Trong khi người gốc Việt đang mải mê bàn luận, khen ngợi lẫn chống đối, chửi bới không mệt mỏi… náo loạn cả lên đối với vị chủ nhân thứ 47 của tòa Bạch Cung Hoa Kỳ, thì mạng xã hội tiếng Anh của người Mỹ cũng náo loạn, nhưng náo loạn về một “vụ án” văn chương.
Số là người dùng mạng xã hội Threads và Reddit truyền nhau ảnh chụp trang thứ 8 cuốn tiểu thuyết Dark Obsession (Sự Ám Ảnh Đen Tối) của tác giả K.C. Crowne, mà trong đó một người dùng Threads đã phát hiện ra bản in còn nguyên xi một đoạn trả lời của ChatGPT cho yêu cầu chỉnh sửa của tác giả.
Nguyên văn như sau:
“Thought for 13 seconds
Certainly! Here’s an enhanced version of your passage, making Elena more relatable and injecting additional humor while pro-viding a brief, sexy description of Grigori. Changes are highlighted in bold for clarity.” (Suy nghĩ trong 13 giây! Chắc chắn rồi! Đây là phiên bản nâng cao của đoạn văn của bạn, khiến Elena trở nên gần gũi hơn và thêm vào sự hài hước trong khi cung cấp một mô tả ngắn gọn, gợi cảm về Grigori. Các thay đổi được tô đậm để rõ ràng hơn.)
Không cần thông minh lắm cũng nghĩ ra được là tác giả tiểu tuyết đã cẩu thả không xóa hết những đoạn do ChatGPT “sáng tác.”
Không một bức chân dung, không rõ nơi cư trú, từ năm 2018 K.C. Crowne đột ngột nổi lên thành “nhà văn” sở hữu nhiều tiểu thuyết hấp dẫn thu hút người đọc, được ghi nhận thuộc top 10 bestseller của sàn thương mại điện tử Amazon.
Sau khi đoạn “văn” ChatGPT bị phát hiện, độc giả xôn xao bàn tán, đặt nghi vấn phải chăng tất cả những tiểu thuyết của K.C. Crowne đều do ChatGPT viết?
Tôi vô Amazon tìm kiếm, thấy nhiều cuốn sách ghi tên tác giả là K.C. Crowne vẫn còn, nhưng cuốn Dark Obsession thì ghi là “Hết hàng, bản in có giới hạn.” K.C. Crowne viết trên Facebook rằng cô “chỉ dùng AI để thiết kế bìa sách và thực hiện những chỉnh sửa rất nhỏ trong nội dung.”
Một người dùng Reddit viết: “Theo Goodreads, lịch trình xuất bản của cô ấy có vẻ như thế này: Năm 2018: 6 cuốn sách, 2019: 14 cuốn sách, 2020: 32 cuốn sách, 2021: 14 cuốn sách, 2022: 13 cuốn sách, 2023: 17 cuốn sách, 2024: 13 cuốn sách, 2025: 3 cuốn sách.
Thật thú vị, từ năm 2018 trở đi, cô ấy dường như đã phát hành sách rất nhanh (với loạt truyện “Bearded Brothers” có cuốn đầu tiên được xuất bản vào ngày 5 tháng Chín năm 2018 và có 4 trong số 5 cuốn được xuất bản vào ngày 17 tháng Mười Hai năm 2018,) nhưng năm 2020 thực sự có vẻ là năm nổi bật. Tôi không biết gì về tác giả hoặc những cuốn sách đó như thế nào. Tuy nhiên, những lịch trình phát hành đó có vẻ khá phi thường. Việc thường xuyên xuất bản hơn 10 cuốn sách một năm và đạt đỉnh ở mức hơn 30 cuốn chắc chắn có vẻ siêu phàm đối với tôi. Nhưng có lẽ tôi cảm thấy như vậy vì tôi sẽ phải vật lộn để hoàn thành một cuốn sách trong một năm.”
Mỗi năm viết một cuốn sách kể ra cũng là nhanh nếu số chữ không nhiều lắm. Tôi viết cuốn hồi ký Đứng Thẳng Làm Người phải mất 2 năm trời ròng rã viết không nghỉ ngơi cả ngày lẫn đêm, trung bình mỗi ngày viết gần 6 tiếng đồng hồ, mà tôi viết không cần suy nghĩ dàn ý, bố cục gì hết, cứ kể theo thứ tự thời gian. Nếu phải nghĩ ra một chủ đề, lên bố cục nội dung, nghĩ ra nhân vật, nghĩ ra bối cảnh … rồi viết hẳn phải mất rất nhiều thời gian hơn cho phần nháp này.
