“Sự thành công của tuổi trẻ Việt Nam ở xứ người đã là một điểm son lớn, một niềm tự hào cho cộng đồng người Việt hải ngoại, và “con bé” là một trong những người trẻ đó. Nguyễn Ngô Cung Tưởng không chỉ có một trí óc thông minh, siêng năng giỏi giang mà trong con người nhỏ bé ấy còn cả một ý chí, nghị lực mạnh mẽ. Cô đã vượt qua bao hoàn cảnh khốn khó, thất bại để vươn lên.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ngồi trò chuyện cùng cô. Tôi không dám gọi cô là con bé nữa. Tôi đang ngồi tiếp chuyện với một nhà nghiên cứu khoa học.”

Con bé ngày xưa

Dù đã qua tuổi hai mươi, nhưng tôi vẫn thích gọi người con gái tên Cung Tưởng này là “con bé.” Bởi vì ở nhà vẫn gọi cô là bé Na.

Tôi chơi với mẹ của con bé từ năm chúng tôi còn thiếu nữ. Chỉ học chung lớp đúng một năm. Sau đó, mỗi đứa một trường. Nhưng hầu như ngoài những giờ đi học, ngày nghỉ, chúng tôi gặp nhau rất thường. Hợp nhau ở chỗ thích lê la, ăn quà vặt ngoài đường. Trong số những đứa bạn của tôi thời ấy. Mẹ của con bé kể ra là một người nữ khá đặc biệt. Ðẹp, điệu đàng số một. Nhảy đầm cũng số một. Mê tài tử xi nê cả Tây lẫn Tàu, từ Alain Delon đến Khương Ðại Vệ, mê luôn mấy anh nghệ sĩ cải lương trong những vai tuồng dã sử. Có lần tôi đến nhà chơi thấy hai chị em nàng đang xăn quần xăn áo, quấn khăn ngang bụng, tay cầm kiếm ni lông trong tư thế sẵn sàng so gươm. Hai chị em đang diễn lại một vở tuồng của nghệ sĩ Thanh Sang. L. là một đứa con gái nghịch ngợm, rất hồn nhiên, vui vẻ. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với nhau. Một tuổi trẻ, đầy đủ mùi vị. Với tâm tính cởi mở vô tư, dễ  nóng  giận, lại dễ  nguôi  quên.Vì vậy, thương ai, nhớ ai từ cái thuở dậy thì L. đều mở lòng mở dạ trao hết cho bạn không ngần ngại.

Khi tôi rời Việt Nam đi Pháp, năm ấy chắc con bé chỉ chừng hơn hai tuổi. Sau hơn hai mươi năm gặp lại, nó đã trở thành một người mẹ trẻ con. Ðã qua tuổi hai mươi mà nhìn chẳng khác nào một con chị mười bốn, mười lăm đang bế thằng em nhỏ của mình. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ như in cái dáng bé bỏng, tay nách con đi ra đi vào ngồi nghe những câu chuyện, đủ thứ chuyện trong quá khứ sôi nổi của mẹ. Hai người đàn bà, một đã đứng trên bục “bà ngoại,” một đang chuẩn bị làm “bà sui,” cũng chưa ra dáng mệ là mấy. Dù tuổi trẻ của chúng tôi đã hao mòn, nhưng vẫn còn dư đủ để sân si. Mai mình đi chỗ này, mốt sẽ đi chỗ nọ. Mày có cái áo nhìn hay hay đó. Giờ mặc size mấy vậy? Ðưa tao thử coi. Như vậy đó, chúng tôi bày ra đủ thứ quần áo, giầy dép. Ðứa này mặc thử quần áo đứa kia như sắp sửa lên sân khấu hát hò, hay múa may như thời đi học.

Ngày xưa, mỗi bận ba má tôi vắng nhà, rơi vào dịp anh tôi và mấy ông bạn của anh về phép là tôi rủ bạn bè tới chơi, bày trò nấu nướng. Trong lũ bạn gái của tôi, L. là một đứa nấu ăn xuất sắc nhất, vì có nghệ thuật chế biến. Nhưng bây giờ tôi nói với L. là mày có một đứa con thật tuyệt! Con hơn mẹ rồi đấy.

