Phạm Ngọc Lư là nhà thơ nổi tiếng, người gốc Thừa Thiên. Cựu sinh viên Viện Hán Học và Đại Học Văn khoa Huế. Anh bước vào con đường văn chương trong những năm sống và dạy học tại Tuy Hòa trước 1975. Phạm Ngọc Lư qua đời tới nay là đã 4 năm (mất ngày 26 tháng 5 năm 2017 tại Đà Nẵng). Anh để lại nhiều tiếc thương trong lòng bè bạn. Sau đây là một bài viết của Mang Viên Long về thời gian cùng dạy học với Lư ở Tuy Hoà. NGUYỄN & BẠN HỮU

Phạm Ngọc Lư tốt nghiệp trường Quốc Gia Sư Phạm Quy Nhơn khóa 4 niên khóa 1965 – 1967, ra trường được chuyển về dạy tại Tuy Hòa – Phú Yên. Lư học sau tôi một khóa, nhưng với thị xã Tuy Hòa thuở ấy, nhỏ nhắn và yên lành – chúng tôi dễ gặp nhau và trở nên thân thiết vì tình văn nghệ, tình đồng nghiệp, đều từ phương xa đến.

Thuở ấy, ở những tỉnh xa, thị xã nhỏ như Tuy Hòa, gặp thêm được bạn văn chúng tôi rất gần gũi quý mến nhau. Có thể do số lượng anh em tham gia sinh hoạt còn ít, phương tiện di chuyển khó khăn, và cuối cùng, dường như ai cũng đang bị “buộc chặt” với bao lo toan, bất trắc! Nhưng dầu chưa có dịp sum họp, cái tình văn sâu nặng vẫn đã có sẵn trong lòng mỗi người qua những sinh hoạt văn học nghệ thuật, qua tác phẩm của nhau, đã đọc, đã biết được…

Phạm Ngọc Lư 

Ở Tuy Hòa, chúng tôi vẫn thường gặp nhau sau những giờ đến trường, ngày Chủ Nhật, hay ngày nghỉ lễ; với các bạn văn, bạn đồng nghiệp quê Phú Yên như các anh Trần Huiền Ân, Ðỗ Chu Thăng, Hoàng Ðình Huy Quan, Nguyễn Phương Loan, Phạm Cao Hoàng, Phan Long Côn, Ðàm Khánh Hạ, Khánh Linh (…). Sau nầy có Nguyễn Lệ Uyên đang dạy học ở Châu Ðốc về thăm quê, có Võ Tấn Khanh từ Phan Rang ra thăm quê vợ. Thỉnh thoảng có thêm Lê Văn Thiện từ núi Sầm xuống, có Trần Hoài Thư, Lê Văn Trung, Phạm Văn Nhàn từ Qui Nhơn vô, có Thế Vũ, Trần Vạn Giã, Lê Ký Thương, Nguyễn Sa Mạc, Nguyễn Âu Hồng từ Nha Trang ghé lại, và  có thêm Triều Hạnh – một “nhà – thơ – học – sinh” mới tốt nghiệp trung học. Năm Lư về  Tuy Hòa thì Y Uyên chuẩn bị vào Thủ Ðức, Bùi Ðăng đang bị “thất lạc”…Dầu việc đi lại khó khăn là vậy, nhưng ở Tuy Hòa, chúng tôi cũng đã nhiều dịp tiếp đón nhà văn Võ Hồng về thăm quê, chị Minh Quân, anh Doãn Dân, Lữ Quỳnh, Nguyễn Kim Phượng, Mai Thảo, Duyên Anh, Vũ Hữu Ðịnh, Tạ Chí Ðại Trường (…). Tuy Hòa nhỏ, nhưng rất dễ thương là vậy! Mỗi lần có tin anh chị em văn nghệ từ phương xa ghé lại thăm, là y như chúng tôi đều có mặt, đều chia sẻ, đều vui mừng. Phạm Ngọc Lư rất sốt sắng trong chuyện nầy…

