Cụ Phạm Quang Sán, tác giả sách Nam Ngạn Chích Cẩm (ấn bản năm 1918) viết trong Lời Tựa sách rằng: “Các nước ở trên mặt Địa cầu này, nước nào có phong tục nước ấy, ngôn ngữ tức là thần hồn trong một nước phát hiện ra ngoài, trông mặt mà bắt hình dung, người làm sao chiêm bao làm vậy, cho nên muốn biết thần hồn trong một nước, thì phải xét phong tục trong một nước, kẻ dở người hay, không trốn được cái gương chiếu ảnh; muốn biết phong tục trong một nước, thì phải xét ngôn ngữ trong một nước, điều hơn nhẽ thiệt, thực đúng như cái ống lưu thanh”. Hiểu rộng ra, chi tiết hơn, thì ngôn ngữ của một vùng đất, miền đất chính là phong tục tập quán của miền đất, vùng đất ấy, cách diễn đạt điều hơn nhẽ thiệt của con người xứ ấy, được truyền từ đời này sang đời khác.

Miền Nam, miền Trung hay miền Bắc Việt Nam xưa nay đều có cách nói riêng của miền ấy, nghe qua là biết dân miền nào. Năm 1954, tuy rằng dân Bắc chạy trốn cộng sản đã bỏ quê vô miền Nam lập nghiệp rất đông, dân Bắc và Nam sống chung nhưng mỗi người đều giữ được truyền thống, mỹ tục của riêng mình.  Tuy nhiên, từ sau ngày 30 Tháng Tư Đen năm 1975, công cuộc “Bắc kỳ xã hội chủ nghĩa hóa” dân cả nước mới thực hiện, do chính nhà cầm quyền Việt Nam cộng sản khởi xướng, mà bắt đầu từ sách giáo khoa và đài truyền hình. Người xưa có câu “Măng không uốn, uốn tre sao được”, “Tre non dễ uốn” nên ngay từ đầu, tất cả sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 12 chương trình phổ thông ngôn ngữ dùng trong sách đều là ngôn ngữ địa phương miền Bắc. Riết rồi con nít trong nhà cứ nói theo giọng miền Nam nhưng viết văn thì ai đọc cũng tưởng dân Bắc cộng, lên sân khấu thì lớp trẻ miền Nam phải nói bằng khẩu ngữ miền Bắc (giống ti-vi) mới chịu.

Tôi đã thử đọc một số trang sách giáo khoa tiểu học ở Việt Nam hiện nay, thấy từ ngữ đều là tiếng địa phương (mới) miền Bắc. Các lớp lớn hơn thì khỏi phải nói, tác phẩm văn học trích dạy đều là tác giả miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Người miền Nam ở khu vực thành thị, hễ con đường nào lớn thì kêu là “đại lộ,” con đường nào nhỏ thì kêu đơn giản là “đường”, nhỏ hơn nữa thì kêu là “hẻm”. Người miền Nam có thể nói “dạo phố”, “bát phố” (khẩu ngữ, nghĩa là đi rong chơi trên đường mà không nhắm tới một đích đến cố định) nhưng tuyệt nhiên không bao giờ xài chữ “phố” để chỉ con đường.

Tuy nhiên, hệ thống truyền thông quốc doanh, với sự tiếp tay chống lưng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã và đang đem “phố” vô “cắm” giữa lòng Sài Gòn ngày một nhiều hơn. Thí dụ: phố đồ cổ, phố đông y, phố sách cũ, phố đàn … và mới nhứt là tổ chức một cái lễ khai trương rầm rộ rồi trương bảng hiệu “Phố Sức Khỏe” to đùng trên đường.

Một tuần nay, công cuộc “Bắc kỳ xã hội chủ nghĩa hóa” Sài Gòn bị chững lại vì “Thiên bất dung gian” do phía nhà cầm quyền đã quá đà đến mức cấp phép dùng từ ngữ sai bét nhè, là dựng tấm bảng “Ga tàu thủy Bạch Đằng” ở bến Bạch Đằng, làm dư luận người miền Nam nói chung, dân Sài Gòn cố cựu, người gốc Việt ở hải ngoại cảm thấy bất bình, đã có phản ứng “bật lại” ầm ầm trên mạng xã hội. Lần này, dư luận phẫn nộ vì tấm bảng đã “làm hư” tiếng Việt trầm trọng. Nhiều người nói rằng chữ “ga” là gốc tiếng Pháp (gare) “tàu” (tức ghe, thuyền đi trên mặt nước) là chữ thuần Việt, “thủy” là từ Hán Việt, mà 3 chữ này đi chung một câu thì sai trầm trọng về mặt văn phạm, phá nát tiếng Việt.

