Lời Giới Thiệu: Đặng Thơ Thơ sinh năm 1962, là cháu ngoại của nhà văn Hoàng Đạo trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, sang Hoa Kỳ năm 1992, hiện sinh sống và làm việc tại Orange County – California. Đã xuất bản hai tập truyện Phòng Triển Lãm Mùa Đông và Khả Thể.

Bảo Huân

2 kỳ – kỳ 2

Những tấm bưu thiếp cho tôi biết đường đi của chú. Dehli, Bombay, Jaipur, Ấn Ðộ Dương… hình những đền đài và lăng tẩm trong ráng chiều hư ảo, hội chợ lạc đà, đường lên sa mạc Thar, những tấm lều vải bạt cả vùng cát mênh mông đầy khói trắng, những trạm xe lửa nơi mỗi thành phố chú dừng chân. Cho đến lúc này mọi sự vẫn tốt đẹp. Cây Vanda bướm đã ra 9 bông, còn thêm 5 nụ nhỏ. Cattleya đen vừa nở rộ ngoài vườn. Nhiều người kiêng không dám trồng loại này. Còn đối với tôi, màu đen của những cánh hoa là màu quyến rũ nhất. Nó gây cảm giác vừa mịn màng vừa rờn rợn của bóng đêm ẩm ướt.

Việc sửa nhà tiến hành gần xong, chỉ còn lại lối đi, hành lang và phòng làm việc của cô ở khuất trên lầu. Tôi phải dọn bớt sách vở khỏi tủ sách, ngăn kéo và bàn viết để những người thợ dễ di chuyển trước khi lót thảm và lát gỗ sồi trên tường. Tôi hơi ngại công việc này, vì phòng làm việc là của riêng cô, tôi chưa bao giờ đặt chân vào.

Tôi có cảm tưởng mình đang xâm phạm thế giới riêng tư của người khác. Những cuốn sách cô đọc cho biết cô là một phụ nữ trí thức, thông minh, tinh tế, có khiếu thẩm mỹ cao. Thực sự những điều này tôi đã biết rồi. Cô thích nghệ thuật, văn chương, thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Pháp, Ý, Ðức, Tây Ban Nha. Những điều này tôi cũng đã biết rồi. Nhưng những cuốn sách nằm khuất ở ngăn cao nhất của tủ sách làm tôi ngạc nhiên và tò mò. Sách viết bằng một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với tôi. Ngoài ra có cuốn tự điển Hindi-Anh, tài liệu tiếng Anh về Ấn Ðộ, và cuốn Du Lịch Ấn Ðộ Bằng Xe Lửa. Tôi giữ lại cuốn này, còn tất cả cho vào thùng, chuyển sang phòng khác để toán thợ làm việc.

Tôi mang sách ra đọc ở phòng thí nghiệm. Hình chụp trong sách từa tựa ảnh và bưu thiếp chú gửi về. Những lộ trình bằng xe lửa đi lễ hội, đền đài, hành hương, sa mạc, và săn bắn. Chỉ trừ đi săn, còn tất cả các tour kia chú đều đã dự. Và bằng xe lửa. Có lẽ thế sao? Chú nói chú đang đi phiêu du, đến Hy Lạp mới nghĩ ra đi Ấn. Còn tôi thì lại nhớ tới đôi mắt cô trước khi đi, hình ảnh những toa xe nối tiếp nhau đập vào đầu tôi. Cứ như chúng nằm trong dự định của cô, từ trước.