Xem thêm:   Đi thăm gian hàng sách Da Màu

Tuy Hòa có vài quán café dễ thương, thoáng mát như Cây Phượng, quán Nhớ, Hoài Bắc…Buổi sáng, trước giờ đến trường, chúng tôi thường hẹn gặp nhau ở những quán café, hay quán ăn điểm tâm, để trò chuyện, thông báo cho nhau tin tức bạn bè, tin tức văn nghệ biết được qua sách báo, thư từ của nhau…Thuở ấy, chúng tôi ít có thói quen “cụng ly” ào ào với nhau như bây giờ, nhưng vẫn thường lai rai thâu đêm bên “cỏ may thần tửu”  trong sân vườn nhà một người bạn, hay trên căn gác gỗ của nhà thơ Khánh Linh! Những lần gặp, Lư đều có mặt, nhưng anh ít nói, cũng ít cười! Chỉ  thầm lặng nghe. Vui lắm, chỉ nhếch môi, không nghe tiếng. Gương mặt Lư thường có vẻ gì khắc khổ, đăm chiêu, lạnh lùng…Nhưng trong ánh mắt anh, tôi hiểu – sự chia sẻ, cảm thông, vẫn có thể biết được, qua những câu nói ngắn ngủi, mà chân tình! Qua những bài thơ tâm huyết của anh với giọng ngâm Huế da diết, có lúc rắn rỏi, khí khái. đôi khi, quanh quẩn trong cái thị xã yên vắng chỉ có vài con đường phố nhỏ, cũng thấy buồn – chúng tôi rủ nhau về thăm miền quê…Thăm nhà một người bạn, hay một vài người học trò yêu văn, thăm vài di tích Phú Yên.

Gần Lư, tôi mới biết thêm người bạn đời của anh là người cùng quê Bình Ðịnh với tôi. Có lần về Qui Nhơn, Lư đã đưa tôi đến thăm nhà ở đường Nguyễn Huệ. Chúng tôi lại có thêm “sợi dây” đồng hương ràng buộc, ngoài tình văn, tình đồng nghiệp!

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và Phạm Ngọc Lư

Cũng như nhiều người, Lư lận đận từ sau năm 1975. Bẵng đi một thời gian dài gần 10 năm – bất ngờ, một buổi sáng Lư đã ghé An Nhơn thăm tôi. Vội vàng. Năm 1998, lang thang vào Saigon kiếm sống, tôi ghé thăm anh Trần Phong Giao – người thư ký tòa soạn tạp chí Văn năm xưa, được biết tin Lư đang lưu lạc từ quê nhà vào miền núi rừng Long Khánh để theo toán đào vàng; mạo hiểm để hy vọng tìm vận may, khi đã cùng đường! Rồi sau đó thất bại, trôi dạt đến Saigon, bây giờ là Ðà Nẵng

Năm 2003, tôi gặp lại Phạm Ngọc Lư ở Tuy Hòa cùng với Nguyễn Lệ Uyên, Võ Tấn Khanh. Giống như tôi, Lư rất nhớ Tuy Hòa, luôn tìm dịp vào thăm. Tuy Hòa đối với chúng tôi là nơi mở đầu cho nghề Thầy, cũng như bắt đầu cho bao ước mơ văn chương đã được ấp ủ của một thời tuổi trẻ. Khoảng tháng 6 năm 2008, tôi có dịp ra Ðà Nẵng, đã phone gặp Lư. Anh em ngồi lại mà ôn nhớ đủ thứ chuyện thăng trầm nơi chiếc quán café nhỏ; lòng ngậm ngùi, lạc lõng . Anh cho biết, để có thể ổn định đời sống, anh đã mở lớp dạy tư môn Anh văn, vợ bán buôn phố chợ…

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Gần khuya, Lư chở tôi trên chiếc Honda cũ về thăm nhà, quanh co bên kia cầu sông Hàn. Tôi gặp lại chị Quý – vợ anh, người vợ nặng tình của một nhà giáo, nhà thơ thất thế; nhưng trông chị rất vui khi nhắc lại chuyện cũ Qui Nhơn – Tuy Hòa, và những tháng năm không thể nào quên! Tôi đã biết chị rất đảm đang, chịu khó rất mực, trong những năm tháng lao đao…

Lúc nầy, ngồi nhớ lại – hình ảnh Phạm Ngọc Lư còn đọng lại trong tôi vẫn là một dáng dấp thầm lặng, cô đơn…

Và, tôi vẫn thường tự hỏi: “Chúng ta đều là những kẻ cô đơn chăng?”

MVL – Bình Định, 27.5.2017

Nguồn: Blog Phạm Cao Hoàng