Trần Dạ Từ và Nhã Ca những tác giả quan trọng của văn học Miền Nam từ trong nước ra đến hải ngoại. Anh chị hiện cư ngụ ở Thụy Điển để hưu dưỡng tuổi già. Cũng như tất cả những người lớn tuổi khác, sức khỏe rất mong manh nhưng anh chị vẫn không ngưng hoạt động trong lãnh vực văn chương.

Ngày 10 tháng 2 năm 2023, một buổi ra mắt sách Nhã Ca được tổ chức tại The Villa, 15081 Beach Blvd, Westminster California nhân sinh nhật 80 tuổi của nhà thơ . Được biết buổi ra mắt sách do một nhóm thân hữu, bạn của Hòa Bình, ái nữ của anh chị tổ chức để đón mừng anh chị từ Thụy Điển về Mỹ thăm nhà. Có một tập Thơ, tập Truyện ngắn, cuốn Hồi Ký, cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế và một số sách khác. Tất cả là chuyện đã in thành sách. Cuốn O XƯA gồm một số truyện ngắn Nhã Ca viết trong thời gian làm Việt Báo ở California, phát hành lần đầu. Buổi sinh hoạt thu hút khoảng trên 200 người từ các nơi đến tham dự. Nhiều người đã lên phát biểu, ta thấy có Ngô Nhân Dụng, Ngu Yên. Có đọc thơ và múa hát rộn ràng. Dịp này nhà thơ Trần Mộng Tú đã phỏng vấn Nhã Ca, bài viết được đưa lên trang Diễn Đàn Thế Kỷ. Sau đây là những trích đoạn của bài viết. Tựa đề trên do chúng tôi đặt. Cảm ơn nhà thơ Trần Mộng Tú. NGUYỄN & BẠN HỮU

Trần Mộng Tú

Lời của Nhã Ca: Thời nhỏ, tôi học trường Ðồng Khánh Huế. Từ đầu năm 1954, tôi tham dự một tờ báo chép tay của một nhóm sinh viên, học sinh có tên là Hồn Xuân với một truyện dài tên “Ðường Một Chiều”. Sau hiệp định Geneve, đất nước chia đôi, tờ “Hồn Xuân” mới ra được 3 số thì tự ý đình bản. Có lẽ truyện dài đầu tay dang dở “Ðường Một Chiều” cũng là con đường tôi theo một đời cầm bút.

Năm 1955 tôi làm thơ học trò ký tên Thu Vân, đăng trên báo nhà trường rồi gửi đăng trên các báo Sài Gòn như tờ Văn Nghệ Tiền Phong, Văn Nghệ Học Sinh, Nguyệt San Văn…Những bài gửi đăng của tôi bắt đầu được nhận tiền nhuận bút. Năm 1958 tôi lấy bút hiệu cho mình là Trần Thy Nhã Ca, chính thức đi vào ngành viết văn với những bài đăng ở báo Hiện Ðại của nhà thơ Nguyên Sa. Năm 1960 tôi bỏ Huế vào ở hẳn Sài Gòn, cùng với chồng tôi, Trần Dạ Từ và một số bạn hữu chủ trương tuần báo Ngàn Khơi…(có lẽ tôi phải giới thiệu về người bạn đời, mà nếu không có tình yêu và lập gia đình với Trần Dạ Từ, tôi cũng không có cơ hội trở thành một nhà văn, sống và viết. Vâng, khi thơ văn của tôi được đăng trên các báo ở Sài Gòn, tôi có dịp kết bạn với một số cây viết trẻ. Tôi được các bạn giới thiệu cho quen biết một người bạn trẻ của họ. Bạn ấy tên là Hoài Nam, về sau này là Trần Dạ Từ. Khác với các bạn viết văn, làm thơ tài tử, Trần Dạ Từ là “nhân vật tòa soạn”, người trả lời hộp thư của tòa báo “Văn Nghệ Học Sinh”, lại vừa thầy cò (người sửa bài) kiêm biên tập viên duy nhất của tờ báo bên cạnh Tổng Thư Ký. Rồi bị cả ngàn bài thơ tình tấn công, và sau hai năm viết thư cho nhau, Trần Dạ Từ lần đầu tiên ra Huế, chúng tôi gặp nhau vào buổi tối mùng một Tết Việt Nam năm 1958. Câu chuyện của chúng tôi làm ồn ào thành phố Huế. Bị gia đình ngăn cản, tôi bỏ nhà vào Sài Gòn, ở hẳn trong một trường nội trú. Xong thời nội trú, một năm sau tôi về Huế để làm lành với gia đình, rồi trở lại Sài Gòn, in thiệp cưới.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Năm 1962, sinh con gái đầu lòng, và cứ thế, liên tiếp thêm 5 người con…

