Cọp hay Hổ, là một trong số những con thú được ưa chuộng, tôn sùng và nhắc nhở đến nhiều nhất, đứng thứ nhất, tiếp đến là Chó, Mèo, Cá Heo, Ngựa, Sư Tử, Rắn, Voi, Vượn và Cá Voi. Cọp cũng là con thú lớn nhất trong giòng họ tứ trụ nhà Mèo, với Cọp, Sư Tử, Beo và Mèo. Nó lại là con vật có “uy” nhất trong mọi loài thú vật, nên thế gian đã ban tặng cho Cọp mỹ hiệu Chúa Sơn Lâm thật rất xứng đáng

nguồn: britannica.com 

Dưới cái nhìn của khoa học thì cách nay hơn hai triệu năm, có loài thú hình dáng giống Cọp sinh sống, nhưng thân thể nhỏ hơn loài Cọp hiện tại. Ðến khoảng từ 1.6 đến 1.2 triệu năm gần hơn, loài Cọp xuất hiện và mang hình dáng của loài Cọp ngày nay. Cọp là con thú dẫn đầu Danh Sách Ðỏ báo động của Liên Hiệp Quốc về nạn tuyệt chủng, bởi quan niệm ăn gì bổ nấy của người Á châu, nhất là các Mao Tàu xếnh xáng. Con Cọp bạc phước được ông trời ban cho một hình dáng cao to hùng dũng, nên các cụ lang băm Tàu cứ nhất định cho là ăn, uống hay dùng bất cứ bộ phận nào của Cọp cũng giúp con người mạnh mẽ hùng cường giống như Cọp. Giòng họ nhà Hổ có món Hổ quyền nhờ hai cái chân trước to bự như hai cái cột đình, nên các cụ lang băm phán rằng ăn chân Cọp khiến con người bổ dưỡng và mạnh khỏe. Một ký lô thịt chân trước Cọp không dưới 500 đô la.

Cái “củ lẳng” tòn teng của Cọp càng quý giá vô ngần, một chén súp Tiger Penis bán được 320 Mỹ kim cho các xì thẩu nhà giàu ăn chơi để bổ dương tráng thận. Các cụ hết gân lẫn cốt mà còn khoái chơi trò leo trèo tha hồ mà sướng nhé. Các đấng nhà giàu, tiền của nhiều không biết để đâu cho hết, khoái trưng bày bộ da Hổ cho thiên hạ lé mắt chơi. Hiện nay, giá một bộ da Cọp đã lên đến hơn 20 ngàn đô la. Nhưng thảm thương nhất vẫn là nạn lấy xương Cọp làm Cao Hổ Cốt. Ðông Y tin rằng xương Cọp giúp con người hoạt động nhanh nhẹn, mạnh mẽ, nhất là các cụ xương cốt đã rỉ sét, tăng cường sinh lực cho phù hợp với chân lý “sống để mà ăn chơi”. Một bộ xương Cọp dùng để nấu Cao Hổ Cốt cũng trị giá không dưới hai mươi ngàn Mỹ kim. Một bộ xương Cọp nặng trung bình 17 ký, nhưng khi lấy tủy chỉ còn 10 ký có thể nấu thành cao, mỗi lạng cao (tương đương gần 40 gram) bán được đến hơn 2,000 đô la, mà chỉ uống được có bốn lần là hết. Bởi giá Cao Hổ Cốt quá mắc như thế, nên hiện nay nạn bán cao Cọp giả tràn lan, rất khó phân biệt. Người ta thấy quảng cáo trên Internet: “Cao Hổ Cốt thứ thiệt nấu từ xương cọp ở Hạ Lào, 2,500 Mỹ kim một lạng”.

Nhắc chuyện Hạ Lào, chúng ta chạnh nhớ đến cuộc chiến tranh Việt Nam, mà thật lạ, cũng có Cọp tham dự trong đó. Chuyện hoang tưởng chăng. Tình thực thì có đấy. Trong cuốn The Hidden Stories of the Vietnam War của một sử gia Mỹ đã kể những mẫu chuyện rùng rợn về Cọp, Voi, Rắn và Chuột tham dự cuộc chiến và là kẻ thù của cả hai khối tự do lẫn cộng sản. Nhiều lần, các toán viễn thám Mỹ tìm thấy trong bụi rậm những cái xác lính cộng nham nhở, có khi mất cả đầu, bộ lòng cũng đi đứt, cùng nhiều dấu chân Cọp to tướng quần chung quanh. Hóa ra các cậu cán binh Bắc Việt đi rình phục kích phe ta, nhưng không may đã bị các chú chàng Cọp xơi tái trước.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Từ đó các toán kích đêm của Mỹ mỗi lần di chuyển trong đêm, hay dừng quân bố trí đều phải canh chừng Cọp, bởi Cọp thường chộp mồi rất bất ngờ từ phía sau. Người Thượng đi rừng thường vác mũi rựa chĩa về phía hậu, là cốt đề phòng Cọp, Beo tập kích làm hỗn.

