Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết và chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17, bố mẹ tôi đã bồng bế các anh chị tôi lên tàu “há mồm” rời đất Bắc đi tìm tự do. Khí hậu miền Nam chan hòa nắng ấm như tấm lòng người dân miền Nam chất phác, thiệt thà đã dang rộng vòng tay chào đón dân đằng ngoài tái định cư trên vùng đất mới. Ngày ấy, người chị lớn chỉ mới biết đi lẫm đẫm, ông anh kế còn được mẹ ẵm ngửa trên tay. Thằng bé tôi chưa kịp tượng hình và có lẽ còn đang phiêu du đâu đó nơi một cõi ta bà xa lơ, xa lắc. Theo lời kể của mẹ, quê ngoại của tôi là ngôi làng hẻo lánh nằm bên bờ sông Đuống. Dân làng sống bằng nghề nông, quanh năm cơ cực, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cả chục năm sau đó, tôi mới được chào đời và lớn lên trong khung cảnh đầm ấm trong gia đình, tự do bên ngoài xã hội. Ở nhà, tôi vẫn dùng giọng Bắc với bố mẹ và các anh chị em, với bạn bè trang lứa tôi nói giọng Sài-Gòn, dù khi phát âm dấu ngã và những chữ “tr”, “v” vẫn còn lai láng ít nhiều mùi hương cốm, hương sen. Dù được sinh ra ở Sài-Gòn nhưng không hiểu sao bạn bè dù thân thương đến mấy, dẫu vui hay lúc buồn vẫn hay gọi tôi là thằng … Bắc Kỳ ! Tôi đâu có làm gì nên tội mà mọi người “kỳ thị” tôi đến ghê gớm như vậy !

Cái mặc cảm đó âm thầm bén rễ và lớn lên trong tôi cho đến ngày mất nước, cho đến khi tôi đã hiểu biết ít nhiều về cuộc sống sau ngày hậu chiến. Ở lứa tuổi 11, 12, khi nhìn thấy đám bộ đội và dân tình ngoài ấy lần lượt xuôi Nam chiếm cứ những căn nhà bỏ trống của những người chủ trước đã hớt hơ, hớt hải cuốn gói ra đi vào những ngày cuối tháng Tư, lòng tôi lại dâng lên một sự phẫn uất đến tột cùng. Họ mang tiếng đi giải phóng, xóa bỏ giai cấp mà không chịu “che chòi” để ở, cớ sao lại dọn vào những ngôi nhà khang trang để chiếm giữ và cư ngụ.

Những người tỵ nạn Bắc Việt lên tàu USS Litchfield County (LST 901) tại Hải Phòng. Từ tháng 8 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955, Hải quân Hoa Kỳ đã giúp đưa hàng trăm ngàn người đến miền Nam tự do. nguồn. usni.org  

Hình ảnh đó làm tôi mất cảm tình với dân Bắc Kỳ “hai nút” và ghét luôn cái tên “Bắc Kỳ” mà bạn bè vẫn thường gọi dù chúng tỏ lòng trìu mến hay có hàm ý đùa giỡn, trêu chọc cho vui. Theo hết bậc tiểu học rồi lên trung học, hết năm lớp 12 tôi nộp đơn thi tuyển vào trường trung học sư phạm Thủ-Đức. Ở buổi cuối cùng, người gác thi là một cô giáo trẻ trung và xinh đẹp. Nghe giọng nói, tôi cũng đoán ra được cô là dân “hai nút” đã theo cơn lốc bảy mươi lăm dạt trôi vào miền Nam sinh sống. Tánh tình cô vui vẻ và hết sức dễ dãi trong giờ thi cũng như cô đã góp ý sửa sai, mong cho chúng tôi được điểm tốt trong kỳ thi tuyển. Sau khi đã nộp bài và chuẩn bị rời khỏi phòng thi, cô ấy đã ân cần nói với tôi:

Xem thêm:   Mình sẽ đi Mỹ

– Em về lại Sài-Gòn, mang giúp cô cái thư này đến nhà bưu điện, may ra thư sẽ đi nhanh hơn. Cô đã dán tem đầy đủ rồi. Cô cảm ơn em nhiều lắm nhé!

