Lời tòa soạn: Mỗi người sẽ nhìn nhận các tai họa với đôi mắt khác nhau.

Có người sẽ hoảng sợ, tuyệt vọng và thấy đất trời một màu u ám. 

Có những người lại xem đó như sự thức tỉnh sau cơn ác mộng. 

Mời bạn theo dõi một góc nhìn của một người trẻ, sống tại Pháp về dịch coronavirus…

Vịt thoải mái đi lại giữa khu phố gần trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp ở Paris_ Ảnh France Diplomatie

Những ngày này, giữa ngồn ngộn những tin phát rầu liên quan đến Covid-19, thỉnh thoảng vẫn có những chuyện vui vui và dễ thương. Nhiều điểm đen về ô nhiễm không khí trên thế giới từ mấy tuần qua đã “dễ thở” hẳn. Ðây đó, chim muông cũng nhẹ bớt cái ách áp bức từ loài người. Gần trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, ngay giữa Paris vốn xô bồ, vịt trời thong thả đi lại.

Ở Nam Phi, bầy sư tử thong dong nằm ngủ trên con đường nhựa do con người xây ngay giữa giang sơn của chúng. Giấc ngủ bình yên, không bị phá bĩnh bởi những chuyến xe chở người đến thăm viếng, chỉ trỏ.

Tại Argentina, bầy sư tử biển nhởn nhơ phơi nắng, tránh gió ở bãi biển thanh bình nhờ vắng bóng “loài 2 chân”. Ngay ở vịnh Brest (Pháp), nơi mà mùa Thu năm ngoái, từ nhà thầy Claude mình phóng tầm mắt ra cũng thấy được, một con cá nhám phơi nắng (Cetorhinus maximus) – loài cá mập hiền lành chuyên ăn phù du, dài trung bình 10m – chậm rãi bơi lội, không lo vướng víu vì tàu bè đã bị “trùm mền” hết ở cảng.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Còn nhiều nhiều lắm những hình ảnh thú vị như vậy. Dịch hoành hành, âu cũng là cách để tự nhiên lên tiếng và con người phải nhìn lại mình. Cái loài vô cùng ngạo mạn, tự xem là thượng đẳng này đã ngày qua ngày tự tung tự tác cải tạo thế giới, bòn rút thiên nhiên, lấy lý do tiện nghi, hưởng thụ để sống phung phí. Người ta hay nói về nợ công, nợ xấu, nhưng toàn thể nhân loại đang nợ thiên nhiên, một món nợ vừa xấu, vừa khó đòi vì càng ngày càng nặng. Hằng năm, tổ chức Global Footprint Network đều tính ngày “vượt quá giới hạn” – tức là ngày trong năm mà con người xài hết nguồn tài nguyên thiên nhiên do Trái đất sản sinh ra, những gì chúng ta dùng sau đó là “nợ”. Món nợ không biết bao giờ mới trả.

Sư tử nằm ngủ thảnh thơi trên con đường được xây giữa giang sơn của chúng – Công viên Quốc gia Kruger. Ảnh Kruger National Park

Ngày “vượt quá giới hạn” năm 2019 là 29/7, và mỗi năm, ngày này càng lúc càng sớm hơn. Các nước càng giàu thì nợ càng xấu. Với cách sống tiện nghi kiểu nhà 3 người thì 3 cái xe hơi của người Mỹ, Global Footprint Network tính toán rằng nếu toàn thể nhân loại đều sống như dân Mỹ thì cần đến 5 Trái đất mới đủ để tiêu xài. Châu Âu đỡ hơn chút, nếu ai cũng như người Ðức thì cần 3 quả Ðịa cầu và cần 2.7 hành tinh Xanh khi con người toàn là dân Pháp. Ngược lại, nếu cả thế giới đều giống người Ấn Ðộ thì chỉ cần 70% nguồn tài nguyên của Trái đất là đủ. Một ví dụ nhỏ để minh họa, theo báo cáo hồi cuối tháng 1.2020 của Bộ Môi trường Pháp, hằng năm, Pháp lãng phí khoảng 10 triệu tấn lương thực! Tôi còn nhớ từng xem một phóng sự về lãng phí lương thực trên France 2, nhóm thực hiện đến thăm một nông trại trồng dưa lưới. Người chủ nông trại cho biết, do ở siêu thị bán dưa theo trái, với giá cố định (chẳng hạn 1 euro/trái) chứ không theo ký lô nên cứ trái nào dưới 800g đều bị đem bỏ, dù rất tươi ngon. Dưa trái nhỏ đưa vào siêu thị sẽ chẳng ai mua. Mình rành chuyện Pháp nên kể chuyện ở đó thôi, chứ ví dụ về lãng phí lương thực ở các nước phát triển thì đầy.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Vấn đề ở chỗ, những nước nghèo hay những cộng đồng người bản địa sống chan hòa với tự nhiên không phải nguyên nhân gây ra nợ, nhưng lại lãnh hậu quả nặng nề nhất khi môi trường bị hủy hoại. Và hơn hết, Trái đất này là của chung, nhưng chỉ vì con người mà các loài khác đều đang khổ sở.
Với dịch bệnh, ở một góc độ nào đó, thiên nhiên đã làm con người phải bớt đi phần nào cái tính ngạo mạn của mình. Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Mỹ có khoảng 600 người nhiễm SARS-CoV-2; tàu Charles de Gaulle của Pháp cũng có 1,046/1,760 thủy thủ dương tính, tính đến ngày 19/4. Hàng không mẫu hạm USS được xem là niềm tự hào về quốc phòng của nước nào sở hữu chúng thì giờ hoàn toàn bất lực trước một sinh vật không thấy được bằng mắt thường, thậm chí không có đủ các chức năng về di truyền, phải sinh sôi nhờ vào vật chủ. Với SARS-CoV-2 thì vũ khí nguyên tử sẽ hoàn toàn vô dụng. Và thiên nhiên không chỉ có một loài siêu vi ấy. Bao đời nay, virút, vi khuẩn hay các ký sinh trùng khác vẫn tồn tại giữa muôn loài, chúng chắc chắn có đóng góp vào chọn lọc tự nhiên của các loài động vật hoang dã. Nai, hươu, chồn, beo, cọp… đã tự chọn lọc một cách khắc nghiệt để sống chung hòa bình với những “kẻ thù vô hình” này.

Bầy sư tử biển nhởn nhơ phơi nắng, tránh gió ở bãi biển thanh bình tại Argentina. Ảnh AFP

Con người thì không.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Nếu con người cứ tự cho mình cái quyền được xâm phạm nơi ở của loài khác, can thiệp thô bạo vào trật tự của tự nhiên thì coi chừng, siêu vi, vi khuẩn vốn sống ở nơi hoang dã sẽ xâm nhập ngược lại vào thế giới của loài người. Khi thiên nhiên đã đòi nợ thì hàng không mẫu hạm, máy bay không người lái, tên lửa hành trình, chiến đấu cơ… cũng sẽ chỉ là những đống sắt thừa.

Dịch Covid-19 rồi sẽ qua, nhịp sống bình thường sẽ trở lại… Chẳng biết con người, qua biến cố này, có biết sống tử tế hơn với thiên nhiên không? Những ngày qua, chắc chắn nhiều người đã thấy sống nhín lại chút, bớt dư thừa lại chút, họ vẫn không chết. Nhưng cứ giữ lối sống như trước thì Trái đất sẽ chết. Bạn thử lựa chọn đi?

NNLC