng bữa, mà trương mục tiết kiệm có đến 6,000 Mỹ kim (theo thời giá ngày nay); chưa kể các chi tiết quý giá khác như tuổi tác, nghề nghiệp, địa chỉ… Nghĩa là lớp di dân Ái Nhĩ Lan [đầu tiên] không giàu có nhưng cũng không khốn khó như sách vở [từng] ghi chép. Với số tiền ấy, họ có thể sống thong thả hơn tại các khu phố khá giả hơn, không cần chen chúc trong khu “dân sinh” của thành phố, nơi tội ác diễn ra giữa các băng đảng tranh giành ảnh hưởng.

Cựu giáo sư lịch sử tại George Washington University, ông Anbinder và những sinh viên ngành lịch sử đã bỏ công tìm tòi sau khám phá đầu tiên về di dân Ái Nhĩ Lan. Dùng các phương pháp truy tìm nguồn gốc qua thư khố, họ nhận diện và theo dấu 1,200 di dân Ái Nhĩ Lan để khảo sát về cách sinh sống sau khi đến đất lành. Một công trình nghiên cứu mà truyền nhân cũng như sử gia ngày trước không mấy thành công.

Ngoài việc tiết kiệm tối đa, 1200 di dân Ái Nhĩ Lan kể trên sinh sống ra sao? Họ đã làm những gì để đổi đời trên đất mới? Kết quả ghi chép của ông Anbinder và đồng sự cho thấy 41% nhóm di dân này, bắt đầu từ công việc lãnh lương công nhật họ đã trở thành chủ nhân của các thương nghiệp nhỏ, từ nhóm “cổ xanh” (blue collar) làm công việc không cần chuyên môn trở thành nhóm “cổ trắng” [tên gọi của người làm việc văn phòng] chỉ trong một thế hệ. Vào thủa ấy với những thành kiến trói buộc của xã hội và bị kỳ thị nặng nề, yếu tố nào giúp di dân Ái Nhĩ Lan thành công ngoài tinh thần cầu tiến, lòng quả cảm và chịu đựng? Họ là những người trẻ, sống sót sau trận đói để đời nên vô cùng năng động; sẵn sàng đối mặt với những khó khăn để sinh tồn.

Cư dân Huê Kỳ thủa ấy không mấy hoan hỷ với di dân Ái Nhĩ Lan, đã bài bác kịch liệt vì thành kiến cho rằng đám người khốn khổ, dốt nát, lười biếng [nên nghèo đói] kia đến đây chỉ để xin ăn và ta sẽ phải trợ giúp chi bằng cứ mạnh tay xua đuổi là họ sẽ biến mất!?

Thành kiến nặng nề ấy xuất hiện dưới nhiều hình thức, rõ ràng nhất là khi di dân đi xin việc. Nói tiếng Anh với giọng Ái Nhĩ Lan là chủ nhân không thuê mướn trừ các công việc chẳng ai khác muốn làm. Bài bản tìm người trên nhật báo cũng ghi rõ là dân Ái Nhĩ Lan không cần nộp đơn [xin việc] (“no Irish need apply.”)

Người Ái Nhĩ Lan ăn mừng St. Patrick’s Day tại Hoa Kỳ. nguồn: stpattysparade-stock

Bị kỳ thị xua đuổi nên di dân Ái Nhĩ Lan dốc lòng hết sức làm việc, các công việc nặng nhọc, khó khăn để trở thành chủ nhân trong tương lai. Khi làm chủ thì không còn bị xua đuổi nữa, do đó di dân Ái Nhĩ Lan có khuynh hướng gầy dựng cơ sở làm ăn mạnh mẽ hơn so vói cư dân địa phương. Khởi đầu là các quán rượu, saloon, gần những công trường xây cất [thuê mướn nhân công Ái Nhĩ Lan) rồi đến đất đai chung quanh; mua đất rẻ tại những vùng chưa phát triển… Từ đó con cháu di dân Ái Nhĩ Lan vươn lên và sống hùng sống mạnh! Họ tiếp tục các truyền thống của tiền nhân nhất là cử hành ngày kỷ niệm Thánh Patrick; có tiếng nói nặng ký nên cả nước đều nghe thấu.