Năm 1964, tập thơ “Nhã Ca mới” ra đời, bút hiệu chỉ còn Nhã Ca. Cuối năm tập thơ “Nhã Ca mới” đoạt giải thưởng Thi Ca Toàn Quốc. Cũng cùng năm, nhà xuất bản Nguyễn Ðình Vượng ấn hành truyện dài đầu tiên “Bóng Tối Thời Con Gái”. Nhà xuất bản An Tiêm phát hành tập truyện “Ðêm Dậy Thì”

Cuối năm 1967 tôi về Huế chịu tang cha, vài ngày sau, qua năm Mậu Thân đầu năm 1968 tôi nhân luôn cái tang chung của thành phố Huế. Trở về Sài Gòn, tôi viết “Giải Khăn Sô Cho Huế”.

Sau tháng Tư 1975, cả hai vợ chồng chúng tôi đều bị bắt cầm tù. Trần Dạ Từ bị giam cầm 13 năm. Nhờ Pen và Amnesty cùng chính phủ Thụy Ðiển can thiệp, mãi đến tháng 9 năm 1988, Trần Dạ Từ mới được ra khỏi nhà tù và gia đình chúng tôi mới rời Việt Nam sang định cư ở Thụy Ðiển.

Nhã Ca

Và đúng là chúng tôi đã sống với nghề làm báo, viết văn ở thời Việt Nam Cộng Hòa. Mới đây, trong một buổi sinh hoạt với các sinh viên đại học và một số bạn trẻ ở Úc, ở Canada, ở Việt Nam. Họ có một câu hỏi có phải trước 75 tôi là người phản chiến. Tôi trả lời: Trong hai nền Ðệ nhất và Ðệ nhị Việt Nam Cộng Hòa và thời có Mỹ là đồng minh, không phải chỉ có mình tôi phản kháng, mà một số trí thức, cả báo chí, văn nghệ sĩ đều lên tiếng chống đối khi thấy phía người Mỹ hay chính phủ làm những điều trái lòng dân. Nhà báo viết bài chỉ trích, sinh viên, học sinh biểu tình… Nhưng sau năm 75, khi thấy sự độc tài, áp bức, thù hận của cộng sản, tôi mới thấy thời Cộng Hòa con người được quyền không đồng ý, được quyền chống đối, phát biểu mà không một ai bị trả thù, thủ tiêu, bắt bỏ tù. Mới nhận ra rằng cái chế độ Việt Nam Cộng Hòa mới có tự do, có quyền làm người, có dân chủ.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Sau 75, vợ chồng đều bị tù đày, gia đình tan tác. Hơn một năm sau tôi được ra khỏi tù, nhưng bị quản thúc và buộc nhiều điều kiện nếu muốn được sống yên. Tôi đã không được yên. Ðầu tiên khi ra khỏi tù, tôi nhặt nhạnh những đứa con sống tách rời từ những người thân trong gia đình về. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, sau khi giấu được nhà văn Mai Thảo và lo cho anh vượt biên thoát, mặc dù nghèo, không đủ ăn, gia đình tôi vẫn bị ghép vào thành phần tư sản và đuổi đi kinh tế mới để đoạt nhà dù nhà mẹ tôi đứng tên. Tôi và các con phải nhiều lần trốn ra khỏi nhà, về miền quê để tránh lùng bắt.