Phải nói là con bé nấu ăn rất ngon. Trong thời gian vài ngày ở nhà L., tôi được ăn những món mà tôi thấy ngon miệng hơn là theo mẹ nó đi ăn ở tiệm. Và là những món mà con bé biết tôi thích, vô tình nói trong lúc chuyện trò với mẹ nó. Dù nó chẳng nói năng gì, nhưng để ý từ chút, từ chuyện. Có một điều làm tôi thực sự thương quý con bé hơn, khi nó đề nghị tôi hãy để lại một đôi giầy trong lúc tôi xếp hành lý lên máy bay về Pháp.

– Dì ơi, dì cho con xin đôi giầy của dì được không?

Tôi đã tròn mắt ngạc nhiên, không hiểu sao con bé lại có thể đề nghị táo bạo như vậy.

– Con xin cho mẹ, con thấy mẹ khen đôi giầy êm chân, mẹ thích lắm!

Thực sự con bé làm tôi kinh ngạc, tôi chưa thấy đứa con nào săn sóc thương yêu mẹ một cách ý tứ đến thế.

Gặp lại con bé sau rất nhiều năm không gặp. Thời gian, cuộc sống đã hun đúc đứa con gái hiếu đễ, điềm đạm ít nói ngày xưa trở thành một con người khác. Sự thành công của tuổi trẻ Việt Nam ở xứ này đã là một điểm son lớn, một niềm tự hào cho cộng đồng người Việt hải ngoại, và con bé là một trong những người trẻ đó. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ngồi trò chuyện cùng cô. Tôi không dám gọi cô là con bé nữa. Tôi đang ngồi tiếp chuyện với một nhà nghiên cứu khoa học.

Cung Tưởng trong ngày tốt nghiệp

Câu chuyện cô bé kể – Người thầy Frank Witney

Có lẽ niềm vui, hạnh phúc nhất trong đời tôi là khi đọc được lá thư của một người xa lạ. Một bệnh nhân bị ung thư cổ họng, đang chờ giải phẫu. Bệnh nhân đã nhiệt tình cảm ơn chúng tôi, cảm ơn phương pháp RNA mà viện Panomics  đã nghiên cứu thành công qua những chỉ dấu sinh học từ DNA.

Có những căn bệnh nếu dùng phương pháp xét nghiệm DNA thì kết quả chỉ cho biết là người được thử nghiệm có bệnh hay không ? Chỉ dấu sinh học như DNA, RNA và chất đạm là những dụng cụ có công hiệu cao để thấu hiểu từng nhiệm vụ căn bản của tế bào, chẩn đoán bệnh tật và xác định đúng đắn những phương pháp vật lý trị liệu có hiệu quả nhất. Nhưng  RNA lại là một chỉ dấu lý tưởng. Một phương pháp xét nghiệm y học hoàn toàn mới mẻ có khả năng biết được biểu hiện gien ở cấp độ một tế bào đơn, có thể xem xét bên trong một mô cơ nguyên vẹn. Khả năng này giúp các bác sĩ thấy những biểu hiện ở tầng phân tử trong môi sinh hình thái học, để hiểu biết hơn về những hỗ tương giữa các tế bào. Ðơn giản là phương pháp RNA chẩn đoán được các virus trong tế bào của bệnh nhân thuộc dạng thức hay ngủ, lành tính hay ác tính. Nhờ đó, tránh việc mổ xẻ làm tổn thương đến sức khỏe của người bệnh.

Cho đến bây giờ thì phát minh này đã được cơ quan Advanced Cell Diagnostics khai triển, biến đổi qua nhiều giai đoạn. Nhưng trong khoảng thời gian đó, RNA chỉ là một phát minh nhỏ, đang trong thời kỳ thí nghiệm, chưa được FDA công nhận.