o O o

Hôm sau tôi nhận được hình chú chụp ở Lâu Ðài Gió, một kiến trúc gồm những khung cửa nối tiếp chồng chất lên nhau. Chú viết: “Khung cửa chỉ là những khoảng trống để gió lùa vào, ở đây không có cánh cửa, chỉ có những tấm màn thật mỏng để người bên trong ẩn mình nhìn ngắm đời sống bên ngoài. Ðêm đến, chúng trở thành những lỗ hổng thu hút gió, gió chạy đuổi qua các phòng, gió cuốn quanh những hành lang, gió xoáy suốt lên đỉnh tháp cao, và những tấm màn bay lượn quay cuồng theo điệu nhạc gió. Người ta sắp xếp những khung cửa sao cho hơi gió có giai điệu, và tòa lâu đài biến thành một nhạc khí vi vu.” Tôi tưởng tượng ra những phụ nữ Ấn quý tộc ngày xưa giam mình trong đó. Những vòm mái chạm trổ tuyệt xảo như rèm mi rủ xuống những đôi mắt rỗng, tòa lâu đài như biết thôi miên bằng hàng trăm cặp mắt thần linh.

o O o

Trở lại phòng thí nghiệm, tôi đọc tiếp cuốn Du Lịch Ấn Ðộ Bằng Xe Lửa. Có nguyên một trang nói về Lâu Ðài Gió, trang kế là bản đồ. Trên tấm bản đồ có người đã dùng bút màu đánh dấu và nối kết những địa danh. Chính là lộ trình cô chú đã đi qua. Từ đó tôi dõi theo từng dấu mốc khúc mắc: sa mạc Thar đến Lâu Ðài Gió, hướng lên đông bắc vào Manipur. Ðường đi dừng lại ở đó.

Xem thêm:   The good Samaritans

Ðiện thọai vào buổi tối, biết chỉ có chú gọi, vậy mà trái tim tôi vẫn đập mạnh, vẫn nhói đau. Giọng chú lo lắng:

“Hiên sao thế, chắc có gì lo nghĩ phải không?”

Tôi muốn nói sao chú đi lâu thế, có biết tôi đang chờ không; nhưng rồi chỉ hỏi hôm nay chú làm gì, chú đi những đâu. Chú kể hôm qua cô chú theo đoàn safari đi săn, tôi cười:

“Thế chú có săn được con thú nào không?”

Chú cũng cười:

“Ðáng lẽ được nhiều lắm, nhưng chú lại nhìn thấy lan rừng. Thế có chết không! Hiên bảo chú phải làm gì?”

Một điều gì chợt vỡ òa trong lòng tôi, nửa như niềm vui, nửa như trách móc. Tôi thấy mình không phải, nhưng không thể không hân hoan, không mong đợi. Tôi vẫn cầu mong chú bình an trong mỗi giây mỗi phút của chuyến đi, và giờ thì tôi biết chắc những đóa lan rừng không cho chú một lúc nào yên nghỉ. Chú tả lan rừng cho tôi nghe, chú nghĩ có thể là Vanda, hoặc Ascocenda, cũng có thể không phải, chú chưa nhìn thấy bao giờ, toàn những mầu rất lạ, hình dáng cũng lạ, hỏi những người ở đó cũng không ai biết. Vào sâu trong rừng thẳm sẽ còn nhiều nữa. Những cây lan ấy chưa được phân loại, chưa ai biết đến, chưa ai sở hữu.

Tôi thầm cảm ơn những đóa lan rừng, tựa như chúng đã mang chú về gần tôi hơn một chút. Dẫu sao tôi cũng nhắc:

“Chú đi chơi với cô chứ không phải đi tìm lan đâu đấy.”

Tôi biết chú đã cam kết với cô rằng chuyến đi này không dính líu gì đến chuyện tìm lan cả. Chú thở dài:

“Cô không ngờ khu rừng này là nơi còn nhiều lan dại nhất trên mặt đất, cả ngàn loài hoa, cả một kho tàng. Cô bảo mang lan rừng về nước khó lắm, nhưng chú biết cách.”

Tôi hỏi:

“Chú phải bỏ tiền để người ta chứng nhận là lan nuôi trong lab phải không?”

Chú cười, “Ừ chỉ cần có tiền, vào sâu trong rừng mới khó. Chú định để cô ở lại chơi trong thành phố, chú thuê ba người Ấn đi dẫn đường và mang cây về, khoảng vài ngày là xong.”