Theo tôi biết, người miền Nam có câu tục ngữ “Trên bến dưới thuyền” hàm ý chỗ nào dùng cho ghe xuồng đậu vô thì chỗ đó kêu là bến. Chữ ga chỉ dành cho xe lửa/tàu hỏa (trên bờ), còn chữ bến dùng cho tàu/thuyền (dưới nước) Thí dụ: Bến Vân Lâu (Huế) Bến Nghé, Bến Bạch Đằng, Bến Nhà Rồng (Sài Gòn) Bến Tre…

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Bị dư luận phản đối dữ quá, nhà cầm quyền bèn cho báo quốc doanh loan tin tên gọi “ga tàu thủy” sẽ đổi thành “bến tàu”

Phải nói rằng, nếu không có những người Nam kỳ thông thạo, nhuần nhuyễn ngôn ngữ miền Nam thì không thể có cái kết “có hậu” trong việc “tranh chấp” ga và bến này.

Trong “nhà kho” sách đông tây kim cổ của tôi hiện nay có nhiều quyển “e-book” tuổi đời suýt soát 100 năm (tính từ năm ấn phẩm ra đời), tức tôi phải kêu những cuốn sách này là “cụ sách” và xưng “con” với “cụ”

Hai cuốn sách Chuyện Giải Buồn (Tập 1 và Tập 2, in lần thứ hai) vào năm 1886, 1887 của tác giả Paulus Của, tức học giả Huỳnh Tịnh Của, trong khi ấn hành cuốn sách này thì cụ Paulus Của đang giữ chức Đốc Phủ Sứ. Lần thứ nhứt sách in năm nào tôi không biết, riêng lần in thứ hai này cho tới nay thì tuổi sách đã được 137 năm. Ngay trang đầu tập 1 và tập 2, cụ Paulus Của ghi rõ mục đích của sách là “Lập lời nói trang nhã, lịch sự để giúp trong các trường học cùng những người học tiếng Annam”. Mở sách ra đọc, quý vị độc giả sẽ thấy từ ngữ tác giả viết đậm đặc chất Nam kỳ. Thí dụ: “Hứa Do đang lum khum rửa tai”. “Có một nhà giàu lớn, mà hà tiện cũng lớn, cứ bo bo giữ của không chịu làm phước cho ai”.

Không riêng cụ Paulus Của, ấn phẩm của các tác giả Tân Dân Tử, Huyền Mặc đạo nhân, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt… cho lớp hậu sanh biết cách đây trăm năm người Nam kỳ viết và nói như thế nào. Các cụ Phạm Quang Sán, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trung Viên, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu… thì cho hậu thế biết lời ăn tiếng nói của giới “sĩ phu Bắc Hà” ra làm sao. Thật là kho báu ngôn từ tiếng Việt quý giá, không hề lai tạp, lố lăng, mà đối với người thời nay không dễ gì có nhiều tiền là mua được.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Lúc nhỏ tôi đọc rất nhiều truyện Trung Hoa, tuy dịch giả diễn đạt theo ngôn ngữ Nam kỳ, nhưng bản gốc vẫn là của người Hoa. Nếu không đọc sách của tác giả Tân Dân Tử (Nguyễn Hữu Ngỡi) Huyền Mặc đạo nhân thì tôi không biết người Nam kỳ xưa cũng viết tiểu thuyết dã sử chương hồi văn chương lưu loát, biền ngẫu, hay đâu kém truyện của người Hoa. Tác giả Huyền Mặc đạo nhân còn là một nhà báo, nhà văn, nhà nhân tướng học lừng danh xứ Nam kỳ. Hiện nay, các trang online vẫn viết Huyền Mặc đạo nhân là ẩn danh, nhưng tôi đã tìm được cuốn sách in năm 1927 ở Sài Gòn, cho biết Huyền Mặc đạo nhân là ký giả Dương Mạnh Huy.

Cụ Tuyết Huy Dương Bá Trạc viết: “Người Pháp có cái tính chất của dân tộc Pháp; người Nhật có cái tính chất của dân tộc Nhật; người nước nào cũng có cái tính chất dân tộc của nước ấy; mình là người Việt Nam, mình cũng có cái dân tộc Việt Nam mình đây, chắc là không “hóa” với dân tộc khác được, mà cũng chẳng có lẽ tiêu diệt ngay được”.

Trong thời buổi văn chương bát nháo, văn nghệ tầm phào, mạng xã hội vàng thau lẫn lộn, ai có nhiều tiền cũng có thể trở thành “nhà văn,” “nhà thơ,” “ca sĩ,” “nhạc sĩ,” thậm chí viết vài bài đăng Facebook rồi tự xưng “nhà báo”… nhiều vô số kể, hoặc học hành không tới đâu rồi lên mạng xã hội ăn nói ngô nghê thì được hoan hô là “bình dân”, là “đại chúng” thì đó là đang phá hỏng tiếng Việt.

Vì vậy, kho tàng sách tiếng Việt cách đây 100 năm giúp chúng ta xác định được đâu là ngôn ngữ tiếng Việt thuần túy, giúp cho người Việt ở hải ngoại, quốc nội giữ gìn sự trong sáng của tiếng nói dân tộc, cội nguồn.

TPT

Đính chánh

Trong bài Rèn Chữ (số 1389 phát hành ngày 29/2/24), do sơ suất nên chú thích 2 bức hình đã bị lẫn lộn nhau. Xin chân thành cáo lỗi cùng quý độc giả và tác giả.