Bác sĩ của người bệnh này là bạn của Frank Witney, người thầy của tôi. Cả hai vị đã bàn bạc, tham khảo về RNA, và họ đã  đồng ý  thí nghiệm phát minh này với người bệnh đang chờ mổ. Kết quả là không phải qua một cuộc mổ xẻ nào mà bệnh nhân vẫn biết chắc chắn rằng cái bướu ông mang trong cổ là một bướu lành. Ông đã biếu tặng viện nghiên cứu Panomics một triệu đô la để Trung tâm có thêm điều kiện tiếp tục thực hiện những công trình nghiên cứu khác. Panomics cũng có hàng trăm triệu đô la lợi nhuận khi sản phẩm nghiên cứu này được phổ biến cho y học. Ðó là những số tiền rất lớn. Niềm vui của Witney chính là sự tiến bộ của khoa học mà Trung tâm nghiên cứu của ông đã thành công. Một niềm tự hào tột đỉnh của những con người sống với khoa học phục vụ nhân loại. Nhưng ngoài những vinh quang, vật chất ấy, tôi nghĩ Witney còn một niềm vui khác. Vui vì những gì ông đã làm, không phải là những điều vô ích mà chỉ có ông và tôi cảm nhận. Tôi tin như vậy.

Xem thêm:   "Học phí" đường phố

Tôi không phải là một người giàu có, thậm chí là một kẻ trắng tay sau một canh bạc, một cuộc mạo hiểm với những rủi ro rất tầm thường mà tôi lại không lường trước. Và hẳn nhiên, cũng như Frank Witney, nỗi hân hoan của tôi là sự  thành công to tát của một nhà nghiên cứu, nhìn thấy tên mình trên bản quyền phát minh. Là phần thưởng tinh thần cũng như vật chất lớn lao nhất trong đời sống công việc mà tôi nhận được. Tôi sung sướng, hạnh phúc vì đã mang vinh quang về cho Panomics, cho cả vị Tổng giám đốc Trung tâm như một đền đáp. Một người thầy lớn của tôi, cũng là một ân nhân đã thay đổi cuộc đời mình. Những gì tôi có được hôm nay chẳng phải từ người thầy độ lượng này sao? Tôi vẫn nhỏ những giọt nước mắt tủi buồn khi nghĩ về khoảng thời gian đầy nhọc nhằn, thất vọng từ những người thân yêu nhất của mình. Càng nghĩ về quá khứ thì tôi lại càng quý mến ông. Bao nhiêu cố gắng, mài miệt trong nghiên cứu và kết quả mà tôi có ngày hôm nay. Tất cả đã đến từ lòng biết ơn của tôi đối với Frank Witney. Ông chính là lực hút mạnh mẽ nhất nhấc tôi đứng lên, sau cú vấp ngã tưởng như bại liệt hết mọi niềm tin.

Frank-R-Witney-Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Affymetrix

Bước đầu gian nan

Mười ba tuổi rời khỏi quê hương, hành trang mang theo là những chuỗi ngày nghèo túng, một tuổi thơ hẩm hiu, côi cút. Ðó là một nỗi buồn mà tôi không hề quên và cũng chẳng bao giờ muốn nhắc nhở với bất cứ một ai trong cuộc đời này.

Kiến thức của một con nhóc mười ba tuổi mang theo từ Việt Nam chỉ là một số chữ tiếng Nga, mớ chữ nghĩa ít ỏi và hầu như vô dụng ở xứ sở này. Tôi làm gì được với chúng? Học, tôi lệt bệt với tiếng Anh như một đứa trẻ yếu đuối, đạp xe trên một con đường ngược gió. Hai năm Ðại học Cộng đồng, bốn năm Cử nhân Hóa học, rồi đến Cao học Quản trị Kinh doanh. Ước muốn ngành nghề của tôi không phải là một chỗ ngồi trong viện bào chế, hay đi giảng dạy về những công trình nghiên cứu khoa học như hiện tại. Thực ra, tôi đã từng mơ trở thành một bác sĩ, nhưng Anh ngữ của tôi không đủ để vào ngành Y khoa. Tôi rớt lên rớt xuống, đành theo môn Hóa. Dù biết ấy là một môn học khô khan, không có gì hấp dẫn. Nhưng thôi, học gì cũng được. Miễn kiếm nhiều tiền. Có sự học hỏi nào vô dụng đâu!

