Trong cảnh nhốn nháo của các gia đình chuẩn bị di tản. Gia đình tôi chưa quyết định gì vì không có một kế hoạch cụ thể nào cho việc bỏ nhà cửa ra đi. Ðến ngày 21 tháng 3 năm 1975, cậu Năm (Là anh ruột của má tôi) đưa gia đình của cậu di tản bằng xe cam nhông (Camion). Cậu để dành sẵn một khoang xe cho gia đình tôi. Khi cậu đưa xe từ Trạm Hành xuống mới thông báo gia đình tôi hãy chuẩn bị gấp rút để cùng đi. Lúc đó không thể dự tính gì được nữa, mạnh ai nấy thu gom quần áo và vài vật dụng cần thiết của mình rồi ra xe. Chúng tôi dự định điểm đến tạm thời là Khách sạn Thanh Hà ở đường Yersin, Nha Trang, đây là khách sạn của cậu tôi. (Sau 1975 trong đợt đánh tư sản, khách sạn này đã bị nhà nước tịch thu)
Trước khi lên xe, tôi thấy anh NNH (Phó phân chi khu Lạc Nghiệp, anh ở trọ cạnh nhà tôi) tay anh xách túi hành lý hấp tấp đi tới, thấy tôi anh nói “…tụi tôi có lệnh cắm trại trăm phần trăm rồi…”. Tôi và anh không thân lắm, chỉ xem nhau như hàng xóm. Nhưng ngay thời khắc ấy đứng trước cảnh chia lìa, tình cảm của con người dường như đậm hơn, thống thiết hơn. Tôi bỗng thấy mọi người quanh tôi thật thân thiết, với NNH cũng thế:
– Lần này đi chắc là khó gặp lại. Cầu chúc cho anh an toàn. Hãy thật thận trọng…
Tôi nghẹn lời không nói được nữa, tôi biết nhiệm vụ của những người lính trong thời khắc ấy rất nặng nề. NNH không nói gì, anh gỡ miếng nhựa dán ở mép túi xách có in tên anh đưa cho tôi rồi vội vã quay đi. Khi xe chạy ngang bùng binh trước Hội đồng xã, tôi lại thấy NNH đứng ở đó, tôi chồm tay ra vẫy vẫy, NNH cũng vẫy lại. Rồi xe chở chúng tôi chen vào dòng xe khác từ Ðà Lạt, từ nơi nào đó cứ nối đuôi nhau di chuyển chậm. Tôi nằm trong khoang xe chật chội bởi các vật dụng. Ðầu óc trống rỗng, không còn biết lo nghĩ gì. Hình ảnh sau cùng đập vào mắt tôi là NNH đứng một mình trên sân Hội đồng xã, tôi chợt có cảm giác lo lắng anh có thể “tan biến” trong cuộc chiến này. Tự nhiên tôi sợ, rất sợ. Giờ phút ấy ai cũng có thể là người tôi thương mến và đều sắp vuột khỏi tầm tay!
“Khi chuyến xe bắt đầu rời phố thị
Em cúi đầu khóc ngất giữa niềm đau
Vĩnh biệt Ðơn Dương, thành phố u sầu
Em đi nhé, mong gì ngày trở lại…” (21.3.1975)
Tôi viết mấy câu thơ vào một cuốn sổ mang theo để ghi chép những việc cần nhớ. Nước mắt tôi trào ra, thấy thương những người phải trực diện đối đầu với súng đạn vô tình, thương đoàn người đang lũ lượt kéo nhau đi mà chưa biết nơi nào để đến, thương gia đình tôi và thương chính bản thân mình. Tôi chồm nhìn ra bên ngoài, muốn thu vào trí nhớ tất cả hình ảnh phố xá thân thương nơi tôi từng sống mà tôi nghĩ từ đây sẽ không bao giờ trở lại, chỉ thấy một quang cảnh tất bật. Nhiều nhà ở các dãy phố đã đóng cửa, chủ nhân đã di tản từ trước, còn vài nhà cửa khép hờ, người đứng rải rác trước nhà nhìn những chiếc xe chạy ngang với vẻ mặt hoang mang.
