Hai con vịt trời bay vào vườn nhà chúng tôi vào giữa mùa dịch.

Bảo Huân

Gần nhà, trên đường tôi đi làm có con lạch nhỏ, mùa Hè vịt trời hay về đó bơi lội nhởn nhơ và làm tổ. Chuyện đôi vịt trời bay vào vườn chúng tôi có thể vì do cách ly xã hội, đường phố ít người, ít xe cộ qua lại, chung quanh trở nên yên ắng hơn nên bầy vịt cảm thấy yên tâm hơn, có thể tin tưởng được con người hơn nên đến một chỗ nào đó khác hơn là con lạch quen thuộc. Trông chúng có vẻ rất thơ thới, nhởn nhơ đi bên nhau như “vườn nhà”.

Chúng tôi đoán đôi vịt này là vợ chồng. Ðoán vậy, vì chúng tôi chỉ dám đứng trong nhà nhìn qua cửa kính như xem một scene trên TV bởi mới vừa nuôi một em cún, loại chó săn chuyên nghiệp nên cứ thấy đôi vịt tà tà dạo chơi là lại muốn đuổi bắt. Khi đôi uyên ương bay về, hay đang đi bên nhau, là chúng tôi lại phải đóng kín cửa để em cún “không làm phiền lòng hàng xóm”.

Khoảng một tuần sau đó, không còn thấy đôi vịt bay về nữa, cũng không nghe tiếng kêu vui tai ngoài vườn, chúng tôi tưởng chúng đã dạo chơi ở một nơi khác, nhưng cuối cùng thì tìm ra một cái tổ nằm trên đụn gỗ vụn vừa mới cắt từ một cây thông già cuối vườn. Cái tổ trông có vẻ không giống như những tổ chim vịt trời tôi vẫn thường thấy trên con lạch vì chỉ lưa thưa vài cọng rơm, vài nhánh cây nhỏ. Chúng tôi lại đoán do đụn gỗ mềm và ấm áp đủ nên vịt mẹ không cần xây “nhà” kiên cố.

Con vịt mái sản xuất rất chăm chỉ. Mỗi ngày một trứng. Ðều đặn, yên lành. Những quả trứng có màu trắng xanh, có chút đốm nâu và lớn nên trông rất khoẻ mạnh. Mùa dịch, không đi đâu, không ai lại nhà, hằng ngày chỉ đi ra đi vào quanh nhà, quanh vườn, sự hiện diện không cần giấy mời này khiến tôi có cảm giác như gia đình tôi có thêm một thành viên mới. Một lần đứng nhìn cái tổ dễ thương ấy, tôi sực nhớ đến  câu truyện ngắn của nhà văn Kiệt Tấn, “Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi”, nên tôi bắt chước gọi con vịt mái là em vịt của tôi.

Em vịt nằm ấp trứng hết sức ngoan hiền trong bầu không khí mát mẻ, trong lành của tháng Sáu. Vườn nhà tôi thoáng rộng và yên tĩnh, nếu không tính những lần chú cún con nhào đến chọc phá khiến em vịt phải bay đi lánh nạn dăm ba phút. Nhưng hôm bắt gặp em vịt đứng trên hàng rào tuyệt vọng nhìn về phía tổ của mình, tôi bèn … ban hành lệnh social distancing, cấm em cún ra vườn nếu không có ai theo cùng. Hai nhóc cháu tôi đổ nước vào một chậu nhựa cho em vịt mẹ uống mỗi ngày, chỉ quên nghĩ đến chuyện cho thêm thức ăn.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Ðến lúc này thì không còn thấy con vịt trống bay về nữa. Nhìn em vịt nằm chờ ngày con ra đời, tôi trêu, gọi đó là “tình cảnh vượt cạn”. Người ta bảo vịt có lớp lông vũ dày, có tuyến mỡ phát triển rất tốt ở phần phao câu, nên chúng thường rỉa để phủ lớp dầu ấy cho lông không bị ướt. Khác với những loại thuộc họ gia cầm khác, cơ thể vịt có nhiều mỡ và có một khối lượng nhiệt năng lớn toả ra chống rét, do vậy mà ở những nơi mùa Ðông lạnh giá như thành phố này chẳng hạn, thì mùa Ðông vẫn có thể thấy đám vịt trời nhởn nhơ bơi lội trên mặt nước sắp sửa đóng băng nhưng không hề bị chết cóng. Vào ngày mưa gió và những hôm trời trở lạnh bất ngờ, nhìn em vịt kiên nhẫn nằm trên đụn gỗ, không có sự chở che, giúp đỡ của con trống, tôi thương cảm vô cùng. Với đôi cánh rũ xuống hai bên thân, đôi con mắt mỏi mệt theo dõi những tiếng động chung quanh, tuy không thấy bị ướt cách dữ dội, không biết em vịt “của” tôi có bị lạnh hay không, nhưng trong thời kỳ phải dùng nhiệt để ấp trứng, và có lẽ không thể đi kiếm ăn nhiều, trông em xơ xác đến não lòng. Phone cho bạn, kể chuyện em vịt, bạn tôi đùa, hỏi phải chăng tôi cám cảnh nhớ chuyện ngày xưa phải nuôi con một mình, thân cò lặn lội.