Thời thơ ấu của tôi là thời của những đứa bé con nhà nghèo. Ít nhiều gì hẳn những học trò nghèo cũng mơ có được một chiếc cặp đẹp xách đi học. Chiếc cặp phồng to, ngoài những cái ngăn rộng bên trong đựng sách vở, bên ngoài còn có những chiếc túi con con để cất những đồ vật nho nhỏ như bao bút chì màu, gôm, phấn. Những chiếc cặp đầy màu sắc may bằng loại vải nhựa mềm dầy chắc, không bị ướt khi gặp mưa được treo trên những cái giá cao ngoài tiệm bách hóa. Hay niềm ước ao nhỏ hơn là có cái bóp đựng viết tựa như cái hộp hình chữ nhật. Cái bóp có dây kéo cũng làm bằng vải nhựa láng, bọc bên trong một lớp bông mút căng phồng, bóng loáng, không một vết nhăn. Bên ngoài bóp có hình vẽ các bé gái mắt tròn như bi, tóc bím nơ cài, hay hươu nai, chim chóc, cỏ hoa.

Những chiếc cặp và những chiếc bóp đựng viết đủ kiểu màu sắc được trưng bày trong tủ kính đẹp lắm. Vậy mà tôi chẳng bao giờ để mắt đến những thứ ấy. Tôi không dám nghĩ đến thì đúng hơn, vì nó quá to tát đối với tôi. Tôi chỉ hay nhìn chiếc tủ kính nhỏ trên chiếc xe bán quà vặt ngay đầu ngõ mỗi buổi chiều. Vì tôi thèm được ăn một cái bánh bao. Cắn ngập răng miếng nhân thịt đậm đà hành tiêu, lát lạp xưởng và miếng trứng vịt bé xíu nhưng béo bùi thơm ngậy. Những cái bánh bao trắng nõn xếp chồng đều đặn trong chiếc tủ đó. Những chiếc bánh bao bốc hơi khi được lấy ra từ chiếc nồi hấp nóng. Chúng hấp dẫn tôi hơn mọi thứ. Thèm, nhưng không bao giờ tôi dám xin xỏ vì biết mẹ mình không thể nào mua được. Mua được thì mẹ đã mua rồi. Người mẹ nào cũng tự biết con mình muốn gì. Mẹ có thể mua cho tôi, nhưng tôi không phải là đứa con duy nhất. Tôi là chị cả. Sứ mệnh và trách nhiệm này tôi đã nhận thức, đã đặt trên hai vai mình ngay từ thời bé bỏng.

Có thể nói là những chiếc bánh bao và nỗi thèm khát ấy đã biến tôi thành một cô gái trẻ chỉ nghĩ đến một điều là làm gì để có tiền, làm gì để cuộc sống không nghèo khổ. Tôi cố gắng, bơi theo một môn học rất khó với trình độ của tôi lúc ấy. Thêm nỗi sợ hãi từng ngày của một cô gái Việt Nam mảnh khảnh giữa một lớp học mà sinh viên toàn những người bạn Mỹ đen. Nhất là những nam sinh viên. Tôi sợ những vóc dáng to lớn, những đôi mắt lồ lộ, những hàm răng trắng bóng. Sợ những mái tóc có những sợi tóc ri rí, quăn quíu dính vào da đầu của họ nhìn như một mảnh rừng trụi, bị cháy nám sau một cơn hỏa hoạn. Ðã bao lần tôi muốn nghỉ học để ghi tên vào một trường khác, học một môn học khác. Nhưng tôi biết mình không còn nhiều thời gian để lãng phí. Có sợ cách mấy cũng phải học, phải có một cái nghề dù chưa biết mình thực sự có thích hay không? Mục đích chính vẫn là kiếm tiền. Làm sao cho mẹ và các em tôi có một mái nhà. Chúng tôi không phải đi thuê nhà. Ðám em tôi không thua thiệt với những bạn bè đồng trang lứa. Mẹ phải có những gì như những người bạn của mẹ đã có. Từng ấy thứ làm cho tôi trở nên buồn chán với công việc mỗi ngày trong phòng thí nghiệm. Số lương tôi kiếm được chỉ để gia đình tôi không đói khổ như những ngày ở Việt Nam. Nhưng nó chỉ hơn được điều ấy.

