Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long, là một nhà văn miền Nam. Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc nhận định: Trong 5 nhà văn nữ nổi tiếng nhất của miền Nam thời kỳ trước 1975, có ba người gốc Huế: Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng. Người thứ tư gốc Bắc di cư: Trùng Dương. Chỉ có Nguyễn Thị Thụy Vũ là dân Nam bộ rặt. Văn chương của bà cũng đặc sệt chất Nam bộ, từ ngôn phong, từ ngữ sử dụng cho tới lời ăn tiếng nói, tính cách, hành vi của các nhân vật.

Năm 1965 bà lên Sài Gòn dấn thân vào nghiệp viết văn, bên cạnh đó còn kiêm việc dạy tiếng Anh cho những cô gái bán bar hoặc lấy Mỹ.

Trong 10 năm từ 1965 đến 1975, Thụy Vũ đã xuất bản 10 tác phẩm gồm 3 tập truyện ngắn: Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông; và 7 tiểu thuyết: Ngọn pháo bông, Thú hoang, Khung rêu (Giải thưởng Văn học Toàn quốc năm 1971), Như thiên đường lạnh, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Cho trận gió kinh thiên.

Sau 1975, Nguyễn Thị Thụy Vũ không thể tiếp tục cầm bút do tác phẩm bị quy là đồi trụy, bà phải bươn chải với những công việc khác để nuôi đàn con, trong đó có một người sống đời thực vật. Bà từng buôn bán vặt, làm lơ xe đò, làm rẫy, chăn dê, trồng cà phê… những công việc mà trước đó không ai hình dung nhà văn nữ này có thể kham được.

Hiện nay đời sống của bà tương đối ổn định khi bà về Bình Phước dựng nhà trên mảnh đất cha mẹ để lại. Ðó là sau khi bà nhận được sự giúp đỡ từ những bạn văn cũ qua bài viết của một bạn văn mô tả cuộc sống lây lất khốn khó của mấy mẹ con, vào đầu thập niên 2000. Bà đang sống với gia đình con trai, là một người tu tại gia chuyên việc hộ niệm, và cùng với họ là cô con gái út ngoài bốn mươi tuổi vẫn sống đời thực vật.

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ

Về cha của các con bà, nhà thơ Tô Thuỳ Yên, bà cho biết: Ổng đi học tập cải tạo. 13 năm ổng đi học tập, tôi có đi thăm ông một lần duy nhứt. Sau đó ổng đi Mỹ với gia đình… (theo NT Kim Cúc)

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Về chi tiết này, nhà văn Nguyễn Văn Sâm trong một bài viết nhan đề “Thụy Vũ: Mỉm cười với nghiệt ngã” ghi nhận: Tôi chợt buột miệng hỏi, rồi lại hối hận đáng lẽ không nên hỏi, về nhà thơ tác giả bài Ta Về, Anh Hùng Tận, chị không một thay đổi sắc mặt hay bất bình, trả lời như chuyện của người khác: ‘Ổng gọi về nhiều lắm nhưng mà không có nói chuyện với tôi, nói chuyện cả giờ với con dâu.’ Tôi nghe tiếng ổng liền nhớ đến biết bao nhiều lần trong truyện ngắn như là tự truyện chị dùng thiệt nhiều lần từ tía sắp nhỏ vừa thương mến vừa xót xa vừa cách phân.

Nhà văn Ðoàn Dự cũng cho biết:

Nói chung, về tình trạng của chị Thụy Vũ hiện nay, chị có 3 người con thì cháu Khôi Hạnh lấy chồng ở Long An, đời sống êm ấm, hạnh phúc nhưng vì đông con nên cũng không giúp gì được cho mẹ. Cháu Khôi Hạo đã có gia đình, có một con trai, trước đây làm nghề nuôi cá cảnh để bán và viết văn theo cái “gien” của bố và mẹ, cũng kiếm được đồng tiền nhưng không hiểu sao tự nhiên cháu đi tu (Phật giáo), để vợ con cho mẹ lo. Còn cháu thứ ba, Khôi Thụy, thì vẫn sống đời sống thực vật, u mơ không biết gì hết như cũ. Năm nay chị Thụy Vũ đã 78 tuổi, tất cả sự sống gia đình đều trông mong vào mấy con cá kiểng do vị “tu sĩ Phật giáo” truyền lại cho mẹ và mỗi tháng 100 đô-la do cháu Ðinh Quỳnh Giao, bác sĩ bên Mỹ, con gái của anh chị Tô Thùy Yên gửi về giúp đỡ. Cháu Ðinh Quỳnh Giao rất thương xót đứa em cùng cha khác mẹ tên Nguyễn Khôi Thụy đang nằm liệt giường. (Trích theo Phan Nguyên)

