Bí kíp được hiểu là phương pháp bí mật hướng dẫn giải quyết những vấn đề rắc rối đang gặp phải và đã được gia truyền, hoặc các bậc kỳ nhân bí mật để lại cho đời sau. Thí dụ trong phim kiếm hiệp Hồng Kông, các “vai chánh” nhờ bị tai nạn mà “ngộ kỳ duyên” mới nhặt được “bí kíp võ công” ghi chép trên vách hang đá, thư tịch trong cổ mộ hay dưới vực sâu, tự mình theo “bí kíp” luyện võ công rồi “vai chánh” trở thành “đệ nhứt giang hồ,” “đơn kiếm diệt quần ma.”

Nấu cơm bằng nồi gang bếp củi kiểu xưa 

Người Việt từ xưa nuôi con nít, mới 6 tháng tuổi đã bắt đầu nhai cơm mớm cho đứa trẻ ăn rồi, nên mới có câu: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.” Cơm là lương thực chính của người Việt, trong thời kỳ đói kém thì cơm gần như là thức ăn chính duy nhứt của người Việt để sống mà không cần phải có thức ăn thịt, cá, tôm phong phú. Người ta chỉ cần nồi cơm nóng và vài trái ớt, nắm muối hột đã no lòng. Ði làm kiếm tiền là đi “kiếm cơm,” bị thất nghiệp là “bể nồi cơm.” Ăn cơm được hiểu như là phản xạ tự nhiên mà bất cứ ai từ trẻ tới già đều biết ăn mà không cần phải học.

Cho nên tựa đề “Bí kíp” ăn cơm mới đọc qua đã thấy đầy chất mâu thuẫn và kỳ dị rồi phải không quý vị? Không chừng có người còn phán luôn rằng người viết cái tựa đề này đã bị “chạm dây thần kinh.” Tuy nhiên, trong bất cứ việc gì, nghề gì, cũng đều có “bí kíp” mà không phải người trong nghề thì khó mà biết được để tạo nên cái “hồn” của sản phẩm. Vậy mới có câu “Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh.”

Lúc nhỏ, ở xóm tôi có bác Tư Lễ làm nghề bán gạo. Muốn có gạo trắng, nếp trắng phải chở lúa ra nhà máy chà gạo ở thị trấn mướn chà một lần cả trăm giạ lúa, rồi chở gạo, cám, tấm, trấu về bán. Thỉnh thoảng, cả nhà bác Tư xay gạo lứt bằng cái cối xay đan bằng tre. Một người đứng xúc lúa châm vô cối, một người đứng đẩy giần xay, hột gạo lẫn lộn vỏ trấu tuôn ra chung quanh thớt cối theo chiều đẩy giần xay, cối phát ra âm thanh rào rào suốt ngày. Hai người con dâu bác Tư thì thay phiên nhau một người leo lên ghế đứng đổ thúng gạo mới từ cối nhả ra rê, một người kẹp cái chiếu vô giữa hai chân, hai tay cầm hai đầu manh chiếu phe phẩy ra vô như cái quạt khổng lồ tạo thành luồng gió thổi bay trấu ra khỏi gạo. Rê rồi, họ lại lấy sàng ra sàng, sảy để tách hột gạo, hột lúa, tấm ra riêng từng loại. Xong, bác Tư đổ gạo lứt vô từng bao, từng thúng, xếp cạnh mớ gạo trắng đang bày bán trong nhà. Ngày nào nhà bác Tư có xay lúa thì tôi cũng đều chạy ra đứng kế bên coi xay lúa. Bác Tư thì đi từng nhà hỏi “Anh (chị, ông, bà, chú, thím..) mua gạo lứt mới xay hông?” Mẹ tôi trả lời “Chị Tư để cho tui 10 lít. Chút nữa tui qua xúc.” Gạo xay bằng cối tre, lớp cám bên ngoài hột gạo còn lại rất dày. Mùi cơm mới, mùi cám mới từ hột lúa vừa xay vừa thơm một cách kỳ lạ, lại dẻo, nhai trong miệng cảm giác giòn sần sật, từng hột cơm như “nổ” tí tách trong miệng. Cái ngon của gạo lứt mới xay thiệt không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, mà quý độc giả phải tự mình trải qua kinh nghiệm mới thấy cái thú của nó. Gạo lứt đóng gói bán ngoài chợ có lớp cám mỏng hơn, không thể giống với thứ gạo lứt xay cối tre này được. Những ai chưa từng được ăn cơm nấu từ gạo lứt mới xay từ cối tre không thể cảm nhận được nó ngon như thế nào đâu.