Tôi phì cười. Nhưng câu nói của bạn làm tôi bất chợt nhìn ra đâu đó hình ảnh mình những ngày mưa gió, những hôm rã rời, những lần gặp chuyện không công bình ở chỗ làm, thật tình chỉ muốn đưa tay nhấc máy vờ báo bịnh, hay quyết định nghỉ hẳn mà rồi chẳng bao giờ dám thực hiện. Bởi quả thật lúc ấy quanh tôi đã không có ai để có thể nương dựa nếu mất việc, và quan trọng hơn hết là vì tôi còn có một nhân vật bé nhỏ cần sống đầy đủ, cần đến trường, cần một tương lai tươi sáng hơn những gì tôi đã trải.

Giống mà khác, khác mà giống. Em vịt của tôi không cần lo cho con đi học, không cần mua sắm áo quần giày dép, tuy nhiên thế giới chung quanh em cũng đầy nguy hiểm. Con chim ưng nào đó có thể bay ngang, con chồn, con cáo, con rắn nào đó có thể mò vào vườn. Thậm chí chú cún con bị la liên tục vẫn nhe răng gầm gừ, có thể lắm hôm nào đó sẽ nhảy lên ổ trứng yêu quý của em. Và rồi con người nữa, biết đâu!  Tôi một mình, hết sức cô đơn nhưng dẫu gì cũng có chính phủ bảo trợ, có công ăn việc làm, còn em vịt của tôi ngoài cơ thể, ngoài đôi cánh dang ra ấp ủ chở che, trông thật vô cùng bé nhỏ giữa bao la đất trời. Ðôi mắt trong veo nhìn theo những chuyển động của chúng tôi, của chú cún con dường như không ánh lên vẻ sợ hãi, mà vô vọng. Và buồn thảm.

Xem thêm:   The good Samaritans

Nhà văn Kiệt Tấn, bằng một giọng văn dí dỏm, khôi hài, kể em vịt vàng nhỏ của mình nở ra từ cái trứng vịt ta nhờ con vịt xiêm mái ấp vào lúc gia đình ông hồi cư sau vài năm theo kháng chiến. Những câu chuyện về con vịt xiêm trống làm hỗn bầy vịt lẫn gà mái, đến chuyện cậu em trai chủ nhà “dớt” con gà giò của nhà văn lúc đó mới chỉ là cậu bé sáu tuổi, qua đến chuyện trời long đất lở vì súng đạn cà nông moọc chê lựu đạn, rồi xe jeep xe tăng chạy trước nhà làm con vịt xiêm mẹ hoảng sợ lo cho bầy con vô cùng dễ thương. Nhà văn đã khiến người đọc nở hết nụ cười này đến nụ cười khác trước khi dẫn đến kết thúc vào hăm chín Tết, em vịt vàng của nhà văn ra đi thê thảm khi theo mẹ vịt xiêm băng qua đường, bị vướng vào bánh của đoàn xe công-voa chở lính Lê Dương chạy ngang. Kiệt Tấn viết, “Cái Tết ấu thời nhỏ theo giọt lệ hồng của tôi sùi sụt. Nào ai có biết trong ruột gan đứa nhỏ sáu tuổi, một nửa cái Tết thơ ấu đó đã nát vụn theo con vịt vàng nhỏ em tôi giờ đây nằm trong gói giấy nhựt trình tôi đang ôm cứng trên bụng bên bờ mương nước mặn.”

