Ngày Thứ Hai, 18 tháng Bảy, 2022, Đài truyền hình CBS LA phát video ngắn, nội dung là cô Catt Phan, 26 tuổi (gốc Việt) bị một nhóm người quấy rối khi cô đang coi trình diễn nhạc Irvine Fivepoint Amphitheater ở sân khấu ngoài trời tại thành phố Irvine – Orange County. Họ cố ý sấn tới va chạm, thúc vào người cô, đổ bia rượu vào cô và bạn cô. Cô không thể thưởng thức được màn trình diễn trên sân khấu, nên đã đề nghị nhóm người kia ngưng hành vi bất lịch sự của họ lại. Thay vì nhận được lời xin lỗi thì một thành viên nữ trong nhóm quấy rối đã chửi thề, gọi cô Phan là “bọn Á Châu,” kèm theo những câu đại loại như quốc gia này không dành cho những người như cô Phan. Không một ai bênh vực cô.

nguồn royalsblue.com

Bực tức, sau buổi diễn, cô đã đến báo với nhà chức trách thành phố Irvine. Cô cũng than phiền rằng không lẽ phải chờ tới khi nạn nhân bị bắn, bị giết thì mới có ai đó hành động, vì nếu chỉ miệt thị, xô đẩy thì không có gì đáng kể??? Cô Phan cũng bày tỏ sự hoài nghi về thành phố Irvine được gọi là “an toàn nhứt nước Mỹ” mà xảy ra tình trạng như vậy thì những nơi khác sẽ ra sao?

Nói một cách công bằng, những sân khấu biểu diễn ngoài trời không có ghế ngồi cho khán giả, Ban tổ chức không xếp chỗ cho khán giả, thật sự là nơi có nhiều bẫy rập, trùng trùng nguy cơ đối với các nhóm cư dân yếu thế. Cảnh sát thì không kiểm soát nổi đám đông vài ngàn người cuồng nhiệt với công suất âm thanh lớn cực đại. Ngoài nhóm cố ý quấy rối, thì có lẽ những người khác quá chú ý lên sân khấu nên không biết bên cạnh họ đang có nhóm người xấu lợi dụng cơ hội quấy rối phụ nữ. Khi bị nạn nhân phản ứng chống lại thì họ tuôn ra những lời thách thức, miệt thị để ngụy biện cho “cái tôi” của họ.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Năm ngoái, trong lễ hội âm nhạc Astroworld tại Houston, Texas, đám đông “cuồng” thần tượng chạy ào về phía sân khấu, giẫm đạp lên nhau, làm cho 8 người chết tại chỗ và khoảng 300 người (bị giẫm) phải vào viện cấp cứu. Ðây cũng là buổi diễn ở sân khấu ngoài trời và không xếp chỗ ngồi. Cũng với dàn âm thanh mở to hết công suất, ca sĩ gào thét vang trời trước cả trăm ngàn khán giả cũng hú hét theo, thì lực lượng cảnh sát không thể nào bảo vệ được cho từng người trong cái mớ hỗn loạn ấy. Thậm chí, sau khi biết có người chết, một số khán giả đã cố gắng nhảy lên sân khấu yêu cầu ca sĩ ngưng diễn nhưng anh ca sĩ nọ làm như không nghe thấy gì, vẫn tiếp tục ca. “Ðó một đêm thảm kịch. Ðám đông bắt đầu dồn về phía trước sân khấu, gây ra hoảng loạn,” giám đốc Sở Cứu hỏa Houston Samuel Pena nói. Cho tới nay, chưa có thông tin về xét xử bất kỳ ai chịu trách nhiệm làm chết và bị thương nhiều người này.