Xem thêm:   Xe bán hàng lưu động

Vốn liếng “Quản trị Kinh doanh” như đôi cánh để tôi bay bổng. Bay xa đến một thành phố đang trên đà phát triển. Một nơi có nhiều dấu ấn văn hóa lịch sử, đã thu hút rất nhiều du khách. Nhà cửa nơi này lại rẻ hơn so với Cali mà chúng tôi đang sống. Tôi trút hết những vốn liếng dành dụm, tìm mọi phương cách khả dĩ để xoay sở mua được nhà ở và mở một quán rượu, thức uống giải khát ngay khu vực có thể nói là nơi tập trung của du khách. Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều, gia đình chị em chúng tôi có thể giúp nhau làm việc mà không phải thuê người. Ngay cả mẹ, bán hàng quán không cần phải thông thạo tiếng Anh. Công việc nhẹ nhàng. Dáng vẻ, tính cách mềm mỏng, cởi mở của mẹ chắc chắn phải thích hợp với công việc tiếp xúc chào hỏi khách hàng. Nhưng cái tôi cần thực sự là nhờ mẹ giúp tôi trông nom, đưa đón thằng con nhỏ còn đang ngồi lớp Mẫu giáo trong những lúc tôi cần làm việc.

Mọi chuyện không được suôn sẻ nhưng cũng không thể gọi là bế tắc. Công việc trì trệ vì tôi chưa hội đủ những điều kiện hợp pháp để khai trương một cơ sở thương mại có tầm vóc đúng nghĩa của nó. Chúng tôi bán những món quà lưu niệm nho nhỏ trong khi chờ đợi mọi thủ tục. Quả thật công việc này rất nhàm chán. Nhưng nguyên tắc sống của tôi là làm việc gì cũng phải cố gắng, đeo đuổi tới cùng, không bỏ cuộc. Thế mà tôi đành xuôi tay, bỏ theo bước chân, cái bóng quay đi của mẹ. Ðó là một sự đầu hàng. Chưa đánh đã chạy mà bản thân tôi không thể nào tha thứ cho mình.

Nguyễn Ngô Cung Tưởng đang làm việc trong phòng thí nghiệm

Có thể gọi mẹ tôi là một người đàn bà nhan sắc. Thứ nhan sắc đi kèm với đa truân như người đời thường nói. Thanh xuân của mẹ, chỉ lẩn quẩn trong những vòng vây tình cảm đeo bám. Mẹ lại quá mềm yếu, không đủ bản lãnh để bứt rời. Là một người sống nhiều với tình cảm mơ mộng, hẳn nhiên là không tham vọng. Không bôn ba, phấn đấu để vươn lên. Ðối với mẹ, có nhiều tiền hay ít tiền cũng chẳng sao, miễn sống được. Ðời sống mẹ là những trang tiểu thuyết hư cấu, những bài thơ lãng mạn, những bài hát, những câu ca. Tất cả đưa mẹ tôi vào một thứ hạnh phúc hư hư thực thực mà cái đầu khoa học của tôi rất khó khăn để chấp nhận. Tuy nhiên, tôi thấy mẹ vui là được. Tôi vẫn nghĩ đó là những thang thuốc bổ để mẹ giữ được sự trẻ trung, vô tư sống với cuộc đời. Dễ dàng quên hết những oái oăm sầu muộn mà hầu như hai chữ truân chuyên vẫn còn hiện hữu đâu đó trong cuộc đời bà.