Một linh cảm xui khiến tôi dặn dò: “Chú cẩn thận nhé, trong rừng có thú dữ không?” Im lặng vài giây rồi tôi nghe tiếng chú dịu dàng: “Phải mang theo súng chứ Hiên.” Tay tôi lạnh toát. Những ý tưởng vụn gẫy lóe lên trong đầu, nhưng tôi không kịp phân tích chúng.

Tôi chỉ nhớ câu nói cuối của chú: “…rừng lan ở biên giới Ấn và Bangladesh.”

o O o

Tôi đã nhìn thấy nó trên bản đồ.

Ðường vẽ ngoằn ngoèo theo suốt hành trình của chú ngừng lại ở đó, tựa như đích tới cuối cùng. Suốt hai ngày dài tôi tìm trong chồng sách của cô những đoạn nói về rừng rậm Manipur, nơi nổi tiếng về lan dại,và đầm lầy. Không phải chỉ vài ngày như chú nói, muốn vào tận trung tâm rừng người ta phải băng qua những bãi lầy từ hai đến ba tuần. Dọc đường là rắn độc, beo gấm, và những cạm bẫy ngầm.

Không còn nghi ngờ gì nữa: những đóa hoa rừng đâu phải là một tình cờ, nó nằm trong toan tính của cô. Cô đã chuẩn bị chu đáo, kỹ càng như tất cả chỉ là ngẫu nhiên, chỉ là chuyến phiêu du vô định. Ðầu óc tôi sáng suốt lạ lùng, tôi như nhìn thấu vào bóng tối, thấy một sợi dây nối kết những hình ảnh đã được xếp đặt từ lâu—căn phòng này, những cuốn sách này, tấm bản đồ này, và chuyến đi chấm dứt ở một nơi không du khách nào muốn tới. Cũng chẳng có lối về.

o O o

Tôi bỏ ra vườn, đi giữa bóng đêm, đi thăm những đóa hoa. Mấy ngàn cây lan quen thuộc với tôi, tôi biết tên của từng cây một. Chúng là bạn tôi, những người bạn thầm lặng và đáng tin cậy nhất. Tôi vẫn cảm được ý tưởng của chúng, ngay vào lúc này tôi hiểu chúng không chỉ an ủi tôi, linh tính cho biết chúng muốn báo động một điều gì đó. Tôi cứ đi hết khu vườn này đến khu vườn khác, những bông hoa mịn màng và mê đắm hơn trong sương. Tôi vào nhà kính, những cành lan vẫn đứng ngồi trong thế giới bình an của truyện thần tiên. Những bộ máy vẫn bận rộn làm mây trắng phả hơi nước xuống hoa. Hệ thống báo động vẫn chăm chỉ nhấp nháy những thông tin thường nhật. Tất cả vẫn bình thường. Không có gì đe dọa sự sinh tồn của chúng. Tôi đến phòng thí nghiệm. Những cây non, những mầm sống mỏng hơn bụi phấn vẫn bình yên trong ống kính. Tôi ngồi vào computer, những tên hoa lướt qua màn ảnh. Dáng vẻ, hình dung, màu sắc từng loại hiện lên trong đầu: tôi yêu loài hoa này, chú yêu loài hoa kia, cả chú lẫn tôi đều mê mệt một cây lan khác. Bất chợt tôi hiểu. Hiểu là mình đang đi tìm điều gì.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Ðiều ấy làm tôi hoảng loạn.

File Vanda 2001 chỉ còn là một hồ sơ rỗng.

o O o

Tôi chạy đi tìm cây Vanda bướm. Nó vẫn ở dưới cành si già. Trực giác cho tôi biết điều gì đó ẩn nấp đàng sau những cánh hoa. Mới sáng nay chúng còn mọng nước và tươi mát. Bây giờ cánh hoa mỏng tanh, tôi nhìn được những đường gân cong quắt. Những đóa hoa bị hút kiệt sinh lực. Chúng khô héo và tàn tạ.

