Thi sĩ Lệ Khánh tên thật là Dương Thị Khánh, sinh năm 1944 tại Huế và lớn lên ở Đà-Lạt. Lệ Khánh được biết đến qua tập thơ “Em là gái trời bắt xấu” vào năm 20 tuổi. Thơ của Lệ Khánh là tâm tình của người em gái hậu phương gửi đến người yêu là lính chiến nhưng duyên phận bẽ bàng nên những dòng thơ theo thời gian thấm đẫm chất bi lụy, sầu não. Sự nghiệp thi ca của Lệ Khánh bắt đầu vào năm 1964 và kết thúc năm 1974. Tiếc là những sáng tác sau đó không còn mang chất thi vị như thuở ban đầu nữa.
Các tập thơ đã xuất bản: “Em là con gái trời bắt xấu”(5 tập do Khai Trí xuất bản từ năm 1964 đến 1966), “Vòng tay nào cho em” (1966) và “Nói với người yêu” (1967).
Thi sĩ Lệ Khánh
Cô tiểu thư gốc Huế nhưng trưởng thành ở Đà-Lạt có tâm hồn lãng mạn và làm thơ rất sớm với bút hiệu Lệ Khánh. Cái tên như vận vào cuộc đời khiến cô lận đận trong chốn tình trường, nỗi buồn lấn hết niềm vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Có lẽ vì những éo le trong tình yêu mà Lệ Khánh đã viết nên những vần thơ xót lòng và chinh phục được số đông độc giả đồng điệu.
Những bài thơ trong chủ đề “Em là con gái trời bắt xấu” đến từ hai mối tình không trọn vẹn.
Mối tình đầu dang dở vì người yêu kết hôn với người bạn gái khác. Nỗi khổ đau này bắt đầu cho những bài thơ da diết trên thi đàn vào đầu thập niên 60.
Anh lỗi hẹn hay là anh đến trễ
Cho chiều nay đường phố lạnh mưa thu
Và đêm nay thành thị ướt sương mù
Người con gái gục đầu thương mệnh bạc
Cuộc tình thứ hai với một người tình không chung thủy đã khắc lên trái tim yêu một vết thương lòng. Dù hết dạ yêu thương nhưng nỗi mong chờ vẫn hoài công vì người thương đang say men ân ái khác ..
Tôi gục mặt khóc thầm bên cửa sổ
Mà cô đơn trời hỡi vẫn cô đơn
Nơi xa xôi, anh có biết tôi buồn
Anh có biết tôi cười mắt ngấn lệ

Thi nhạc sĩ Thục Vũ, 1932 -1976
Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết nên người ở lại âm thầm tiễn người ra đi mà ngậm ngùi lệ tràn hoen mi. Người tình sau cùng của Lệ Khánh là nhà thơ kiêm nhạc sĩ Thục Vũ. Hai con tim trùng một nhịp đập vì tìm thấy sự đồng cảm nơi hồn thơ, ý nhạc. Tiếc thay cho mối tình ngang trái, nàng trở thành người thứ ba vì lỡ yêu người đã có gia đình, vợ con …
Vòng tay anh chắc giờ đây quá chật
Ôm vợ hiền, ôm con dại còn đâu
Vâng, còn đâu người con gái đến sau
Thương, nhớ, tiếc sao ngỡ ngàng biết mấy

Hình bìa dĩa nhạc “Em là gái trời bắt xấu”
Thục Vũ phổ nhạc bài thơ “Vòng tay nào cho em” làm xôn xao giới yêu nhạc, yêu thơ với mối tình của ông và Lệ Khánh. Nhưng kiếp chồng chung “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” gieo thêm đớn đau cho người con gái “trời bắt xấu” cho dù cô gái Huế xinh đẹp này từng làm nhiều chàng trai xứ Quảng ngẩn ngơ, thơ thẩn. Cơn mê đã tàn, tình yêu cũng hết, Lệ Khánh một thân, một mình sống với con thơ …
Bây giờ mẹ chỉ có con
Con thơ thơm sữa, mẹ mòn tuổi yêu

Bìa tập thơ “Em là gái trời bắt xấu”, 1964
Chiến cuộc chao đảo, Thục Vũ bị bắt đi đày và chết trong trại tù ở Sơn-La. Cuộc sống Lệ Khánh lâm vào khúc rẽ, đôi tay yếu đuối phải làm đủ mọi công việc tay chân để có được miếng cơm, manh áo. Ngày tháng vẫn nặng nề với kiếp đời bạc phận, gian truân như những vần thơ bất hạnh của Lệ Khánh. Lệ là nước mắt nên “Em là gái trời bắt xấu” là tiếng oán than não nùng của những mối tình tan vỡ và trái ngang. Cái tên của tập thơ “Em là gái trời bắt xấu” nổi lên như một hiện tượng, tạo được sức hấp dẫn thu hút số lượng độc giả khổng lồ giữa khi cuộc chiến ngày thêm dâng cao.
Cám ơn Lệ Khánh, người con gái đất Thần Kinh đã mang theo nét lãng mạn vào xứ sở cao nguyên sương mù giá lạnh và để lại cho người, cho đời những vần thơ xao xuyến như T.T.Kh. thuở trước. Lệ Khánh là những giọt lệ buồn, là tiếc nuối của những cuộc tình không may mắn và âm thầm đi vào ngõ cụt.
TV (10.04.2024)