“Tôi là một bác sĩ bất tài”, đó là lời của người bác sĩ khi nhận được một cuộc gọi báo từ phía gia đình bệnh nhân tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, khi ông đang trong một kế hoạch ngắn ngày khám chữa bệnh từ thiện tại một vùng núi xa xôi ở Nam Mỹ. Tiếng thở dài cùng lời tự than trách bản thân bất lực: “Tôi xin lỗi, tôi là một bác sĩ bất tài”. Bác sĩ Melmed – một vị bác sĩ tận tâm nhất mà tôi đã từng gặp trong đời mình. Ông đã đồng hành với gia đình tôi trong suốt 5 tháng cùng bố tôi chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi.

toi-la-mot-bac-si-bat-tai3

Cơn đau lưng kéo dài của bố tôi có ngờ đâu nguyên nhân lại chính là tế bào ung thư đã chạm đến cột sống. Ảnh: Odyssey

Ung thư – bản án tử hình không đợi ai

Nhận được tờ giấy báo kết quả sau ung thư nhiều lần scan và khám bệnh; một tờ giấy trắng với những dòng chữ đen cô đọng như là một bản án tử hình đối với bệnh nhân và gia đình. Ai cũng nhắc nhở nhau rằng sẽ ổn thôi nếu cứ nghe lời bác sĩ, ngoan ngoãn thực hiện đúng các lịch trình khám, hoá trị, xạ trị và ăn uống theo chế độ dành cho người bệnh. Nhưng bản thân ai cũng có cho mình một câu trả lời: thế là xong.

Nếu có một phép màu cho tôi được quay trở lại khoảng thời gian đó, làm một điều gì đó với bố mình, thì tôi ước rằng bằng mọi khả năng cho phép, sẽ đưa bố đến những nơi bố mong muốn, ăn những món ăn bố thích mặc cho điều đó có tuân thủ theo lịch ăn uống của bác sĩ kê toa hay không, và làm những thứ mà trong hoài bão, bố đã muốn làm từ rất lâu.

Sinh ra trong thời bình, cái mà chúng ta phải đương đầu chiến đấu còn đáng sợ hơn đạn bom súng ống thời chiến đó là sự ô nhiễm, thức ăn độc hại,… tàn dư của tất cả những điều đó cộng lại và con người phải chiến đấu với bệnh tật. Nó còn đáng sợ hơn vì gây ra cái chết âm ỉ mà người ta không lường trước được.

Hai tháng là thời gian chúng tôi phải hoàn thành các thủ tục, xét nghiệm, scan, ký các loại giấy tờ cần thiết cho bảo hiểm, kiểm duyệt,… cũng là lúc các tế bào ung thư hùng hục dần chiếm lấy cơ thể bố tôi. Vào lúc 2 giờ sáng của một đêm rét buốt, gia đình đưa bố tôi nhập viện cấp cứu vì không thể cầm cự nổi cơn đau. Sau khi qua khỏi cơn nguy kịch, mọi người thở phào nhẹ nhõm, thì phải đối diện với một quyết định tiếp theo: Có đồng ý giải phẫu xương sống hay không, ngay lúc này? Vì khối tế bào ung thư đã có đường kính đến 9cm, nó chạm đến xương sống của bố tôi và vài dây thần kinh nào đó, theo cách giải thích của bác sĩ, nên bố sẽ gặp khó khăn khi điều khiển một số hoạt động. Việc giải phẫu sẽ gắp ra một đoạn ở phần xương sống, và lắp vào vị trí đó là một con ốc. Chỉ nghe thôi mà tôi đã rùng mình. Em trai tôi đã thay mặt gia đình ký vào tờ biên bản chịu trách nhiệm quyết định phẫu thuật.

toi-la-mot-bac-si-bat-tai

Đôi khi chỉ trễ một giây, ta có thể lỡ hẹn cả một đời. Đôi khi ta muốn làm điều gì đó cho người mình yêu thương trong hôm nay, ta lại để cho ngày mai, nào có ngờ đâu đôi lúc… cái ngày mai ấy sẽ không bao giờ đến… Ảnh: abc.net.au

Ca mổ thành công, cả nhà mừng rỡ. Ngạn ngữ khó có sai: “Người ta sẽ không trân trọng sức khoẻ của mình cho đến khi đau yếu!”

Sau ca mổ, bố tôi được đưa về phòng hồi sức, tôi không cầm được lòng, đã bù lu bù loa ngay tại chỗ. “Ðây là bố tôi sao?” Xung quanh bố tôi đủ loại dây nhợ lằng nhằng, tiếng nhịp tim, đồng hồ đo,… Những thứ đó tôi đã xem trong phim ảnh, nhưng sao nó lại trở thành hiện thực như thế này?

Xem thêm:   The good Samaritans

Nhiều ngày sau đó là một quãng thời gian dài bố tôi cùng gia đình ăn-uống-ngủ-nghỉ trong bệnh viện. Bố bắt đầu tập vật lý trị liệu để đi lại. Một khi có bất kỳ điều gì chạm tới cột sống, nó cũng ảnh hưởng toàn bộ cơ thể. Bố tôi vốn gầy sẵn, bây giờ phải “nạp” thêm cả mớ thuốc men thì làm sao ngon miệng, chẳng bao lâu sau người bố tôi chỉ còn da bọc xương, theo đúng nghĩa đen. Và tiếp theo, những tờ giấy mà gia đình tôi phải chịu trách nhiệm ký nhận đó chính là quyết định xạ trị, và rồi… hoá trị.

Ðối với xạ trị, nó chỉ làm cho cơ thể bệnh nhân toát mồ hôi. Nhưng hoá trị, nó có tác dụng giết các tế bào ung thư. Dù vậy, nó không đủ “thông minh” để “tránh” các tế bào không ung thư, cơ thể người bệnh sẽ yếu đi do tế bào xấu lẫn tế bào tốt đều bị mất đi.