Mẹ có những lý do để dứt khoát nơi này, quay về chốn cũ. Mẹ không tin chị em chúng tôi sẽ thành công. Mẹ chưa già, mẹ cũng cần có cuộc sống riêng, cần có niềm vui, bạn bè kề cận. Thành phố này buồn thảm quá. Mỗi ngày đi ra đi vào ngắm nhìn những con người xa lạ. Phố phường trước mặt nhộn nhịp xôn xao nhưng với mẹ là sự cô quạnh, là những tiếng thở dài. Ðời sống của mẹ không thể dừng lại ở đây. Mẹ không nói nhiều, nhưng tôi đã thấu hiểu được hết những gì mẹ nghĩ. Tôi vừa là con, vừa là bạn của mẹ mà.

Thế nào thì con cũng là một phiên bản tội tình của mẹ. Ðã có một khoảng đời mẹ con chúng ta phải xa nhau. Chính vì thế mà con thương yêu mẹ nhất. Có thể nói là thương yêu hơn tình thương những đứa em của con dành cho mẹ. Con nghĩ mẹ con ta không bao giờ rời bỏ nhau trong bất cứ một cảnh huống nào. Tại sao mẹ lại chạy đi, bỏ đi, khi con đang cần mẹ, đang gặp những khó khăn? Tại sao mẹ không nghĩ cặn kẽ hơn, nghĩ nhiều hơn về tâm tính, tình cảm của đứa con gái này. Tuổi thơ con vốn đã buồn. Tuổi trẻ của con hầu như không có những cuộc vui chơi. Con lao vào đời sống công việc, không hề nghĩ đến bản thân mình. Cuộc đời mẹ cũng không vui. Vì thế, con luôn muốn bù đắp cho mẹ bằng tất cả những gì con có thể. Con còn trẻ, cũng có những ham muốn đời thường. Nhưng cái nhẫn kim cương, cái ví đắt tiền con mua đầu tiên trong đời không phải cho con mà là cho mẹ. Mẹ biết mà! Những gì con mong muốn, cố gắng thực hiện ngày hôm nay cũng đâu phải chỉ cho riêng cá nhân con, hả mẹ? Ít nhiều gì, con đã chẳng đang thay mẹ gánh vác hết mọi thứ trong gia đình đó sao? Mẹ ơi, con không muốn nghĩ rằng mẹ ích kỷ, nhưng tại sao mẹ chỉ nghĩ đến buồn vui của riêng mình mà không nghĩ đến con?

Tôi đã khóc rất nhiều. Khóc và đau như một kẻ bị phụ tình và cho đến bây giờ vẫn ứa nước mắt mỗi khi nhớ lại. Và có thể nói, càng ngày tôi càng xa cách với mẹ tôi.

Một lần tôi tâm sự với một người bạn của mẹ. Người đã giữ cùng mẹ một quá khứ tươi đẹp thuở thanh xuân, đã biết tôi từ những ngày tôi còn tượng hình trong bụng mẹ. Dì ấy nói, cháu đừng giận mẹ nữa. Tại sao cháu không nghĩ một cách tích cực hơn rằng chuyện mẹ cháu bỏ đi ngày ấy cũng là một bước chân khởi đầu, một bàn tay vẫy chào nhưng âm thầm mời mọc, đã  kéo cháu đi về hướng đời mà cháu đang sống hạnh phúc hôm nay?

Nếu định mệnh được suy diễn như thế thì K. cũng là người góp phần trong việc thay đổi đời sống của tôi sao?

Tôi quyết định vĩnh biệt vùng đất hứa mà tôi chỉ mới bước chân vào, chưa có một cơ hội nào khám phá. Tôi giận mẹ, nên điều tôi nghĩ trước tiên là về sống với K. Thực tế là tôi không còn tiền nữa. Ở với K., tôi sẽ đỡ mất thêm một khoản tiền thuê mướn nhà. Chúng tôi không cùng một quốc tịch, nhưng cùng màu da và gần như có cùng chung một nền văn hoá. K. là đồng nghiệp, là người yêu. Chúng tôi đến với nhau sau nhiều năm thử thách. Ðã có lúc nghĩ đến chuyện thành vợ thành chồng. Tôi tin là K. sẽ hiểu tôi hơn, thương tôi nhiều hơn. Nhưng rồi K. cũng đã phụ tôi. Ðã ngã thì hãy tự đứng lên. Ðừng bám víu người khác. Learn to get up, K. nói như thế! Một lần nữa tôi ngã ập xuống như một căn lều thô sơ, trước một cơn giông hung hãn.