Xem thêm:   Lăng Tự Đức

Trên chính trường Huê Kỳ có 4 ông tổng thống là con cháu di dân Ái Nhĩ Lan đến Huê Kỳ sau trận đói khoai tây, gần đây nhất là ông Joe Biden, rồi ông Obama (bà mẹ người Huê Kỳ gốc Ái Nhĩ Lan), ông Reagan và ông Kennedy. Việc ông Kennedy lên ngôi là chuyện hãn hữu. Trong những năm ấy, khuynh hướng bài xích Thiên Chúa giáo La Mã còn âm ỉ; tạm hiểu là nồi xà bần hợp chủng chưa tan loãng các gia vị chính cho lắm, “mùi vị” chính vẫn là đạo Tin Lành, người da trắng. Gia tộc Kennedy gốc Ái Nhĩ Lan theo đạo Thiên Chúa La Mã và ông thượng nghị sĩ trẻ đã phải lớn tiếng cam kết là ông ấy chẳng dính dáng chi đến Giáo hội La Mã, nhất định là không có chuyện “nghe lời” Giáo Hoàng! Mấy chục năm sau, ông Biden lên ngôi mà chẳng phải nhắc nhở gì đến tôn giáo [bị bài xích] năm xưa. Nghĩa là qua thời gian, khuynh hướng kỳ thị tôn giáo hết hợp thời và đã bị xóa mờ.

Tiền nhân người Tàu đến Huê Kỳ qua phong trào mộ phu làm đường rầy, họ là những công nhân “chính thức” và đến từng những nhóm nhỏ. Tiền nhân người Nhật là các nông dân được thuê mướn sau khi chính sách nô lệ chấm dứt. Dù không phải là những đợt nhập cư ồ ạt, người Tàu, người Nhật cũng bị kỳ thị xua đuổi in hệt như di dân Ái Nhĩ Lan.

Riêng người Ấn thì khá đặc biệt, là con cháu những người có “máu mặt” ở đất tổ, họ đến Huê Kỳ qua con đường du học. Có điều kiện tài chánh cộng thêm số vốn giáo dục kha khá nên chuyện “bắc cầu” di trú dễ dàng hơn so vói các nhóm di dân khác. Con cháu họ đã tiến vào chính trường Huê Kỳ, từ dân biểu, nghị sĩ tiểu bang đã xông lên tới Thống Đốc và cả Phó Tổng Thống.

Người Việt di tản sau trận hồng thủy 1975, được nhập cư theo “chính sách” cũng khởi đầu đời sống mới bằng mồ hôi nước mắt, làm đủ những việc khó khăn lam lũ để xây dựng tương lai con cháu.

Vượt qua những kỳ thị, con cháu người Tàu, người Nhật rồi người Việt cũng dần dà tham chính và góp tiếng nói. Cái nồi xà bần có thêm vị cơm chiên Dương Châu, sushi, rồi phở và chả giò…

Nhìn ngắm lịch sử di dân, hình như chuyện kỳ thị – hội nhập là một cái vòng lẩn quẩn lặp đi lặp lại với bấy nhiêu khuynh hướng tôn giáo, văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ; những khuynh hướng tạo thành định kiến chính trị và xã hội. Hễ khác biệt là bá tánh khó chịu rồi bài xích, chống đối; kẻ quá khích thì muốn truy đuổi tiêu diệt sự khác biệt kia. Kẻ kỳ thị quên rằng chính tổ tiên họ cũng từng là di dân và cũng trải qua những ngày tăm tối! Nhưng rồi thế nào thì sự ghét bỏ di dân gốc Á Châu cũng sẽ phai nhạt, khuynh hướng kỳ thị kia sẽ chuyển sang các nhóm di dân mới hơn vì kỳ thị là bản chất của con người?

Không biết khi nào thì Huê Kỳ sẽ có một tổng thống gốc Ấn? Người da nâu hoặc da vàng?

TLL