Vào một ngày khi một người chịu trách nhiệm về việc xuất viện đến phòng bệnh nói với chúng tôi rằng “Gia đình hãy mang ông ấy về nhà và chăm sóc đi”. Không lúc nào gia đình tôi lại hoang mang như lúc này. Trong một lần đang ăn tô cháo vào giờ trưa vội vàng, tôi nhận được cuộc gọi của mẹ nói có một bà bác sĩ khác đến nói với em tôi và mẹ tôi: “Bố tôi chỉ còn 2 tháng nữa thôi”. Câu nói lỡ dở của người bác sĩ đó, làm tôi buông ngay cái muỗng và suýt nữa hét lên ngay ở tiệm ăn, tôi vội vàng chạy đến bệnh viện.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Khi bố tôi về nhà, nhiều ngày tiếp theo có nhân viên của bệnh viện đến để tập vật lý trị liệu cho bố. Nhưng bố yếu dần và không thể tập ngay cả những động tác căn bản. Ngày tiếp theo, người nhân viên từ chối đến tập cho bố tôi. Thế là, chúng tôi giúp bố tập. Những bữa ăn từ đặc sang loãng dần, và rồi những gì bố có thể ăn được chỉ còn là nước cháo.

Tôi hoang mang nhận ra rằng sự sống của một bệnh nhân ung thư chẳng khác nào một quả bong bóng rơi trên một bụi cây xương rồng, sẽ xẹp nhanh chóng.

Ngày Thứ Bảy định mệnh

Có lẽ trong suốt cuộc đời này, tôi sẽ không thể quên được ngày Thứ Bảy định mệnh hôm đó… Một cuộc gọi tôi không bao giờ mong sẽ nhận được từ mẹ tôi “Con về nhà liền được ko, bố con yếu lắm”. Ðường từ công ty về nhà chỉ 10 phút mà dài như vô tận. Trời Texas 100 độ F nhưng người tôi lại cảm thấy lạnh toát. Giây phút đầu tiên khi đẩy cửa bước vào, tôi nhìn thấy mẹ kéo tấm chăn phủ lên đầu bố… mọi thứ xung quanh tôi dường như tan nát và sụp đổ. Và giây phút đó tôi đã biết được… thế là hết!!

Lúc trước, tôi rất thích ngày Thứ Bảy vì được thư giãn sau 1 tuần làm việc. Nhưng bây giờ, ngày Thứ Bảy đối với tôi trở thành một nỗi ám ảnh không tên. Hai ngày sau khi bố đi, khi nằm thờ thẫn trong phòng và nhìn lên trần nhà không mục đích, bóng đèn ngủ đầu giường tôi xẹt điện dù không được bật nút “on”, bất giác tôi hỏi: “Có phải bố không, cho con thấy bố đi…” nhưng tôi đợi mãi không có ai lên tiếng. Lúc trước chỉ cần vài bước chân là có thể gặp bố, nói chuyện với bố… còn bây giờ thì cố gắng liên lạc với bố một cách vô ích…

toi-la-mot-bac-si-bat-tai2

Năm tháng qua đi vội vã, có khi nào ta ngừng lại một phút để yêu thương. Ảnh: Pexels

Con người ta thường không trân trọng những gì mình có, dù đó là thứ hạnh phúc vô giá kề bên ta hằng ngày. Ðể khi mất rồi, mới thấy hối tiếc… Tôi đã mất đến 30 năm mới học được hai từ “quá trễ”.

Ngày cả gia đình bên nội gồm các cô chú, anh em họ tôi từ California bay qua Texas dự lễ tang, và sau đó là đến nhà xác để đưa linh cữu bố tôi đi hỏa táng. Giây phút em trai tôi bấm nút công tắc, ngọn lửa bừng lên bên trong chiếc hộp kim loại, bất giác cô tôi cất lên lời: “Thế là anh Hai đã xong một kiếp người.”…  Ðâu đó quanh đây, bài “Cát Bụi” của Trịnh Công Sơn vang lên.

Xem thêm:   Cục sắt 2,000 năm

Tận cùng của mất mát là nỗi đau còn sự mất mát sẽ trở thành một vết sẹo dài khắc trong tâm trí. Ðể rồi mỗi khi mùa lạnh qua đi, cơn gió thoảng cũng đủ để cho bản thân người đó nhói lên từng hồi.

Trễ một giây lỡ một đời

Mãi đến 8 tháng sau cái ngày định mệnh đó, tôi mới có thể đủ bình tĩnh để ngồi viết lại những tháng ngày khó quên. Ðêm trước hôm bố tôi mất, tôi về nhà đi ngang giường bố thì nghe tiếng bố gọi gì đó. Tôi chạy vào phòng nhanh tay treo chiếc giỏ lên sào và thay đồ để thoải mái hơn. Lúc trở ra giường thì bố đã ngủ lịm đi rồi. Tôi chỉ còn biết đến bên cạnh nhìn bố một lúc rồi trở vào phòng. Thế đấy, đôi khi chỉ trễ một giây, ta có thể lỡ hẹn cả một đời. Ðôi khi ta muốn làm điều gì đó cho người mình yêu thương trong hôm nay, ta lại để cho ngày mai, nào có ngờ đâu đôi lúc… cái ngày mai ấy sẽ không bao giờ đến…

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu”. – Phạm Lữ Ân

toi-la-mot-bac-si-bat-tai1

Tấm ảnh hiếm hoi của gia đình thời bố tôi còn khỏe mạnh. Ảnh: Zoey Hoa

ZH

Garland, TX.