Da rồi đến lông thú vật đã được dùng để bao bọc, che chở thân thể con người tự thủa xa xưa cho đến khi cổ nhân tìm ra các nguyên liệu khác như bông vải từ cây gòn, tơ lụa từ tằm để se chỉ dệt thành tơ lụa, vải vóc mà may thành áo quần.

Khăn choàng lông chó. nguồn: SlowYam.com 

Vải lụa được biến đổi khá nhiều, từ nguyên liệu thiên nhiên trở thành nhân tạo như nylon, lông thú cũng được con người pha chế để tiết giảm phí tổn sản xuất. Món lông thú thiên nhiên trở nên đắt giá hơn. Lông [và da] thú thiên nhiên dùng may áo choàng đắt giá dù không còn phổ thông [vì bị hội yêu thú vật chống báng dữ dội] nhưng vẫn được buôn bán. Các loại lông thú khác [không cần lột da, giết con vật] mà con người cạo lông định kỳ để lấy nguyên liệu dệt vải như lông cừu, lông thỏ, lông dê … vẫn tiếp tục được sử dụng.

Lông cừu thì phổ thông quá, xoàng rồi nên giá cả không đến nỗi khó mua. Lông thỏ cũng dễ kiếm, dễ dùng nhưng các loại lông thú khác như lông dê Changra [chế biến len pashmina] thì đắt hơn vì chủng dê Changra quý hơn, hiếm hơn. Lông lạc đà vicuña lại càng đắt giá hơn nữa vì loài thú ấy sống hoang trong núi, khó lòng đuổi bắt rinh về mà gọt lông dệt len. Con người dùng cả lông lạc đà, yak, guanaco, alpaca … để dệt len. Tạm hiểu là địa phương nào có thú vật nhiều lông là con người tận dụng, nhất là những nguyên liệu ấy được sản xuất đều đều định kỳ, cứ hết lại có, cho đến khi con vật chết mới hết phục vụ con người. Riêng món lông chó thì hình như không mấy thông dụng và cũng chẳng được nhắc nhở đến?

Việc dùng lông chó để dệt len là chuyện xưa ngàn năm từ khi chó được thuần hóa và nuôi như gia súc. Chó là súc vật đầu tiên được con người thuần hóa và cũng là con vật đầu tiên chịu ngồi yên chỗ cho chủ cạo lông để dệt len như cừu và dê thời sau.

Chó được nuôi và gây giống để bầu bạn, để lấy lông đem bán là cách làm ăn của tộc Salish vùng bờ biển British Columbia, phía bắc Châu Mỹ, giống chó cùng tên, the Salish woolly dog. Đây là giống chó có kích thước từ nhỏ – đến trung bình, lông xù trắng, tựa như giống Spitz ngày nay; tính tình hiền lành, chịu đựng; sống chung trong nhà với chủ nhưng có chỗ ngủ riêng; loài thú duy nhất được sống trong nhà chung với chủ nhân; ăn hải sản theo chủ.

Theo tác giả Senaqwila Wyss, bộ tộc Squamish (Skwxwúmesh) First Nation, cách làm ăn ấy bị xóa sổ vào thời thuộc địa khi người da trắng chiếm lãnh đất đai của thổ dân. Để kiếm bạc, chủ nhân mới mang theo sản phẩm rẻ hơn, lông cừu từ công ty the Hudson’s Bay Company, để buôn bán trao đổi. Đến đầu thế kỷ XX thì thổ dân và giống chó của họ hầu như mất dấu.

