Trang Châu tên thật Lê Văn Châu, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1938 tại Huế. Thuở nhỏ theo học tại các trường Pellerin, Thiên Hựu (Huế), Yersin (Đà Lạt). Tốt nghiệp Y khoa năm 1966. Là bác sĩ quân y, phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù, kể từ 1966 đến năm 1971. Lập gia đình cùng bà Hoàng Kim Uyên (ái nữ của nhà thơ Hoàng Trọng Thược, á hậu Việt Nam năm 1966) và có hai con trai. Trước 1975, Trang Châu cộng tác với các tạp chí: Tiền Phong, Khởi Hành, Văn Học,… Tỵ nạn tại Montréal Canada từ năm 1977, hiện hành nghề tại phòng mạch tư. Tiếp tục sáng tác, nhưng ít gởi bài đăng báo. Tháng 6 năm 1987, được bầu làm chủ tịch Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Canada, trung tâm Quebéc. Tác phẩm đã xuất bản: Tình Một Thuở (1964), Y Sĩ Tiền Tuyến (bút ký, 1970). Tập bút ký Y Sĩ Tiền Tuyến từng đoạt giải thưởng văn học của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.

Trả lời phỏng vấn của Châu Hải Châu trên trang web Vuông Chiếu của Luân Hoán, Trang Châu cho biết ông làm thơ trước khi viết văn. Ông nói:

“…Ðộc giả biết tôi về thơ trong một trường hợp hạn hẹp. Ðộc giả của thơ tôi lúc ấy là nam nữ sinh viên các trường đại học và đặc biệt hai trường Gia Long và Trưng Vương. Lý do là lúc đó sinh viên Y Khoa Sài Gòn cho xuất bản nguyệt san Tình Thương, tờ báo duy nhất của sinh viên được bày bán tại các sạp báo. Tôi làm thư ký tòa soạn cho tờ Tình Thương trong 3 năm đầu. Sau khi tôi ra trường, tờ báo sống đến gần hết năm thứ tư thì bị đóng cửa vào năm 1966 vì lý do chính trị. Dạo ấy tôi làm toàn thơ tình cảm. Sang đây, thỉnh thoảng gặp lại vài cựu nữ sinh Trưng Vương, Gia Long còn thuộc lòng những bài thơ ngắn của tôi làm thời đó, làm tôi ngạc nhiên một cách thích thú…”

Về bút ký “Y Sĩ Tiền Tuyến”, Trang Châu cho biết tác phẩm Y Sĩ  Tiền Tuyến trải qua nhiều giai đoạn trước khi hoàn thành.

Xem thêm:   Khuất Đẩu & Tác phẩm cuối cùng

“…Thật tình tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ viết văn cả. Vào năm thứ 6 Y khoa, tôi ghi tên học Nhảy Dù. Học lấy bằng xong, anh em trong tòa soạn Tình Thương bảo viết lại diễn tiến của khóa dù vì nghe tôi kể lại thấy hấp dẫn. Và bài ‘Khóa 68 Nhảy Dù’ trong cuốn YSTT là đoản văn đầu tiên tôi viết.

“Về Nhảy Dù một thời gian, tôi viết về cuộc hành quân đầu tiên tôi tham dự với tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, đăng ở Tình Thương với nhan đề Thử Lửa. Lúc bấy giờ sư đoàn dù cho ra tờ Mũ Ðỏ, cho đăng lại bài này. Sau đó tôi rời tiểu đoàn 6 Nhảy Dù về làm Y sĩ trưởng tiểu đoàn 3 Nhảy Dù. Tiểu đoàn đóng quân ở ven đô, tôi tình cờ nghe đài Phát Thanh Quân Ðội loan tin cuộc thi bút ký chiến đấu, do tờ Tiền Phong (báo của quân lực VNCH) tổ chức và vì rảnh rỗi không biết làm gì ngoài việc khám bệnh cho binh sĩ, tôi viết bài gởi dự thi. Ðó là bài Ðường Ra Bến Hải. Bài được chấm giải nhất. Chánh chủ khảo tuyển chọn, sau này tôi mới biết là anh Nguyễn Ðạt Thịnh. Sau đó tôi rời tiểu đoàn 3 Nhảy Dù về làm việc tại bệnh viện Ðỗ Vinh ở căn cứ Hoàng Hoa Thám. Tôi viết thêm bài Hành Quân Di Dân và Một Cuộc Săn Du Kích đăng ở Văn Học và Tiền Phong. Giải Văn Học Nghệ Thuật của Ðệ nhị Cộng Hòa ra đời năm 1969, bây giờ tôi mới có ý định viết thành một cuốn sách để gởi đi dự thi. Tôi bỏ ra 5 tháng để viết phần còn lại và 1 tháng tự đánh máy. Cuốn sách được lấy tên Y Sĩ Tiền Tuyến…”

