“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên” là câu nói nổi tiếng của Archimedes (287-212 trước Công Nguyên). Ổng là một nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh huyền thoại người Hy Lạp. Hình của Archimedes được in ở mặt trước của Huy chương Fields, giải thưởng danh giá được coi là “Nobel Toán học” (vì giải Nobel không bao gồm lĩnh vực toán học), được Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU: International Mathematical Union) trao 4 năm một lần cho những nhà nghiên cứu nổi bật.
Ơ-rê-ca (Eureka, nghĩa tiếng Việt là “tìm ra rồi”) là một giai thoại nổi tiếng về cách ra đời của “lực đẩy Archimedes” và của mục.. này.
Sau khi chứng kiến 3 con dê bị sấm chớp đánh cháy đen thui, Benjamin Franklin (nhà chính trị, nhà khoa học… một thành viên trong nhóm lập quốc của Hoa Kỳ) đã nảy ra ý tưởng về cột thu lôi và quyết tâm tìm cho được những bí ẩn của sấm sét.
Theo thông tin của Học viện kỹ thuật Franklin (Mỹ), năm 1752, Benjamin (46 tuổi) và con trai William (21 tuổi) đã cùng nhau thực hiện một thí nghiệm chứng minh những giả thuyết: tính chất của sét chính là sự phóng điện (Trước đó 2 năm, Benjamin xuất bản một bài viết đề xuất thực hiện thí nghiệm này.)
Benjamin cùng con trai thả một con diều lên trời, trên đầu diều gắn một thanh sắt nhỏ để hút sét. Con diều sau đó được cột vào một sợi dây có khả năng dẫn điện, phần cuối của sợi dây gắn thêm một chiếc chìa khóa. Khi mưa tới, sợi dây thấm nước làm cho nó có khả năng dẫn điện. Để chứng tỏ sét chính là một hiện tượng phóng điện, Benjamin dùng chai Leiden (hình thức ban đầu của tụ điện) để tích điện từ chiếc chìa khóa và thu được một lượng điện rất lớn. May mắn trong cuộc thí nghiệm nguy hiểm này, Benjamin và con trai đã không bị ảnh hưởng gì tới tính mạng hay sức khỏe. Bởi một năm sau đó,nhà vật lý người Nga gốc Đức – Georg Wilhelm Richmann tái hiện lại thí nghiệm tương tự và đã thiệt mạng. Sự ra đi của Georg Wilhelm Richmann đã gây chấn động giới khoa học toàn thế giới bởi đây là trường hợp đầu tiên thiệt mạng khi thực hiện thí nghiệm điện từ học.
Không chỉ đối mặt với nguy hiểm, khi thực hiện thí nghiệm này, Benjamin còn vấp phải làn sóng phản đối, phê bình dữ dội từ giới tôn giáo – họ cho rằng Benjamin đang thách thức và xâm phạm đến Chúa Trời.
Năm 1753, Benjamin Franklin tạo nên cột thu lôi đầu tiên tại Philadelphia, nhà ông đã không bị ảnh hưởng trong mùa mưa bão năm đó. Dần dần, sáng kiến của ông trở nên phổ biến, các nhà khoa học khác đã công nhận và cố gắng cải tiến cột thu lôi, khiến nó trở thành một thiết bị không thể thiếu ở các tòa nhà cao tầng. Benjamin Franklin không bao giờ đòi bản quyền cho phát minh của mình. Trong tự truyện ông đã viết: “Vì chúng ta đang hưởng thụ nhiều sự tân tiến có được từ phát minh của những người khác, chúng ta cần phải sung sướng khi có cơ hội phục vụ những người khác bằng những phát minh của mình; và chúng ta phải làm điều đó một cách thoải mái và hào phóng”.
Prokop Diviš (mục sư người Czech) cũng được công nhận là người phát triển độc lập cột thu lôi cùng thời với Benjamin Franklin.