Xem thêm:   Quả ngọt

Tôi hỏi cha tôi: “Sao ông trời không tạo ra hột lúa bự như trái xoài, trái dừa, trái dưa, mà ông trời làm hột lúa nhỏ xíu? Từ lúc trồng hột lúa cho tới lúc ăn được phải mất nhiều công quá dị cha?” Cha tôi cười hề hề, nói: “Hồi khai thiên lập địa ông Trời làm ra hột lúa bự bằng cái thúng vậy đó. Buổi sáng hột lúa tự lăn vô từng nhà. Nhà nào cũng phải thức dậy sớm quét dọn nhà cửa sạch sẽ, mở cửa rộng ra để chờ hột lúa. Chỉ cần lột vỏ, đập nhỏ ra là nấu được cơm. Có bà kia lo ham mê đánh bài suốt ngày nên không kịp quét dọn nhà đón hột lúa. Trong khi bả đang quét nhà thì hột lúa lăn vô, bả lấy chổi đập hột lúa, vừa đập vừa la: Tao chưa quét nhà xong mày lăn vô sớm quá vậy? Ông Trời nhìn thấy con người lười biếng, không quý trọng hột lúa nên ổng giận, ổng làm cho hột lúa nhỏ xíu lại và con người phải cực khổ trồng trọt, xay giã mới có cơm mà ăn. Vì vậy, chúng ta phải biết ơn người trồng lúa, người gặt lúa, phơi lúa, xay lúa cho mình có cơm ăn. Ăn cơm không được bỏ mứa. Bới cơm ra chén phải ăn cho hết. Phải biết thưởng thức cái ngon của hột ngọc Trời cho.”

Gạo mới bán trong chợ Việt ở Little Sài Gòn, quận Cam

Bọn con nít chúng tôi ngồi dỏng tai lên nghe, xuýt xoa tiếc hùi hụi cái thời mỗi ngày được ông Trời cho mỗi nhà một hột lúa bự, rồi lại trách bà kia sao làm biếng quá, gây hại luôn tất cả mọi người.

Xem thêm:   Nghệ sĩ tiền phong Cô Năm Sa Đéc

Ở quê tôi, lúa gặt về thì đập lúa, bỏ rơm ra đánh thành cây cao ngất ngưởng để dành cho trâu bò ăn, để trồng nấm, làm phân bón, làm đồ chơi… Tháng Mười, Tháng Mười Một âm lịch là mùa phơi lúa. Lúa phơi thiệt khô xong xúc đổ vô bồ lúa (đan bằng tre) trong nhà để trữ ăn lần lần. Thông thường, người ta ăn gạo kiểu gối đầu, tức năm nay thì ăn lúa của năm ngoái, năm tới lại ăn lúa của năm nay. Lúa càng cũ thì càng khô, khi xay rất ít tấm, nhiều hột gạo nguyên, gạo nấu cơm thơm, dẻo, tơi xốp từng hột cơm, không bị nát, nhão. Chỉ khi nào thất mùa, lúa cũ không đủ ăn choàng qua năm mới thì người ta phải xay lúa mới ăn ngay. Lúa mới thu hoạch ẩm nhiều nên xay ra tấm rất nhiều, hột gạo nguyên rất ít, người ta thường dùng gạo lúa mới nấu cho gia súc ăn.

Ở quê tôi thời ấy nấu cơm bằng nồi gang và bếp củi. Cơm sôi sục sục thì canh me chắt nước cơm, lấy hơi cơm trên lửa than. Nước cơm chan cơm ăn với tép rang muối, cá kho quẹt thì ngon nhứt xứ. Mà nồi gang lấy hơi cơm trên bếp than thì có về cơm cháy vàng ruộm, giòn tan, chấm nước mắm mỡ hành ngon hơn cả ngự thiện hoàng cung. Bây giờ, thèm cơm cháy quá thỉnh thoảng tôi vẫn lấy cơm trắng trong nồi cơm điện ra, dùng chảo sắt “nướng” lại thì cũng có về cơm cháy ăn đỡ ghiền.

Xem thêm:   Rèn chữ

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy đồng hương ở Little Sài Gòn vô chợ cứ dặn nhau mua gạo mới gặt (new crop) dù giá mắc hơn khoảng $5/bao 50 lbs so với gạo cùng loại, cùng trọng lượng mà không có gắn nhãn (label) “new crop.” Lấy làm lạ, không hiểu sao các “tiền bối” quê tôi dạy khác mà ở đây thì khác, tôi bèn “bon chen” mua thử một bao gạo Ông Ðịa (của Thailand) có nhãn “new crop” về nấu ăn thử. Không biết người khác cảm thấy thế nào, riêng tôi thấy gạo “new crop” không dẻo. Nấu nhiều nước như nấu gạo Ông Ðịa cũ thì cơm nhão và sình sình, nấu ít nước hơn thì cơm cứng nhai mỏi hết cả hàm.

Thôi kệ đi, tôi thề với lòng từ đây về sau ai thích “new crop” cứ “new crop.” Riêng tôi trung thành với “truyền thống nhà quê,” cầm chén cơm ăn phải biết ơn người nông dân làm ra hột gạo ngon, cám ơn “truyền thống quê mùa” cho tôi kinh nghiệm ăn cơm là thưởng thức, nếu không biết “bí kíp” ăn cơm thì cơm chỉ là thứ nhồi đầy bao tử chống đói thôi.

TPT