Võ Hồng là một nghệ sĩ chân chính, là nhà văn luôn được quý trọng.

Võ Hồng sinh ngày 2/12/1922 (khai sinh ghi 5/5/1921) tại làng Ngân Sơn, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông là con một gia đình điền chủ, sớm mồ côi mẹ. Ông học trường làng, trường phủ Tuy An và trường tỉnh Sông Cầu rồi trường Collège Quy Nhơn. Năm 1940, ông đậu bằng Thành Chung, ra Hà Nội học tú tài.

Năm 1945, Võ Hồng lên Ðà Lạt. Sau đó, đến năm 1954, ông vào ở Nha Trang và dạy học tại các trường trung học Lê Quý Ðôn và Bồ Ðề. Ông lập gia đình với một giáo sư Anh văn và âm nhạc nhưng bà mất sớm. Ông sống một mình nuôi ba con còn nhỏ.

Truyện đầu tay của ông đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội) năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn. Các tác phẩm đã xuất bản của Võ Hồng gồm có các tiểu thuyết: Hoài Cố Nhân (Ban Mai, 1959), Hoa Bươm Bướm (Lá Bối, 1966), Người Về Ðầu Non (Văn, 1968), Gió Cuốn (Lá Bối, 1968), Những Giọt Ðắng (Lá Bối, 1969), Nhánh Rong Phiêu Bạc (Lá Bối, 1970), Như Cánh Chim Bay (tiếp Hoa Bươm Bướm, Lá Bối, 1971). Các tập truyện ngắn: Lá Vẫn Xanh (Thời Mới, 1962), Vết Hằn Năm Tháng (Lá Bối, 1965), Khoảng Mát (An Tiêm, 1966), Con Suối Mùa Xuân (Lá Bối, 1966), Bên Kia Ðường (Mặt Trời, 1968), Trầm Mặc Cây Rừng (Lá Bối, 1971), Áo Em Cài Hoa Trắng (Lá Bối, 1969), Trận Ðòn Hòa Giải (Lá Bối, 1970), Xuất Hành Năm Mới (Lá Bối, 1971). Ngoài ra Võ Hồng còn có tập Trầm Tư xuất bản trong nước được nhà Văn Nghệ tái bản ở hải ngoại. Thỉnh thoảng Võ Hồng cũng làm thơ  nhưng phần chính trong sự nghiệp của ông vẫn là văn -truyện ngắn và tiểu thuyết.

Nhà văn Võ Hồng – nguồn tuổi trẻ 

Võ Hồng qua đời ngày 31 tháng 3 năm 2013 tại thành phố Nha Trang. Thọ 92 tuổi.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Nhà văn Vĩnh Hảo đã viết như sau về Võ Hồng:

“Ở đây tôi không muốn bàn luận, phân tích, hay cất lời ca tụng về văn chương và văn nghiệp của nhà văn Võ Hồng, mà chỉ muốn ghi lại một kỷ niệm nhỏ của đời tôi khi nhớ về ông.

Tôi được đọc hai tác phẩm của ông từ thuở niên thiếu. Lúc ấy, người giới thiệu tôi đến với văn chương Võ Hồng là người anh kế, Vĩnh Hiếu, 12 tuổi. Người anh này đã đọc truyện Võ Hồng rồi giới thiệu cho đứa em 11 tuổi, là tôi. Anh ấy trực tiếp học nhà văn Võ Hồng (môn gì đó, hình như là Việt văn) ở trường Bồ Ðề Nha Trang. Cũng chính nhờ người anh này mà tôi được biết mặt, vòng tay cúi đầu chào “Thầy Võ Hồng” khi ông đến thăm song thân của tôi.

Có thể nói truyện dài đầu tiên tôi đọc trong đời là “Nhánh Rong Phiêu Bạt” của nhà văn Võ Hồng, đọc từ năm 1970 khi tác phẩm vừa được xuất bản. Sau đó là cuốn “Trầm Mặc Cây Rừng.” Rồi lác đác suốt mấy mươi năm sau đó, chỉ được đọc những truyện ngắn và tùy bút của ông qua báo chí và các websites.

Ký ức từ ấu thời của tôi chỉ ghi nhận được hình ảnh ông nhà văn cao nghệu, bước đi chầm chậm, nói năng nhỏ nhẹ… Nhưng có lẽ văn chương của ông đã đóng một dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi, cũng như trong đời làm văn của tôi. Văn, truyện của ông, từ nhỏ đến lớn, lúc nào đọc tôi cũng rơi lệ, cảm động, và hạnh phúc.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Ông là nhà văn lặng lẽ, hiền lành nhất, và chính cái lặng lẽ hiền lành này đã ảnh hưởng thật rộng và sâu đến nhiều thế hệ cầm bút (hay không cầm bút) đi sau ông.

Nếu phải dùng lời ngắn để mô tả về ông, tôi sẽ nói: một nhà văn trầm mặc sâu sắc, một nhà giáo mẫu mực đáng kính đáng yêu, một người cha tuyệt vời cho bất cứ đứa con nào trong cuộc đời.

Tôi muốn, lại được một lần, như cách nay trên 40 năm, vòng tay cúi đầu trước Thầy Võ Hồng, và được ông xoa đầu một cái thân thương… “(Vĩnh Hảo)

NGUYỄN & BẠN HỮU

Nhà văn Võ Hồng – nguồn tư vấn & bạn hữu

Thơ Võ Hồng

Di Ngôn

 

Sau khi tôi chết

Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết

Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi

Ðây: cây bút màu đen sớm tối không rời

Ðây: cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt

Kia:  chồng sách không bao giờ ngăn nắp

Này: góc vườn, hoa rụng trải lối đi

Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì

 

Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế

Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường

Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương

Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi

Ðợi một người đi không hẹn trở lại

 

Hun hút đường dài… vun vút xe qua

những dáng ngược xuôi… những cặp hẹn hò

Bầy chó lang thang… hàng cây đứng lặng

Chia sẻ nỗi niềm: từng ngôi sao xa

 

Người đi không về. Giờ đang nơi đâu?

Cực lạc non Bồng hay cõi Diêm phù

Ðêm trắng trải dài… . Mỏi mòn đêm trắng

Canh hai… canh ba… từng canh qua mau

 

Cho đến một ngày kia… tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ

Hạnh phúc yêu thương… Băng giá mây mù …

Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó

Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.

Võ Hồng – 1989