Giới trẻ Sài Gòn thập niên 1960 hầu hết đều hâm mộ Francoise Hardy, nhạc sĩ, ca sĩ, người vừa viết nhạc, lời và thể hiện ca khúc Tous les garcons et les filles. Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt tựa đề Những nụ tình xanh, và nữ ca sĩ Thanh Lan thể hiện rất thành công tại Sài Gòn vào thời kỳ đó.

Françoise Hardy hát tiếng Pháp, tiếng Anh, Đức và Ý. Bà đã thu âm gần 500 bài hát trong hơn 60 năm sự nghiệp cầm ca. Bà hát nhiều thể loại âm nhạc như ballad, pop, rock và thậm chí cả soul. Sau thời gian dài suy yếu vì bệnh, Françoise Hardy, nữ hoàng của bài hit Tous les garcons et les filles, đã vĩnh biệt cõi trần vào thứ Ba, ngày 11 tháng 6 năm 2024, ở tuổi 80 !

Sinh ngày 17 tháng 1 năm 1944 tại Paris, Françoise Hardy lớn lên ở quận 9 Paris với mẹ là  Madeleine Hardy, nhân viên kế toán, và một em gái kém cô một tuổi rưỡi. Bà rất ít liên lạc với cha mình, người xuất thân từ một gia đình tư sản ở Blois. Sau khi chia tay với vợ, ông kết hôn với một người phụ nữ khác. Nhút nhát và thiếu tự tin, cô gái trẻ Françoise đã tìm đến âm nhạc và theo học guitar. Đam mê ca hát, Françoise ghi danh vào học 2 năm tại nhạc viện Petit Conservatoire de la chanson de Mireille.

Năm 1962, Françoise Hardy đánh dấu năm tròn 18 tuổi của mình bằng ca khúc Tous les garçons et les filles do bà viết nhạc, lời và thể hiện. Ngay lập tức, ca khúc này đã trở thành một bài hit và thu hút sự quan tâm của giới báo chí. Bản ballad buồn này kể về nỗi thất vọng của những người trẻ cô đơn và lẻ loi, đã mang đến một màu sắc khác cho làn sóng yéyé lúc đó đang lan rộng khắp nước Pháp. Sự thành công của Françoise Hardy được tờ Paris Match đưa tin trên trang nhất càng làm rạng danh nữ nghệ sĩ trẻ tuổi này.

Xem thêm:   Sông chiều

Cuối năm 1963, bài hát Tous les garçons et les filles, đạt một triệu đĩa bán ra và vượt biên giới ra ngoại quốc. Françoise Hardy đã phát hành một số album và đĩa đơn đều đứng đầu bảng xếp hạng và gặt hái nhiều thành công nối tiếp nhau: Le temps de l’amour (được nhạc sĩ Trường Kỳ dịch sang lời Việt tựa đề Mùa tình yêu), L’amour d’un garcon (Tình yêu của một chàng trai), Je veux qu’il revienne (Tôi muốn anh quay lại), Mon amour la rose (Bông hồng bạn tôi), Dis-lui non (Nói với anh là không)… Đồng hành với nhiếp ảnh gia Jean- Marie Périer, bà cũng trở thành một biểu tượng thời trang khi mặc trên sân khấu những bộ y phục của các nhà thiết kế thời trang danh tiếng như Paco Rabanne, Yves Saint Laurent và Courrèges.

Năm 1967, bà yêu Jacques Dutronc và sinh ra một con trai, Thomas, sinh ngày 16 tháng 6 năm 1973. Năm 1969, bà trở lại thành công với ca khúc Comment te dire adieu? (Sao đành vĩnh biệt?). Ca khúc này, do Serge Gainsbourg đặt tựa, lại gặt hái thêm một thành công khác. Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, bà quyết định dừng lại và không lên sân khấu nữa, để dành thời gian cho gia đình. Trong lúc rảnh rỗi, bà cũng cống hiến hết mình trong lĩnh vực chiêm tinh học, niềm đam mê khác của bà. Bà đã xuất bản một số tác phẩm về chủ đề này và thậm chí còn tổ chức các chương trình chiêm tinh trên đài phát thanh RMC từ năm 1974 đến năm 1982, sau đó là trên đài phát thanh RFM.

