Nhạc sĩ Văn Phụng thời trai trẻ 

Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng (1930-1999) tại Hà-Nội. Với niềm say mê âm nhạc từ tuổi thiếu niên và được thọ giáo từ những bậc tiền bối lỗi lạc nên nhạc sĩ đã bước đi thật vững vàng trên con đường nghệ thuật. Bên cạnh những ca khúc được yêu chuộng như “Yêu”, “Tôi đi giữa hoàng hôn”, “Suối tóc”, “Mưa”, “Tiếng dương cầm”, “Mộng viễn du”, “Tình” v.v. Văn Phụng còn là một trong những nhạc sĩ hòa âm xuất sắc của nền âm nhạc miền Nam Việt-Nam.

Cuối năm 1975, ban thoại kịch Thẩm Thúy Hằng (Bông Hồng) được thành lập và khai trương chương trình ca nhạc kịch rình rang, quy tụ rất nhiều tài danh âm nhạc và kịch nghệ của Sài-Gòn cũ. Chương trình gồm có 2 phần, mở màn là những tiết mục ca nhạc kéo dài khoảng 60 phút, phần sau là vở kịch dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, và cũng là “cái đinh”, là cốt lõi của đêm trình diễn với sự góp mặt của minh tinh Thẩm Thúy Hằng cùng các kịch sĩ hữu danh. Sân khấu đoàn kịch Bông Hồng cực kỳ tráng lệ và với tấm màn nhung đỏ rực, kiêu sa, rạng rỡ. Khi ánh điện nơi khán phòng vụt tắt là lúc những ngọn đèn màu trên sân khấu rực sáng cùng lúc với những điệu nhạc sôi động cho giây phút trình diễn đầu tiên. Dàn nhạc với các nhạc sĩ nổi danh từ trước ở đất Sài-Gòn như Khánh Băng, Trung Hưng, Mạnh Tuấn… trong y phục chỉnh tề và nổi bật nhất là nhạc sĩ Văn Phụng trong chiếc áo sơ-mi cách tân lạ mắt với 2 cánh tay được may rộng, phồng lên ở vai và kết tua nơi cánh tay giống như tấm áo của mấy nhân vật trong cuốn phim “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”. Những giọng ca ngày cũ như Băng Châu, Cathy Huệ, Thảo Ly, Anh Khoa, Hoàng Hạc, Bích Trâm, Nguyễn Chánh Tín… cùng góp tiếng để đáp lại sự hiện diện của khán thính giả đã đến tham dự thật đông đảo và hết lòng ủng hộ. Họ đến đây không để mua vui mà ai nấy cũng thiết tha muốn nhìn lại những nghệ sĩ nổi tiếng của Sài-Gòn một thuở, muốn ngắm lại chút ít lụa là xiêm y nay chỉ còn thấy được ít nhiều dưới ánh đèn sân khấu huyền ảo, lung linh.

Xem thêm:   Một đời lan

Nhắc đến nhạc sĩ Văn Phụng, khán thính giả yêu nhạc thường nhớ đến những nét nhạc tươi vui, rộn rã nhất là từ khi ông rời bỏ Bắc, xuôi về Nam và ghé bến Sài-Gòn để lập nghiệp. Là người nhạc sĩ hiền lành, có khiếu âm nhạc từ nhỏ và may mắn được thọ giáo với những thầy cô giỏi giang, ông đã có những đóng góp đáng kể với gần 100 nhạc phẩm giá trị cho nền âm nhạc miền Nam thuở thanh bình, thịnh trị. Ông cũng là một trong số hiếm hoi nhạc sĩ có biệt tài điều khiển ban nhạc với lối hòa âm tuyệt vời.

Trong rất nhiều ca khúc vui tươi của ông, khán thính giả thường nhớ đến nhạc khúc “Ô mê ly”, cũng là tác phẩm đầu đời được tác giả sáng tác năm 18 tuổi trên lời nhạc của Văn Khôi và ban hợp ca Thăng Long đã chắp thêm đôi cánh thiên thần, đưa tác phẩm này rộng rãi đến công chúng …

“Ô mê ly đời sống với cây đàn

Tình tình tang dạo phím rồi ca vang

Chiều êm êm nhìn phía xa mây vàng

Giục lòng ta dạo khúc ca với đàn”

Văn Phụng và vợ – ca sĩ Châu Hà

Âm nhạc Văn Phụng dù mang âm hưởng đồng quê, tiền chiến hay những thể điệu Tây phương như Valse kiêu sa, Tango bềnh bồng nhưng bao giờ cũng là những tác phẩm được lựa chọn từ lời ca, trau chuốt trong từng nốt nhạc. Trong đời của mỗi con người, mấy ai tránh được những buồn đau. Trái tim nhạc sĩ lại mong manh, dễ vỡ nên khó lòng thoát được cái mẫu số chung đó. Tâm sự của ông cũng được phơi bày lên phím đàn, trên khung nhạc qua các nhạc bản như “Tôi đi giữa hoàng hôn”, “Nỗi buồn”, “Chán nản”, “Em mới biết yêu đã biết sầu”…

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Là mẫu người lạc quan nên khi buồn bã ông nói ra hết một lần rồi thôi, viết xuống thành nhạc chứ không để ảnh hưởng đến những tác phẩm khác cũng như dòng nhạc thắm tươi xuân nồng của mình. Âm nhạc là lẽ sống, là nguồn hạnh phúc trong suốt cuộc đời nghệ thuật của người nhạc sĩ khiêm tốn này…

“Một chiều mưa ta hát vang ‘mưa rơi’

Rồi cùng ta mưa đáp ‘cho tươi đời’

Một ngày nắng ta hát vang ‘nắng tươi’

Đàn cầm tay say sưa hát là nguồn vui”

Những ngày cuối đời không thể cầm đàn hay lả lướt trên phím ngà là những ngày u ám, buồn đau nhất đối với ông sau nửa thế kỷ sống vui vẻ và lang thang cùng âm nhạc. Mùa Đông đã âm thầm trôi vào dĩ vãng và mùa Xuân cũng về cùng với tiếng hát, tiếng cười, thấp thoáng đâu đó những nụ mầm xanh trong nắng sớm. Người yêu nhạc thường nhớ thương về những ngày xưa cũ ở một nơi rất xa, có đám gái trai ngồi bên nhau dưới hàng cây xanh và cất lên tiếng hát hòa lẫn tiếng đàn giữa một quê hương thanh bình. Hình ảnh đó dường như đã xa lắm rồi, họa chăng chỉ còn lại trên dòng nhạc ô mê ly của nhạc sĩ tài hoa Văn Phụng.

TV