Ðấy là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến một sự kiện lạ lùng như vậy. Bởi những bông hoa không bao giờ chết cùng một lúc chỉ trong một ngày. Ðấy là lý thuyết, là khoa học, là kinh nghiệm, là một điều không thể phủ nhận. Vậy mà cây Vanda bướm đã phủ nhận tất cả. Nó đứng ngoài, thách thức tất cả.

o O o

Tôi mang nó trở lại phòng thí nghiệm. Tôi biết đêm nay tôi sẽ không ngủ được. Tôi cũng không muốn trở vào nhà. Tôi ngồi suốt đêm với những bông hoa tàn, và một hồ sơ hoa rỗng. Ai đó đã xóa sạch nội dung. File Vanda 2001 chỉ còn là một cái tên. Tôi nhớ ra chú chưa kịp đặt tên cho cây lan này, như một điềm báo trước.

Sáng hôm sau tôi phát hiện những đốm vàng úa trên nhánh lá già gần rễ nhất. Thử bằng thuốc trừ nấm, hôm sau nữa tôi biết là chữa không đúng bệnh, vì đốm vàng lan rất nhanh sang những lá gần đó. Tôi ngờ rằng nó bị một thứ virus lạ, khả năng hủy hoại như bệnh ung thư của loài người, nhưng tốc độ thì nhanh hơn nhiều.

Sang ngày thứ tư, những cọng rễ bắt đầu ung thối. Mầm bệnh lan rất nhanh, cắt chỗ này nó chạy sang chỗ khác. Tôi gần như tuyệt vọng. Bây giờ điều duy nhất tôi còn có thể làm chỉ là viết phần cuối của File Vanda 2001 – hồ sơ bệnh lý cho loài hoa yểu mệnh. Nó sẽ chẳng bao giờ được đời biết đến.

o O o

Tối ngày thứ sáu có điện thọai. Tôi mừng rỡ và lo ngại, hy vọng và sợ hãi. Tôi cần một điểm tựa để ngoi lên khỏi những tư tưởng u ám và bệnh hoạn này. Tôi cần nghe tiếng nói của chú biết bao.

“Hiên đấy à? Phải Hiên không?”

Tôi nhận ra tiếng của cô. Ôi, tôi nhắm mắt lại. Hình ảnh chú hiện lên trước mặt, quần áo khaki đi rừng bê bết sình, đôi mắt u buồn gắn trên nụ cười bất biến. Tôi hỏi:

“Chú chết rồi phải không?”

Có tiếng khóc ở xa vọng lại:

“Không, chú mất tích trong rừng. Nhưng tại sao Hiên biết?”

Tôi trả lời bình tĩnh hơn tôi tưởng:

“Cọp beo. Ðầm lầy. Rắn độc. Còn gì nữa không? Chúc mừng cô.”

Tay tôi lạnh buốt, người tôi run cầm cập tựa như nhiệt độ trong phòng mới tuột xuống đột ngột. Tôi ôm chặt lồng ngực, đau nhói lên như bị dao nhọn xoáy vào. Trái tim trong bàn tay tôi căng nhức, nó đập hỗn loạn vô nhịp điệu. Tôi muốn móc nó ra, nếu có thể được—để đổi lấy cây Vanda cho chú.

Xem thêm:   Nghề “The Squatter Hunter” - “Gậy ông đập lưng ông”

o O o

Tôi cứ vật vã như thế trong suốt hai tuần sau đó. Ngày và đêm cứ trôi qua như bóng. Ngày và đêm cứ lướt đi không để lại dấu vết gì trên ký ức mờ mịt của tôi. Trí não tôi tê dại. Nhưng nỗi đau vẫn vô cùng sắc nhọn. Vườn lan thênh thang quá, và nỗi cô độc đáng sợ đến tột cùng. Chẳng lẽ không bao giờ, không bao giờ nữa sao, không bao giờ tôi còn nhìn thấy chú. Những lúc mê man tôi đi tìm chú. Nhiều lần tôi thấy chú thấp thoáng dưới gốc si già. Có tiếng nói trong đầu bảo tôi: “Chú đang ở gần đây, giữa những cành lan, chú đang nhìn thấy Hiên đó.” Ðôi lúc tỉnh ra, tôi thấy mình ôm một bụi lan khóc rưng rức. Có lúc tôi thấy yêu thương thật nồng nàn những đóa hoa. Có lúc tôi thấy chúng hoàn toàn vô giá trị. Chúng vô tri. Chúng thờ ơ. Vẻ đẹp của chúng tỏa ra một thứ hương độc ác.