Xem thêm:   Người dùng Gmail, Outlook, AOL, Yahoo có thể bị hackers đánh cắp thông tin trương mục

Tuy nhiên, nữ ca sĩ đã không từ bỏ âm nhạc. Năm 1973, bà cùng với Michel Berger sáng tác và thu âm ca khúc Personal Message (Lời nhắn gởi). Bà đã phát hành một số album thành công trước khi tuyên bố vào năm 1988 rằng Décalages sẽ là tác phẩm cuối cùng của mình. Trong vài tuần, album đã đạt đĩa vàng. Trong khi tiếp tục viết nhạc cho các ca sĩ khác thể hiện như Julien Clerc, Patrick Juvet, Viktor Lazlo, Jean-Pierre Mader và Guesch Patti, bà đã xuất bản cuốn tự truyện của mình vào năm 2007, Le Désespoir des singes (Thất vọng của đàn khỉ). Đây là một trong những cuốn sách đứng đầu về doanh thu thời đó. Năm 2012, nữ ca sĩ kỷ niệm 50 năm sự nghiệp với album L’amour fou (Tình yêu điên loạn).

Francoise Hardy và Jacques Dutronc trong một show truyền hình năm 1980.

Bên cạnh những thành công, Françoise Hardy cũng gặp vấn  đề nghiêm trọng về sức khỏe. Sau khi chống chọi với căn bệnh ung thư hệ bạch huyết được chẩn đoán vào năm 2015, sau đó là ung thư vòm họng, bà đã được điều trị vào năm 2018 và chịu nhiều tác dụng phụ. “Liệu pháp X quang và liệu pháp miễn dịch sau đó đã gây ra những tác dụng phụ tàn khốc khiến cuộc đời tôi bị hủy hoại từ 2 năm qua  và khiến tôi ngày càng suy yếu”, bà tâm sự vào tháng 6 năm 2021.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Văn Trí nhớ hoài một mùa Thu

“Một căn bệnh, khi không thể cứu chữa, làm cho người bệnh đau khổ về thể xác và tinh thần.Điều này là hoàn toàn vô ích. Tôi đã là người ủng hộ cái chết êm dịu trong một thời gian rất dài. Và tôi cảm thấy bị xúc phạm mỗi khi các bác sĩ hoặc những bậc cha mẹ bất hạnh rơi vào những tình huống bất lực vì luật lệ hành chánh vô nhân đạo của chính quyền và xã hội”, bà giải thích trên Le Parisien năm 2018.

Trong những năm cuối đời, lời nói đùa của người thân không còn khiến bà vui cười nữa, vì căn bệnh đã làm cơ thể bà biến dạng đến mức không thể chống chọi được. “Tôi và chồng tôi, Jacques Dutronc, ngày càng già và xấu đi,” bà bộc bạch trên Paris Match. Bà cầu mong mình ra đi trước, vì nếu ngược lại sẽ vượt quá sức chịu đựng của bà. Trong ca khúc “Rendez-vous dans une autre vie” (Hẹn lại kiếp sau), hát năm 2012, dường như bà muốn khép lại mối tình lãng mạn kỳ lạ của hai người. Bà đã không tìm được tình yêu tuyệt đối hằng mơ ước, nhưng tất cả hy vọng không lạc mất. Hẹn gặp lại ở kiếp sau / Ở nơi này hay cõi khác / Để chúng ta yêu nhau nhiều hơn trọn vẹn hơn kiếp này… Lời ca khúc “Rendez-vous dans une autre vie” (Hẹn lại kiếp sau) tựa như lời nhắn nhủ của bà trước chuyến đi xa…

ĐDH