Lớp chúng tôi biết đến Trần Trọng Kim từ những năm ở trung học. Hồi đó chúng tôi học sử trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Riêng tôi, rất thích thú khi đọc Một Cơn Gió Bụi của Lệ Thần. Hôm nay ở bên trời lưu lãng này, nhớ lại lòng còn cảm thấy bồi hồi xúc động.

Trần Trọng Kim sinh năm 1883 tại làng Kiều Linh, xã Ðan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình Nho Giáo. Từ nhỏ ông học chữ Hán, năm 1897 ông theo học tại Trường Pháp-Việt Nam Ðịnh. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường Thông Ngôn và tốt nghiệp năm 1903. Năm 1904, ông làm thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, ông qua Pháp học trường thương mại ở Lyon, rồi học ở trường thuộc địa. Năm 1909 ông vào học Trường Sư Phạm Melun, tốt nghiệp ngày 31 Tháng Bảy, 1911.

Trở về nước, ông lần lượt dạy Trường Trung Học Bảo Hộ, Trường Hậu Bổ và Trường Nam Sư Phạm. Ông giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục như Thanh tra tiểu học (1921), trưởng ban soạn thảo sách giáo khoa tiểu học (1924), dạy trường Sư Phạm Thực Hành 1931, giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939)… Ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử như: “Sơ Học An Nam Sử Lược” (1917), “Sư Phạm Yếu Lược” (1918), “Việt Nam Sử Lược” (1919), “Truyện Thúy Kiều Chú Giải” (1925), “Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Việt Nam Văn Phạm” (cùng Bùi Kỷ, Nguyễn Mạnh Tường) (1941).

Trần Trọng Kim

Ngày 9 Tháng Ba, 1945, Nhật đảo chính Pháp với khẩu hiệu “Châu Á của người Á Châu” và trao quyền cho Bảo Ðại. Ngày 11 Tháng Ba, 1945, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa Ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Sau khi tìm kiếm ông Ngô Ðình Diệm không được, Hoàng Ðế Bảo Ðại đã giao cho ông Trần Trọng Kim thành lập chính phủ.

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

Nội các Trần Trọng Kim ra mắt tại Huế ngày 17 Tháng Tư, 1945, do ông làm Thủ tướng. Ngày 7 Tháng Tư, 1945, Hoàng đế Bảo Ðại đã ký dụ số 5 chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim và ngày 12 Tháng Năm giải thể Viện Dân Biểu Trung Kỳ. Tháng Sáu, 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Ðế Quốc Việt Nam, quốc thiều là bài “Ðăng đàn cung”, quốc kỳ có “nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm.”

Quẻ Ly là quẻ thứ 30 trong Kinh Dịch. Sở dĩ ông chọn cờ quẻ Ly vì quẻ Ly ứng với phía Nam của đồ hình, tạo thành trục Bắc-Nam là Khảm-Ly. Quẻ Ly còn mang ý nghĩa là quốc kỳ của nước phương Nam. Nhà Nho không quên Kinh Dịch được!

Ngày 2 Tháng Chín, 1945, Nhật đầu hàng Ðồng Minh. Ngày 17 Tháng Tám, 1945, Bảo Ðại gởi điện văn cho Tổng Thống Mỹ Truman và các quốc gia đồng minh xin giúp Việt Nam xây dựng độc lập và hòa bình. Cũng trong ngày đó, Bảo Ðại kêu gọi các nhà ái quốc ra giúp nước. Tổng Hội Công Chức biểu tình ở Hà Nội ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim.

Lúc đó Việt Minh có một toán quân khoảng 100 người do Võ Nguyên Giáp chỉ huy ở Cao Bằng đang được toán “Deer Team” (Toán Con Nai) của Mỹ do Ðại Tá Allison K. Thomas cầm đầu huấn luyện và trang bị để chống Nhật. Thấy thời cơ đã đến, ngày 19 Tháng Tám, 1945, Việt Minh đưa toán quân này về Hà Nội cướp chính quyền. Ngày 22 Tháng Tám, 1945, Việt Minh tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời. Ngày 25 Tháng Tám, 1945, vua Bảo Ðại tuyên bố thoái vị và chính phủ Trần Trọng Kim bị giải tán.

Xem thêm:   Đi thăm gian hàng sách Da Màu

Khi các nhà lãnh đạo các đảng phái quốc gia bị Việt Minh truy bắt, Trần Trọng Kim đã đi lưu vong ở nước ngoài. Sau nhiều năm tháng ở Quảng Châu và Hồng Kông, ngày 6 Tháng Hai, 1947, ông trở về Sài Gòn và sống tại nhà Luật Sư Trịnh Ðình Thảo. Năm 1948, ông qua Nam Vang và sống với người con gái. Sau đó, ông lại trở về Việt Nam sống thầm lặng và mất tại Ðà Lạt vào ngày 2 Tháng Mười Hai, 1953, thọ 71 tuổi.

Bây giờ nhìn lại, chúng ta có thể khẳng định những đóng góp của Trần Trọng Kim sẽ sống mãi với thời gian. Việt Nam Sử Lược, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Một Cơn Gió Bụi và những cải cách về giáo dục sẽ còn được nhắc đến, suy ngẫm và ứng dụng.

Vài tác phẩm của Trần Trọng Kim

NGUYỄN & BẠN HỮU

Tổng hợp