Nghệ sĩ Năm Châu (1906-1977) tên thật là Nguyễn Thành Châu, là con chim đầu đàn, đã khai sáng và đóng góp nhiều công lao cho sân khấu cải lương miền Nam từ thuở sơ khai cho đến ngày nhắm mắt lìa đời. Ông là diễn viên, soạn giả kiêm đạo diễn (thầy tuồng), giáo sư kịch nghệ của trường Quốc gia âm nhạc Sài-Gòn và tiên phong trong lãnh vực chuyển âm, lồng tiếng cho các cuốn phim nước ngoài khi nghệ thuật này mới hình thành ở miền Nam trong thập niên 50 và 60.

Bảng quảng cáo vở tuồng “Vợ và tình” 

Vở ca kịch tình cảm xã hội “Vợ và Tình” của soạn giả Nguyễn Thành Châu được đưa lên sân khấu “Con Tằm” lần đầu tiên hồi cuối thập niên 40. Theo thời gian, vở tuồng được nhiều lần cải tiến và ban “Việt Kịch Năm Châu” trình diễn trở lại tại rạp Nguyễn Văn Hảo hồi tháng 6.1951. Trong lần trao giải Thanh Tâm nghệ sĩ triển vọng nhứt vào năm 1959, “Vợ và tình” được hân hạnh ra mắt với các nghệ sĩ Thanh Nga, Lan Chi và Hùng Minh. Đến năm 1966, nghệ sĩ Năm Châu thành lập gánh hát “Ánh Chiêu Dương” và cho tái diễn vở hát “Vợ và Tình”. Thập niên 90, vở tuồng được dàn dựng lần nữa với lớp nghệ sĩ trẻ sau này.

Vợ và tình

Nhà điêu khắc Trần Tích Lương mang mảnh bằng tốt nghiệp trường Mỹ thuật về quê nhà để ra mắt người thân. Những bữa tiệc linh đình trong phạm vi gia đình cũng như trong bạn bè khoản đãi kéo dài từ đêm này qua đến tối khác. Trên bàn, thức ăn, thức uống ngổn ngang, rượu thịt ê hề. Không gian ấm cúng, phòng ốc sang trọng cho đến những loài hoa thiên nhiên thơm ngát được bài trí đẹp mắt càng tăng thêm sự trưởng giả, giàu sang. Nhưng rực rỡ hơn hết là những bông hoa biết nói, những bông hoa kiêu sa hừng hực lửa yêu đương.

Xem thêm:   Tìm ngọc

Duyên dáng và xinh xắn nhất trong số ấy là Thu. Thu sở hữu một nhan sắc mặn mà, một gương mặt gợi cảm, thu hút người chung quanh từ cái nhìn đầu tiên. Mỗi một nụ cười, từng cái liếc mắt đưa tình của Thu cũng làm cho chàng điêu khắc trẻ trung kia bối rối, vụng về và tan chảy. Thu là người phụ nữ từng trải trong cuộc đời cũng như giàu kinh nghiệm yêu đương. Vào một ngày không hẹn trước, trái tim Lương đã giao trọn cho Thu. Họ là đôi uyên ương khắng khít, mặn nồng. Thu đã dạy cho Lương nhiều điều trong cuộc sống cũng như trong chốn tình trường. Nhờ có Thu, cái tên của nhà điêu khắc trẻ trung ngày càng được nổi bật trong cái xã hội phong lưu và sự nghiệp của chàng đi lên như diều gặp gió.

Được tắm mãi trong dòng sông ngọt nước, được ngập chìm trong cái hạnh phúc do người sắp đặt sẵn, những tưởng ai nấy cũng sẽ bằng lòng. Nhưng món ngon đến mấy được ăn mãi cũng chán, xinh đẹp như Bao Tự nhìn mãi cũng nhàm. Sau 4 năm chung sống, Lương dứt áo ra đi không một lời từ tạ!

Gia đình Lương gọi chàng về để lo việc hôn nhân. Phượng là một thiếu nữ xinh đẹp, lớn lên ở nhà quê và chỉ mới vừa 18 tuổi. Phút đầu tiên gặp Phượng, Lương đã có cảm tình và quyết định đi xa hơn nữa. Cái đám cưới rình rang của hai gia đình môn đăng hộ đối đã khiến cho làng trên xóm dưới rộn rã một niềm vui. Hai vợ chồng trẻ đẹp, xứng đôi và tươi tắn như Tiên Đồng, Ngọc Nữ. Trai tráng trong làng, ai nấy cũng háo hức được làm con rể gia đình quyền thế. Con gái dưới thôn ngày đêm mơ ước được trao thân cho nhà điêu khắc bảnh bao, trẻ tuổi.

Nghệ sĩ Năm Châu và Phùng Há

8 tháng hạnh phúc lặng lẽ trôi nhanh. Dù hết mực thương yêu chồng nhưng Phượng không đủ kinh nghiệm và hiểu biết để làm vợ. Phượng là tiểu thư khuê các, tuổi đời còn quá trẻ và được nuông chiều từ tấm bé, nên Phượng chỉ thích được chồng nâng niu như trứng, ve vuốt như hoa và nuông chiều như những ngày còn sống bên cha mẹ. Dù đang ngập tràn hương yêu với Phượng, nhưng Lương không thể quên được hình bóng của Thu. Hình như cái tình xưa vẫn còn trong tim, trong óc của người trai trẻ. Thì ra, tình yêu với Thu chưa hề chết trong Lương và chỉ lẩn khuất đâu đó rồi lại hiện về như một cơn nghiện.

Xem thêm:   Mì gói

Một ngày kia, Thu xuất hiện và quyết tâm giành lại người mình yêu. 8 tháng cách xa, tình yêu trong Thu vẫn nồng nàn, say đắm như thuở ban đầu. Là người phụ nữ bản lĩnh, cộng với sự xuất hiện đúng lúc, tình cũ không rủ cũng tới, Thu đã thắng cuộc. Lương lạnh lùng khoác áo ra đi, mặc cho bao lời van nài não nề của người vợ trẻ :

– Mình đừng đi, mình ơi! Em sẽ tập yêu chồng, sẽ tập tành làm vợ. Mình cho em thời gian, em sẽ cố gắng để không phụ lòng yêu thương của mình đâu … Hay là cả hai hãy ở lại đây, em chấp nhận tất cả, miễn là mình đừng rời xa em, đừng xa em nghen mình!

Nhìn theo xa xa, ai buông lái

Mà đi, đi sao không dừng lại

Để người chờ như hoa héo màu phai (*)

Một buổi sớm mai, báo chí Sài-Gòn và lục tỉnh đưa lên trang nhất một hàng chữ in đậm nét “vì bị phụ tình, thiếu nữ 18 tuổi tự tử bởi nhiều vết dao đâm xuyên qua lồng ngực”.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những vở tuồng có giá trị nghệ thuật với lời ca phong phú, lời đối thoại chọn lọc mỗi ngày một hiếm hoi và cuộc sống bây giờ đã làm đổi thay mọi thứ. Khán giả yêu chuộng cải lương tiếc nuối cho một ngành nghệ thuật đã phôi phai và bị bỏ quên giữa cái xã hội nhập nhằng kim tiền, nhân nghĩa chỉ còn lại một con số không. Dòng sông cũ đã xuôi chiều ra biển lớn và bỏ lại nơi này những tiếc nhớ mênh mông.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (10/10/2024)

TV

(*) trích nhạc phẩm “Mong chờ” của nhạc sĩ Xuân Tiên