Thi sĩ Huyền Chi (còn có bút danh Khánh Ngọc) tên thật là Hồ Thị Ngọc Bút, gốc gác ở Bắc-Ninh nhưng được sinh ra tại Sài-Gòn năm 1934. Bà làm thơ rất sớm và là thư ký tòa soạn, phụ trách mục thi ca cho tạp chí “Phụ nữ” của bà Nguyễn Thị Lan Phương. “Thuyền Viễn Xứ” là một trong 22 bài thơ trong thi phẩm “Cởi mở” xuất bản năm 1952. Tại nhà in, bà tình cờ gặp và có nhã ý gửi tặng nhạc sĩ Phạm Duy tập thơ vừa in chưa ráo mực.
Vài năm sau đó, bà từ giã văn đàn, lập gia đình và dọn ra Phan-Thiết. Sau năm 1975, gia đình bà chuyển vào Sài-Gòn sinh sống cho đến nay. Năm 2019, bà phát hành tác phẩm thứ nhì “Huyền Chi và Thuyền viễn xứ” với mong mỏi để lại chút ít kỷ niệm cho gia đình con, cháu và bè bạn.

Huyền Chi, 1952
Thuyền viễn xứ
Vào thập niên 50, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh và gia đình bị chia cắt, thi sĩ Huyền Chi đã tưởng tượng ra một cuộc chia ly trên quê hương qua bài thơ “Thuyền viễn xứ”. Tác giả mượn hình ảnh con thuyền rời bến sông Đà-Giang tiêu điều với hàng dương liễu rũ và ngập ngừng ra khơi giữa buổi chiều pha màu ráng lụa hồng để nói lên nỗi niềm ly biệt, kẻ ở người đi …
Ra khơi sương khói một chiều
Thuỳ dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Thuyền tách bến và dạt theo lau lách ven bờ mang theo bao tâm sự nhưng chiến tranh, ly loạn triền miên trên đất nước, nào ai biết được ngày trở về nơi cố quận. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, giống như người xưa ra trận mạc không hẹn buổi sum vầy vì gươm đao vốn dĩ vô tình…
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa

Huyền Chi, 1950
Thuyền đi xa, xa mãi để lại bến sông vắng vẻ, buồn tênh. Người mẹ già nơi làng cũ vẫn ngày đêm mong ngóng, tóc bạc như sương, lệ nhòa vương vấn. Chiều rơi hờ hững nơi bến lạ trời xa, lòng rộn ràng niềm nhớ cố hương nhưng phương ấy vẫn mịt mờ khuất bóng. Con thuyền viễn xứ vẫn mải miết trên bước đường run rủi…
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường … lại đi

Tập thơ 1952
Bài thơ lục bát chứa đựng nỗi buồn man mác như gợi niềm đồng cảm với nhạc sĩ Phạm Duy vì ông cũng mới vừa rời xa xứ Bắc, chọn đất Sài-Gòn làm chốn dung thân. Ông đã phổ thành nhạc phẩm cùng tên trong khoảnh khắc ngắn ngủi và làm rung động hàng triệu con tim. Với tài hoa sẵn có, ông giữ lại một số chữ, câu trong bài thơ, điểm tô, thêm thắt và viết nên một nhạc phẩm để đời…
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà-Giang thuyền qua xứ người
Thuyền ơi, viễn xứ xa xưa
Một lần qua dạt bến lau thưa
Hò ơi, giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về

Tập thơ 2019
Mấy mươi năm biển cả hóa nương dâu, nền hòa bình vẫn chưa về lại trên một quê hương tan nát. Người dân lìa quê rồi bỏ nước, hết di cư rồi di tản và gần nhất là thảm trạng vượt biển, vượt biên hay bán rẻ sức lao động nơi xứ người. “Thuyền viễn xứ” vẫn là một thi phẩm, một nhạc phẩm chứa chan lòng thương nhớ quê nhà dù thời gian đã mịt mù xa và không gian không còn là chốn cũ. Trên bến muôn phương, người ra đi vẫn ngậm ngùi khi bóng thuyền viễn xứ một thuở âm thầm tách bến và ra đi không hẹn ngày về.
Mịt mờ sương khói lên hương
Lũ thùy dương rũ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường
TV (14.04.2024)