Về giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1969, Trang Châu cho biết thêm trong trả lời phỏng vấn của Châu Hải Châu trên Vuông Chiếu được Du Tử Lê trích dẫn trên Người Việt Online:

Xem thêm:   Vũ Hoàng Chương. Cung Tiến & Hoàng Hạc Lâu

“Năm đó có 3 tác phẩm trúng giải: cuốn Má Hồng của Ðỗ Tiến Ðức, Y Sĩ Tiền Tuyến của Trang Châu, Trại Ðầm Ðùn của Trần Văn Thái. Cuốn YSTT được nhà xuất bản Ðường Sáng in năm 1970. Ðợt đầu 5000 cuốn do Nguyễn ÐìnhToàn và Nguyễn Ðạt Thịnh viết lời giới thiệu đàng sau. 3000 cuốn sau, Mai Thảo viết lời giới thiệu ở trang sau. Tôi rất thích lời giới thiệu này, tôi còn nhớ anh Mai Thảo viết:

“ … Hạnh phúc và may mắn của một nhà văn mới lên đường như trường hợp Trang Châu là đi thẳng, đi ngay vào những thực tế lớn. Những thực tế nhỏ không chứng minh gì hết. Thực tế lớn bây giờ là tuyến đầu, là mặt trận, Trang Châu đã có mặt ở đó (…)

“YSTT là một tập ký, ghi nhận cảm nghĩ của một y sĩ theo chân một đơn vị Nhảy Dù hành quân. Tôi đã viết ra những điều mà nhiều người đã trải qua, nhưng không nói ra được, không tả ra được: Chiến tranh dưới cặp mắt một y sĩ. Tôi luôn luôn giữ ngòi bút trung trực. Viết về đơn vị mình, người viết thường dễ có khuynh hướng bốc thơm. Tôi đã không làm điều đó và không áp lực nào có thể bắt tôi làm điều đó…”

Tôi được tin cuốn Y Sĩ TiềnTuyến được giải thưởng một tháng trước khi Bộ Văn Hóa tuyên bố kết quả. Dạo đó, buổi chiều sau khi đi làm về tôi thay đồ xi vin ra quán Pagode ngồi uống nước với nhà văn Nguyễn Ðình Toàn. Khi gửi bản thảo Y Sĩ Tiền Tuyến đi dự thi tôi không nói với một ai. Có lẽ sợ tiết lộ ra lỡ không trúng giải thì quê!

Xem thêm:   Khí khái và trách nhiệm làm sao!

Tôi còn nhớ hôm đó ra quán Pagode, vừa thấy tôi Nguyễn Ðình Toàn vẫy tay lia lịa kêu tôi tới bàn anh:

– Này, toa trúng giải văn học nghệ thuật rồi đấy!

Tôi mở mắt to:

– Thật không ?

– Thật. Nguyễn Mạnh Côn, trong ban giám khảo nói thì làm sao sai được. Moa có hỏi vì sao giả chọn tác phẩm của toa thì giả nói vì nó “authentique.”

Tôi không bao giờ quên cái cảm giác lâng lâng khó tả trước tin mình được giải thưởng cao quý nhất lúc bấy giờ. Một tay viết tài tử với một tác phẩm còn dưới dạng bản thảo, đánh máy lèm nhèm, đã được các ông trong ban giám khảo chịu khó đọc và cho giải. Hôm tôi vào Dinh Ðộc Lập lãnh giải do chính tay Tổng Thống Thiệu trao, tôi mặc quân phục đại lễ trắng, đội mũ đỏ. Tôi muốn cho tất cả mọi người có mặt hôm đó thấy rằng, hiểu rằng xương máu, mồ hôi của quân nhân binh chủng Dù đã tạo nên tác phẩm này. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, ở trong ban giám khảo, đến tặng tôi 2 câu thơ viết trên lụa mà tôi còn nhớ:

“Y Sĩ ý hỵ mà hay !

Xông pha Tiền Tuyến quản gì gió sương.”

Trên trang web Diễn Ðàn Cựu Sinh Viên Quân Y, Trang Châu tâm sự: “Bốn mươi năm sau đọc lại tác phẩm mình, những dòng chữ của một thời tuổi trẻ, một tuổi trẻ bất hạnh, lớn lên trong máu lửa của chiến tranh nhưng cũng là một tuổi trẻ mà mình đã dám chọn cho mình một cách sống, để biết thế nào là yêu nước, thế nào là tình đồng đội và thế nào là tình người”.

Từ phải qua (ngồi): nhà thơ Trang Châu, nhà văn Song Thao, nhà văn Hoàng Xuân Sơn. (đứng) nhà thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn, nhà thơ Lưu Nguyễn, nhà văn Hồ Đình Nghiêm. Hình: Song Thao

NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp