Ý Nhi và Trần Mộng Tú, hai nhà thơ nữ nổi tiếng của thời hiện đại được nhiều người yêu mến. Ý Nhi hiện ở trong nước còn Trần Mộng Tú thì đang ở Mỹ. Hai cuộc đời bị lịch sử ngăn cách. Trường hợp này có lẽ chỉ có trong văn học Việt Nam. Nhà phê bình văn học Liễu Trương đã nhìn vào hai cuộc đời đó, tìm ra nét đẹp của hai tâm hồn qua những cảm xúc và suy nghĩ trước thiên nhiên, kỷ niệm, tình yêu, chiến tranh, văn học nghệ thuật… Bài viết của Liễu Trương rất tinh tế và sâu sắc, qua đó ta cảm nhận được vẻ đẹp và khí hậu đặc thù của một thời đang qua và sắp qua. Sau đây chúng tôi xin đăng lại bài viết của Liễu Trương để lưu giữ những chứng tích văn học đặc thù của thời đại chúng ta. NGUYỄN & BẠN HỮU

LIỄU TRƯƠNG

Trong thơ Trần Mộng Tú, mặt trời và lửa biểu tượng cho tình yêu:

Ngày Hạ Chí

Anh đến với em vào ngày hạ chí

ngày mặt trời tình tự với đêm

buổi chiều trên cao buổi chiều không cúi xuống

sao bóng anh ngã xuống bóng em

ngày hạ chí thân thể anh như đuốc

anh kéo mặt trời xuống thắp sáng em

những tia lửa rắc cả vào trong áo

ngày tham lam không nhường chỗ cho đêm

 

Ngày hạ chí như có ngàn nến thắp

soi buổi chiều trong suốt hồn em

anh đứng đó như mặt trời không tắt

tự nhóm than nung đỏ đời mình

 

Khi anh đến em rơi vào hạ chí

anh dắt em trong vũng sáng hoang mang

đêm không xuống mà hồn em sao thắp

làm thế nào phân biệt thời gian.

(Trần MộngTú, Tạp chí Da Màu, 2006)

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Trần Mộng Tú cũng bị thiên nhiên thu hút, nên phó thác cho thiên nhiên nỗi khao khát yêu đương, như «hoa cúc tháng mười»:

Tháng Mười Hoa Cúc   

Bây giờ là tháng mười

Em như hoa cúc nhỏ

Sao anh không là gió

Thổi mùa thu vào em

 

Bây giờ là tháng mười

Em hiền như hoa cúc

Sao anh không là đất

Cho em ngả vào lòng

Bây giờ là tháng mười

Em gầy như nhánh cúc

Sao anh không là mưa

Cúi hôn từng cánh lá

 

Bây giờ là tháng mười

Em mong manh như cúc

Sao anh không là nắng

Ôm em ấm một ngày

 

Bây giờ là tháng mười

Sao anh không là rượu

Em là hoa cúc vàng

Cho anh Hoàng Hoa Tửu

 

Tháng mười tháng mười đến

Mùa thu mùa thu qua

Cúc vàng cúc vàng héo

Anh xa anh xa…xa.

Trần Mộng Tú

 

Ý Nhi thường hướng về ngoại giới, tỏ ra dịu dàng, kín đáo, chừng mực, cho nên ngôn từ mang nhiều im lặng, nhưng là những im lặng giàu về gợi ý, gợi cảm. Tuy nhiên khi nói về những người thân yêu, giọng thơ của Ý Nhi vẫn có những cung bậc dạt dào tình cảm.

Trần Mộng Tú thì quá đa cảm, quá thiết tha, cảm thấy cần xuống tận cùng nỗi đau của mình, cần đi xa trong tình cảm của mình, với một ngôn từ hồn nhiên, chân thật và giàu nữ tính.

Khi nhớ đến người mẹ, Ý Nhi xúc động :

Ý Nhi – nguồn wikipedia

Kính Gửi Mẹ

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Con đã đi rất xa rồi

ngoảnh nhìn lại vẫn gặp ánh đèn thành phố.