Các nhà động vật học nhàn nhã quá không biết làm gì, bèn nghĩ ra trò phối giống giữa Cọp và Sư Tử, xem coi chúng ra cái giống gì. Kết quả rất khả quan. Một chú Sư Tử lấy một cô vợ Cọp sẽ sinh được các cô cậu gọi là Liger, hay Sư Hổ. Tương tự như thế, chàng rễ Cọp và cô dâu Sư Tử sẽ cho ra đời những Tigon, tức Hổ Sư. Nhưng phối giống để mà vui chơi thôi, chứ những con gọi là hybrid này không có khả năng truyền giống, nên phong trào phối giống tàn lụi dần.

Loài Beo là con vật lớn hàng thứ ba trong tứ trụ nhà Mèo, biết thân phận kém cỏi, nên nó luôn tránh né Cọp và có giờ giấc săn mồi riêng không trùng hợp với nhà Hổ. Loài Beo gấm hiếm khi tấn công người, nó chỉ rình bắt Khỉ trên cành và những con vật không lớn lắm như mang, mễn chẳng hạn. Beo leo trèo giỏi như Mèo, nên một khi con người xui xẻo bị Beo rượt là coi như đời tàn. Nhưng tại sao người Việt chúng ta gọi Cọp là Hổ nhỉ. Cũng trong cổ tích Việt Nam có kể rằng, ngày xưa Cọp là một ông quan họ Phạm ở thiên đình, do phạm tội nên bị Ngọc Hoàng mắng là đồ không biết xấu hổ và đày xuống trần gian làm kiếp thú, phải chịu hổ thẹn đời đời. Hận trời, hận đời, Hổ trở nên hung dữ nhất trong các loài thú. Vì mang họ Phạm nên Hổ chẳng thèm ăn thịt những ai họ Phạm. Vậy những cụ nào họ Phạm cứ tà tà đi rừng săn thú bằng thích! Trước năm 1975 chắc quý độc giả còn nhớ rõ thói quen đọc báo chùa ở tại sạp bán báo, người ta liên kết cái sự đọc báo khỏi trả tiền với giòng họ nhà Cọp. Có họa sĩ vẽ biếm họa một đấng đứng tựa bên hông sạp có cái đầu là đầu Cọp, nhàn nhã cầm một tờ báo đọc, đọc xong đặt tờ báo xuống vào vị trí cũ rồi xách đít đi thẳng trước sự “căm hờn” của người chủ sạp. Hiện tượng đó được mệnh danh là đọc báo cọp. Lại có hiện tượng đọc sách cọp nữa chứ. Nhiều đấng có mấy cuốn sách quý ơi là quý, có anh bạn thân mượn sách, thề sống chết sẽ đem trả. Nhưng hỡi ơi, cuốn sách khốn khổ được chuyền tay đến hàng tá người, rồi nó dưng không biến mất một cách thần kỳ. Chủ nhân cuốn sách đành chịu mất… trắng. Ðau khổ. Chỉ tội cho các ông bà chủ báo, các nhà văn nghèo mạt rệp mà cũng ti toe ra sách, mặt mũi lúc nào cũng xanh …lè vì thất thu tài chánh.

Một con Sư Hổ Liger trông quá ngầu

Cọp là một con vật mà người ta nhìn từ góc cạnh nào cũng đẹp. Tranh vẽ về Hổ có rất nhiều. Những họa sĩ người Việt, Tàu, Nhật, Cao Ly đều là những bậc thầy về tranh Cọp. Vẽ Cọp có lẽ còn khó hơn vẽ người mẫu, bởi người họa sĩ phải thể hiện cho được cái uy của chúa sơn lâm và nét đẹp siêu quần của giòng họ nhà Cọp. Người ta gọi những tuyệt phẩm như vậy là những bức họa truyền thần. Tranh vẽ Võ Tòng Ðả Hổ bao giờ cũng được người Tàu ưa chuộng hơn cả. Truyện người đánh Cọp gay cấn và ly kỳ nhất phải là Võ Tòng Ðả Hổ ở Cảnh Dương Cương và Lê Văn Khôi Trói Cọp.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Lịch sử Việt Nam đã ghi lại câu chuyện Lê Văn Khôi đánh Cọp, có lẽ là hay nhất trong các truyện đả Hổ. Ông cha chúng ta từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1600 – 1613) bắt đầu cuộc Nam tiến là những lưu dân hay binh sĩ đã đổ biết bao mồ hôi và máu đào khai sơn phá thạch, đánh trăn, diệt hổ, bắt thuồng luồng (cá sấu), dọn rừng thành một dải đất phương Nam hoa gấm và trù phú như ngày nay. Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam qua một tiến trình khoảng 300 năm thì hoàn thành, bản đồ Việt Nam kéo dài đến mũi cực Nam Cà Mau.

