Thưa Chị,

Tôi tới đây đã 3 hôm nay. Ðêm đầu tiên, nơi này đón tôi bằng cơn mưa dông nhiều sấm sét. Tưởng thời tiết xấu kéo dài, ngờ đâu sáng hôm sau đã thấy nắng tưới chan hòa. Trời đẹp, hoa cỏ tươi, bà chủ nhà lịch lãm, bảo sao tôi không vừa ý? Nếu tôi ngỏ lời cám ơn, chắc hẳn chị sẽ bảo tôi khách sáo. Nhưng không còn cách bày tỏ nào khác. Xin chị nhận vậy!

Kể chị nghe thời khóa biểu mỗi ngày của tôi. Thức dậy khoảng sáu giờ rưỡi. Ra hiên ngắm cảnh sớm mai đồng thời tập thể dục chừng nửa tiếng. Ăn sáng và chuyện vãn với một vài khách trọ quen mặt tới tám giờ. Sau đó là đi dạo. Có hôm tôi thả bộ xuống làng để xem cách sống của dân địa phương. Họ chất phác như đất, vui tính như sẻ núi. Tôi có cảm tưởng, trong huyết mạch họ là thiên nhiên luân chuyển, có nhịp điệu của mùa màng và nồng nàn nắng Ðịa Trung Hải. Vừa xong mùa thu hoạch nho. Trước nhà nào cũng bày bán rượu vang có chung nhãn hiệu “đặc sản gia đình”. Ðã qua rồi mùa lúa mì, sắp tới lúc hái ô-liu. Bà chủ nhà cho biết, cách đây vài chục cây số là rừng bấc. Cứ mỗi mười năm họ tước vỏ một lần, mang về nấu mềm cắt làm nút chai. Có lần tôi trả giá mua một chai rượu vang trắng, rồi tần ngần suy nghĩ về sự có mặt của nó. Nghe có vẻ tức cười, nhưng mọi thứ thuộc về chai rượu là do dân địa phương làm tất. Ngôi nhà cuối lộ đất là lò thổi thủy tinh và chế tạo đồ gốm có tiếng vùng này. Ðồ gốm thì lấy đất núi, dễ rồi. Còn thủy tinh thì mua chai không về thổi lại. Thành ra mỗi chai rượu là một sáng tạo nghệ thuật có một không hai, nhiều khi chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. Ðiều này, đã mấy nghệ sĩ tạo hình nào chấp nhận? Còn nút chai xuất phát từ rừng bấc sát cạnh. Rượu ép từ nho. Nhưng chai rượu đâu phải chỉ kết tựu từ mấy thứ đó. Nó còn chứa cái tình nắng thắm thiết, cái tâm đất vị tha, cái lòng mưa chiều sương sớm dịu dàng, cái hương lửa chung thủy, cái tính kiên trì 10 năm chờ đợi. Và nhất là, thứ tình gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Nó hiện diện trên những mặt người già nua, nhăn nhúm, rạm nắng thô kệch; qua gò má trẻ thơ đỏ au no căng thời tiết, qua dáng đi thơi thả, qua thói ăn nết nói chưa vướng bụi văn minh. Lúc vừa tới, tôi cảm thấy bất an, khi nhìn cánh đồng lúa mì trơ trọi sau mùa gặt. Những núi rơm nằm nghễu ngợi đây đó. Lũ sẻ núi nghịch ngợm tranh nhau những hạt rơi. Tôi ngẩn ngơ nuối tiếc nhìn táo rụng đỏ gốc sau cơn mưa lớn. Tôi chạnh lòng  xót thương con sâu nhỏ cựa quậy giữa đầu mỏ con cưỡng đồng. Giờ đây tôi nhận biết những cảm xúc ấy đều không thật. Vì sẽ còn muôn trùng những mùa lúa, mùa trái kế tiếp. Sẽ còn những con sâu khác có hạnh may hóa bướm. Chúng chỉ kết thúc cho một khởi đầu khác.

Xem thêm:   Người tháp chữ A vào tên PARIS

Thưa Chị,

Tôi định viết gửi chị ít dòng thôi, vậy mà nhìn lại đã thấy kín hai trang giấy. Ðủ hiểu, lòng tôi yêu đời rộn ràng biết bao. Tôi thấy ra quá khứ giả tạo của mình. Cả thứ gọi là văn chương cũng dối trá hợm hĩnh. Kẻ sáng tạo phỉnh lừa bằng chữ nghĩa hào nhoáng. Họ tự gạt gẫm bằng tấm mặt nạ nghệ thuật ngụy trang. Còn tôi nhân danh thông điệp nào? À, nếu anh Lê Ðiền còn sống, chắc anh sẽ trách tôi‚ lắm điều.

Ngày mai bà chủ nhà sẽ dẫn tôi đi thăm một nông trại trồng hoa oải hương. Tôi sẽ chụp ảnh, gửi chị xem sau. Tôi yêu những ngôi nhà lợp ngói đỏ, tường quét vôi trắng, đẫm mình trong nắng đầu ngày. Yêu cả hồ nước lặng lẽ như chưa hề biết chấp những khát vọng của sóng.

Cuối thư, tôi quý gửi tới chị lời chúc tâm thân an tịnh”.

NND