 

Sau cánh rừng, sau cù lao, biển cả

một ánh đèn sáng đến nơi con

và lòng con yêu mến, xót thương hơn

khi con nghĩ đến cuộc đời của mẹ

khi con nhớ đến căn nhà nhỏ bé

Mẹ một mình đang dõi theo con.

Giữa bao nhiêu mưa nắng đời thường

đã có lúc lòng con hờ hững

thấy hạnh phúc của riêng mình quá lớn

ngỡ chỉ mình đau đớn xót xa thôi.

 

Giữa bao nhiêu năm tháng ngược xuôi

đã có lúc lòng con đơn bạc

quên cả những điều tưởng không sao quên được

như người no quên cơn đói của chính mình.

 

Sao đêm nay se thắt cả lòng con

khi con gặp ánh đèn thành phố

nơi mẹ sống, mẹ vui buồn, sướng khổ

chỉ một mình tóc cứ bạc thêm ra.

 

Sao đêm nay khi đã đi xa

lòng con bỗng bồn chồn quay trở lại

bên đời mẹ nhọc nhằn dầu dãi

nỗi mất còn thăm thẳm trong tim.

Ðời mẹ như bến vắng bên sông

nơi đón nhận những con thuyền tránh gió

như cây tự quên mình trong quả

quả chín rồi ai dễ nhớ ơn cây

như trời xanh nhẫn nại sau mây

con đường nhỏ dẫn về bao tổ ấm.

 

Con muốn có lời gì đằm thắm

ru tuổi già của mẹ tháng năm nay.

(Ý Nhi, Đà Nẵng – Hà Nội, 11-1978)

Trong khi Ý Nhi từ xa nhìn về ngôi nhà của mẹ, lòng xót xa đau, thì Trần Mộng Tú đi tìm bóng mẹ trong một ngôi nhà trống không và chỉ tìm thấy những di vật của mẹ :

Mẹ Và Ngôi Nhà Cũ

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Bây giờ thì mẹ đã đi thật xa

Ngôi nhà cũ con trở về chiều nay không thấy mẹ

Con đi chung quanh căn bếp nhỏ không nghe tiếng bát đũa cười

Con mở cửa từng căn buồng ngày xưa của mấy đứa nhỏ và căn buồng của mẹ

con không nhìn thấy ai

trẻ con đã đến ở một thành phố khác

và mẹ thì đi thật xa

con chẳng biết đâu tìm

Con mở từng ngăn kéo tủ

tìm những chiếc áo cũ của các con

những cái áo mẹ khâu tay

những chiếc quần mẹ vá đầu gối

những chiếc vớ rách mẹ mạng dọc mạng ngang

con chạm tay vào từng đường chỉ

nghe lòng mang mang

Từ ngày không còn mẹ

trẻ con không biết miếng vá là gì

chúng lớn lên

chúng đi xa

bỏ lại những chiếc áo mới mặc một hai lần

quên là mình đã có.

Dù con đã nhủ lòng

Thôi đừng giữ nữa

trong ngăn kéo của mẹ

chiếc áo lụa

 

cái khăn quàng

chuỗi tràng hạt

đôi hài nhung

chiếc quạt trầm

vẫn nằm cuộn vào nhau nhớ mẹ rưng rưng

Con đi ra vườn sau

những bông hoa héo bên hàng giậu

người hàng xóm mới

trong vườn không bóng chim

con ngơ ngác gọi mẹ

biết nơi nao tìm !

(Trần Mộng Tú, Ngày lễ các Bà Mẹ, 2004)

Cả hai nhà thơ đều gợi lên hình ảnh một ngôi nhà khi tưởng nhớ đến người mẹ. Phải chăng do sự đưa đẩy của vô thức? Theo Gaston Bachelard, nhà triết học chuyên về khoa học luận, về thơ, thì ngôi nhà là biểu tượng của người nữ trong cái nghĩa ngôi nhà là nơi ẩn náu, là người mẹ, là lòng mẹ, là sự che chở.

(còn tiếp)