Lữ Quỳnh là bút hiệu của Phan Ngô, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên-Huế. Thân phụ mất sớm, lúc một  tuổi. Tuổi nhỏ phần lớn sống tự lập. Học sinh Quốc Học-Huế năm 1959-1962. Dạy học, trường Bán công Vinh Lộc 1962-1963. Cựu Sĩ Quan VNCH (Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Ðức, ngành HC Quân Y) Ðơn vị phục vụ : *Tổng Y Viện Duy Tân – Ðà Nẵng năm 1965-66. *Tiểu đoàn 22 Quân Y (SÐ22BB) -Bình Ðịnh, năm 1967-70, *Quân Y Viện Quy Nhơn, năm 1971-75.  Có mười năm sống ở Quy Nhơn. Tại thành phố này, trong một số sinh hoạt, được gặp các anh Quách Tấn, Võ Phiến; các bạn văn Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Mộng Giác, Doãn Dân, Trần Hoài Thư, Lê Văn Ngăn, Võ Chân Cửu….

Sau 1975, “Học tập cải tạo” ở trại Cồn Tiên, Ái Tử (Quảng Trị).

Là một trong ba sáng lập viên (gồm Ngy Hữu, Lữ Kiều) đầu tiên của tạp chí Ý Thức, hậu thân tờ Gió Mai ở Huế 1958. Ý Thức qua nhiều giai đoạn in ấn từ roneo, typo đến offset, tòa soạn di chuyển theo chân Ban biên tập. Cho đến 1970, Ý Thức được cấp giấy phép xuất bản tại Sài Gòn, trở thành Tạp chí Bán nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật, với số ra mắt phát hành rộng rãi bởi nhà Ðồng Nai, số lượng lên tới 7,000 bản. Lúc này, Nguyên Minh là chủ báo với sự cộng tác của: Châu Văn Thuận, Trần Hoài Thư, Nguyên Thạnh, Ðỗ Nghê, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Mộng Giác, Ngụy Ngữ, Trần Nhựt Tân, Nguyễn Ước, Võ Tấn Khanh, Phạm Ngọc Lư, Bửu Chỉ, Huỳnh Hữu Ủy, Trần Hữu Lục …..Tạp chí Ý Thức ra được 24 số thì đình bản.

Nhà thơ Lữ Quỳnh 

Từng cộng tác: Tạp chí Mai (1961), Phổ Thông (1960), Bách Khoa (1962), Khởi Hành, Thời Tập (1972), Ý Thức (1970), Nhật báo Công Dân-Huế (1960-61) mà tiền nhuận bút đã trở thành sinh hoạt phí của tác giả trong những năm cuối trung học [Ở trong nước]. Và Văn Học, Hợp Lưu, Khởi Hành, Tân Văn…[Ở hải ngoại, từ 2001]

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Tác phẩm đã xuất bản:

– CÁT VÀNG, Tập truyện (NXB Ý Thức, Sài Gòn 1971; NXB Văn Mới tái bản, Calif. 2006)

– SÔNG SƯƠNG MÙ, Tập truyện (NXB Ý Thức, Sài Gòn 1973)

– NHỮNG CƠN MƯA MÙA ÐÔNG, Truyện vừa (NXB Nam Giao, Sài Gòn 1974; NXB Thư Quán Bản Thảo tái bản, NJ. 2010)

– VƯỜN TRÁI ÐẮNG, Truyện dài (Đăng nhiều kỳ trên tạp chí Ý Thức, Sài Gòn 1971-1972)

– SINH NHẬT CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG CÒN TRẺ, Tập thơ (NXB Văn Mới, Calif. 2009).

– ÐI ÐỂ THƯƠNG ÐẤT NƯỚC MÌNH, Ký (NXB Văn Mới, Calif. 2012)

Ðến Hoa Kỳ năm 2000,  Hiện định cư cùng gia đình ở San Jose, California.

Thơ Lữ Quỳnh

Mùa đông, những ngày bình yên

 

Bắt đầu những ngày bình yên

Ngắm mùa đông

Ấm áp trong tóc em

Trong ánh mắt reo vui

Bữa cơm chiều.

 

Lần đầu tiên ở xứ người

Hiểu thế nào hạnh phúc

Khi cỗ máy ầm ào hằng đêm

Cùng ánh đèn cao áp

Không còn giành giựt với trái tim

Nhịp đập.

 

Mùa đông

Cây thông Giáng sinh

Lấp lánh quả cầu giấy bạc

Nhớ quê nhà những chiều mưa

Trên sân gạch nở đầy

Bong bóng nước

Em mặc áo len vàng

Tung tăng cánh đồng ký ức

Cánh đồng mùa xuân

Hoa cúc vàng nở rực.

 

Mùa đông này

Trời trong veo và rất lạnh

Hai bàn tay buốt cóng

Cầm nỗi nhớ nhà

Ði lang thang

Qua Tự Do, Lê Lợi

Ngừng Givral

Nhìn bạn bè đứa còn đứa mất

Rượu tràn ly

Nói cười

Chuyện thiên đường địa ngục.

 

Lần đầu tiên

Hiểu thế nào bình yên

Là lúc

Nỗi cô đơn dịu dàng

Cùng mùa đông

Bắt đầu thắp

Những ngọn nến hồng

Trên mặt đất.

 

Xem thêm:   Ngô Thế Vinh: nhà văn của một thời bão nổi

Giấc mơ

 

Chiếc piano treo ngược trước khán phòng

Hoàng tử bé một mình trên sân khấu

Hát trường ca Dã Tràng

 

Có tiếng vỗ tay râm ran

Trên từng hàng ghế trống

Lạnh lẽo gió thiên đường

 

Những ngọn nến thắp bằng ánh sao

Soi trái tim khô

Ðang nảy mầm bất tử

 

Bầy quạ giăng hàng trên dây thép

Những nốt nhạc đen giữa hoàng hôn

Chập chờn trùng vây mộ địa

 

Sao em giờ đây phố thị

Một mình cười nẻ răng

Với giọt nước mắt hồng?

 

Chép một tờ kinh

tặng anh Đinh Cường

 

mở trang kinh. chỉ thấy mây

thiền tâm thanh tịnh niệm ngay di đà

tranh hoàng hôn. cảnh tuyết sa

giọt vàng giọt đỏ. nhạt nhòa giọt tôi

mở tờ kinh. chẳng có lời

quang minh thanh tịnh chiếu soi cõi người

giấc yên. trời lặng. xanh trôi

chép mừng tranh mới. sáng ngời chân như

LQ