Xem thêm:   Cuộc chiến pháp lý ở Montana

Một con đường khác

Tự ái, mặc cảm, phân vân cùng nỗi nghi hoặc tra vấn giày vò tôi nhiều ngày. Cuối cùng, tôi phải gửi cho Frank Witney một bức thư trước khi điện thoại cho ông. Ðây là một việc cực kỳ khó khăn và đầy tủi hổ mà tôi phải làm. Tôi không còn cách nào khác, một con đường nào khác nữa. Vì Witney đã nói khi nhận đơn xin thôi việc của tôi rằng, hãy tìm ông khi tôi cần. Ðó không phải là một lời hứa, nhưng ông đã sắp xếp chu toàn mọi thủ tục cho tôi trở lại làm việc với ông mà không mang một chút tự ti, hổ ngươi nào với đồng nghiệp. Tôi chỉ biết đền đáp tình cảm ấy bằng công việc, vùi đầu với công việc để quên những nỗi buồn.

Không, không là ai hết. Chỉ có Frank Witney là người thay đổi, tái sinh tôi sau những phụ rẫy.

Cuộc hôn nhân của tôi có phải vô hình trung cũng do ông sắp đặt, tiếp tay với định mệnh?

Cho đến bây giờ Sean và tôi vẫn nhắc nhở đến những ngày xưa cũ. Ngày cô gái trẻ mới rời khỏi trường đại học, đầy tự tin gõ cửa hết tất cả các công ty tìm việc. Một lần, qua những kỳ khảo sát tràn đầy hy vọng, chặng cuối cùng của cô là phải gặp trực tiếp người có chức vụ gần như cao nhất của công ty. Một người đàn ông không nghiêm nghị khó khăn, nhưng cũng chẳng có chút gì cởi mở, gây thiện cảm với người đối diện. Ông ta bước vào phòng chào cô gái và đưa cho cô một tờ giấy với 5 câu hỏi. Cái dửng dưng nhàn nhạt của ông làm cô thực sự mất bình tĩnh. Lúc người đàn ông trở lại, ông cầm tờ giấy nhìn cô. Cô tưởng rằng ông sẽ cau mặt hay một cử chỉ lạnh lùng nào đó, vì trong 5 câu hỏi, cô biết là cô chỉ làm đúng được 2 .

– Cô sai mất 3 câu rồi! Người đàn ông chỉ nói ngắn gọn, chào cô và bước ra cửa.

Công ty Affimetrix đã mua lại Panomics với một phát minh khoa học mà Panomics vừa đạt được. Ðể mọi việc tiến hành trôi chảy theo tiến trình sẵn có của nó, họ giữ lại người quản trị điều hành và cả trăm nhân viên của Panomics. Tất cả đều được làm việc chung một nơi. Một tòa nhà riêng biệt trong những tòa nhà của Affimetrix.