Theo lề thói địa phương, bộ tộc Salish nuôi chó để bầu bạn, hằng năm cứ vào mùa xuân là cạo lông chó để dệt len may áo tế lễ. Lông chó được pha trộn với lông dê núi, lông vũ và sợi từ cây cối tạo thành vải vóc may quần áo. Lông chó Salish rất đặc biệt nên được dùng để trao đổi như tiền bạc; chó và người vô cùng thân thiết, một đặc thù văn hóa vô cùng mới mẻ vào thủa ấy.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Kỹ nghệ sản xuất vải vóc cũng thay đổi theo thời gian, kỹ thuật thì đúng hơn? Con người khám phá ra các nguyên liệu mới, rẻ hơn, dễ kiếm hơn nên lông thú vật bị thay thế bằng bông vải rồi hóa chất như polyester đủ loại như ngày nay.

Lang thang chán rồi ta vẫn quay về chốn cũ. Con người lại lần mò tìm lông chó để làm nguyên liệu chế tạo vải len vì thấy lông chó bị đổ đi như rác phế thải, rất uổng. Các salon chăm sóc đổ đi cả chục tấn lông chó mỗi năm sau khi tắm rửa, cạo sạch sẽ các thú cưng được chủ nhân mang đến để được chăm sóc. Phí phạm quá!

Tiếc của trời nên những tay tồn cổ, ưa chuộng vật liệu thiên nhiên tụ họp thành các nhóm nhỏ để trao đổi tin tức, cách thức chế biến lông chó thành nguyên liệu dệt len theo kỹ thuật ngày nay. Họ “đánh thức” chữ “Chiengora”, tên gọi của nghệ thuật chế biến lông chó thành nguyên liệu dệt len, ngủ yên từ mấy chục năm nay. Ngủ say nhưng chưa chết nên nghệ thuật kia sống lại; chữ gốc là “chien” ghép chung với “gora” mượn từ tên “angora” của giống thỏ và dê được nuôi để lấy lông.

Tài liệu ghi chép công khó của hai người Ý, Ugo Apuzzo và Floriano Bollettini, qua chương trình Chiengora của École des Hautes Etudes Commerciales de Paris, đã hì hụi đi khắp đất nước họ từ mùa hè năm 2021 hầu tìm kiếm nguyên liệu. Hai ông này tiếp xúc với cả trăm chủ salon chuyên chăm sóc chó để thuyết phục họ giữ lại lông chó, đừng đem đổ rác!

Chỉ 5 tháng sau, 2 ông Apuzzo và Bollettini đã gom được cả tấn lông và những tay se sợi [lông chó] chuyên nghiệp tại Ý đã mang lại những cuộn len với phẩm chất cao, nhẹ và mượt hơn cả loại cashmere đắt giá. Một trong mấy nhà thời trang lẫy lừng Zegna đã dệt và may các tấm áo len đắt tiền với những cuộn len ấy.

Để phát triển, họ ký kết với nhà đầu tư Station F và công ty Yarnsustain Schönrock Uhl của Đức, hầu gom vốn và lấy phương tiện làm ăn. Vạn sự khởi đầu nan, tổ hợp này gặp khá nhiều khó khăn trong việc sản xuất “đại trà” nên năm 2023, hai ông Bollettini và Apuzzo chia tay trong khi công ty Schönrock vẫn tiếp tục. Bà Ann Cathrin Schönrock biểu rằng chỉ riêng tại Đức, mỗi năm ta đổ đi cỡ 1,600 tấn lông chó, uổng của trời biết bao! Tại sao lại không dùng nguyên liệu thiên nhiên ấy mà dệt len, vừa dễ kiếm lại vừa “tự” sản xuất đều đều?!  Bà ấy còn sửa soạn đưa ra cả một cuốn sách mô tả việc gom lông, se sợi. dệt len lông chó.

Trở lại với École des Hautes Etudes Commerciales de Paris, việc đầu tư vào các chương trình tìm kiếm nguyên liệu để sản xuất không phải là chuyện ngẫu nhiên. Kỹ nghệ thời trang (fashion industry) đã chịu khá nhiều tai tiếng về cách làm ăn vì tiêu xài quá nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm môi sinh: Cây gòn [vải cô tông] cần nhiều nước để sống. Chăn nuôi cừu, dê… để lấy lông, da tốn nhiều đất đai trồng cấy trong khi việc sản xuất len và da thú tạo ra nhiều khí methane gây hâm nóng địa cầu.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Bị các nhà bảo tồn môi sinh chê trách và khuyến cáo người tiêu thụ về manh quần tấm áo đang mặc nên kỹ nghệ thời trang động lòng rồi tìm cách thay thế các vật liệu đang sử dụng.