Vốn đã không có thiện cảm từ bấy lâu nay nhưng tôi vẫn nhận từ tay cô lá thư bé bỏng ấy và trên đường về lại nhà tôi đã tiện tay ném vào sọt rác!

Thời gian lặng lẽ trôi đi, câu chuyện tưởng chừng như nhỏ bé kia đã chôn sâu vào quên lãng. Tôi xa Sài-Gòn và bước xuống ghe đi vượt biển. Hình ảnh gia đình đầm ấm và ngôi nhà nhỏ có giàn hoa giấy xinh xinh giữa lòng xóm chợ đã biền biệt như những con đường Sài-Gòn lụa là, mưa nắng đã thật xa. Đến trại tị nạn, tôi có dịp quen và kết bạn với khá nhiều dân Bắc Kỳ “hai nút”. Chị Thu là dân Hà-Đông trên đường đi tìm tự do giống như tôi. Chị đã tình nguyện nấu cơm cho mấy đứa độc thân ở trại tị nạn Hongkong cho đến ngày chúng tôi rời trại và chia tay mỗi người một ngả. Thằng em “ngang hông” đến từ Hải-Phòng đối với tôi như bát nước đầy và chưa một lần vụ lợi hay tính toan. Bàn tay có ngón dài, ngón vắn, cuộc sống này đầy dẫy hỉ nộ ái ố, xấu tốt đan xen, đôi khi mình chưa đủ duyên may để gặp thêm người tốt, bạn hiền. Lòng tôi đã nguôi ngoai, trái tim của tôi đã bớt sân si, hận hờn và thôi căm ghét.

Biểu ngữ chào mừng người tỵ nạn Việt Nam lên tàu USS Bayfield (APA-33) để đi từ Hải Phòng đến Sài Gòn, ngày 3 tháng 9 năm 1954. Nguồn: Flickr

Ở một nơi cách xa quê nhà vạn dặm, cuộc sống đã âm thầm bén rễ và đâm thêm chồi non, lộc mới. Dẫu cho đã đề huề một gánh thê nhi nhưng cứ mỗi lần nhớ đến lá thư mỏng mảnh, nhỏ bé của cô giáo gác thi ngày ấy, lòng tôi lại bất an, giấc ngủ vỗ không lành. Có khi đó là cái thư thăm hỏi mẹ cha bị ốm đau hay là lời tạ lỗi với người tình để bắc lại một nhịp cầu yêu thương dang dở. Càng nghĩ, tôi càng hối hận và xấu hổ vì tôi là thằng “Bắc Kỳ” xấu xa. Cái thằng tôi có lỗi, có tội nhiều lắm!

Xem thêm:   Trạm nghỉ an toàn trên xa lộ ở Mỹ

Hơn 40 năm sau, cái thằng “Bắc Kỳ” năm xưa đã xa hẳn vùng trời xanh kỷ niệm, tóc tai đã phôi phai màu sương tuyết nhưng trái tim sao cứ vấn vương biết bao niềm vui ngày ấu thơ, nỗi buồn ngày rời xa đất nước và luôn cả tấm lòng hối hận. Với cái tuổi chưa đủ lớn khôn, ăn chưa no và lo chưa kịp tới cũng như chưa có dịp nào ngắm hết sông núi quê nhà mà bước chân đã xa xôi, miên viễn nên những con đường quê hương cứ nhập nhằng trong ký ức. Vẫn biết không ai có thể tắm hai lần trên một khúc sông nhưng niềm ray rứt của ngày tháng cũ cứ bám theo tôi như cái bóng đổ dài giữa buổi hoàng hôn nhạt phai màu nắng. Dẫu đã sống gần hết đời người, dẫu đã đi được nhiều nơi, ngắm nhiều danh lam thắng cảnh từ năm châu, bốn biển nhưng quê nhà mãi mãi là vùng trời đẹp nhất và chỉ chập chờn sống lại trong tôi qua từng giấc chiêm bao.

TV (20.07.2024)

** Nhớ 70 năm ngày Hiệp định Genève được ký kết, 20.07.1954 – 20.07.2024 **