Tôi không hiểu bằng cách nào mà chúng tôi, gồm một mẹ già, gia đình em gái và các con có thể sống sót được trong suốt một thời gian dài đen tối. Có thể là do lòng tử tế của một số bạn bè, người thân, mà khi tôi kể với vị thầy kính mến của tôi là Hòa Thượng Trí Thủ, Thầy tôi nói: “Ðó là ơn nghĩa chúng sanh”. Dù trong hoàn cảnh mà cái chết như đã có lần treo trên sợi tóc, tôi vẫn cố gắng để sống còn. Chồng trong ngục tù, các con bị đuổi học, cuộc sống thiếu thốn, tôi vẫn nuôi hy vọng, bằng đủ cách để thoát ra khỏi hai nhà tù. Tôi đã may mắn gặp những người bạn Thụy Ðiển, và từ những người bạn này, chồng tôi đã ra khỏi nhà tù và chúng tôi được đến một xứ sở thanh bình. Tại Sài Gòn vào năm 1978 khi nhà báo Tom Hansson của nhật báo Svenka Dagbladet, Thụy Ðiển gặp và phỏng vấn, đã viết: “Sau năm 1975, Nhã Ca không viết gì nữa. Nhưng bà vẫn nói: Tôi giữ trong lòng. Một ngày nào đó, tôi sẽ viết”.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Và ngày đó cũng đã tới. Tôi đã viết lại.

Chúng tôi đã kê lại bàn viết ở Thụy Ðiển. Tại đây, tôi đã viết xong “Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng”, truyện dài “Hoa Phượng Ðừng Ðỏ Nữa”, tập truyện “Sài Gòn Cười Một Mình”.

Năm 1990 tôi sang Mỹ ra mắt cuốn truyện dài “Hoa Phượng Ðừng Ðỏ nữa”.

Và năm 1992, chúng tôi sang định cư tại Mỹ, có giấy phép ra tờ nhật báo Việt Báo tại Little Saigon, CA.

Chúng tôi quyết định sang California vì nơi đây nhiều đồng hương, bạn bè, có nhiều sinh hoạt văn học nghệ thuật, và cũng có lẽ do cái nghiệp làm báo thôi thúc.

Sang Mỹ ngoài làm báo cùng chồng là Trần Dạ Từ, Nhã Ca tiếp tục làm thơ và viết văn riêng cho mình.

Về vấn đề này, Nhã Ca cho biết:

“Tôi vẫn tiếp tục viết sách, ra sách và phụ chồng làm báo. Chúng tôi có một số anh chị em cùng làm chung vơi nhau. Sự thành công của chúng tôi không phải là sự thành công của tờ báo, mà là sự gắn bó của anh chị em, họp nhau thành một gia đình Việt Báo. Ngoài ra chương trình “Viết Về Nước Mỹ” cùng giải thưởng hàng năm cho chúng tôi biết nhiều tác giả, nhiều người viết mới, mỗi người một cách về sự hòa nhập của người Việt vào miền đất mới, cuộc sống mới, và chúng tôi lại có thêm một gia đình đông hơn, lớn hơn “Viết Về Nước Mỹ”.

Ðược hỏi: Cuối cùng tại sao chị lại chọn Thụy Ðiển để sống tuổi già thay vì ở Mỹ?

Nhã Ca: “Ðúng là sau cùng chúng tôi chọn Thụy Ðiển để dưỡng già. Chúng tôi mang ơn xứ sở này đã giúp đỡ và cưu mang chúng tôi. Ðây là một đất nước thanh bình, đời sống giản dị, thiên nhiên và khí hậu trong sạch, con người tử tế, nhất là yên tĩnh. Người lớn tuổi như chúng tôi cần sự tĩnh lặng.”

TMT