Các chương trình tìm kiếm nguyên liệu mới được bảo trợ bởi nhiều công ty tên tuổi. General Motors Co. đầu tư vào MycoWorks, một chương trình nghiên cứu cách dùng nấm để chế biến “da” nhân tạo trong khi chương trình nghiên cứu Modern Meadows “nuôi” collagen để chế da nhân tạo. Ngay cả việc dùng rong tảo, algea, để chế biến sợi cũng thu hút các cuộc đầu tư quy mô của các công ty tư nhân. Không lạ là cách dùng lông chó dệt len cũng được ủng hộ.

Giống chó nào có loại lông tốt nhất?

Việc dùng lông chó dệt len không là một điều mới lạ với các chuyên viên trong ngành khoa học vật liệu, 20 năm trước đã có tài liệu nghiên cứu của Suzanne J. Greer* tại North Carolina State University thẩm định và phân loại lông chó theo mục đích sử dụng: Giống American Eskimo, Poodle, Sheep Dog, Shih Tzu, Schnauzer, Labrador Retriever, Pekingese, và Westie cho lông ngắn. Cho lông dài là các giống Bichon Frise, Cocka-Poo, Lhasa Apso, Pomeranian, và Australian Shepherd. https://repository.lib.ncsu.edu/bitstream/handle/1840.16/1991/etd.pdf?sequence=1

*Luận án Thạc Sĩ

Ngoài ra, ta cũng có bài tường trình của Audrone Ragaisiene, Kaunas University of Technology in Lithuania, so sánh phẩm chất của lông cừu và lông chó. Tạm hiểu là lông chó cũng đã được tìm hiểu và thẩm định phẩm chất như các loại nguyên liệu khác. Gần đây thì việc nghiên cứu về lông chó đã … lan sang Ấn Độ, ông Surjit Ramamoorthy, giáo sư tại PSG College of Technology, Ấn Độ, đang dẫn đầu chương trình nghiên cứu ấy. Bắt đầu từ một ngẫu nhiên, thấy con nhiều lần ngại ngùng uể oải trong việc chăm sóc con Shuffney, giống chó Indian Spitz, bà mẹ ông giáo sư bèn đề nghị rằng ông ta nên nghiên cứu về con chó. Từ đó, các bài tường trình của ông ấy tiếp tục xuất hiện, từ cấu trúc tế bào của sợi lông đến các mảnh len dệt từ sợi lông chó tinh tuyền đến việc pha trộn lông chó với các vật liệu khác; phẩm chất của các hợp chất ấy có đẹp, có mịn, có bền bỉ và nhất là có dễ sản xuất hơn không (đồng nghĩa với giá thành thấp hơn).

Ông Surjit nhận ra rằng giống chó Lhasa Apso thấp nhưng lông dài (tạo chất cách nhiệt bảo vệ thân thể; Golden retriever, rất được ưa chuộng nuôi như thú cưng, lông ít chất sáp và bền bỉ nhưng ngắn (khó dùng như nguyên liệu).

Đi xa hơn, ông ấy đang thử nghiệm cách dùng hóa chất để “rửa” cho lông chó mềm mại hơn, bất kể lớp lông bên ngoài hay bên trong chưa kể việc pha trộn lông chó với các hóa chất, 75% Lhasa Apso và 25% polyester để vật liệu [mới] này dễ sử dụng hơn.