o O o

Lúc bình tĩnh trở lại tôi biết mình phải làm gì. Thư cô mấy ngày nay tôi không đụng đến. Tôi muốn viết vài hàng để lại cho cô, nên mở thư ra đọc. Cô viết:

“Hiên hiểu lầm hay là Hiên tưởng tượng? Không ai đẩy chú vào tình huống này cả. Chính chú tự chọn kết thúc này. Chú biết khu rừng này hơn mười năm trước. Chú biết nhiều người từng bỏ mạng vì tìm lan. Nhưng hôm đi săn nghe nói vào sâu trong rừng có Vanda màu rêu – màu Hiên thích, màu chưa ai có – thế là không ai ngăn cản được. Thật ra không phải lỗi của Hiên. Ðam mê của chú đã giết chú. Mà cũng không riêng gì chú, tất cả những người chơi lan đều điên dại như thế. Họ theo đuổi lan như theo đuổi đàn bà, theo đuổi người tình. Họ tham muốn tất cả các loài lan trên đời, họ không biết họ sẽ chết trước khi đạt được ước mơ. Một thứ đam mê nguy hiểm và tối tăm chi phối họ. Nó không bao giờ biết buông tha. Nó khốc liệt hơn ma túy. Bởi nó được che giấu bằng vẻ đẹp siêu phàm của những đóa hoa. Lan là nỗi ám ảnh tàn ác nhất.

Về những cuốn sách trong phòng, tất cả chú đều biết và đã đọc. Có thể tuần tới Hiên sẽ nhận được quà của chú. Tôi còn phải ở lại để chờ xác nhận và làm thủ tục.”

o O o

Tôi ra cảng nhận quà của chú. Món quà cuối cùng chú dành cho tôi là hơn trăm cây lan dại. Tôi mang tất cả ra vườn, ngồi trên đất, lặng im ngắm nhìn chúng. Trông chúng không được khỏe, không được vui. Chuyến đi dài làm chúng mệt mỏi, cũng có thể chúng nhớ rừng. Tôi vuốt nhẹ những phiến lá – nghĩ đến đôi bàn tay dài và gầy của chú. Chú đã đệm thêm xơ rêu và vỏ cây để bảo vệ những cọng rễ khi di chuyển. Tôi chú ý đến một tảng rễ to nhất, được cột kỹ lưỡng hơn hẳn những cây khác, một mẩu giấy nhỏ ghi chú: ”Vanda màu rêu.”

Hoa đã tàn cả. Chùm rễ dài cả thước như mái tóc rối. Tôi gỡ từng sợi, gượng nhẹ trong một trạng thái kỳ lạ. Khi không còn xơ nữa, tôi thấy đám rễ già nhất quấn quanh một vật gì giống khúc cây. Ðụng vào, tôi biết không phải. Nó từa tựa xương khô. Có thể là xương người – người đó có thể đã đi tìm lan, đi tìm một điều gì huyền hoặc ẩn hiện như chỉ trong tầm tay. Nhưng cái chết lại gần hơn thế nữa.

Tôi ngồi vậy, rất lâu, như sẽ mãi mãi ngồi như thế. Gió trong vườn thổi rùng rùng ớn lạnh như một mùa Thu trút lá đã xa. Ký ức tôi quay lại gốc si già. Con bướm xanh vướng trong chùm lá. Nơi lần đầu tiên chú ôm tôi. Chưa bao giờ chú gần tôi đến thế. Tôi ôm cây lan vào ngực – cả hoa tàn, lá úa – cả rễ khô, xương mục. Tôi hôn nó điên cuồng.

ĐTT