Nguyễn Ðức Sơn ra đi ngày 11 tháng 6. 2020, tới nay là đã hơn ba năm. Thời gian trôi qua, nhiều bạn bè còn tưởng nhớ tới Sơn.
Nhớ ngày nào nhà thơ Huy Tưởng đã viết một bi khúc chia biệt Nguyễn Ðức Sơn treo mình như một cánh dơi đêm đêm chao bóng viết lời hư hao bay nhảy như chú cào cào búng chân dấy động hú gào hư không ví mình là sao trên rừng khuya hôm nhấp nháy soi lòng quạnh hiu một đời vạm vỡ cô liêu phất tay.húc bóng ráng chiều rưng rưng… nằm đó. lẫm liệt núi rừng nghe ra buốt giá một vầng mây trôi!…
Lý Ðợi từng tỏ lòng tiếc thương.
Sáng 11.6, tin buồn về sự ra đi của nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn, một trong tứ trụ thi ca của miền Nam trước đây, đã khiến giới văn chương và những độc giả yêu mến ông ngỡ ngàng.
Trên trang cá nhân, nhà thơ – nhà báo Lý Ðợi bùi ngùi: “Có lẽ nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn (18.11.1937 – 11.6.2020) là một trong vài nhà thơ kỳ dị và quyến rũ bậc nhất của Việt Nam thời hiện đại. Ví dụ như trong bài Cây bông, ông viết: “Cây bông/hắn không/lao động/ai trồng/chật chỗ/mày nhổ/xem sao/máu trào/thiên cổ”.
Cũng theo tác giả Lý Ðợi: “Ở một khía cạnh khác, có lẽ cũng là đặc biệt nhất, hiếm nhà thơ nào của Việt Nam viết về tâm lý tính dục của những đứa con trai tuổi dậy thì, mới lớn hay và thật hơn Nguyễn Ðức Sơn. Ðiều này có thể nhận thấy rất rõ qua tập thơ Ðêm nguyệt động (NXB An Tiêm, 1967). “Ðời sau người có thương ta/Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi/Ðường xa thôi miễn bồi hồi/Mả hoang nhảy đại lên ngồi đi cha” (Nhắn, Nguyễn Đức Sơn)”.
Nhà văn Bửu Ý thì nhận xét: “Nguyễn Ðức Sơn lao về những đích đến nhiều khi không định hướng bởi sự thôi thúc nào đó. Với người, ông cáu kỉnh gây sự, không lý gì đến bạn mà cũng chẳng ngại ngùng gì với thù, nói và viết theo ý riêng mình kiểu của một kẻ quen sống đơn độc. Nhưng với thiên nhiên thì mở lòng ra, thoải mái thong dong ở những vùng biển, vùng núi của những quá khứ đã qua, của những mơ ước đã có, hằng hiện hữu…”.
Nguyễn Ðức Sơn giã từ cõi tạm ở tuổi 83, để lại ở trần gian 3 tập truyện ngắn: Cát bụi mệt mỏi (An Tiêm, 1968), Cái chuồng khỉ (An Tiêm, 1969), Xóm chuồng ngựa (An Tiêm, 1971) và một số tuyển tập thơ: Hoa cô độc (1965) Bọt nước (1966), Lời ru (1966), Ðêm nguyệt động (1967), Mộng du trên đỉnh mùa xuân (1972), 2 tập thơ cuối cùng là Tịnh khẩu và Du sĩ ca (An Tiêm, 1973) cùng tập Ngồi đợi ngoài hành lang vẫn đang dang dở.
Tập thơ cuối cùng của Nguyễn Ðức Sơn do Văn Học xuất bản 2019 với sự cộng tác của Ðào Nguyên Dạ Thảo.
Sau đây, Trang Văn xin đặc biệt giới thiệu bài viết đặc sắc của nhà văn Nguyễn Viện, nhan đề ‘Nguyễn Ðức Sơn. Kẻ ngộ nạn trần gian’
Gọi Nguyễn Ðức Sơn, Sao Trên Rừng hay Sơn Núi là một nhà thơ ngoại hạng, một thiền sư bụi đời hay một quái kiệt của văn chương đương đại Việt Nam dường như đều có thể.
Tôi ít có dịp gặp Nguyễn Ðức Sơn, nhưng cái cảm giác thân thiết, gần gũi mỗi khi gần anh thì rất tự nhiên. Phải chăng Nguyễn Ðức Sơn vốn có cái tâm không, dễ dàng dung chứa tha nhân? Tôi không tin thế. Ngược lại, tôi cho rằng anh Sơn cực kỳ khó chịu, vô cùng cực đoan và cô độc một cách thâm căn cố đế.
Ðồi thông Phương Bối, nơi gia đình Nguyễn Ðức Sơn nương náu từ 1979, thơ mộng nhưng cũng gian nan cay đắng. Nếu không phải là Nguyễn Ðức Sơn thì khó ai có thể kiên cường giữ được mảnh đất nghịch thường ấy đến bây giờ.
Tôi không bao giờ quên lần anh đeo cái túi vải đến nhà tôi với hầm bà lằng giấy tờ hồ sơ đất đai Phương Bối. Bằng chiếc xe gắn máy hiệu Chaly bé xíu, Nguyễn Ðức Sơn thường xuyên rong ruổi đường trường Bảo Lộc – Sài Gòn chạy vạy khắp nơi để nhờ cậy giúp đỡ, cũng như để thăm bạn bè.
Tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh một thiền sư – thi sĩ khoác túi vải nghiêng nghiêng bước đi trên sườn đồi trong nắng chiều vàng vọt hôm tôi cùng họa sĩ Trịnh Cung và nhà thơ Thận Nhiên lên Bảo Lộc thăm anh. Có gì đó vượt qua tất cả những hệ lụy của đời sống để chỉ còn là tiếng vọng của “càn khôn tịch mịch” (chữ của Nguyễn Ðức Sơn).
Thơ và đất đều cực nhọc.
Nguyễn Ðức Sơn làm nhiều thơ có hương vị thiền. Nhưng thú thật, tôi không thích thơ thiền của anh, cũng như của những thi sĩ làm thơ thiền khác. Không phải anh Sơn hay những người khác làm thơ thiền không hay, mà thơ thiền nói chung… không có gì mới, lạ. Quay đi, quay lại cũng chỉ là hư vô với hư không. Vô thường và… vô vị. Chán. Thiền, càng nói càng thừa.
Tôi thích Nguyễn Ðức Sơn ở những mảng thơ tràn trề nhục cảm. Thơ mộng và say đắm.
“ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt”
Hoặc:
“Con gái
Ngồi đái
Trên Trái Ðất
Rồi đi đâu mất”
Tôi cũng thích Nguyễn Ðức Sơn trong những lời thơ thô tục. Hùng hổ và bất khuất.
“Ðụ mẹ
Cây bông
Hắn không
Lao động
Ai trồng
Chật chỗ
Mày nhổ
Xem sao
Máu trào
Thiên cổ”
Tuy nhiên, cái lớn lao nhất của Nguyễn Ðức Sơn lại ở những cảm xúc tình thường của con người. Nỗi đau và sự chân thật. Ði thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh là một bài thơ bất hủ. Một viên kim cương trên vương miện của thi ca.
“Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát
Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài
Của tóc của chị của tình nhân
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm
Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng
Chị thu mình như một con mèo mun
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan
Chị thu mình như một đĩa hát cũ
Oh, my tormented heart
Buổi chiều chết trên cây thánh giá
Hãy quên tôi như một mũi tên
Hãy quên tôi như một loài chim đêm
Anh đưa chị về đây để tự vận
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống
Buổi sáng chị tắm sương mù
Buổi chiều chị đốt cỏ để hong đời chị
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
Sẽ đẻ ra một đứa con
Rừng và chị ôm nhau chết.”
Bài thơ này sẽ càng tuyệt vời hơn qua giọng đọc của nhà thơ Nguyễn Ðạt, mạnh mẽ và truyền cảm. Nhậu mà đọc thơ của mình thì dễ bị phạt, ngoại trừ Bùi Chí Vinh. Bởi vì khẩu khí thơ của Vinh là một loại rượu quý. Cũng như nghe đọc thơ của Nguyễn Ðức Sơn hay Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác trong những bữa nhậu thì chất ngất.
“Luận về không hay có
Ðâu bằng nhìn cái mồng của em
Sắp ló”
Hiện sinh và giải thoát, thơ Nguyễn Ðức Sơn là kinh của ngưỡng vọng con người về cái đẹp nhục thể. Ở Nguyễn Ðức Sơn, dâm tính hiển lộ một cách chân thật, đồng thời Phật tính cũng chân như kiến giải. Và nhờ thế, Nguyễn Ðức Sơn trở thành một con người ngoại hạng cả trong cách sống và thi ca.
NV – 6/2023 – Nguồn: Văn Việt