Năm mươi năm ngày mất nhà văn Doãn Dân

Nhà văn Trần Doãn-Dân sinh năm 1938 tại Nam Định, di cư vào Nam năm 1954, gia nhập quân đội và viết văn. Ông có truyện ngắn đăng trên tạp chí Chỉ Đạo, Văn, Bách Khoa (Ba Me, Tiếng Gọi Thầm …) và các giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong. Tác-phẩm đầu tay là truyện ngắn Cái Vòng đăng trên Chỉ Đạo số 1-8-1959 và hai tác-phẩm đã xuất-bản: Chỗ Của Huệ (Sài-Gòn: Nhân Văn Xã, 1968), Tiếng Gọi Thầm (Tân Văn, 5-1972). Ông tử trận tại chiến trường Quảng Trị ngày 29.4.1972.

Đã bao năm trôi qua, nay bạn bè và các con ông chung sức chung lòng thực hiện Tuyển Tập Doãn Dân nhân kỷ niệm 50 năm ngày ông ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị.

“Người thực hiện TUYỂN TẬP DOÃN DÂN là Nguyễn Đình Hiếu đã từ California đáp máy bay tới Virginia tối ngày 28/4/2022. Và Thúy Uyên là con gái của Doãn Dân đã lái xe lên New Jersey đón nhà văn Trần Hoài Thư. Nhà văn Lê Văn Trạch cũng từ tiểu bang Tennessee tới họp mặt. 

NGUYỄN & BẠN HỮU

Tưởng niệm và ra mắt Tuyển Tập Doãn Dân

NGUYỄN MINH NỮU

….

Bây giờ xin nói về buổi tưởng niệm đầy xúc động với Bà Doãn Dân tuổi già, sức yếu tóc bạc phơ, ngồi nắn nót ký vào tác phẩm của Doãn Dân để trao tặng thân hữu, tiếng nói run run xúc động của người bạn cũ là Nhà văn Trần Hoài Thư vừa qua trận đột quỵ, gượng dậy, đến thắp cho bạn nén hương và vòng tay xúc động ôm từng đứa cháu nhỏ bé ngày xưa, hình ảnh cô con gái út, mồ côi cha từ lúc 3 tuổi nói lời thương nhớ cha. Nhìn Giai Phẩm Văn, xuất bản năm 1973 chủ đề Tưởng Niệm Doãn Dân, “Nhà văn đã bỏ mình tại mặt trận Quảng Trị”, nhìn tạp chí Thư Quán Bản Thảo xuất bản tháng 4/2011 “Tưởng Nhớ Nhà văn Doãn Dân”, và nhìn tuyển tập Doãn Dân vừa thực hiện và ra mắt hôm nay với công sức của Nguyễn Ðình Hiếu biên tập, trình bày, layout cùng sự đóng góp bài vở đánh máy, sưu tầm của Năm Người Con Gái và bạn hữu. Lòng dạt dào cảm xúc.”

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

‘Tuyển Tập Doãn Dân’ vừa phát hành, sưu tập nội dung từ Nguyễn Ðình Hiếu và các con của nhà văn Doãn Dân. Cuộc hội ngộ tại Studio của Họa Sĩ Trương Vũ, với sự tham dự của Trần Hoài Thư, Nguyễn Tường Giang, Lê Văn Trạch, Phạm Thành Châu, Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hồng Hà, Thúy Diệm, anh chị Trương Vũ, anh chị Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thụy Ðan, Nguyễn Thị Thanh Bình, vợ chồng Nguyễn Minh Nữu và đầy đủ 5 người con gái của Nhà văn Doãn Dân.

Nhà văn Trần Doãn-Dân 

Doãn Dân viết văn từ rất trẻ, truyện đầu tay của ông đăng trên tạp chí Chỉ Ðạo số xuất bản tháng 8/1959, lúc đó ông 21 tuổi. Ðã xuất bản truyện dài Chỗ Của Huệ năm 1968, và tập truyện Tiếng Gọi Thầm do Tân Văn xuất bản vào tháng 5 năm 1972. Tập truyện ‘Tiếng Gọi Thầm’ này có hai đặc biệt, thứ nhất là bản thảo do Doãn Dân đưa tập họp nhiều truyện, trong đó có truyện dài nhất cũng là truyện dùng làm tên chung tập truyện là Bàn Tay Cho Yến.