Ðến đèo Ngoạn Mục, tôi thấy Ba tôi đang chạy xe lên. Chiếc xe màu trắng của Ba tôi lọt thỏm giữa dòng xe lớn, nhỏ nhích chậm nối đuôi nhau. Chúng tôi ném chìa khóa xuống đường cho Ba, để Ba tiếp tục về nhà vì giữa dòng người đông nghịt xe không quay đầu lại được.
Cuối cùng thì đại gia đình chúng tôi dừng tại Sông Pha, tạm thời thuê một căn nhà để trú chân, nghe ngóng tình hình trước khi quyết định đi tiếp. Cứ nghe ngóng, thăm dò người từ Phan Rang ngược lên, họ nói cầu Tân Mỹ (?) bị sập, rồi lại đang đánh nhau ở đó, cậu tôi nghe vậy bèn đưa gia đình trở về sau mấy ngày dừng lại Sông Pha, cậu nói đi như vậy chẳng khác nào kiến cứ bò quanh miệng chén. Tiếng súng nổ rải rác khắp nơi và có vài vụ cướp đâu đó, sự bất ổn đã tăng cao. Gia đình tôi vẫn tiếp tục thuê nhà để ở chờ diễn biến mới, nhưng đồ đạc đã chất sẵn lên xe để chờ quyết định đi tiếp hay quay về.
Ðêm tôi thường ra đứng bên vệ đường nhìn đoàn xe di tản cứ xuôi xuống, xuôi xuống. Hàng đèn cao áp của đường ống thủy điện Danhim từ trên cao vẫn sáng rực giữa đêm đen giống hình dáng một người đàn bà Nhật mặc Kimono đang quỳ, mà cũng giống hình chữ S (Bản đồ VN). Quang cảnh buồn thê thiết, buồn như xé tâm can trước một tương lai vô định mà bắt buộc mình vẫn phải lao tới.
Rồi một đêm, trên chiếc GMC vừa ngang qua, có một người nhảy xuống khi thấy tôi đứng bên lề đường, đó là Ðại úy Hà (Trưởng phân chi khu Lạc Nghiệp) thấy áo ông có dính máu, tôi hốt hoảng hỏi tại sao, thì ông nói có người bị thương nên ông phụ băng bó cho họ. Tôi hỏi thăm NNH, ông nói “…có lệnh di tản thì mạnh ai nấy đi, chưa gặp lại…”.
Thời gian như đứng lại trong sự thấp thỏm. Một buổi chiều dãy nhà chúng tôi đang trọ chợt huyên náo kéo nhau ra xem một cảnh tượng mà tôi không bao giờ nghĩ có lúc sẽ xảy ra trước mắt mình: Một số người tay bị trói quặt ra sau, đang quỳ (hay ngồi bệt) bên lề đường, trước mặt họ là mấy người có đeo băng đỏ ở tay, loáng thoáng nghe họ nói gì đó đại ý như “Những người này vừa gây tội cướp của…Chúng tôi lập tòa án nhân dân để tuyên xử…”.
Tôi thấy trong nhóm đang quỳ có một người còn rất trẻ dường như bị thương, anh ta nhăn nhó đưa mắt nhìn những người đứng xem vẻ như cầu cứu. Nhưng những người đứng chung quanh đó tuyệt nhiên không ai nói lời nào. Tôi không dám xem nữa mà quay vào nhà, nên không biết kết thúc “xử án” ra sao. Tôi nghe có người nói “Ủy ban quân quản đã có mặt ở đây rồi, thì còn đi đâu nữa, về lại nhà thôi…”.
Giữa tháng Tư, gia đình tôi trở về nhà.
Cũng từ đó tôi không còn gặp lại người có tên trên miếng nhựa mà tôi vẫn còn giữ. Và rất nhiều người quen thuở đó, họ ở đâu? Còn hay mất? Có rất nhiều thứ thời gian làm phai mờ, nhưng những ngày của tháng Tư 47 năm về trước tôi không thể nào quên được.
Mới đó, vâng! Tưởng như mới đó…
ĐPTT
Dran 21.3.2022