Các chương trình nghiên cứu về lông chó vẫn đang được tiếp tục.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Theo American Kennel Club, các giống chó lông dài như Chow Chow và Bernese Mountain Dog là nguồn nguyên liệu [lông chó] tốt nhất, mỗi sợi lông dài cỡ 1.5 phân Anh (khoảng 4 cm) work best. Giống Samoyed lông dài, mềm và trắng nên được những tay dệt [lông chó] tài tử ưa chuộng nhất.

Được ưa thích nên trị giá cao, một ký lô len lông chó Samoyed có bảng giá 420 Mỹ kim; đắt gấp đôi giá cashmere loại tốt trong khi tài liệu của kỹ nghệ vải len (Fibers, 2022) cho rằng một ký lô lông chó giá cỡ 636 Mỹ kim đắt gấp 3 lần giá cashmere.

Việc thu góp lông chó xem ra giản dị, loại len ấy sẽ xuất hiện trên thị trường trong nay mai? Câu trả lời là chưa hẳn, bạn ạ vì một vài lý do. Lý do chính là sự khó khăn trong việc thu góp lông. Chó là gia súc quen thuộc và gần đây lại trở thành nguồn an ủi, bầu bạn của con người; hầu như chủ nhân nào cũng nâng niu chó cưng nên chăm sóc, tắm rửa đều đặn. Việc chăm sóc tắm rửa đi đôi với chải lông chó.
Để thu góp loại lông dùng được việc, chủ nhân phải biết cách chải lông đúng phương pháp, in hệt như cách nhà nông chăn dê để lấy lông se len cashmere bằng không sợi lông sẽ gãy vụn, hết xài.

Lớp lông ngoài (outer coat) của chó thường cứng, lông chân thì quá ngắn nên không hữu dụng. Lớp lông bên trong (undercoat) mềm và sạch hơn nên có thể dùng để se sợi dệt len. Khi chải lông, bàn chải “gom” các sợi lông với nhau (“carding”) và nhúm lông ấy dùng được. Tạm hiểu là ta sẽ cần huấn luyện chủ nhân [của các chú chó có lông quý] cách thu góp lông mà đem bán.

Dễ dàng hơn là thu góp lông từ các salon nhưng ta lại gặp trở ngại khác: khó lòng tách rời món lông quý lẫn chung với lông xoàng xoàng, như lông Lhasa Apso mịn như tơ trộn chung với các mớ lông poodle … với các độ dài ngắn khác nhau. Nghĩa là ta sẽ cần huấn luyện chủ salon cách phân loại và giữ riêng biệt các loại lông sau khi “cắt tóc” cho thú cưng.

Nhìn chung, lông chó là nguyên liệu tương đối dễ kiếm và có nguồn cung cấp đều đặn nhưng kỹ nghệ dệt len lông chó còn đang phôi thai, chưa vượt qua các trở ngại kể trên.

Theo bản tường trình của hội Thú Y Hoa Kỳ, the American Veterinary Medical Association, tỷ lệ nuôi chó của cư dân đang gia tăng, khoảng 50% nóc gia tại Huê Kỳ nuôi chó (so với 38% vào năm 2012). Lông chó do đó là nguồn nguyên liệu đã có sẵn vì nhiều giống chó thay lông hai lần mỗi năm. Tha hồ sử dụng. Chỉ cần ta tìm cách thu góp như ngày xưa chú Hỏa lặn lội khắp thôn xóm mua ve chai? Trong tương lai gần, ta sẽ thấy những chiếc xe vận tải nhỏ len lỏi khắp phố xá để “thăm viếng” các salon chăm sóc chó?

Khi vật liệu rẻ thì giá thành của sản phẩm sẽ thu hút người mua và dễ bán hơn. Chuyện làm ăn thì muôn đời cũng từa tựa như nhau, sản phẩm nào dễ bán thì sẽ dễ kiếm bạc, thương gia kiếm tiền, chuyên viên nghiên cứu được danh thơm, tiếng tốt!

TLL