Ðời vua Minh Mạng (1820 -1840), có mối hận thù với quan Tổng Trấn Gia Ðịnh Lê Văn Duyệt. Nguyên do là, khi vua Gia Long mất, thì Tả Quân Lê Văn Duyệt ủng hộ phe muốn phò cháu nội vua Gia Long, tức con trai Hoàng tử Cảnh lên làm vua (Hoàng Tử Cảnh đã mất từ lâu). Khi Tổng Trấn Lê Văn Duyệt mất, Minh Mạng xuống chiếu truy tội và cách chức. Người con nuôi của ông Duyệt là Lê Văn Khôi đang làm một chức quan võ ở Gia Ðịnh nổi lên chiếm thành, kêu gọi kháng chiến chống vua Minh Mạng. Dưới trướng của tướng quân Lê Văn Khôi có các ông Hoành, ông Trắm, là những dũng sĩ vô địch. Quan quân đánh dẹp mãi trong hai năm không được, cho đến khi tướng quân Lê Văn Khôi bị bạo bệnh chết trong năm 1835, phong trào tan rã từ đấy. Quan quân bắt được và chém 1831 nghĩa quân, đem chôn chung một hố, gọi là Chòm Mã Ngụy.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt một hôm nhân có sứ thần Xiêm La sang giao hảo, cho mở đại tiệc khoản đãi. Tả Quân Duyệt cao hứng gọi ông Lê Văn Khôi ra võ trường biểu diễn võ nghệ giúp vui. Ngài Tả Quân nhân cơ hội này cũng muốn dằn mặt người Xiêm, cho chúng thấy quân đội Việt Nam hùng cường đến thế nào, để chúng không còn nuôi mộng tranh hùng với Việt Nam ở miền Ðông Nam Á nữa. Tả Quân Duyệt gọi con đến bảo: “Việc biểu diễn võ thuật của mi như vậy chưa lấy gì làm ngoạn mục, vậy mi hãy chuẩn bị giao đấu với những con cọp mà ta mới thu nạp được. Mi phải hết lòng làm vui quý sứ, kẻo bị tội chớ chẳng phải chơi đâu!”.

Chàng dũng sĩ phục lệnh. Trong một cái vòng rào lớn an toàn, người ta thả một con Cọp hung dữ vào. Vừa trông thấy con người, con thú phóng tới tấn công như cuồng phong bão tố. Chỉ chờ có thế, chàng dũng sĩ nhẹ nhàng tránh qua bên, tóm lấy gáy con thú nện liên hồi, đến Võ Tòng sống lại cũng phải chào thua. Con Cọp lăn đùng ra chết trong tiếng reo hò của quân sĩ. Bọn sứ Xiêm xanh lè cả mặt mũi. Nhưng Ngài Tả Quân đã vỗ bàn giận dữ: “Tên nghịch tử, ta đâu có lệnh cho mi đánh chết cọp bao giờ, tội đáng chém”. Chư tướng và sứ Xiêm xin mãi Ngài mới tạm nguôi, truyền đem con Cọp khác ra. Tiểu Tướng Khôi lần này vẫn khống chế con vật một cách dễ dàng, chàng trói gô nó lại, vác nó lên bước đến thảy con vật khốn khổ  xuống đất trước những cặp mắt kinh hãi của người Xiêm.

Với Ngài Tả Quân, người Miền Nam cảm đội ơn đức bảo quốc an dân, đã lập một Lăng thờ Ngài ở khu vực Lăng Cha Cả ngày nay gọi là Lăng Ông, quanh năm lễ bái hương hoa. Mỗi năm vào đêm Giao thừa, dân chúng Sài Gòn, nam thanh nữ tú nô nức kéo đến Lăng Ông nhang khói, xin xăm cầu tài, cầu duyên và hái lộc. Lạ một điều là cả người Hoa cũng đến lễ bái ở Lăng Ông, họ nói Ngài rất linh hiển, cầu gì được nấy.

PPD