Tôi muốn dành thời gian này để nhắc đến những người “trong cuộc” tôi từng quen biết bằng sự trân trọng mà tôi dành cho họ!…

Ở câu chuyện này tôi sẽ kể vài nét về một người có cuộc sống rất lặng lẽ sau cuộc chiến. Ðó là anh PVT (Tôi xin không viết rõ tên vì những lý do tôi kể dưới đây).

Nhiều lần tôi đã xin phép anh PVT cho tôi viết về anh. Nhưng anh liền gạt đi “Một người bại trận, có gì đáng để em viết!…”. Vì vậy tôi sẽ không thể kể rõ đến việc anh đã từng chiến đấu như thế nào, và sau lệnh buông súng nhưng anh không rời hàng ngũ, để rồi bị bắt đưa đi như một tù binh khi chưa kịp nhìn phố xá ra sao sau “giải phóng”.

Tôi sẽ không thể kể sau 8 năm bị  tù đày anh được trả về giữa cuộc đời khổ ải ra sao trước khi rời đất nước.

Mà tôi chỉ kể về tấm lòng của anh, của một người lính dành cho chiến hữu của mình.

Coi như tôi đã cãi lời anh là không nên viết gì về anh, nhưng nếu không phải là tôi thì ai biết mà trân trọng việc anh từng làm. Tôi không có ý viết để tán dương như anh rất không muốn, ở đây tôi chỉ muốn nêu lên một câu chuyện mà tôi mong sẽ được lan tỏa để xoa dịu nỗi bất hạnh còn nhiều trên cõi đời. Tôi chỉ là một người con dân của VNCH, luôn hoài niệm về quá khứ và  thích viết về những người muôn năm cũ! Nhất là những người đã từng phải gánh trách nhiệm bảo vệ đất nước, phải nhận lãnh bao nhiêu gian khổ thậm chí là hy sinh tánh mạng. Vâng! Làm sao tôi có thể quên…

Anh PVT kể cho tôi nghe:

Xem thêm:   Thác lửa ở California!

-“Ngày trở về với hai bàn tay trắng anh lăn lóc kiếm sống, vợ chưa có, tình nhân phụ bạc. Anh nhìn thấy những cảnh đời cơ cực quanh mình, nhất là những người cùng cảnh ngộ như anh…”

Hình đôi bạn (trái) Nguyễn Ngọc Thất, (phải) PVT cùng vào sinh, ra tử. Chụp tại căn cứ Rạch Bắp gần căn cứ Lai Khê của SĐ 5 BB ở quận Bến Cát. Hai ông ở tuổi 32…. 

Khi có cuộc sống mới nơi quê người, anh luôn nghĩ đến những Thương Phế Binh  kém may mắn ở quê nhà.  Nên khi tôi biết hoàn cảnh khốn khổ của một Thương Phế Binh nào đó tôi liền chuyển thông tin cho anh, anh tức thì trực tiếp gởi tiền cho họ, anh cũng gởi biên lai cho tôi xem để chứng minh anh đã gởi. Có người anh cho $100, có người $50… Không một lần nào anh tảng lờ.

Những lần như thế tôi rất cảm động và rất cám ơn anh vì xem như anh đã giúp tôi thực hiện điều tôi muốn nhưng không đủ điều kiện để làm…

Anh cũng không làm cho qua, cho có, cho an ổn lương tâm là mình có làm từ thiện. Anh không làm từ thiện. Anh thật sự thương yêu chiến hữu của mình, do tôi biết có một trường hợp đặc biệt mà anh xem như một trọng trách phải làm.  Ðó là anh D. (K25 Võ Bị), bị thương tật đến độ phải cắt hết hai chân lên tới háng.

Anh PVT đã dự tính: Với anh D. không thể chỉ giúp một lần là xong, mà hàng tháng anh  gởi trực tiếp cho anh D. đủ cho anh sống, riêng tháng Tết thì $200. (Anh PVT và người bạn của anh tên Thắng cùng “hợp tác” để giúp đỡ lâu dài cho trường hợp này.)

Biết anh D. không còn một thân nhân nào cả, anh còn gửi quà cho người hàng xóm săn sóc anh D. như một lời tri ân. Anh cho rằng chính người hàng xóm đó mới thật là ân nhân.