Mẹ con Cung Tưởng

Nguyễn Ngô Cung Tưởng, một giám đốc

Giám đốc ngành nghiên cứu của Panomics là một phụ nữ Á châu nhỏ nhắn. Nhìn cô như một cô sinh viên hay một nhân viên mới bước vào công ty còn đang trong thời gian thử việc. Vậy mà cô gái mong manh nhỏ bé này lại có dưới tay mình cả hàng trăm nhân viên. Thậm chí ông phải qua một khu khác, nhường luôn cả một tòa nhà thuộc quyền của ông hàng bao năm cho cô ta nữa. Trình độ, năng lực của cô ta thì ông biết rồi. Nhưng có gì đó nơi người phụ nữ trẻ trung này làm ông ngờ ngợ mỗi khi chạm mặt. Ông tra tìm lý lịch của cô. Nguyễn Ngô Cung Tưởng, cái tên vừa dài, vừa khó đọc hơn tên những người Việt Nam khác mà ông từng đọc. Cái tên cũng chẳng nhắc nhở ông thêm điều gì khác. Và ông vẫn lén theo dõi cô sau mỗi giờ ăn trưa, lúc cô ngồi hong nắng trên sân cỏ hay làm một động tác thể dục nào đó trong khuôn viên của công ty. Cô trẻ đẹp, nhanh nhẹn. Ông phải lòng cô giám đốc điều hành trong ngành nghiên cứu phát minh này cũng là một điều không thể không xảy ra. Riêng cô, qua những lầm lỡ, sự thất bại, hao hụt cả niềm tin về tình yêu, tình người. Những vết thương bội bạc phụ rẫy ấy biến cô thành một người gần như đầy tính toán. Có thể nào cô yêu được một người ngoại quốc lớn hơn cô cả mười tuổi đời. Là một người mẹ trẻ đơn độc nuôi con. Cô luôn mong ước gặp một người chưa hề lập gia đình. Nếu như có đổ vỡ hôn nhân, thì đừng có con cái riêng, để họ có thể yêu thương con của cô như con của họ. Vì thế, gia cảnh ly dị vợ, ba con của Sean là một trở ngại rất lớn với cô trong thời gian đầu đến với anh. Nhưng may mắn, cô đã vượt qua cái hàng rào tự mình dựng lên.

Chuyện tình của tôi và chồng tôi là như thế đó. Bây giờ những đứa con của anh đã lớn, con tôi cũng đã lớn. Từ lúc nào tôi không nhớ, tôi không còn buồn bực, khó chịu khi Sean vắng nhà, bận rộn vì chuyện con cái của anh nữa. Ngược lại, tôi luôn cảm thấy sự thoải mái, một mình trong căn nhà rộng thênh thang. Ðó là nhờ vào tình yêu của Sean. Nhưng cũng do tôi biết vượt qua sự nông nổi, ích kỷ tầm thường để đến với anh. Chúng tôi có ngày hôm nay chẳng phải là tôi cũng đã vượt qua bản tính tự mãn, biết dẹp bỏ mọi tự ái, mặc cảm để quay về với Panomics?

Có phải là duyên số không, khi Witney quyết định bán lại công ty Panomics cho Affimetrix? Trong đời thường, hay đời sống công việc đều có những bất công, chèn ép, giẫm đạp lên nhau  giữa người và người. Frank Witney cũng đã từng bênh vực lấy lại công bằng cho tôi sau những va chạm với đồng nghiệp vì ích kỷ nhỏ nhen, vì những mưu cầu lợi ích cá nhân của họ.

Panomics giờ là quá khứ, tôi đang làm việc với Advanced Cell Diagnostics. Vị thầy của tôi đã về nghỉ hưu. Tôi chẳng còn dịp gặp ông nhưng thỉnh thoảng vẫn tìm thấy những thông tin của ông trên mạng khoa học. Frank Witney đã đầu tư rất nhiều vào những viện nghiên cứu. Ấy cũng là một sự đam mê không ngừng nghỉ của một người sống cả đời với khoa học.

Năm tháng trôi qua, dường như chưa đủ dài để làm lành những vết thương. Hay cá tính mạnh mẽ, tự tin mà sự thất bại, trốn chạy như một kẻ đào ngũ ngày đó, cùng với những phiền não… tất cả như dìm tôi vào một thứ mặc cảm. Mọi thứ kết tụ, như một vết mực đậm đặc, lỡ tay làm lấm lem trên một tấm áo đẹp, chưa hề mặc. Vết mực chỉ có thể làm phai đi, nhưng không thể nào tẩy xoá.

Cho dù khoảng xa cách giữa tôi và mẹ bây giờ đã gần hơn. Tôi đã lo được cho gia đình nhiều thứ hơn điều tôi mơ ước, thuở mới bước vào đời. Vậy mà tôi vẫn nghẹn ngào, ứa nước mắt khi nhớ về khoảng thời gian không vui, khoảng thời gian tinh thần hoàn toàn suy sụp. Nó như một cơn ác mộng. May mắn là còn hình ảnh của người thầy Frank Witney luôn làm tôi mỉm cười.

ĐML