Sông chiều ngược gió đò đưa
Quạnh hiu bến vắng, người xưa xa rồi
Những ngày cuối thu, mưa cũng thôi rơi như để nhường lại cho những cơn gió đông chầm chậm len về. Hình như những giọt nắng mong manh cuối ngày vẫn còn lưu luyến những cây cành khẳng khiu, trụi lá. Hoàng hôn dần buông và in bóng nhạt nhoà trên mặt nước sông Rhein (Rhine) chảy qua thành phố. Lại thêm một ngày nữa sắp qua đi!
“Tôi đứng đây mà tưởng chừng như đứng trên bờ sông Mỹ-Thuận, khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạc. Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẩn khuất giữa sông đầy”
Câu vọng cổ qua giọng ca muồi mẫn của cậu Mười Út Trà Ôn đã vang lên từ những rạp hát sang trọng ở thành đô và len lỏi đến từng khu lao động hay tận làng quê xa xôi qua chiếc radio nhỏ xíu. Biết bao thế hệ đã qua rồi, mà hình như chưa có tác giả nào vẽ được bằng lời hình ảnh buổi chiều đẹp đẽ, lãng mạn mà cũng buồn thương trên một khúc sông quê nhiều kỷ niệm như vậy. Soạn giả Hoa Phượng là một trong những bậc thầy về tuồng tích của sân khấu cải lương Nam phần.
Bao nhiêu năm trôi qua rồi mà Tám vẫn thương hoài những buổi chiều nhìn con nước xuôi ra biển. Tám nhớ vô vàn những ngày lưu trú ở Rạch-Giá để chờ ngày đi vượt biển. Chiều rơi trên sông, buổi chiều màu tím, tím hơn cả màu bông lục bình! Tuổi đời ngày đó còn non trẻ quá, Tám đã đi tìm sự sống trong cái chết. Cái sợ, cái lo đã lấn hết nỗi buồn xa nhà cũng như niềm nhớ Sài-Gòn đan xen lẫn lộn trong trái tim mới lớn.
Chị Hai bắc nồi cơm lên bếp, rồi chạy ra sau hè đưa ngón tay về hướng mấy ‘dề’ lục bình đang trôi lờ lững:
– Theo mớ lục bình trôi hết khúc sông này là tới cửa biển đó em. Ở đây sông buồn mà biển cũng buồn. Mày sống ở Sài-Gòn quen rồi, thấy cảnh vật lặng lẽ như vầy chắc nhớ nhà lắm hén!
– Em không thấy buồn mà chỉ có nỗi lo sợ thôi, chị ơi!
– Ôi, đừng có lo nhỏ ơi, anh Hai mày đã “mua” tụi nó hết rồi! Mày chỉ ở trong nhà hay chạy ra đằng sau thôi chứ đừng có lảng vảng ngoài hàng hiên nhen, mất công thiên hạ để ý!
“Về đâu ơi hàng cây gỗ rong
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều
Buồn tôi không vì sao bỗng dưng
Theo đò ngang quá giang thương chiều” (*)
Thời gian trôi mải miết, đâu còn chiếc đò ngang nào để cho Tám một lần quá giang về thăm chốn cũ. Rạch-Giá là thành phố ven biển sóng bồi cát lở, cuộc sống nơi này trù phú và đất đai thưa thớt dân cư. Ngôi nhà nhỏ ven sông đã 3 lần tiếp đón và cho Tám tá túc để chờ ngày xuống tàu đi vượt biển. Mấy anh chị ở trong nhà tử tế quá, cho Tám được ăn cơm chung, mỗi ngày 3 bữa. Buổi tối, mấy anh chị còn mở mấy cuốn băng nhạc Duy Khánh, Hoàng Oanh cho Tám nghe nữa.
Nửa đêm về sáng, chị Hai hối hả kéo chân Tám và thúc giục :
– Dậy, mau mau dậy, nhỏ ơi, bể rồi!

Bìa nhạc Chiều về trên sông
Chị chống chèo đưa Tám đi được một khúc sông và anh Hai chờ sẵn trên bờ mương để chở Tám ra bến xe. Bến xe Rạch-Giá không biết ngủ, kẻ mua người bán tấp nập, tiếng gọi nhau chen giữa tiếng rao hàng rộn vang giữa đêm hôm khuya khoắt. Tám có kể anh nghe, ngày hôm sau là ngày thi hết bậc trung học, nếu đi không lọt thì Tám cũng muốn về Sài-Gòn kịp lúc để còn được thi thố với bạn bè. Anh Hai lựa chuyến xe sớm nhất nên phải trả giá thiệt cao cho cục gạch sát cửa phòng vé. Tưởng cũng nên nhắc lại, sau năm 1975, tại những nơi công cộng như bến xe, nhà ga, thậm chí cả rạp hát, bọn đầu nậu vé chợ đen thường đặt khá nhiều cục gạch hay cục đá trước phòng vé và sau đó bán lại chỗ tốt cho những ai có nhu cầu cấp bách mà không thể chờ đợi hay không thích sắp hàng xa tăm tắp. Cuối cùng, anh cũng mua được cái vé xe như ý muốn của Tám và đứng đợi bên đường cho đến khi xe bắt đầu chuyển hướng. Hai anh em nhìn nhau qua cái màn kính xe đò mờ đục khi trời chưa sáng hẳn. Hình bóng anh xa dần và mờ khuất. Ừa, Tám đi thiệt rồi và hơn 40 năm chưa có lần quay trở lại !
Mấy đứa người Tàu cùng trang lứa ở khu Chợ Đũi, gần rạp ciné Nam Quang, được gởi ở những nhà lân cận gần đó. Tụi nó không được đối xử tử tế như vậy. Đêm đó, chúng chạy không kịp và bị bắt. Vài tháng sau, Tám gặp lại tụi nó ở Sài-Gòn với cái đầu trọc lóc !
Mấy mươi năm lặng lẽ trôi xa, cuộc đời sấp ngửa đã làm đổi thay nhiều thứ. Chốn xưa giờ cũng khác. Bước chân Tám hình như mỗi ngày lại cách xa quê nhà thêm chút nữa. Ôi, biết bao giờ được trở lại dòng sông cũ, khi bóng thời gian thì hữu hạn, cuộc sống lại quá đỗi vô tình. Nơi đây, dòng sông đời vẫn bềnh bồng trôi và mang đi những giấc mơ của một thời tuổi trẻ.
“Hoàng hôn xua bóng ngày
Như niên thiếu qua rồi
Dòng sông đời đang đến
Nơi lạnh lùng bóng đêm” (**)
TV
(*) nhạc phẩm “Chiều về trên sông” của Phạm Duy
(**) thi phẩm “Sông chiều áo trắng” của Nguyễn Tất Nhiên