Mỗi năm hoa đào nở, Tết Nguyên Ðán về, nhà văn Kiệt Tấn lại buồn và lại nhớ về em vịt vàng bé nhỏ của mình. Ðọc Kiệt Tấn, sau những nụ cười, tôi đã buồn da diết vì cái kết câu chuyện quá u sầu. Tôi nghĩ em vịt của tôi may mắn hơn nhiều vì đã không phải sống trong tình cảnh binh lửa, bom đạn dẫu thật sự xã hội loài người đang tao loạn. Lúc dạy được em cún bớt sân si, bớt làm phiền em vịt, tôi đã náo nức chờ ngày được nghe những tiếng chiêm chiếp, được thấy em vịt dẫn đàn con nhởn nhơ tìm mồi quanh vườn.

Tôi chưa dám vội nghĩ đến chuyện em vịt không phải là vịt nhà, là “mây của trời rồi gió sẽ mang đi”, đến lúc nào đó tôi cũng phải từ giã cả gia đình nhà vịt. Bởi mới đầu tháng Sáu, thời gian từ đấy đến mùa Ðông vẫn còn vời vợi để tôi phải lo âu chuyện hát bài từ nay cách xa nghìn trùng.

Xem thêm:   Chuyện ven đường

Tháng Sáu nơi chúng tôi thanh bình yên ả, dầu tin tức vẫn chưa có gì vui. Nên tôi vẫn yên lành mỗi ngày nhìn ngắm em vịt nằm trên đụn gỗ, vẫn còn mơ ngày thấy đàn con em vịt. Mãi cho đến một chiều, thình lình chúng tôi khám phá ra cái tổ của em không còn một trứng nào. Tôi sững sờ. Cả nhà tôi thẫn thờ. Những cái trứng không còn nhưng em vịt của tôi vẫn lẩn quẩn quanh trên đụn gỗ, đi tới đi lui trên hàng rào khiến chúng tôi không nói được nên lời. Cả nhà túa ra đi tìm nhưng không hề tìm ra bất cứ một dấu vết nào chứng tỏ có cáo có chồn, có chim ưng chim quạ. Vì không dấu chân, cũng không vỏ vụn. Tôi đau lòng đứt ruột ngó em vịt của mình đứng trên đụn gỗ vụn, hai mắt trong veo ngước nhìn theo chúng tôi. Tôi không oà khóc lên được như cậu bé Kiệt Tấn sáu tuổi ngày ấy, nhưng nước mắt oà ra trong lòng tôi.

Em vịt đi qua đi lại trên đụn gỗ, đi qua đi lại trên hàng rào. Chậm chạp.Và cuối cùng, sẩm tối, em vịt của tôi vỗ cánh. Bay xa.

Tôi mất em vịt. Như thể mất người yêu, tôi thẫn thờ ở ngoài vườn cho đến tối. Bấy giờ khi nghĩ đến chuyện tại sao mình không để một ít thức ăn đâu đó để em vịt khỏi bay đi tìm mồi, để con cáo con chồn con ưng con quạ không tìm đến, tôi xót dạ hối hận.

Con rể tôi an ủi rằng em vịt sẽ đẻ bầy khác, sẽ làm một cái tổ nơi nào đó yên ổn hơn. Ðến tối cháu ngoại tôi bảo có nhìn thấy em vịt cắp một trứng tha đi. Nói chắc là nó muốn dời ổ. Con tôi lại thêm, dầu không cần tôi nêu thắc mắc tại sao em vịt vẫn còn thơ thẩn trong vườn rất lâu, rằng nó đã đi qua đi lại như vậy là chỉ vì muốn kiểm tra cho chắc không còn sót lại cái trứng nào.

Tôi chẳng mấy tin. Tôi nghĩ chắc chắn cả nhà nhìn thấy tôi buồn bã quá nên tìm cách nói cho tôi yên. Mà tôi làm sao yên được dẫu thật lòng tôi đã gắng lắm để tin như vậy.

Một người tuổi hơn sáu mươi khi mất một em vịt trong thời cách ly xã hội, vẫn buồn không khác gì như cậu bé Kiệt Tấn sáu tuổi thời ly loạn…

HN