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Một điều an ủi cho Nguyễn Thị Thụy Vũ là những sách của bà (10 cuốn) đã được nhà Phương Nam tái bản: Tất cả đều là sách đã in tại Sài Gòn trước 1975, đây có thể xem là toàn bộ sự nghiệp văn chương của bà, đã được Công ty Sách Phương Nam mua tác quyền: Lao vào lửa, Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang, Mèo đêm, Chiều mênh mông, Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên…

Ðược hỏi bà cảm thấy thế nào khi tất cả tác phẩm trước năm 75 đều đã được tái bản. Nguyễn Thị Thụy Vũ thành thật trả lời: “Tôi rất vui. Sách in đẹp, tất cả lỗi chính tả đều được sửa rất kỹ. Tôi thấy mình thật may mắn khi nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều bè bạn, cả bạn cũ và bạn mới. Tôi xin cảm ơn cuộc đời và bè bạn…”

Tất nhiên là chúng ta cùng chia sẻ niềm vui với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Nhân đây cũng xin trình bày rõ thêm về những nỗi vất vả và khổ đau vô cùng tận cùng những may mắn dù có hơi trễ muộn trong đời nhà văn.

Thụy Vũ tâm sự với nhà báo Ngô Thị Kim Cúc:

“Cuộc sống sau ‘giải phóng’ vô cùng khó khăn. Tui một mình nuôi bầy con nheo nhóc, có đứa bị thiểu năng nằm một chỗ. Tui phải để nó cho mấy đứa lớn cho ăn, chăm sóc còn mình thì đi làm thuê bán vé xe bus cho một người bạn.

“Xe chạy tuyến Thủ Ðức – Sài Gòn, từ sáng đến tối mịt mới về nhà. Về đến nhà thấy con cái đứa thì nằm ngủ trên vũng nước đái, đứa lêu lổng đi chơi không cho em ăn… nhìn cái cảnh đó tui muốn chết đi cho rồi. Khó khăn quá, năm 1980 tui bồng bế tụi nhỏ về Bình Phước nương nhờ má cho đến bây giờ,” bà kể.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Xưa tui bỏ nó ở nhà đi làm báo, nó bị té, ảnh hưởng não nên nằm một chỗ đến giờ, vậy mà giờ nó nuôi tui bằng tiền từ thiện bạn bè, các nhà hảo tâm thương tình giúp đỡ…”

Làm nhiều nghề kiếm sống nuôi con, từ chăn dê, buôn bán, trồng tiêu… cây bút nữ dấn thân nhất của văn đàn miền Nam trước 1975 đã không còn viết gì nữa kể từ sau “giải phóng”. Bà kể: “Ổng (tức, Tô Thùy Yên) thì theo gia đình vợ con ổng đi sang Mỹ, có đời sống riêng. Tui làm đủ nghề lo cho con.

“Ba đứa con tui cũng thành nhân, yên bề gia thất. Có một thằng làm thơ, người ta nói nó có chịu ảnh hưởng của cha nó. Nhưng mấy con tui, đứa nào cũng nghèo, chẳng giúp gì được mình. Tui sống nhờ đứa con bị tàn tật.

Người mô tả về xã hội bên lề Sài Gòn khốc liệt một thuở lại cũng chính là người chịu đựng những hệ lụy mà chiến tranh để lại.

Trở lại văn đàn trong nước sau gần nửa thế kỷ, trong bối cảnh sách vở văn chương đang ở vào một giai đoạn hỗn loạn và phân hóa mạnh mẽ, thì tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ minh chứng rằng, những gì là chân giá trị sẽ không bị phủ lấp dưới bụi thời gian và những định kiến.

Xin được cảm thông với bao nỗi đời nghiệt ngã của nhà văn và mừng bà bước vào giai đoạn gọi là yên vui của cuộc đời. Tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ chắc chắn sẽ còn sáng mãi với thời gian.

NGUYỄN & BẠN HỮU – tổng hợp