Xem thêm:   Thử tài trí thông minh nhân tạo AI

Khi tôi báo tin anh D. bị đưa lên Sài Gòn cấp cứu, anh lập tức gởi thêm tiền về để lo cho anh D. Nhưng rồi anh D. không qua khỏi…

Tôi biết anh PVT không giàu có. Anh thương chiến hữu của anh: “Ðó là những người cùng màu cờ, sắc áo nên anh rất trân trọng…”

Anh kể cho tôi  nghe một người bạn, người đồng đội của anh đã hy sinh trong một trận đánh mà cả hai tham dự. Anh nói với tôi: “Anh rất ray rứt vì từ khi Thất tử trận, anh không có điều kiện để tìm gia đình nó. Không biết vợ con nó sống như thế nào? Ðã 50 năm rồi, bây giờ anh đã già, mọi thứ không thể thực hiện được nữa…”. Nghe anh thương tiếc mãi người đồng đội của anh khiến tôi cũng nặng lòng trắc ẩn.

Nguyễn Ngọc Thất và PVT

Chiến tranh đã qua lâu rồi

Xác người Tử-Sĩ ngậm ngùi nơi đâu?!

Tôi đặt mình vào suy nghĩ của anh PVT và của thân nhân Tử-sĩ Nguyễn Ngọc Thất, nên tôi cũng cảm nhận được nỗi đau đó. Cái tên Nguyễn Ngọc Thất từ đó làm lòng tôi trĩu nặng. Tôi cứ cầu mong sao cho tôi tìm biết được gia đình của bạn anh để báo cho anh biết.

Rồi bỗng một hôm, như một phép lạ!

Tôi ít có thời gian để “lướt” Facebook, vậy mà đêm đó như một tình cờ, tôi vào một Group của miền Nam xưa, gặp ngay một tấm ảnh chụp một nhóm quân nhân vừa post lên với lời ghi chú: “Hình ba tôi: Ðại úy Thất, đã tử trận…”. Chỉ một cái tên không có thêm chi tiết gì, vậy mà tôi linh cảm đó chính là người tôi muốn tìm! Tôi liền comment vào đó “Nếu tên đầy đủ của ba bạn là Nguyễn Ngọc Thất. Tử trận ở…không tìm thấy xác, thì cho tôi số điện thoại, tôi sẽ chuyển cho một đồng đội của ba bạn, người này sẽ cho bạn biết thêm thông tin về ba của bạn…”.

Xem thêm:   Tô canh dưa hồng

Liền đó tôi copy tấm hình gởi cho anh PVT “Anh xem có ông Thất trong hình này không?”. Anh PVT đã vui mừng xác nhận “Ðúng là Thất rồi!”. Ngay đêm đó tôi đã kết nối cho con của Tử sĩ Nguyễn Ngọc Thất và anh PVT liên lạc với nhau.

Người con trai của anh Thất, cho biết gần năm chục năm qua vẫn đi tìm dấu tích của cha mình. Họ đi qua không biết bao nhiêu nghĩa trang, thăm hỏi không biết bao nhiêu người. Ði tìm dấu tích cha từ thuở xuân xanh đến bạc đầu. Ðâu biết thân xác người chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc ấy đã hòa vào đất chính nơi ông ngã xuống…

Có lẽ sau khi liên lạc với anh PVT, họ đã tắt đi một niềm hy vọng mong manh, nhưng biết đâu tâm hồn họ được bình an hơn…

Nguyễn Ngọc Thất (phải) người đã hy sinh (không lấy được xác).

oOo

Ðã 30 năm từ ngày rời đất nước đi định cư nước ngoài, anh PVT chưa một lần trở về, nhưng anh đã sống xứng đáng với tinh thần một người lính với tình đồng đội.

Tôi viết bằng sự kính trọng dành cho anh và cầu mong anh PVT luôn khỏe mạnh và bình an bên người thân của mình dù anh ở bất cứ đâu.

Ngày tháng cũ đã qua rồi, nhưng sao tôi lại không thoát khỏi suy tư trong tâm hồn khi:

Vấp vào quá khứ trong hồn

Tuổi buồn đã đến, hoàng hôn đã kề!

Tôi sẽ tiếp tục viết lại những gì tôi còn nhớ, kẻo một ngày nào đó chính bản thân tôi cũng chìm vào quá khứ theo quy luật của thời gian.

LN

(9 Tháng Tư 2022)