Chuyện lợi dụng tình hình hỗn loạn để chen lấn làm chuyện xấu, móc túi, giựt dây chuyền, bông tai, hay quấy rối tình dục không mới. Thời tôi mới 6 -7 tuổi, nghe người lớn ở xóm nói “Ðàn bà con gái cho đi coi hát đình là hư.” Người khác hỏi “Sao hư?” Bèn kể rằng mấy bà, mấy cô ra đình coi hát ai cũng đứng, một số kẻ “dâm tặc” ở trần trùng trục, mặc độc cái xà lỏn rộng thùng thình cũng chen vô “coi hát” rồi cọ cạ vào mông, vào người của phụ nữ…

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/28/2024)

Năm tôi 11 – 12 tuổi, tình trạng coi hát đứng ở sân Lễ đài vẫn còn tiếp diễn, xuất hiện thêm hai nhân vật “uy quyền” với cái roi mây dài, bề tròn cỡ ngón tay út tôi, mà con nít thời đó kêu là “chú công an” đứng trấn giữ hai bên sân khấu, trước hàng ngồi của khán giả. Mua vé vô sân bãi coi hát chỉ có ngồi xếp bằng, chồm hổm dưới đất. Ai vô trước giành chỗ ngồi gần dàn nhạc và sân khấu, ai vô sau ngồi xa hơn. Không hiểu mắc giống gì, cứ tới những đoạn cao trào trên sân khấu (hát quá hay, đánh kiếm, bay) thì đám đông ngồi gần sân khấu bỗng rùng rùng đứng cả dậy. Lúc này hai “chú công an” cầm roi mây quất kêu trót trót xả xuống đám đông khán giả đứng lên, miệng chửi: “Ngồi xuống! Ngồi xuống! Ðm cứ đứng lên quài đàng sau ai coi được? Ðm chửi quài mà nó lì như trâu vậy đó.” Ðám đông bị hai cái roi mây “đàn áp” lụp chụp ngồi xuống, chừng 10 – 15 phút sau lại ào ào đứng lên, rồi lại lụp chụp ngồi xuống dưới ngọn roi mây. Tôi đứng tít đàng sau nhìn thấy, cảm giác nhục nhã vô cùng. Không hiểu tại sao bỏ tiền mua vé vô coi hát, đã được ngồi trước mà cứ phải lao nhao đứng lên để người ta đối xử với mình như súc vật, mà tình trạng ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi khi có đoàn cải lương về hát?

Cô Catt Phan, chụp lại từ video của CBS LA

Hai năm trước, hơn chục ngàn cư dân quận Cam, quận Los Angeles kéo nhau ra đại lộ chính ở thành phố Newport Beach đón ông Trump đi vận động bầu cử, nơi đoàn xe của ông sẽ đi qua. Ðây là số cử tri ủng hộ, số chống ông Trump cảnh sát tách riêng ra một khu khác để tránh xung đột. Lúc đoàn xe chưa đi qua thì mọi người còn đi dạo qua lại một cách thong thả, quan sát, mua bán, chụp hình. Ðến lúc nghe thông báo đoàn xe ông Trump tới thì trời ơi, đám đông rùng rùng chạy tràn xuống đường. Họ toàn là những người cao to lực lưỡng, béo tốt. Tôi so với người Việt cũng không đến nỗi kém cạnh, có khi còn trội hơn, nhưng ngay lúc đó tôi ý thức được sự thua kém rõ rệt của tôi khi mà tôi chỉ cao tới nách, tới vai của đám đông, tôi không chen ra trước được, tôi không nhìn thấy gì hết. May là không có ai giẫm cho tôi bẹp gí.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

“Kinh nghiệm đau thương” dạy tôi rằng, cho dù anh có khỏe đến đâu, giỏi võ nghệ đến đâu, trong cái “rừng thịt người” ấy anh cũng dễ dàng bị “nghiền nát” bởi lẽ “Mãnh hổ nan địch quần hồ.”

Dù chúng ta có tố cáo, kiện tụng thì khả năng thắng kiện rất mong manh, vô bằng cớ, không thể xử được, trừ phi quý vị cùng đi chung với ai đó và người này quay lại được video. Một khi bị đơn được trắng án, họ có quyền kiện ngược lại (phản tố) nguyên đơn để đòi bồi thường danh dự và phí luật sư của họ. Coi biểu diễn ở những nơi nào mà có ghế ngồi cho khán giả, có sắp xếp số ghế, không chen lấn, là cách lựa chọn tốt nhất. Thí dụ: Rạp hát, sân vận động.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, dù ở đâu, phụ nữ vẫn dễ bị “thất thế”.

Theo tôi, chỉ nên coi trên truyền hình, mua dĩa coi ở nhà để bảo đảm sự an toàn cho bản thân mình.

TPT