Trong thời gian sưu tập đã tìm thấy rất nhiều truyện ngắn của Doãn Dân đăng rải rác ở Văn, Bách Khoa, Chỉ Ðạo, giai phẩm Tân Phong. Chính Văn, Văn Hữu. Tác phẩm của Doãn Dân hướng về đời sống, tâm lý tình cảm, không có không gian chiến tranh. Nhân vật trong truyện của Doãn Dân là những nhân vật của tự sự, suy nghiệm nội tâm, đào sâu vào những khuất khúc của tâm hồn.

Xem thêm:   Rừng-Kinh Dương Vương. qua tranh và văn

Nhà văn Võ Hồng ghi nhận: “Ông Doãn Dân có một bút pháp trong sáng. Ngòi bút của ông thận trọng mực thước, những đoạn tâm lý dẫu tinh vi mà vẫn chừng mực, giọng văn tả thực của ông nhiều lúc dí dỏm…”

Nhà Biên Khảo Nguyễn Vy Khanh đã viết như sau về các tác phẩm của Doãn Dân: “Ở Doãn Dân nói chung là ngôn từ của một không gian đã vừa mất, và một thời gian chỉ vừa qua đi nhưng khó trở lại – thời tự do, và ở Hà Nội. Quá khứ gần nhưng không lối thoát, khó quy hồi, của ấu thời hay thời thanh niên mới lớn. Mới đó nên hãy còn sống động trong tâm trí và đánh động ngòi bút văn chương. Ðó cũng là không gian với những giàn hoa thiên lý ở Duyên Anh, những cánh hoa vông vang ở Ðỗ Tốn, những mùa trăng cũ ở Hoàng Ngọc Liên, những vỉa hè Hà Nội ở Triều Ðẩu, những con đường và khuôn mặt Hà Nội, Bắc Ninh ở Thanh Tâm Tuyền v.v. Ðó cũng là những nỗi ám ảnh trong tâm thức những nhà văn phải sống lưu xứ này: người đi nhưng vẫn còn người ở lại và những kỷ vật, biến cố không thể đều là hành lý mang theo được…

… Người đọc tìm thấy nhiều độc thoại trong truyện của ông cùng những nhớ lại, tưởng tiếc, hối hận. Cấu trúc thường gồm diễn tiến câu chuyện xảy ra xen kẽ những hồi tưởng, lý luận, phân tích, ở một số tình tiết hoặc diễn tiến được tác giả quay chậm lùi trở lại. Ngôn từ, chính ngôn từ của Doãn Dân khiến người đọc rung động đến tận đáy tâm thức nguyên sơ. Thật vậy, các hình ảnh, màu sắc, các biến cố, cảnh tượng v.v. đều thoát ra như một nhắn nhủ, một hồi tưởng hay như một bức tranh đa nghĩa! Ngôn từ ở Doãn Dân nhiều chất thơ mà không gian truyện của ông cũng đầy thi vị.”

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Ðây là một bài ghi nhận ngắn nhân lần gặp gỡ tưởng niệm 50 năm ngày mất của một nhà văn tài hoa mệnh bạc Doãn Dân, Thật vui và xúc động khi thấy Tuyển Tập Doãn Dân hoàn thành với tâm nguyện của gia đình. Lòng hiếu thảo với Cha và tình yêu với Văn Học của Doãn Dân (Thúy Khanh, Thúy Hạnh, Thúy Hương, Thúy Uyên và Quỳnh Như) làm mọi người yêu quý và kính trọng…

Xin dâng một nén hương tới người vì nước hy sinh 50 năm về trước, Xin nâng một ly rượu chúc sức khỏe một bằng hữu quý yêu cũng đã rất lâu rồi mới vừa gặp lại.

NMN