Mãi năm 1992 tôi mới bước chân vào Sài Gòn, mới biết đến Sài Gòn bằng người thật. Trước đó, do còn trẻ và sự hiểu biết về chính trị, xã hội còn hết sức kém cỏi, tôi chỉ biết loáng thoáng Sài Gòn là nơi đã từng rất phồn thịnh, hiện đại và là thủ đô của “chính quyền bán nước Diệm-Thiệu” như những gì tôi được học dưới mái trường XHCN. Chính cái thờ ơ kém cỏi đó lại cho tôi một cảm nhận rất nguyên sơ của lần đầu gặp Sài Gòn.

Nhà thờ Đức Bà. youtube.com 

Nhưng hình ảnh đọng lại sâu sắc nhất trong tôi của lần đầu gặp Sài Gòn – nơi đã từng được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Ðông” – là hình ảnh về một anh thợ nề. Vào một buổi sáng sớm trên đường ra phố, bất chợt từ xa tôi nhìn thấy một anh thợ bên một công trình xây dựng tại một góc phố Sài Gòn. Người thợ đang trát áo vữa cho bức tường gạch mới xây của một công trình đang hoàn tất. Người thợ trẻ chừng 30 tuổi có dáng điệu rất say mê, thuần thục công việc. Hai tay của anh rất khéo léo, nhịp nhàng; cái bay ở tay phải như múa xoắn trộn lật một cụm vữa trên bàn xoa đang ngửa ở tay trái; vữa cứ thoăn thoắt được vẩy miết một cách điệu nghệ gọn gàng bám vào tường, không một hạt vữa nào bị rơi ra ngoài. Và tất cả những chuyển động nhịp nhàng uyển chuyển của người thợ được hòa trong tiếng sáo miệng rất lảnh lót của chính anh, một giai điệu rất vui. Vẻ mặt và toàn bộ thân hình của anh thợ, chìm trong giai điệu của tiếng sáo miệng mộc mạc rộn ràng, đều toát ra một vẻ rất yêu đời, lạc quan. Tất cả những hình ảnh, dáng điệu này khác hoàn toàn với những người thợ nề rất lam lũ, lầm lũi tôi thường thấy ở miền Bắc.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Lúc đó đã là 17 năm sau khi Sài Gòn bị “giải phóng”. Bây giờ nghĩ lại, tôi không chắc người thợ đó có thực là người Sài Gòn, người “Việt Nam Cộng Hòa”, hay là một anh thợ di cư từ Bắc. Nhưng cái sự khác lạ, yêu đời, vui tươi đó cứ bám riết lấy ký ức đầu tiên của tôi về Sài Gòn. Sau này, được tiếp xúc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn về Sài Gòn, về “Việt Nam Cộng Hòa”, tôi cảm thấy an tâm vì cái cảm giác, ấn tượng đẹp đẽ lần đầu tiên về Sài Gòn quả không quá xa với sự thật, và hoàn toàn không phải là một ngộ nhận. Ngay cả những người bạn của tôi từ miền Bắc di cư vào Sài Gòn sinh sống, sau vài năm đều có sự thay đổi giống hệt nhau: sự hồ hởi, phóng khoáng của từng người đều được nâng cao rõ rệt.

Hai mươi sáu năm sau, năm 2018, khi bước chân rời khỏi Việt Nam, tôi rất hiểu đây là chuyến ra đi chưa thể hẹn ngày quay trở lại quê hương. Song, tôi cũng hiểu đây là cơ hội để tôi có thể được gặp nhiều người “Việt Nam Cộng Hòa”, có thể gặp được nhiều nhân chứng hơn về một chính thể đặc biệt của Việt Nam.

