Mỗi lần phải nói hay muốn nói đến một đề tài có thể khởi động những ý kiến đối nghịch, gây tranh cãi tưng bừng, người Huê Kỳ dùng chữ rất nhẹ nhàng là “controversy”, Loretta, bà sếp cũ của Dế Mèn, thường cười mỉm và nói câu mở đầu quen thuộc, tui vừa khoác xong bộ giáp sắt (I am dressed in metal underwear). Bà ấy sẵn sàng cho những mũi kiếm, ngọn dao phóng về mình khi đặt chân vào tổ ong vò vẽ.
Loretta là một người đánh “cờ tướng” tài giỏi và đã thành công rực rỡ trên quan trường. Bao nhiêu năm rồi Dế Mèn vẫn còn nhớ rất rõ vẻ mặt với nụ cười xinh đẹp và ánh mắt lấp lánh tia nhìn tinh quái của bà ấy. Khẩu phục tâm phục.
Hôm nọ nhận được điện thư của một người quen, ông linh mục rủ góp tiền xây nhà thờ, Dế Mèn phe lờ, quẳng lá thư vào thùng rác. Nhà thờ ở đây vắng hoe chả có mấy giáo dân, từ 4 lễ sáng Chủ Nhật chỉ còn 3 mà cũng vẫn vắng vẻ. Có những ngôi nhà thờ khác, giáo xứ đem bán đấu giá các tòa nhà bỏ trống thế thì ta xây thêm một cái nhà thờ nữa để làm chi? Chỗ nào chẳng thờ phượng được? Nhà thờ giáo xứ Mỹ, làm lễ tiếng Việt, Chúa không nghe? Chúa ở khắp mọi nơi, Phật tại tâm… tôn giáo nào cũng dạy như thế đâu cần tòa nhà cho lớn, ngay mặt tiền trên phố xá rầm rộ, trần tục? Biểu rằng cần xây nơi thờ phượng trong “xóm nghèo” để tín hữu tiện bề đi lại chăng? Đâu có thành phố nào cho xây chốn thờ phượng lẫn lộn trong chung cư? Hay là mỗi linh mục cần một nhà thờ để trụ trì mới thành cha xứ? Mỗi ông sư tu riêng một chùa mới đắc đạo? Mà không hiểu ta nghe lời Chúa, học kinh Phật và “sống” theo tinh thần lời kinh hay phò tá người rao giảng? Dế Mèn chỉ nghĩ láo lếu như thế trong bụng mà không dám hó hé chi.
Thế rồi điện thư thứ nhì đến thứ ba, thúc giục rõ ràng hơn. Lần này phe ta nổi máu tiếu lâm gửi lại cho ông linh mục một khúc phim ngắn, khúc phim dài 2 phút, thu hình một cuộc trả giá tại Cam Bốt. Bà mẹ trên dưới 30 tuổi, trả giá với khách mua hoa để bán đứa con 13 tuổi, thản nhiên khoe rằng con bé còn trinh và có thể đem nó đi khám nghiệm trước khi mua. Khi hỏi bà ta sẽ làm gì với số tiền kia, bà ấy muốn mua một chiếc tivi màu, giá cỡ 300 Mỹ kim. Câu trả lời trần trụi, thẳng băng khiến phe ta nôn nao muốn ói. Con cái mình mà vứt bỏ dễ như thế thì người đàn bà kia khó lòng tử tế với bất cứ ai khác? Giải thích giá trị của một con người với bà mẹ (mìn) nọ hẳn là việc làm vô cùng phí phạm, vả lại khi cái nhìn đã giản dị như thế thì khó lòng thay đổi cách suy nghĩ và việc giáo dục chỉ có thể bắt đầu ở những cây non mới có thể thấm nhuần tinh thần đạo đức?
Những đứa trẻ thơ dại chưa hề được yêu thương bảo bọc và bị chính kẻ sinh thành bỏ rơi, bán rẻ, thì “tình thương” là những thứ xa lạ và xa xỉ? Nếu cái vòng tròn buôn bán con người mọi rợ dã man kia được tiếp tục, đứa trẻ ấy có thể cũng trở thành mụ giàu, ma cô như cha mẹ chúng? Người bạn trẻ của Dế Mèn đóng vai khách mua hoa, mua luôn đứa nhỏ mang về nhà mồ côi để nuôi nấng dạy học, dạy nghề… Khúc phim ấy là một trong mấy chục khúc phim não nề khác mà anh chàng mắt xanh tóc vàng kia gửi cho bạn bè kể chuyện hằng ngày của mình. Ôi chao, J., bạn ta!
Nhóm bạn trẻ tuổi này đã và đang dấn thân xông pha về những nơi bị bỏ quên. Nơi con nít đàn bà bị rao bán như những món hàng. Cam Bốt và cả Việt Nam sau những năm sắt máu là những miền đất nơi cả mấy thế hệ bị phá sản đạo đức.
Mấy câu thơ trong bài Trăng Nghẹn của Hoài Tường Phong bỗng trở về rõ ràng trong tâm trí
“Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Ðồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Ðầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa”
Con người lớn lên trong nghèo khó và thiếu hẳn phần giáo dục, họ tranh sống theo bản năng sinh tồn và từ đó dẫn đến sự phá sản về tinh thần? Những người chỉ nhìn thấy cơm ăn áo mặc và kế tiếp là giấc mơ sang giàu bắt đầu từ chiếc đồng hồ đeo tay đến những cỗ tivi màu hay mấy cái giỏ xách của nhà sản xuất tên tuổi? Dế Mèn bùi ngùi so sánh hình ảnh của những con chó con mèo được ẵm bồng chăm sóc nâng niu và những đứa trẻ khốn khó kia. Có nhiều thứ không ổn trong bức tranh quá tương phản này.
Hôm rồi phe ta lại nghe chuyện từ một người bạn, thân nhân chị ấy gửi thư gọi đóng góp tiền bạc để xây nhà từ đường. Dế Mèn phì cười, món tiền 24 ngàn Mỹ kim sẽ tài trợ nhà nuôi trẻ mồ côi kia được 5-6 tháng, hay những chương trình giáo dục khác, xây mồ làm quái gì? Chết là hết chuyện, cái xác trần tục thối rữa nâng niu làm chi? Các cụ mất đã lâu, xương cốt đã hòa lẫn với đất đai, xây nhà mồ trống để đặt bài vị cho đẹp mặt làng nước? Giễu dở vô cùng! Dĩ nhiên quyên tiền là việc của người, đóng góp là ý của ta. Im lặng là vàng?
Ở một khía cạnh khác, ôi chao, Dế Mèn quanh quẩn với ý nghĩ “gốc rễ”: Gốc rễ của người bỏ quê đã đứt lìa nên không còn coi trọng chuyện mồ mả hay cái nhìn làm đẹp cho làng nước xem, hết đám cưới đến đám ma, chưa vượt qua được lũy tre xanh?
Ngày nọ, Loretta đội nón sắt và mặc áo giáp để đề xướng ý nghĩ của bả; hôm nay chính Dế Mèn làm cái công việc bạo gan này…
DM