Tôi tìm kiếm thông tin về tác giả K.C. Crowne thì không thấy gì ngoài mấy câu giới thiệu rất chung chung trên website bán sách: “K.C. Crowne là tác giả bán chạy nhất thế giới và nằm trong Top 10 tác phẩm bán chạy nhất của Amazon. Cô sống ở vùng nông thôn yên bình của Colorado với chồng và hai cậu con trai năng động. Khi không phải tập thể thao và đến Costco, bạn sẽ thấy cô đắm chìm trong việc sáng tác tiểu thuyết lãng mạn tiếp theo của mình. Là người yêu thích phim hài lãng mạn và phim Full House tái bản đầy hoài niệm, cô lấy cảm hứng từ cả tiếng cười và tình yêu. Để biết thông tin cập nhật mới nhất về sách và nội dung độc quyền của cô, hãy theo dõi K.C. trên bản tin của cô ấy!”
Mạng xã hội Facebook cho phép Facebookers sử dụng công cụ Meta AI để viết bài, làm thơ, vẽ tranh đăng Facebook. Tôi đã nhìn thấy vài Facebookers sử dụng công cụ này trong bài đăng (vì Facebook có ghi chú rõ trên đầu bài là “AI info”). Tranh AI vẽ bông hoa, cảnh vật, thú vật có thể trong một giới hạn nào đó tôi chấp nhận, còn “văn” AI thì tôi đọc cảm thấy khó chịu lắm. Thay vì đi thẳng vô vấn đề, Meta AI viết kiểu “thêm mắm dặm muối,” tăng cường nhiều tính từ liên tục, giọng văn ẻo lả lẫn cố gồng lên, khuôn sáo, có phần phô trương, nói chung là không có tính chân thật, thiếu cảm xúc.
Năm 2008 (tôi còn ở Sài Gòn) văn đàn tiếng Việt nổi lên một “tác giả trẻ” (của duy nhứt một cuốn sách, mà tới nay chưa ai biết mặt) gây xôn xao dư luận mạng internet đối với những người thường vượt tường lửa như tôi, nhưng lúc đó người ở Việt Nam chưa có cơ hội đọc. Mãi tới khi tôi định cư ở Little Sài Gòn, năm 2016 một đồng hương lớn tuổi (ở tiểu bang khác) đưa cho tôi cuốn sách đó kêu tôi đọc và nói muốn nghe ý kiến nhận xét của tôi. Thú thật là tôi rất nể ông đó nên phải cố gắng đọc hết cuốn sách từ đầu tới cuối. Qua hôm sau, ông hỏi tôi có nhận xét gì, tôi trả lời: “Em nghĩ tác giả cuốn sách là một người đã cứng tuổi, ít ra cũng phải cỡ tuổi anh trở lên. Giọng văn già lắm, kiến thức lịch sử hơi lộn xộn, thỉnh thoảng bốc lên chất kiêu ngạo trong từng câu viết.” Ông ngồi vừa uống trà vừa nghe tôi phân tích cuốn sách, rồi gật gù nói rằng: “Tôi cũng nghĩ như chị, nhưng thấy ý kiến của tôi lạc lõng với số đông nên chưa dám nói ra. Không ngờ chị cũng có nhận xét giống tôi.”
Trở lại chuyện tác giả K.C. Crowne, tôi nghĩ rằng đây là cái tên giả và một tiểu sử giả do ai đó dựng lên để “thử” độc giả chăng? Và người đứng sau vụ này chỉ làm nhiệm vụ của biên tập viên (editor) cho “nhà văn” ChatGPT.
Tôi được biết, AI “viết” theo cách nó thu thập thông tin từ tất cả những website trên mạng internet, đề tài nào càng có nhiều website đề cập, có nhiều bài viết thì “bài” của AI đưa ra có độ chính xác cao hơn và văn chương cũng lưu loát hơn.
Người xưa có câu “Văn là người,” nghĩa là văn phong (giọng văn) phản ảnh khí chất, tánh tình của người viết văn. Mỗi người có một giọng văn khác nhau, không lẫn lộn được, nên độc giả chỉ cần đọc lên là biết văn nào của Sơn Nam, văn nào của Thạch Lam, văn nào của Lê Văn Trương…
Thí dụ: Học giả Nguyễn Hiến Lê, học giả Hà Mai Anh có lối dịch sách rất hay, mỗi người một vẻ không lẫn lộn với bất cứ ai. Sau này, những sách dịch của hai ông được người khác dịch lại, tái bản nhiều lần, tôi đã từng đọc qua nhưng thấy các bản dịch sau đều không hay, không dễ đọc, không dễ đi vào lòng người như bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Hà Mai Anh.
AI có thể cóp nhặt văn khắp nơi, phân tích, đánh giá, để tạo ra một cốt truyện mà phần lớn độc giả đều thích thú. AI có thể viết “văn” dựa theo cốt truyện đó, nhưng “văn” AI không có bản sắc riêng (nhìn đâu cũng giống.) Để làm nên một áng văn có hồn, có cốt cách, có văn phong riêng, có bản sắc riêng thì AI không thể thay thế được con người.
TPT