Đường Phùng Hưng đoạn giữa Đồng Khánh và Nguyễn Trãi. Flickr

Trong số những nhân chứng của “Việt Nam Cộng Hòa” tôi đã gặp, ấn tượng nhất cho đến nay là một người “Việt Nam Cộng Hòa” nhưng lại ngầm trợ giúp chính quyền cộng sản miền Bắc trước 1975. Nhân vật này sinh trưởng trong một gia đình gia thế giàu có ngay tại Sài Gòn. “Má của tôi nuôi, giấu các ổng, toàn những dạng cỡ như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt hay Trần Bạch Ðằng…” Nhân vật này kể với tôi không phải bằng một giọng khoe khoang, mà bằng một giọng trầm lắng thể hiện rõ sự tiếc nuối pha cả sự hối hận. Rồi câu chuyện của chúng tôi miên man quanh các vấn đề lịch sử, thời sự, chính trị của Việt Nam. Nói đến vấn đề đất đai, nhân vật nói rằng:

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Trước đây ông Diệm cũng lấy ruộng đất của nhà tôi để chia cho dân nghèo. ‘Lấy’ ở đây là ổng mua với giá rẻ, nhưng ổng chia thực sự cho người nghèo. Chứ không phải như ‘chúng nó’, ‘chúng nó’ lấy không của người dân rồi chúng nó tự chia cho chúng nó.

Tôi đặt câu hỏi thẳng:

Thế theo bác, ông Ngô Ðình Diệm là người thế nào ?

Dường như không cần suy nghĩ, nhân vật trả lời:

Bây giờ, phải nói rằng ổng là người yêu nước chớ.

Trước khi má của bác qua đời, cụ có nhận ra bản chất xảo trá của chế độ mà cụ đã trợ giúp không ạ ?

Nhân vật chậm rãi nói:

Má tôi hiểu chớ. Ngay cả trước 75, má tôi chỉ giúp các ổng thôi vì thấy các ổng khổ cực, trốn chui trốn nhủi. Nhưng má tôi không cho ai trong gia đình đi theo các ổng hết. Ngay sau 75, má tôi đã nói má không muốn tôi quay về Việt Nam làm chi.

Thế bác có về Việt Nam không ?

Tôi nghe má nói về những gì xảy ra sau 75, nhưng tôi không tin lại tệ đến thế nên tôi vẫn về. Khi về tôi mới thấy sự thật còn tệ hơn những gì má tôi nói. Sau này má tôi có nói với tôi thế này: ‘Nếu biết như bây giờ thì hồi đó tao đã thả xuống hầm mấy trái lựu đạn cho chúng nó xong đời luôn!’

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Tôi thực sự cảm thấy ái ngại khi nghe những lời bộc bạch có chất khá cay đắng đó. Ðể làm cho không khí bớt nặng nề, tôi muốn chuyển sang một chủ đề khác và đưa ra một thăm dò:

Nếu được góp ý cho chính quyền hiện nay, bác sẽ đưa ra đề xuất, yêu cầu gì với họ ?

Nhân vật như trừng mắt nhìn tôi:

Ðến bây giờ mà anh còn ảo tưởng đến thế à? Chúng nó có coi dân ra cái gì đâu mà góp ý? Anh không thấy bao nhiêu nhân vật có danh tiếng, vị thế hơn hẳn tôi đã góp ý mà chúng còn chẳng coi ra gì, thì tôi góp ý làm chi?

Trước một loạt những câu hỏi bắn lại tôi một cách đích đáng như thế, chẳng còn cách nào khác hay hơn và đúng hơn là tôi phải đáp lại:

Dạ, bác nói rất hữu lý và hoàn toàn đúng với thực tế ạ.

Cuối cuộc chuyện trò, nhân vật của tôi, từ đầu đến giờ luôn tỏ ra buồn bã, bi quan, bế tắc, lại nói với tôi như một lời xác quyết thế này:

Nhưng chúng nó chắc chắn sẽ phải lụn bại thôi. Bởi chúng nó hết sạch chính nghĩa rồi !

PHS

(27/10/2019, viết trong sự tưởng nhớ tháng 11 năm 1963)